Hai đứa con xin từ bỏ họ người cha độc ác

19/12/2011 08:07
Từ sau vụ việc động trời chồng giết vợ xảy ra, cả gia đình tan hoang, người mẹ đã chết, người bố vô lương tâm bị bắt đi tù...
Chúng tôi đến thăm ngôi nhà là hiện trường của vụ án chồng giết vợ vào một ngày đầu đông lạnh lẽo. Ngôi nhà sàn đơn sơ từng ấm cúng tiếng cười của đội vợ chồng giờ đây là một ngôi nhà hoang hiu quạnh, lọt thỏm giữa núi rừng hoang vu.

Căn nhà sàn tuềnh toàng không có thứ gì có giá trị. Đồ đạc trong nhà chỉ có vài thứ lèo tèo là cái chăn đã cũ sờn, một vài cái bát, vài cái chén. Xiêu, xoong, nồi thì tứ tung mỗi thứ một góc. Bếp củi lạnh ngắt vì lâu không có người nhóm lửa. Từ sau vụ việc động trời chồng giết vợ xảy ra, cả gia đình tan hoang, người mẹ đã chết, người bố vô lương tâm bị bắt đi tù, còn lại hai đứa con bơ vơ không nơi nương tựa.

Mẹ chết, cha vào tù, con mồ côi

Chị gái của nạn nhân cho biết, vợ chồng em mình có hai đứa con là Mồng Minh Dũng (SN 2003) và Mồng Thị Tươi (SN 2005). Từ khi sự việc xảy ra, do không thể chấp nhận được một người bố vô lương tâm, cả hai đứa con dù mới chưa đầy 10 tuổi nhưng nằng nặc đòi đổi lại họ, xin đổi từ họ Triệu của bố thành họ Mồng của mẹ.

Vì điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn nên người chị của nạn nhân chỉ có thể nuôi được cháu gái đang học lớp 1, còn cháu trai được một người ở tận tỉnh Tuyên Quang xuống xin đi làm con nuôi. “Ngày cháu đi Tuyên Quang ở với người khác, nó cứ giãy giụa gào khóc nhất quyết không đi. Thấy thằng anh khóc, đứa em cũng gào lên khóc theo.

Về  sau tôi dỗ dành mãi nó mới chịu đi nhưng hai hàng nước mắt cứ chảy ròng ròng trên má. Tôi cũng thương cháu nó lắm nhưng nhà tôi nghèo nên chỉ nuôi được một đứa thôi”, người phụ nữ thổn thức nhớ lại. Chị cho biết nếu may mắn thì đó sẽ là một cơ hội “đổi đời” cho cháu chị. “Ở lại có anh có em thì ôm nhau mà đói khổ thôi chú ạ”, người thiếu phụ gạt dòng nước mắt.

Đang trò chuyện với chị thì cũng là lúc bé gái mới đi học về. Gương mặt u sầu, cháu bé cất nhanh lời chào rồi cúi gằm xuống đất chạy đi chỗ khác chơi. Người bác nhìn theo đứa cháu xót xa: “Ban ngày thì cháu nó vẫn đi học và chơi đùa bình thường, nhưng cứ ban đêm xuống là lại khóc vì nhớ mẹ, nhớ nhà cũ. Có hôm, mới chiều tối khi tôi đi làm về, thấy cháu nó ngồi dựa một mình vào cột nhà.

Nhìn thấy tôi tự dưng cháu nó òa lên khóc, nói là muốn được về nhà cũ”. Lặng đi một lúc, chị lại thở dài: “Không biết thằng bé ở Tuyên Quang người ta có đối xử tốt không. Chắc nó cũng nhớ nhà, nhớ bố mẹ lắm. Khổ thân chúng nó, chỉ vì có người bố mất hết tính người nên mới phải khổ sở thế này”.

Nỗi đau ở lại xóm nhỏ

Tội ác đã đi đến tột cùng, hai người chết, thủ phạm vào tù, hai đứa con mất gia đình và xóm nhỏ bị xóa sổ một nóc nhà. Con xóm có vẻ bình yên hơn vì không còn những trận đòn thù của gã chồng vũ phu, nhưng ẩn chứa trong sự bình yên đó là vẻ thê lương, là những nỗi lòng kinh hoàng của người dân nay phải chứng kiến những tội ác không thể tưởng tượng nổi.

Anh trưởng thôn lặng lẽ hồi lâu trước câu hỏi của chúng tôi: “Sao không có cách gì để biết trước rồi ngăn chặn vụ việc này anh nhỉ?”. Anh trầm tư sau một hồi suy nghĩ: “Cũng khó lắm các anh ạ. Mỗi nhà nằm trên một quả đồi khác nhau, khi biết chuyện thì sự đã rồi nên không ai hỗ trợ được. Mà từ trước thằng Ngoan đâu có thế, từ khi khó khăn nghèo đói, vợ chồng hay cấm cảu nhau về chuyện tiền bạc thì nó mới sinh tật uống rượu rồi đánh vợ”.

Người chị nạn nhân thì ôm mặt khóc: “Tôi bạc nhược quá. Từ xưa đã biết thằng ấy đánh vợ mà không dám đề nghị chính quyền can thiệp. Đến lúc biết em chết vì chồng nó đánh mà cũng không dám báo công an. Lỗi là của tôi nên ông cậu mới bị thằng Ngoan đánh chết”.

Sự im lặng nhẫn nhục trước tội ác cũng là tội ác, khiến bờ vai người phụ nữ này rung lên từng chặp suốt chiều đông xứ Lạng. Anh trưởng thôn ân cần động viên: “Thôi chị ân hận tự trách mình nhiều làm gì. Lỗi chính là ở thằng Ngoan. Giá như nó học cao hơn một chút, hiểu biết nhiều hơn một chút thì đâu có ngu dại phạm tội tày trời, để khỏi bị dân làng nguyền rủa như bây giờ”.

Theo Pháp luật & Đời sống