Vụ băng cướp xả súng vào CS: Nghi can cuối cùng đầu thú

18/10/2011 06:55
PHƯƠNG NAM/Pháp luật TPHCM
Sau ba ngày xảy ra vụ cướp tiệm vàng, băng cướp gồm bốn người đã bị bắt lần lượt.

Sáng 17-10, Nguyễn Bảo Quốc (33 tuổi, ngụ phường Trường Thọ, quận Thủ Đức, TP.HCM), nghi can cuối cùng trong vụ cướp tiệm vàng Thu Thành (thị trấn Chợ Lầu, Bắc Bình, Bình Thuận) đã đến Công an phường Trường Thọ đầu thú sau khi được gia đình và người thân động viên.

16 giờ cùng ngày, Quốc đã được các trinh sát Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (PC45) Công an tỉnh Bình Thuận di lý về Phan Thiết để phục vụ công tác điều tra.

Theo lời khai ban đầu của Quốc, ngày 14-10, sau khi cùng đồng bọn ra Bình Thuận cướp tiệm vàng và bị lực lượng công an, quần chúng truy đuổi gắt gao, trên đường trốn chạy, Quốc cùng Huỳnh Quốc Thái (đã bị bắt) được Nguyễn Mark Joseph (Việt kiều Mỹ, đang bị Interpol truy nã vì tội buôn bán ma túy và trốn thuế) dừng xe bỏ xuống giữa đường cùng túi vàng hơn 30 lượng vừa cướp được của tiệm Thu Thành. Cả hai đã băng đồng trốn chạy trong đêm, đến rạng sáng 15-10 ra đón xe đò về TP.HCM.

Chiếc xe băng cướp sử dụng bị người dân đốt cháy. Ảnh: PHƯƠNG NAM
Chiếc xe băng cướp sử dụng bị người dân đốt cháy. Ảnh: PHƯƠNG NAM
Bảo Quốc tại cơ quan điều tra.
Bảo Quốc tại cơ quan điều tra.

Những ngày qua thông tin vụ cướp tiệm vàng Thu Thành liên tục được các cơ quan truyền thông đưa tin. Biết không thể lẩn trốn trong khi vòng vây truy bắt ngày càng siết chặt, danh tính đã được công khai. Qua vận động của cơ quan chức năng và động viên của gia đình, cuối cùng Quốc đã chọn con đường đầu thú để hưởng khoan hồng.

Như vậy, chưa đầy ba ngày sau vụ cướp tiệm vàng táo tợn gây xôn xao dư luận xảy ra, với sự nỗ lực hết mình của tập thể, cán bộ, chiến sĩ Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận và quần chúng nhân dân, băng cướp đã lần lượt sa lưới.

Hiện công an tỉnh đang hoàn tất hồ sơ để khởi tố bị can đối với Nguyễn Bảo Quốc và Huỳnh Quốc Thái về tội cướp tài sản. Riêng Nguyễn Mark Joseph (Khánh) và Nguyễn Phước Hải đã bị khởi tố trước đó cùng tội danh trên.

Cho thuê xe đi cướp, chủ xe có liên can?

. Trong vụ cướp tại tiệm vàng Thu Thành (Bình Thuận), có ý kiến thắc mắc: Chiếc ô tô mà bọn cướp sử dụng là xe thuê, vậy chủ xe có bị xử lý không? Nếu xe đó không bị đốt thì chủ xe có được trả lại xe? Những người tham gia đốt xe bị tội gì ?

+ Luật sư TRẦN CÔNG LY TAO: Đối với chủ xe: Cần phân biệt hai trường hợp sau đây ứng với việc xe ô tô vẫn còn nguyên (không bị đốt):

- Khi cho thuê hoặc cho mượn xe, nếu chủ xe biết rõ người thuê, người mượn sẽ dùng xe của mình làm phương tiện phạm tội nhưng vẫn đồng ý cho thuê, cho mượn thì chủ xe được xác định là người giúp sức cho việc thực hiện tội phạm. Khi đó, do là đồng phạm với bọn cướp nên chủ xe cũng sẽ bị xử lý hình sự chung với bọn cướp về tội cướp tài sản. Theo Điều 74 Bộ luật Tố tụng hình sự, chiếc xe được xác định là vật chứng trong vụ án và sẽ bị tịch thu, sung quỹ Nhà nước.

- Nếu không hề biết xe đó sẽ bị dùng làm phương tiện phạm tội mà chỉ cho thuê, cho mượn để làm phương tiện đi lại thì chủ xe hoàn toàn vô can trong vụ án. Cũng được xem là vật chứng theo điều luật trên nhưng trong trường hợp này chiếc xe sẽ được trả lại cho chủ sở hữu.

Đối với người đốt xe: Phải nói ngay việc đốt chiếc xe do bọn cướp sử dụng của một số người dân địa phương là hành vi vi phạm pháp luật. Bởi lẽ theo bộ luật trên, chỉ những người có thẩm quyền (thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra, viện trưởng, viện phó VKS, chánh án, phó chánh án tòa án cùng cấp…) mới có quyền xử lý vật chứng.

Điều 143 Bộ luật Hình sự quy định: Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng… thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. Nếu gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng… thì bị phạt tù từ bảy năm đến 15 năm.

Do những người đốt xe đã có hành vi gây thiệt hại cho chiếc xe đến mức độ không còn khả năng sửa chữa được nữa nên họ đã có hành vi hủy hoại tài sản. Họ có thể bị xử lý hình sự về tội hủy hoại tài sản với các mức hình phạt nêu trên tùy thuộc vào giá trị chiếc xe bị đốt. Ngoài ra, họ còn phải bồi thường cho chủ xe giá trị chiếc xe đã đốt.

Chủ xe bị đốt cháy sẽ không được bảo hiểm bồi thường?

Đối với bảo hiểm tai nạn dân sự bắt buộc thì thiệt hại của xe này không thuộc phạm vi bảo hiểm. Trong vụ việc này, dù đối tượng gây án lái xe bỏ chạy tông chết người nhưng cũng không được bảo hiểm bồi thường do khi chạy trốn, người lái xe đã không tuân thủ quy định về an toàn giao thông và trách nhiệm bồi thường cho nạn nhân hoàn toàn do người gây án. Tuy nhiên, trên khía cạnh nhân đạo, bảo hiểm sẽ xem xét hỗ trợ cho phía nạn nhân bị xe tông chết.

Đối với gói bảo hiểm tự nguyện còn tùy theo quy tắc bảo hiểm mà chủ xe tham gia. Tuy nhiên, thường thì sẽ không được bồi thường do hành vi đốt xe của người dân là hành vi cố ý gây thiệt hại chứ không phải là hành vi vô ý. Hơn nữa, lý do dẫn đến hành vi này cũng là hành vi cố ý của người sử dụng phương tiện khi sử dụng xe để gây án rồi tông chết người.

Ông NGUYỄN HÙNG MINH, Trưởng Tiểu ban Tuyên truyền, Giáo dục về an toàn giao thông đường bộ - Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam

PHƯƠNG NAM/Pháp luật TPHCM