Phó đoàn ĐBQH Hải Dương: Nếu có sai phạm tại xã Thanh Thuỷ cần xử lý nghiêm

04/03/2022 06:38
LÃ TIẾN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Dấu hiệu tội phạm tại xã Thanh Thuỷ (huyện Thanh Hà, Hải Dương) cần được cơ quan công an khẩn trương vào cuộc và nếu như có những sai phạm thì phải xử lý nghiêm.

Như Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam thông tin, qua xác minh theo đơn tố cáo của công dân, Thanh tra tỉnh Hải Dương đã chỉ ra dấu hiệu tội phạm trong công tác tiêu huỷ lợn dịch tả Châu Phi năm 2019 tại xã Thanh Thuỷ (huyện Thanh Hà).

Theo tài liệu phóng viên có được, đợt dịch tả lợn Châu Phi năm 2019, toàn xã Thanh Thuỷ nhận được hơn 5 tỷ đồng ngân sách Nhà nước để hỗ trợ tiêu huỷ lợn.

Trong khi đó, Thanh tra tỉnh Hải Dương đã chỉ ra dấu hiệu kê khai khống để trục lợi với số tiền lên đến gần 1 tỷ đồng.

Nhận thấy đây là vụ việc có dấu hiệu tội phạm, Thanh tra tỉnh Hải Dương đã có báo cáo gửi Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, kiến nghị chuyển vụ việc sang Công an tỉnh để làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương (Ảnh: CTV)

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương (Ảnh: CTV)

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương đã có một số chia sẻ xung quanh vụ việc này.

Đại biểu Quốc hội cho biết: “Khi nhận được thông tin về sai phạm trong việc hỗ trợ dịch tả lợn Châu Phi, rồi thắc mắc xung quanh việc hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19 tại xã Thanh Thuỷ, cảm xúc đầu tiên của tôi rất là buồn.

Vì sao buồn? Bởi vì đã nói đến hai từ “hỗ trợ” thì đối tượng nhận hỗ trợ người ta đã khổ lắm rồi, cùng cực lắm rồi.

Một là các hộ nghèo, hai là những người gặp thiên tai, gặp mất mát trong sản xuất, kinh doanh.

Người ta đã đến bước đường cùng rồi mới cần đến sự hỗ trợ này. Thế mà có những người không ở trong hoàn cảnh ấy lại lợi dụng để làm hồ sơ nhận hỗ trợ khiến họ bị bớt xén hoặc chỉ nhận được một phần thì tôi thấy rất đau xót, bất bình.

Bất bình ở chỗ tất cả những chính sách hỗ trợ cho người dân đều hết sức nhân đạo của Đảng và Nhà nước, ó mang ý nghĩa vô cùng tốt đẹp nhưng lại bị người có chức, có quyền ở địa phương lợi dụng.

Người xứng đáng được nhận lại không được nhận. Cái này tạo thành dư luận khá bức xúc trong xã hội”.

Nêu quan điểm cá nhân về việc này, bà Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, việc Thanh tra tỉnh Hải Dương kiến nghị chuyển hồ sơ sang Công an điều tra là đúng đắn, cần khẩn trương thực hiện và nếu như có những sai phạm thì phải xử lý nghiêm.

“Có xử lý nghiêm thì chúng ta mới chấn chỉnh được tình trạng này và từ giờ về sau những chính sách của Nhà nước cho đối tượng yếu thế trong xã hội mới không bị lợi dụng nữa.

Nếu cứ bị lợi dụng sẽ tạo thành sự bất công lớn trong xã hội mà chúng ta thì đang hướng tới sự công bằng”, bà Nga nói.

Cũng liên quan tới việc hỗ trợ dịch tả lợn Châu Phi năm 2019 ở xã Thanh Thuỷ, phóng viên tìm hiểu và được biết quy trình để thực hiện việc nhận hỗ trợ của người dân đều được quy định khá chặt chẽ.

Cụ thể, khi người dân (các hộ chăn nuôi lợn) phát hiện lợn bị chết thì báo lực lượng Thú y xã xuống kiểm tra, lấy mẫu xác định.

Sau khi xác định lợn bị chết do bệnh dịch tả lợn Châu Phi thì lực lượng thú y báo cáo xã, huyện. Huyện cử đoàn công tác gồm: lãnh đạo, nhân viên Phòng Tài chính kế hoạch, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp xuống cùng cán bộ xã, thôn và hộ chăn nuôi tiến hành cân, thiết lập biên bản.

Khi xác định được số lượng lợn chết và ký biên bản xong, lợn được chở đi tiêu huỷ trước sự giám sát của cán bộ thôn, xã.

Điều đáng nói là, danh sách các hộ có lợn bị chết do dịch tả lợn Châu Phi sau đó được dán công khai tại thôn, xã để người dân nắm được.

Trên cơ sở tổng hợp các biên bản chốt số lượng lợn (cụ thể từng loại: lợn nái, lợn thịt, lợn con) của các hộ chăn nuôi ở từng xã, sau đó Phòng Tài chính kế hoạch huyện sẽ lập danh sách trình Uỷ ban nhân dân huyện báo cáo tỉnh Hải Dương để cấp kinh phí hỗ trợ.

Sau khi Uỷ ban nhân dân tỉnh cấp kinh phí về, huyện tổ chức chuyển cho các xã để chi trả tiền hỗ trợ cho người dân.

Như vậy, có thể nói, quy trình để thực hiện việc hỗ trợ tiêu huỷ lợn dịch tả Châu Phi rất bài bản, công khai, nhưng không hiểu tại sao tại xã Thanh Thuỷ lại xảy ra tình trạng kê khai khống số lượng lợn để trục lợi, rút ruột ngân sách?

Theo tài liệu phóng viên có được cho thấy, tổng kinh phí hỗ trợ của Nhà nước về dịch tả lợn Châu Phi năm 2019 đã chi trả cho 25 xã, thị trấn của huyện Thanh Hà lên đến hơn 76,8 tỷ đồng.

Ấy vậy chỉ riêng xã Thanh Thuỷ, cơ quan thanh tra đã chỉ ra dấu hiệu kê khai khống để trục lợi với số tiền lên đến gần 1 tỷ đồng. Dư luận đặt câu hỏi, liệu có sự thông đồng trong việc kê khai khối lượng lợn dịch tả Châu Phi năm 2019? Vai trò của Huyện Thanh Hà đến đâu trong việc giám sát triển khai chính sách hỗ trợ này nhưng lại để xảy ra tình trạng trên?

LÃ TIẾN