Thảm án từ vụ tranh chấp cái… hang đá

08/12/2011 07:10
Minh Hữu/ Pháp luật & thời đại
Chuyện cái hang đá là thuộc quyền sở hữu của ai thì đến Luật Đất đai cũng bó tay vì NN chưa từng có điều luật nào liên quan đến “đối tượng đặc biệt” này.
Thế nên vụ việc tranh chấp cái hang đá ở tỉnh Lạng Sơn có lẽ thuộc loại “độc nhất vô nhị”. Đau lòng hơn khi chỉ vì tranh chấp này, một phụ nữ 50 tuổi tại địa phương đã dẫn con cháu đến bóp cỏ ông lão 62 tuổi cùng xóm. Nạn nhân đã qua đời sau đó khiến mâu thuẫn giữa hai nhà càng chồng chất.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa


Ông lão bị “đánh hội đồng”

Trưởng thôn Nà Lạn (xã Vân Mộng, huyện Văn Quan) cho biết, từ nhiều năm nay gia đình bà Nông Thị Kiên (SN 1962) với gia đình ông Hà Văn Bép (SN 1949, cùng ngụ trong thôn) thường xuyên xích mích tranh nhau một cái chuồng trâu gần nhà. Cái chuồng trâu này không phải được xây bằng gạch, cũng không được dựng lên bằng tường đất hay bằng gỗ như những chuồng trâu khác, mà là một cái hang đá nhỏ.

Từ lâu, gia đình ông Bép dùng cái hang đó làm nơi cho trâu ở. Bà Kiên thì cho rằng đó là cái hang thuộc quyền sở hữu của nhà bà, bà muốn dùng nó làm kho chứa rơm. Đối đáp lại, ông Bép cũng khăng khăng cho rằng đó là cái hang thuộc quyền sở hữu của gia đình ông vì nó nằm sát ngay bờ ruộng nhà mình. 

Tranh chấp này diễn ra trong nhiều năm và cuối cùng thôn đã kết luận “cái hang được cho gia đình ông Bép làm chuồng trâu vì hang ở gần nhà ông hơn”. Người nhà ông Bép cho rằng từ bị xử thua, bà Kiên thường hậm hực, “gây chiến” với gia  đình mình.

Chiều ngày 23/11/2011, những tiếng kêu la om sòm, thất thanh phát ra từ cái hang đá ấy khi mấy mẹ con bà Kiên hò nhau bóp cổ ông cụ Bép 62 tuổi. Sự việc xảy ra khi ông Bép lùa trâu về chuồng thì thấy cháu ruột bà Kiên đến “tìm con trâu nghé bị lạc”. Ít phút sau, bà Kiên cũng mò đến tìm kiếm.

Khi ông Bép khẳng định không có con nghé nào lạc trong đàn thì bị bà Kiên không tiếc lời nhiếc móc “Tao không đến lấy trâu nhà mày đâu”. Lời qua tiếng lại, bà Kiên lao vào vật ông lão ngã ngay xuống ngay trước cửa chuồng trâu, đồng thời gọi thêm mấy cô con gái lớn đang ở nhà xuống “hỗ trợ”.

Nhóm người này giữ tay chân khiến ông Bép không thể cựa quậy, còn bà mẹ thì ra sức bóp cổ “địch thủ”. Nghe tiếng ông cụ kêu cứu thất thanh, từ trong nhà vợ chồng con trai ông lão chạy ra can ngăn, loay hoay một lúc mới “giải cứu” được bố.

Các con nạn nhân kể lại, lúc này bố mình đã đau đớn kiệt sức, các con ông phải dìu về nhà. Đi được một đoạn, ông lão mệt mỏi không đi được phải ngồi nghỉ lại. Trong khi đó bà Kiên bảo cháu mình nằm vật xuống trước cửa chuồng trâu khóc lóc ăn vạ, đồng thời gọi vợ chồng em rể xuống “ trợ chiến”.

Bà Kiên “méc” với bố cháu bé rằng vì bị ông Bép đánh nên cháu bé mới nằm lăn ra khóc lóc như thế. Chưa hiểu rõ đầu đuôi câu chuyện ra sao, vợ chồng người này liền lao vào túm đầu, bóp cổ, đánh đấm ông Bép. Cả mấy mẹ con bà Kiên cũng tiếp tục lao vào ức hiếp cụ già không có khả năng chống cự.

“Khi ấy tôi ở giữa sân nhà, thấy ông nhà mình bị đám người xúm đánh đập thì chỉ biết kêu trời kêu đất. Lúc ấy họ đông lắm, nhà tôi chỉ có mỗi vợ chồng thằng con dáng vóc nhỏ bé, không chống lại được”, bà vợ nạn nhân nhớ lại. Người con gái nạn nhân tiếp lời: “Ông chỉ biết lăn lóc ôm bụng mà cố chịu. Tôi chạy đến van xin mãi, họ mới tha cho ông cụ””.

Vụ kiện cáo muộn màng

Sau khi bị đánh, ông Bép được gia đình nhanh chóng đưa đi bệnh viện đa khoa huyện cấp cứu. Sau 13 ngày điều trị, dù chưa khỏi hẳn nhưng do nhà không còn tiền nên gia đình đưa ông về điều trị tại nhà với bản kết luận của bệnh viện là “chấn thương vùng ngực trái, vòng cổ phía trước”.

Sau ngày ra viện, sức khỏe ông Bép yếu dần, lâu lâu lại xuất hiện những cơn tức ngực, khó thở. Người nhà khuyên ông đi bệnh viện tỉnh chụp X- quang nhưng ông lão cương quyết không đi vì không muốn phiền gia đình, không muốn mất hơn triệu đồng tiền chụp cắt lớp. Hai tháng sau đó, trong một lần lên cơn đau, ông  Bép nôn ra máu rồi tắt thở.

Đến khi ông Bép mất, cảm thấy ấm ức, gia đình nạn nhân mới đâm đơn kiện gia đình bà Kiên dù sự việc đánh lộn đã xảy ra hơn hai tháng trước đó. “Lúc đầu tôi cũng chả biết kiện cáo gì vì tôi ít học, với lại tôi cũng tưởng ông nhà tôi điều trị một thời gian thì sức khỏe sẽ hồi phục trở lại, kiện cáo làm gì cho phiền phức. Đến khi ông nhà tôi chết rồi, nghĩ lại mới thấy ấm ức quá.

Tôi còn nghe mọi người trong làng bảo nếu tôi đi kiện thì bên đánh người sẽ phải bồi thường thiệt hại sức khỏe cho ông nhà tôi”, bà vợ nạn nhân nói.

Thế nhưng trước đó, khi chồng qua đời bà đã ký vào giấy cam đoan không mổ tử thi. Lúc ra tòa, Hội đồng xét xử cũng bối rối vì người nhà nạn nhân không có chứng cứ gì tố cáo “địch thủ”. Bà Kiên khẳng định việc có bóp cổ ông Bép, nhưng sau đó ông đã được đi điều trị ở bệnh viện và “cái chết của ông Bép sau khi ra viện chẳng qua là do bản thân ông già yếu mà thôi”.

Không có chứng cớ về nguyên nhân cái chết của ông Bép nên không thể nói rằng bà Kiên gián tiếp gây ra cái chết này. Trong phiên tòa sơ thẩm, Tòa buộc bà Kiên phải đền bù số tiền thuốc thang, viện phí cho gia đình nạn nhân số tiền 810 ngàn đồng.

Không đồng ý với phán quyết này, gia đình nạn nhân đã kháng án. Trong phiên tòa xét xử phúc thẩm mới đây, Tòa án tỉnh ra phán quyết nâng mức bồi thường, buộc gia đình bà Kiên bồi thường thiệt hại số tiền 5 triệu đồng.
Minh Hữu/ Pháp luật & thời đại