Vợ đâm thủng tim chồng bật khóc cay đắng

07/04/2012 11:15
“Cha tôi đánh mẹ tôi nên mới nên cơ sự. Tôi xin tòa xem xét, giảm án để mẹ tôi sớm được về đoàn tụ với gia đình…”, nghe đứa con trai đầu lòng buông lời cầu khẩn, người đàn bà bật khóc.

Đã bước qua quá nửa đời người với gần 30 năm làm vợ, từng cam chịu không ít đắng cay, có lẽ người đàn bà ấy không thể ngờ có ngày gia đình mình lại rơi vào hoàn cảnh trái ngang đến thế.

Hờn ghen nhen nhóm

Dù đã trải qua những tháng ngày “giông bão” trong đời nhưng gương mặt người đàn bà tuổi ngoại tứ tuần, có 4 mặt con vẫn vương vấn vẻ xuân sắc một thời. Gần 30 năm về trước, Nguyễn Thị Mỹ Năng (SN 1964, ngụ quận Bình Tân, TP.HCM) kết hôn cùng ông Nguyễn Văn T. (SN 1953).

Nguyễn Thị Mỹ Năng tại phiên tòa
Nguyễn Thị Mỹ Năng tại phiên tòa

Chênh nhau hơn 10 tuổi, giữa Năng và chồng đã có những ngày hạnh phúc. Năng chăm chỉ chịu khó làm ăn còn ông T. là người đàn ông hiền lành, ít nói, hết mực với vợ con. Bốn đứa con lần lượt chào đời trong vòng tay cha mẹ. Năm 1996 họ mới làm giấy đăng ký kết hôn.

Năm 2007, thấy nhà cửa dù đã có phòng cho thuê nhưng còn rộng rãi nên Năng đứng ra mở quán bán cà phê, sinh tố để kiếm thêm thu nhập.

Ngoài 40 tuổi nhưng bà chủ quán có nước da trắng trẻo, nói năng nhẹ nhàng, nhanh nhẹn nên quán nước của Năng nhanh chóng được nhiều người ủng hộ, khách lạ có, khách quen có, với ai bà chủ quán cũng tỏ ra thân thiện, đon đả, dễ gần.

Không ngờ những cuộc trò chuyện vui vẻ, ngắn ngủi trong gang tấc ấy của vợ với những vị khách quen lại ngấm ngầm nhen nhóm trong lòng người chồng những nỗi hờn ghen.

Tuổi cao, thường xuyên đau bệnh lại thấy vợ vui vẻ trò chuyện với nhiều người, ông T. thành ra tiêu cực, cáu bẳn vô cớ với vợ con. Ông lao vào uống rượu và thường xuyên say khướt khiến sức khỏe càng thêm yếu, ông càng chán nản.

Mỗi lần say, người đàn ông lầm lì, ít nói, hiền lành bấy lâu như biến mất, thay vào đó là một con người hoàn toàn khác, thô lỗ và cục cằn.

Ông trút xuống mình vợ những trận đòn ghen bạo hành tưởng như dài vô tận. Mỗi lần như thế, Năng cắn răng chịu đựng để gia đình yên ấm. Rồi một hôm bi kịch đã xảy ra.

Tức nước vỡ bờ

Đó là ngày 23/12/2010. Tối hôm ấy, như thường lệ, sau khi đi uống rượu ông T. lại lao về nhà chửi vợ.

Biết chồng say, Năng không cãi lại lời nào mà lẳng lặng bỏ về phía sau nhà ngồi nói chuyện với chị N. - một người ở trọ. Nghe người ở trọ than có người nhà nằm ở bệnh viện 115 nhưng không biết đường tới thăm, Năng lập tức đề nghị chị N. chở mình lấy xe rồi chở đi, chị N. mừng rỡ.

Khoảng 21 giờ cùng ngày, Năng dắt chiếc xe máy của mình ra cổng. Đang toan chở chị N. đến bệnh viện thì Năng bị ông T. chặn lại: “Tao không cho mày đi!”.

Người chồng ngang ngược tiếp tục chửi bới rồi rút con dao Thái Lan đâm thẳng vào bánh sau chiếc xe máy. Tức mình, Năng vào nhà dắt ra một cái xe khác đi tiếp.

Ông T. lại tiếp tục dùng dao chọc thủng cả hai bánh xe. Năng nổi điên lao tới cào cấu chồng, hai bên xảy ra xô xát. Bao nhiêu ấm ức chịu đựng bấy lâu làm Năng càng trở nên hiếu thắng. Thấy cha mẹ đánh nhau, đứa con trai lớn xông vào can ngăn.

Khi Năng sai con dắt chiếc xe thứ ba ra ngoài cho mình đi thì ông T. lại tìm cách ngăn chặn. Trên tay cầm khư khư cái xà beng đứng chặn ngang trước cổng, ông T. dọa nếu Năng ra khỏi thì sẽ đánh chết.

Tức giận, Năng bất lực bỏ vào nhà, yêu cầu con trai lớn gọi hết các con về để nói chuyện ly hôn. Hiểu được hoàn cảnh của mẹ, cậu con trai thứ hai ngồi to nhỏ tâm sự cùng mẹ mặc cha vẫn ngồi lầm rầm chửi bới ngoài hiên.

Một lát sau, khi cơn uất ức tạm lắng xuống, Năng ra quán cà phê lấy nước uống. Bất ngờ, người chồng còn ngái mùi rượu lại chồm lên, lao tới vung tay dọa đánh. Khi Năng vừa la lên là lúc bị cáo hứng trọn cái ghế sắt trong quán nước từ tay chồng.

Trong lúc đưa tay lên đỡ, nhìn thấy con dao Thái Lan mà chồng dùng để đâm bánh xe lúc nãy, Năng lập tức chộp lấy đâm một nhát trúng nách người chồng.

Ông T. lấy bông gòn ra chấm vết thương rồi nằm bẹp trên võng. Khi mọi người phát hiện máu ra nhiều vội vàng đưa ông đi cấp cứu nhưng ông đã tử vong.

Theo kết quả giám định, nguyên nhân cái chết là do: Choáng mất máu cấp do bị đâm thủng tim. Ngay sau đó, Năng bị bắt và bị truy tố về tội “Giết người” với khung hình phạt từ 7 đến 15 năm tù.
Xuất hiện tại tòa, gương mặt bị cáo Nguyễn Thị Mỹ Năng gày xọp. Nhìn nước da trắng xanh, đôi mắt trũng sâu làm lộ rõ cái gò má cao của mẹ hẳn lòng những đứa con đau như muối xát.

“Vợ chồng bị cáo mâu thuẫn với nhau từ khi nào?” – “Từ bốn năm nay (năm 2007 - PV)”. “Tại sao bị cáo và chồng lại nảy sinh mâu thuẫn?” – “Do kinh tế khó khăn, chồng bị cáo thường hay uống rượu rồi chửi mắng bị cáo”. “Trước đây, chồng bị cáo có thường xuyên đập phá đồ, đánh đập bị cáo không?” – “Có”.

“Bị cáo có phản ứng gì không?” – “Không”. “Bị cáo đâm chồng mấy nhát?” – “Lúc đó bị cáo bị đánh, bị cáo thấy con dao nên tức quá cầm quơ đại”.

“Trước đây, việc chồng bị cáo hành hung bị cáo có ai biết không?” – “Có, trước đây bị cáo có báo dân phòng, có anh nói phải làm đơn và sẽ phạt 1 triệu đồng, gia đình bị cáo không có tiền nên bị cáo thôi không báo nữa”.

“Tại sao khi đâm chồng xong bị cáo không đưa đi cấp cứu?” – “Vì bị cáo nghĩ rằng chỉ bị sơ sơ thôi, không ngờ lại như thế”…, người đàn bà giết chồng vừa khóc vừa trả lời thẩm vấn.

Nước mắt muộn mằn

Năng cho biết mình vô cùng ân hận, đau khổ khi đã gây ra cái chết cho chồng. Năng cũng thừa nhận trước đây, những lúc không ma men trong người thì ông T. là người chồng chất phác, hiền lành, chịu thương chịu khó.

Càng nói, gương mặt Năng càng cúi xuống thấp như thể cố che đậy những đau đớn đang chất chứa trong lòng. Nhìn gương mặt khổ sở với những giọt nước mắt lã chã rơi, ai cũng cảm thấy những lời nói đó là sự thật.

Một người đàn bà đã chịu đựng bao trận đòn roi trong một phút thiếu kiềm chế đã đẩy cả gia đình vào bi kịch.

Để rồi, khi đã bước qua bên kia cái dốc của cuộc đời, khi tưởng chừng cuộc sống vợ chồng chẳng còn gì quan trọng ngoài cái nghĩa phu thê, sự ràng buộc con cái thì giờ đây sự ràng buộc trước hết lại là cái án giết chồng, giết bố của những đứa con mình dứt ruột sinh ra. Đôi vai gầy của người đàn bà run lên bần bật trong đau khổ.

Thắt lòng trước lời khai của mẹ, con trai Năng với tư cách đại diện người bị hại thừa nhận những lời khai của mẹ hoàn toàn đúng sự thật.

Anh cho biết đã từ nhiều năm nay, cha thường xuyên nhậu nhẹt, ghen tuông đánh đập mẹ, phận làm con nên chỉ biết can ngăn, khuyên mẹ nín nhịn cho qua để gia đình êm ấm.

“Cha tôi đánh mẹ tôi nên mới nên cơ sự. Tôi xin tòa xem xét, giảm án để mẹ tôi sớm được về đoàn tụ với gia đình…”, nghe đứa con trai đầu lòng buông lời cầu khẩn, người đàn bà bật khóc. Năng xin tòa giảm nhẹ hình phạt để sớm được sớm trở về với mẹ già và những đứa con đang ngày đêm trông ngóng.

Tháng 11/2011, xét xử sơ thẩm, TAND TP.HCM nhận định, Nguyễn Thị Mỹ Năng phạm tội trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, bị cáo đã bị chồng bạo hành nhiều năm trước.

Hành vi cầm dao đâm chồng của bị cáo là sự bộc phát từ những dồn nén trước đây, trong lúc bức bách vì bị chồng dùng ghế tấn công, bị cáo đã nhìn thấy chính con dao mà chồng dùng đâm vào lốp xe nên mới cầm dao đâm chồng, do vậy hành vi của bị cáo chỉ phạm vào tội “Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” chứ không phải tội “Giết người”.

Ngoài ra, bị cáo đã thành khẩn, ăn năn hối cải, nhân thân tốt, nạn nhân cũng có một phần lỗi, mẹ chồng và các con bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt nên cũng cần được xem xét, giảm nhẹ.

Từ đó, Tòa tuyên phạt Nguyễn Thị Mỹ Năng 2 năm tù về tội “Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh”. Khi bản án được tuyên, bị cáo cùng gia đình vô cùng mừng rỡ vì ngày về không còn quá xa.

Thế nhưng bản án tù 2 năm ấy đã lập tức bị Viện kiểm sát kháng nghị, đề nghị cấp phúc thẩm xét xử Năng về tội Giết người.

Yêu cầu kháng nghị trên được Tòa phúc thẩm chấp nhận vì cho rằng dù người chồng có lỗi nhưng chưa thể đến mức bị cáo bị kích động về mặt tinh thần. Từ đó, Tòa chuyển tội danh, tăng hình phạt đối với Năng lên thành 5 năm tù về tội “Giết người”.

Một kết quả không mong đợi đối với tất cả những người trong cuộc. Mẹ con họ nhìn nhau trong câm lặng, Năng chỉ biết để cho những giọt nước mắt thi nhau rớt xuống trong nỗi đau khổ tột cùng, còn đứa con trai nhìn mẹ đầy bất lực.

Hình phạt tăng, bi kịch gia đình họ thêm một lần bị khoét sâu hơn nữa. Không khí phòng xử trở nên ảm đạm, không ai nói bất cứ lời nào.

Dáng người nhỏ thó, gầy guộc của người đàn bà dần khuất dạng theo chân các đồng chí công an về trại. Đâu đó là hình ảnh người mẹ già trông ngóng đứa con gái tội lỗi trong những ngày tháng cuối đời.

Theo Phạm Mai (Phunutoday)