Vì sao giáo viên không nên làm chủ nhiệm cùng lúc 2 lớp?

01/08/2024 06:48
Ánh Dương
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Hiệu trưởng các nhà trường phổ thông không nên phân công giáo viên làm công tác chủ nhiệm cùng lúc 2 lớp vì khó mang lại hiệu quả cao.

Giáo viên làm công tác chủ nhiệm cùng lúc 2 lớp trong một năm học vẫn đang tồn tại rải rác ở một số trường phổ thông công lập và tư thục.

Bài viết này phân tích một số lí do vì sao hiệu trưởng các nhà trường trung học cơ sở, trung học phổ thông không nên phân công giáo viên làm công tác chủ nhiệm ở cả 2 lớp học.

giao-an-thi-gvcn-gioi-7794-6563.png
Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn.

Giáo viên được chủ nhiệm 2 lớp theo quy định

Khoản 5 Điều 9 quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông ban hành kèm theo Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT như sau:

Điều 9. Chế độ giảm định mức tiết dạy đối với giáo viên kiêm nhiệm công tác Đảng, đoàn thể và các tổ chức khác trong nhà trường.

5. Để đảm bảo chất lượng giảng dạy và chất lượng công tác, mỗi giáo viên không làm kiêm nhiệm quá 2 chức vụ và được hưởng chế độ giảm định mức tiết dạy của chức vụ có số tiết giảm cao nhất.

Như vậy, quy định này không đề cập đến việc giới hạn giáo viên được chủ nhiệm bao nhiêu lớp. Hay nói cách khác, một giáo viên được phép chủ nhiệm 2 lớp theo quy định tại Điều lệ trường học.

Vì sao hiệu trưởng không nên phân công giáo viên chủ nhiệm 2 lớp?

Tuy vậy, người viết là giáo viên bậc trung học phổ thông nhận thấy, hiệu trưởng các nhà trường phổ thông không nên phân công giáo viên làm chủ nhiệm cả 2 lớp vì những lí do sau đây.

Thứ nhất, có thể khẳng định, công việc giáo viên chủ nhiệm của bậc phổ thông khá nặng. Giáo viên chủ nhiệm bậc tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông đều có nỗi vất vả riêng mà không phải ai cũng thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ.

Nếu phải quản lí 2 lớp học với sĩ số lên tới cả trăm học sinh, mỗi em một cá tính, một tính cách, một hoàn cảnh, chỉ việc nhớ hết tên học sinh cũng không phải là điều dễ dàng đối với giáo viên chủ nhiệm.

Giáo viên dạy những môn nhiều tiết, ví dụ Toán, Ngữ văn,... việc nhớ hết tên học sinh không mấy khó khăn.

Tuy vậy, giáo viên dạy những môn ít tiết như Công nghệ, Tin học,... việc nhớ hết tên học sinh cả 2 lớp chủ nhiệm trong vài ba tháng là rất khó.

Kinh nghiệm dạy học cho thấy, giáo viên nhớ hết tên học sinh có ý nghĩa quan trọng trong việc giảng dạy và giáo dục các em.

Khả năng này giúp giáo viên tạo được mối thiện cảm với tập thể lớp trong suốt năm học.

Thế nhưng, nếu giáo viên chủ nhiệm không thuộc tên, không hiểu rõ tính cách của từng học sinh thì làm sao có thể thấu hiểu để chia sẻ vui buồn, làm sao giáo dục các em có hiệu quả.

Thứ hai, giáo viên chủ nhiệm còn phải hoàn thành nhiều sổ sách, nặng nề về ghi chép, nếu chủ nhiệm 2 lớp thì những công việc thiên về hành chính này sẽ gây quá tải.

Thực tế, hiện nay giáo viên chủ nhiệm ở nhiều trường học còn phải ghi chép rất nhiều vì việc số hoá các loại hồ sơ chưa được thực hiện đồng bộ.

Đáng nói, nhiều nội dung ghi chép rườm rà, hình thức, chồng chéo, lại có quá nhiều loại văn bản phải lưu làm cho công việc của giáo viên chủ nhiệm không dễ dàng gì.

Bên cạnh đó là việc họp hành, sinh hoạt chuyên môn quá nhiều, rất mất thời gian, làm cho giáo viên chủ nhiệm cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi.

Thứ ba, giáo viên chủ nhiệm khó tìm hiểu kỹ học sinh khi sĩ số cả 2 lớp học có thể lên đến cả trăm em.

Sau khi nhận lớp mới từ đầu năm học, giáo viên chủ nhiệm thường thống kê kết quả học tập và xếp loại hạnh kiểm năm học cũ của tất cả học sinh.

Với những học sinh được xếp loại học lực và hạnh kiểm ở mức Đạt và Chưa đạt, giáo viên chủ nhiệm phải tìm hiểu điều kiện và hoàn cảnh của từng em để nắm rõ những nguyên nhân, từ đó có biện pháp giáo dục phù hợp.

Nếu phải chủ nhiệm cả 2 lớp, giả sử số lượng học sinh xếp loại học lực hoặc hạnh kiểm ở mức Đạt, Chưa đạt lên đến hàng chục em thì việc giáo dục các em gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại.

Bởi vì, muốn biết lí do học sinh bị xếp loại học lực hoặc hạnh kiểm ở mức Đạt, Chưa đạt thì giáo viên cần phải phân loại theo nhóm - và việc phân loại này cũng mất rất nhiều thời gian.

Theo kinh nghiệm của người viết, nhóm 1 là những học sinh gia đình có kinh tế khá giả nhưng cha mẹ mãi lo làm ăn, thiếu sự quan tâm chăm lo cho con cái.

Trong khi đó, các em còn nhỏ tuổi, hiếu động, ham chơi, bị bạn bè rủ rê lôi cuốn vào các trò chơi vô bổ dẫn đến tình trạng chán học.

Trong trường hợp này, giáo viên chủ nhiệm cần kết hợp với phụ huynh học sinh để thầy cô và cha mẹ cùng đưa ra giải pháp giáo dục giúp học sinh tiến bộ trong học tập.

Cùng với đó, nhóm 2 là những học sinh gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn.

Cha mẹ bận mưu sinh, không có thời gian quan tâm đến con cái, việc học được chăng hay chớ, "trăm sự nhờ thầy cô" thì công việc của giáo viên chủ nhiệm cực gấp bội.

Theo ghi nhận của người viết, nhiều học sinh bậc trung học phổ thông phải đi làm thêm kiếm tiền phụ giúp gia đình và để có thêm chí phí trang trải cho việc học. Vì vậy, các em không có thời gian học tập dẫn đến mất căn bản, việc học sa sút rồi chán nản bỏ học.

Ở nhóm này, giáo viên chủ nhiệm cần phải có sự quan tâm đặc biệt và cùng đồng hành để các em có chỗ dựa tinh thần vượt qua những khó khăn mà học tập tốt hơn.

Nếu giáo viên phải chủ nhiệm 2 lớp, dĩ nhiên những công việc này bị phân tán, hiệu quả giáo dục học sinh chắc chắn sẽ không cao.

Thứ tư, giáo viên chủ nhiệm khó phối hợp với hàng chục giáo viên bộ môn để kết hợp giáo dục học sinh nếu làm chủ nhiệm 2 lớp.

Giáo viên chủ nhiệm thường xuyên trao đổi với giáo viên bộ môn về tình hình học tập của lớp, nghe nhận xét của giáo viên bộ môn về tình hình học tập và rèn luyện của từng học sinh.

Từ đó giáo viên chủ nhiệm trao đổi cùng giáo viên bộ môn để đưa ra những biện pháp giáo dục hữu hiệu nhất.

Nếu phải chủ nhiệm 2 lớp, công việc của giáo viên chủ nhiệm sẽ bị dàn trải, khó tránh khỏi việc làm việc qua loa cho kịp tiến độ để báo cáo với lãnh đạo.

Thay lời kết

Nhìn chung, được làm công tác chủ nhiệm thì giáo viên sẽ có thêm có nhiều niềm vui trong nghề dạy học nhưng không thể phủ nhận rất nhiều nỗi khổ như đã dẫn.

Đó cũng chính là lí do nhiều giáo viên cảm thấy "nhẹ người" khi không có tên trong danh danh sách phân công giáo viên chủ nhiệm vào đầu mỗi năm học mới.

Dĩ nhiên, những giáo viên làm chủ nhiệm 2 lớp phải là những thầy cô giỏi chuyên môn, nghiệp vụ, được hiệu trưởng tín nhiệm, học sinh nể phục thì mới có thể hoàn thành được công việc được giao.

Thế nhưng, theo quan điểm cá nhân người viết, hiệu trưởng các nhà trường phổ thông không nên phân công giáo viên làm chủ nhiệm cùng lúc 2 lớp vì khó mang lại hiệu quả cao trong công việc.

Và như thế, học sinh là những người sẽ chịu nhiều thiệt thòi nhất.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Ánh Dương