Hình ảnh vệ tinh đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên mạng quân sự sina Trung Quốc ngày 17 tháng 6 năm 2015 |
Tờ "Thời báo Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 23 tháng 7 dẫn tờ "Thời báo Tự do" Đài Loan ngày 22 tháng 7 đưa tin, vào tuần trước, phiên tòa nghe trình bày của Philippines về vụ kiện "đường lưỡi bò" Trung Quốc đã kết thúc vào tuần trước. Bộ Ngoại giao Đài Loan ban đầu dự định tổ chức đoàn đại biểu quy mô nhỏ để dự thính, kết quả bị từ chối.
Theo bài báo, Tòa án trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague, Hà Lan đã tổ chức điều trần vụ kiện Trung Quốc của Philippines từ ngày 7 đến ngày 13 tháng 7 năm 2015.
Nhà nghiên cứu Tống Yến Huy của Viện nghiên cứu Trung ương, Đài Loan tiết lộ, căn cứ vào thủ tục hành chính của tòa án, được biết cơ quan ngoại giao Đài Loan vào tháng 5 - 6 đã đề nghị tham gia dự thính với tư cách quan sát viên.
Nhưng, Philippines dựa trên nguyên tắc "một nước Trung Quốc" và lo ngại kích động Bắc Kinh, cuối cùng tòa án không đồng ý với đề nghị của Đài Loan. Bộ Ngoại giao Đài Loan đã không tiến hành bình luận gì về vụ kiện đang tiến hành.
Hình ảnh phiên điều trần vụ kiện Trung Quốc của Philippines ở Tòa án trọng tài thường trực (PCA) tại The Hague, Hà Lan |
Đối với vụ kiện Biển Đông của Philippines, Trung Quốc luôn phản ứng gay gắt, kiên quyết “không chấp nhận, không tham gia” vụ kiện, coi hành động pháp lý văn minh này của Philippines là "đi ngược lại đồng thuận" với Trung Quốc và "vi phạm cam kết" trong Tuyên bố về ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (DOC).
Trung Quốc cho rằng, lập trường "không chấp nhận, không tham gia" của họ "có căn cứ luật pháp quốc tế đầy đủ" và nó được thể hiện trong cái gọi là "Văn kiện lập trường của Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về vấn đề quyền thụ lý vụ kiện Biển Đông của nước Cộng hòa Philippines".
Tuy nhiên, "văn kiện lập trường" này của Trung Quốc cũng chỉ là ngụy biện và không chứng minh được cơ sở lịch sử và pháp lý vững chắc để khẳng định chủ quyền của họ ở Biển Đông.
Trên thực tế, Trung Quốc đã cướp quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào các năm 1956, 1974, cướp một phần quần đảo Trường Sa của Việt Nam vào các năm 1988, 1995..., cướp bãi cạn Scarborough từ tay Philippines vào năm 2012, những cuộc chiến này đã khiến cho rất nhiều người lính Việt Nam phải hy sinh.
Trung Quốc cần tôn trọng luật pháp quốc tế ở Biển Đông. Trong hình là Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario tại Tòa án trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague, Hà Lan |
Việt Nam luôn khẳng định chủ quyền thiêng liêng của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa bằng những chứng cứ lịch sử và pháp lý vững chắc, bằng sự quản lý hành chính thực tế, rõ nhất là ở thời nhà Nguyễn.
Việt Nam có chủ quyền như vậy là một sự thực không thể tranh cãi; Trung Quốc ăn cướp biển đảo của Việt Nam cũng là một sự thực không thể tranh cãi. Còn một số văn kiện quốc tế mà Trung Quốc viện cớ không hề nói rằng trao trả các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc, nhất là khi Trung Quốc không có chủ quyền đối với chúng. Đây là một sự thực.
Trung Quốc luôn dùng truyền thông để tuyên truyền xuyên tạc về chủ quyền ở Biển Đông nhằm đánh lừa nhân dân Trung Quốc, kích động chủ nghĩa dân tộc, ngụy biện rằng Chính phủ Trung Quốc đòi chủ quyền ở Biển Đông là do “nhân dân, tổ tông và con cháu” yêu cầu. Nhưng thực chất, đây chỉ là ý chí của giới cầm quyền có tư tưởng bành trướng ở Trung Quốc.
Đồng thời, thông qua tuyên truyền, Trung Quốc tìm cách đánh lừa nhân dân thế giới về các hành động bất hợp pháp của họ. Nhưng, cộng đồng quốc tế không chỉ nghe Trung Quốc nói, mà còn biết nghe Việt Nam nói, biết nghiên cứu và suy nghĩ, đồng thời cũng thông minh hơn là Bắc Kinh tưởng tượng.
Cố vấn pháp luật của Philippines Florin Hilbay tại Tòa án trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague, Hà Lan |
Căn nguyên của tranh chấp Biển Đông hiện nay là Trung Quốc quá tham lam, tìm mọi cách bành trướng theo yêu sách "đường lưỡi bò" lố bịch, vô lý và bất hợp pháp. Đây là nguyên nhân sâu xa, trực tiếp gây bất ổn ở Biển Đông và khu vực.
Không có chủ quyền thì mọi hành động xâm phạm như xây đảo nhân tạo và tiến hành quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông đương nhiên là bất hợp pháp, đồng thời Trung Quốc không có quyền dùng biển đảo của Việt Nam để "cung cấp sản phẩm an ninh công quốc tế".
Trung Quốc không thể lấy biển đảo xâm lược của nước khác để thực hiện cái gọi là "thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm quốc tế". Đó là một loại hành động cường quyền và bạo ngược, trơ tráo, đổi trắng thay đen, lật lọng, nhưng không đánh lừa được ai.
Căn cứ vào luật pháp quốc tế, hành động dùng vũ lực xâm lược biển đảo của Trung Quốc trên Biển Đông sẽ không đem lại chủ quyền hợp pháp cho Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa cũng như bãi cạn Scarobrough.
Trung Quốc là nước lớn (thành viên Hội đồng bảo an, và Trung Quốc thường tự xưng như vậy), nhưng đã không dám đối mặt với nước nhỏ yếu Philippines ở Tòa án quốc tế, đó là một điều vô cùng đáng xấu hổ.
Thông qua việc này, cộng đồng quốc tế mới thấy được một phần bản chất của "nước lớn" Trung Quốc, thể hiện rõ nhất trong tuyên bố của ông Dương Khiết Trì tại Diễn đàn khu vực ASEAN tại Hà Nội vào năm 2010, khi đó, ông Trì là Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, hiện nay là Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc.
Trung Quốc không tham gia vụ kiện, không muốn dùng con đường pháp lý văn minh để giải quyết tranh chấp Biển Đông, nhưng lại đang tăng cường tiến hành các cuộc tập trận răn đe vũ lực ở Biển Đông. Trong hình là tàu đổ bộ đệm khí lớp Zubr Trung Quốc mua của Ukraine, tham gia vào một cuộc tập trận đổ bộ đánh chiếm đảo đá ở Biển Đông gần đây, được đăng tải trên mạng quân sự sina Trung Quốc vào ngày 20 tháng 7 năm 2015 |