Phân công đầu năm học, hiệu trưởng, tổ trưởng nâng lên đặt xuống, GV vẫn tâm tư

15/08/2024 06:52
NGUYÊN KHANG
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Công việc phân công nhiệm vụ năm học trong nhiều trường học không phải bao giờ cũng suôn sẻ, thuận lợi mà hằng năm vẫn có những ý kiến thắc mắc, so bì.

Thời điểm này, Ban giám hiệu nhà trường đã bắt đầu yêu cầu các tổ chuyên môn dự kiến phân công nhiệm vụ cho năm học 2024-2025 để nhà trường lấy cơ sở phân công nhiệm vụ năm học chính thức cho từng giáo viên trong đơn vị. Công việc này, tổ trưởng chuyên môn là người chịu trách nhiệm chính và nhiều khi họ cũng gặp những áp lực, phiền toái.

Bởi lẽ, Ban giám hiệu phân bổ số tiết cho tổ chuyên môn; số tiết chủ nhiệm lớp; số tiết kiêm nhiệm một số công việc khác. Tổ trưởng chuyên môn sẽ căn cứ vào số lượng giáo viên và số lượng công việc được giao để thực hiện dự kiến phân công của tổ.

Tuy nhiên, để có được bản dự kiến phân công của tổ thì tổ chuyên môn phải tiến hành họp hoặc tổ trưởng sẽ điện thoại để trao đổi với từng giáo viên trong tổ của mình.

Tâm lí chung của một bộ phận giáo viên muốn mình được phân công càng ít lớp, ít khối và cùng buổi dạy để thuận lợi cho công việc riêng của mình. Những công việc kiêm nhiệm như: chủ nhiệm lớp; giám thị; quản lý phòng thiết bị…thì nhiều giáo viên tìm cách từ chối. Một số giáo viên không được phân công như ý muốn thì tỏ thái độ không vui.

z5673183114904-6a40e36a28a7a065ffa0510860dd5680-615.jpg
Ảnh minh hoạ trên giaoduc.net.vn.

Một bộ phận giáo viên luôn muốn phần việc nhẹ về mình

Theo quy định hiện hành, giáo viên cấp Trung học cơ sở dạy 19 tiết/ tuần, giáo viên cấp Trung học phổ thông dạy 17 tiết/ tuần. Quy định cứng là vậy, nhưng trong từng trường học ngoài việc giảng dạy trên lớp, nhà trường còn có thêm nhiều công việc kiêm nhiệm khác và việc kiêm nhiệm này sẽ được giảm trừ định mức giảng dạy.

Thế nhưng, phần nhiều giáo viên không muốn kiêm nhiệm hay phụ trách thêm một công việc khác mà họ chỉ đơn thuần mong muốn được phân công dạy theo định mức quy định.

Nếu không phải kiêm nhiệm công tác khác, giáo viên bộ môn chỉ dạy tối đa 4-5 buổi (nếu trường dạy 1 buổi) hoặc 2- 2,5 ngày (nếu trường dạy cả ngày) là xong công việc của mình. Những ngày còn lại, nếu không phải họp Hội đồng sư phạm; họp tổ chuyên môn; họp chi bộ thì giáo viên chủ động được thời gian, ít phải vào trường. Giáo viên có thể dạy thêm, làm thêm những công việc khác.

Trái ngược với những giáo viên chỉ đơn thuần dạy lớp, những giáo viên kiêm nhiệm thường phải vào trường với số buổi nhiều hơn, công việc đột xuất của nhà trường cũng thường xuyên hơn, nhất là dịp đầu năm, cuối năm học hoặc khi tổ chức các phong trào, các hội thi.

Những giáo viên được phân công chủ nhiệm lớp thì tuần tựu trường phải vào thường xuyên để ổn định lớp; trong năm học cũng thường phải đi số buổi nhiều hơn. Các hoạt động tập thể của học sinh thì giáo viên chủ nhiệm đều được triệu tập để quản lý lớp.

Hơn nữa, công việc này gắn liền với công tác thu tiền, như: học phí; bảo hiểm y tế; bảo hiểm tai nạn; thu các loại quỹ; các khoản dịch vụ; vận động xã hội hóa giáo dục khi nhà trường có chủ trương…nhiều khoản thu phải có biên lai thu, biên lai quyết toán.

Những công việc liên quan đến tiền thường phức tạp, mệt mỏi vì chủ nhiệm ở những trường thuộc khu vực khó khăn thu kéo dài mãi chưa xong. Ngay cả những trường có điều kiện vẫn có tình trạng một số học sinh đóng tiền chậm trễ.

Vì thế, giáo viên chủ nhiệm vào lớp không chỉ đơn thuần là dạy mà còn phải phổ biến, vận động, nhắc nhở học sinh đóng tiền, thu tiền và giải quyết nhiều việc phát sinh của lớp mình quản lý.

Bên cạnh đó, giáo viên chủ nhiệm còn phải vận động học sinh –nếu có học sinh bỏ học, học sinh có nguy cơ bỏ học; giải quyết hoặc tham gia Hội đồng kỷ luật khi có học sinh vi phạm. Phải liên hệ với phụ huynh khi học sinh vắng học, trốn tiết, học sinh lơ là trong việc học hành. Cuối năm, phải nhận xét hạnh kiểm (rèn luyện) học trò và kiểm tra các loại hồ sơ lớp chủ nhiệm.

Đặc biệt, những thầy cô chủ nhiệm lớp cuối cấp khá vất vả khi học sinh xét tốt nghiệp; làm hồ sơ thi tuyển sinh 10; thi tốt nghiệp Trung học phổ thông. Bởi, những năm gần đây ngoài một số bước, một số giấy tờ thu nhận trực tiếp thì các địa phương đang thực hiện việc đăng ký, làm hồ sơ qua dịch vụ công nên những thầy cô mà yếu công nghệ thông tin áp lực vô cùng.

Vậy nên, nếu như những tổ mà thừa nhiều giáo viên, nhà trường phân công tất cả giáo viên trong tổ phải chủ nhiệm lớp (nếu không sẽ không đủ định mức tiết dạy) thì không ai có thể né được nhưng những tổ mà Ban giám hiệu chỉ phân công một vài chủ nhiệm nhưng trong tổ có hàng chục giáo viên thì nhiều người tìm cách né tránh.

Ai cũng tìm một lý do chính đáng, thuyết phục để không phải chủ nhiệm.

Không chỉ công việc chủ nhiệm lớp mà nhà trường còn phân công thêm một số công việc khác nữa, như: tư vấn học đường; giám thị; giáo vụ; quản lý phòng thiết bị. Khổ nỗi, những công việc kiêm nhiệm này tính theo số tiết hành chính nên phải đến trường nhiều buổi hơn việc lên lớp giảng dạy mà những công việc do Ban giám hiệu trực tiếp giao việc, giám sát, quản lý.

Ngoài ra, không hiếm trường hợp có những giáo viên xin được dạy buổi sáng, không dạy buổi chiều; hoặc khi mới triển khai chương trình 2018 xin dạy lớp trên, khi triển khai lên lớp trên lại xin dạy lớp dưới để xin giáo án, các loại kế hoạch giáo dục của giáo viên khác…

Vì vậy, công việc phân công nhiệm vụ năm học trong nhiều trường học không phải bao giờ cũng suôn sẻ, thuận lợi mà hằng năm vẫn có những ý kiến thắc mắc, so bì, thị phi nếu mình bị phân công công việc không được như ý muốn.

Cái khó của tổ trưởng chuyên môn và Ban giám hiệu nhà trường

Để có bản phân công nhiệm vụ chính thức trong từng năm học ở các nhà trường, thông thường, các trường học sẽ thực hiện theo 2 bước.

Bước 1 là các tổ chuyên môn dự kiến phân công; bước 2 là nhà trường phân công chính thức.

Việc dự kiến phân công ở những tổ ít giáo viên sẽ không khó, nếu không muốn nói là rất đơn giản vì mỗi người dạy 1 khối, hoặc 2 khối là xong. Nhưng, những môn học nhiều tiết có hàng chục giáo viên, nhất là những tổ ghép, có nhiều môn học, nhiều phân môn thì việc phân công bao giờ cũng áp lực.

Tổ trưởng chuyên môn phải làm sao có những dự kiến hài hòa, luân phiên được công việc phân công nhiệm vụ giữa các thành viên trong tổ trong từng năm học. Đôi lúc phải thuyết phục để nhận được sự chia sẻ của tổ viên.

Có khi, tổ dự kiến giáo viên này chủ nhiệm lớp nhưng lên Ban giám hiệu họ lại không đồng ý vì cho rằng công tác chủ nhiệm của giáo viên này không tốt. Quản lý 1 lớp học mấy chục học sinh nếu giao cho một chủ nhiệm không nhiệt tình, không có cách quản lý tốt thì nền nếp lớp nhà trường sẽ ảnh hưởng.

Vì thế, tổ trưởng lại phải làm tư tưởng giáo viên khác, có những giáo viên năm nào cũng được tổ trưởng động viên làm chủ nhiệm vì họ làm tốt, nhà trường cũng muốn như thế.

Song, có những công việc khác như làm giám thị, phụ trách phòng thiết bị thì tổ trưởng, Ban giám hiệu muốn những thầy cô mà chuyên môn không tốt bằng những giáo viên khác trong tổ đảm nhận nhưng những giáo viên này lại chối từ vì họ muốn dạy lớp chứ không muốn kiêm nhiệm công việc. Những lúc như vậy, tất nhiên là tổ trưởng và Ban giám hiệu phải thuyết phục để giáo viên nhận nhiệm vụ.

Nhìn chung, công việc phân công đầu năm học bao giờ cũng có những áp lực cho tổ trưởng và Ban giám hiệu. Nếu dùng mệnh lệnh giao nhiệm vụ đơn thuần thì không khó nhưng hiệu quả công việc có thể sẽ không đạt được như mong muốn.

Vì thế, nhiều tổ trưởng, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng muốn giáo viên trong các tổ chuyên môn thỏa thuận, thống nhất trên tinh thần tự nguyện, vui vẻ thì công việc của năm học mới có thể thuận lợi và có hiệu quả.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYÊN KHANG