Ngày 8/8/2022 vừa qua, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã tổ chức Phiên giải trình “Việc thực hiện quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm viên chức quản lý và việc quản lý viên chức theo mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp”.
Tại phiên giải trình, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, ít ngày nữa sẽ ký ban hành các thông tư sửa đổi về quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non, phổ thông.
Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị ban hành các thông tư sửa đổi là điều mà giáo viên đang mong chờ nhưng điều mà họ mong chờ nhiều hơn là các thông tư này có hiệu lực và được thực hiện.
Bên cạnh đó, là cách phân hạng giáo viên cũng cần được hướng dẫn rõ ràng theo “đúng hạng” chứ không phải cách phân hạng như các địa phương đã làm trong những tháng vừa qua - khi lấy chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp làm tiêu chí hàng đầu.
Việc phân hạng giáo viên ở các trường vẫn còn những bất cập (Ảnh minh họa: P.L.) |
Phân hạng giáo viên hay không phân hạng giáo viên đều có nhiều ý kiến trái chiều
Chùm Thông tư số 01-04/2021/TT-BGDĐT được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 2/2/2021 và có hiệu lực từ ngày 20/3/2021 nhưng ngay sau khi ban hành, chùm thông tư này đã nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều từ đội ngũ nhà giáo trên cả nước.
Trong đó, có nhiều nhà giáo lo ngại mình sẽ bị xuống hạng, bị ảnh hưởng đến hệ số lương của mình nên rất nhiều nhà giáo đã gửi ý kiến thắc mắc về các cơ quan báo chí để hỏi về vấn đề này.
Chính vì thế, ngày 20/5/2022 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo lần 2 Thông tư Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 01-04/2021/TT-BGDĐT về việc quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập để lấy ý kiến cho dự thảo đến ngày 20/7/2022.
Tại phiên giải trình “Việc thực hiện quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm viên chức quản lý và việc quản lý viên chức theo mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp”, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết việc phân hạng giáo viên được quy định tại Nghị định, Thông tư liên quan về mặt câu chữ có thể gây hiểu nhầm.
Tuy nhiên, nội hàm việc phân hạng giáo viên đều bám sát những đòi hỏi thực tế trong sử dụng, quản lý giáo viên.
“Khảo sát trên 500.000 ý kiến của giáo viên thuộc các nhóm, vùng miền khác nhau về việc sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật liên quan, thì đa số ý kiến đồng tình với phân hạng giáo viên” Bộ trưởng nêu và cho biết sẽ bỏ quy định về các tiêu chuẩn đạo đức nhà giáo theo hạng. [1]
Như vậy, các Thông tư số 01-04/2021/TT-BGDĐT, ngày 2/2/2021 về việc quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập tới đây sẽ tiếp tục phân hạng giáo viên bởi đa số ý kiến đều đồng tình khi Bộ khảo sát trên 500.000 ý kiến của giáo viên - chiếm gần một nửa giáo viên hiện nay.
Thực ra, việc phân hạng giáo viên ở các cấp học từ mầm non đến cấp trung học phổ thông hiện nay là điều phù hợp và sẽ thúc đẩy được sự phát triển của giáo dục. Đồng thời, việc phân hạng sẽ tạo ra động lực phấn đấu đối với một bộ phận giáo viên hiện nay.
Tư tưởng 3 năm tăng một bậc lương, dạy giỏi, trách nhiệm, nhiệt tình tâm huyết (nhưng không có sáng kiến kinh nghiệm đạt giải) thì cuối năm cũng “hoàn thành tốt nhiệm vụ”. Dạy tàng tàng, làm tàng tàng - miễn là không bị kỷ luật thì cũng 3 năm tăng bậc lương, cũng “hoàn thành tốt nhiệm vụ” đã ngấm sâu vào suy nghĩ của một bộ phận giáo viên trong những năm qua.
Trong khi, định mức giảng dạy hàng tuần của giáo viên như nhau, khối lượng công việc như nhau nhưng lương giáo viên có thể chênh lệch 3-4 lần giữa giáo viên ít thâm niên và giáo viên có thâm niên cao. Vì thế, đã tạo ra một sức ì rất lớn trong một bộ phận nhà giáo ở các nhà trường.
Vì thế, nếu không phân hạng giáo viên (như hiện nay) cũng sẽ có nhiều giáo viên mừng nhưng phân hạng giáo viên (như hướng dẫn của Thông tư số 01-04/2021/TT-BGDĐT sửa đổi) cũng sẽ có nhiều giáo viên vui. Hơn 1 triệu giáo viên tất nhiên sẽ có người ý kiến thế này, thế khác.
Nhưng, để tránh tình trạng cào bằng như hiện nay nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành, tạo động lực cho giáo viên phấn đấu thì việc phân hạng giáo viên là điều phù hợp với xu thế hiện nay.
Không nên lấy chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp làm tiêu chí hàng đầu
Hơn 1 năm nay, các trường học từ cấp mầm non đến trung học phổ thông trên cả nước đều đã thực hiện 1-2 lần dự kiến xếp, chuyển hạng giáo viên để đề nghị cấp trên bổ nhiệm hạng giáo viên. Dù mất rất nhiều thời gian cho công việc này nhưng nhìn chung, mọi thứ vẫn chưa rõ nét.
Hạng giáo viên đang chiếm tỉ lệ nhiều nhất ở các trường học hiện nay là hạng II (theo hướng dẫn của chùm Thông tư liên tịch số 20-23/2015/TTLT-BDGĐT-BNV) thì được chuyển sang hạng II mới nếu đảm bảo về chuẩn trình độ, có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và đủ năm công tác theo quy định.
Những giáo viên chưa đáp ứng chuẩn trình độ theo Điều 72, Luật Giáo dục năm 2019 và chưa có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp thì xuống hạng thấp hơn.
Các tiêu chí còn lại như khả năng tin học, ngoại ngữ, danh hiệu thi đua, giáo viên dạy giỏi cấp trường thì không được để ý nhiều bởi ai cũng đều có “khả năng” và có các danh hiệu…
Vì thế, về cơ bản, việc các trường đã xét, phân chia hạng giáo viên vẫn đang được cào bằng, chưa định hình rõ nét giữa hạng thấp, hạng cao mục tiêu phân hạng giáo viên vẫn chưa rõ ràng.
Có lẽ, sau khi công bố dự thảo lần 2 Thông tư Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 01-04/2021/TT-BGDĐT, các cơ quan chức năng của Bộ sẽ tiếp thu, chắt lọc những điều không phù hợp để những ngày tới khi ban hành chính thức mọi thứ sẽ phù hợp dần đi vào ổn định.
Việc phân hạng giáo viên liên quan mật thiết đến bảng lương hàng tháng của giáo viên, nhất là tới đây phụ cấp thâm niên nhà giáo sẽ không còn. Chính vì thế, khi xếp, phân hạng giáo viên ở các nhà trường thì điều quan trọng là phải công tâm, công bằng, xếp đúng hạng, đúng khả năng của từng giáo viên.
Nếu phân hạng giáo viên theo chùm Thông tư số 01-04/2021/TT-BGDĐT sửa đổi vẫn thực hiện như thời gian qua thì giáo viên chỉ cần có cái chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp là được xếp ở hạng II, giáo viên không có chứng chỉ này thì xếp ở hạng III sẽ tiếp tục mất đi ý nghĩa phân hạng giáo viên.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://vietnamnet.vn/sap-ban-hanh-thong-tu-sua-doi-ve-bo-nhiem-xep-luong-giao-vien-2047617.html
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.