Sáng ngày 19/4, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Lê Hoài Nam – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, năm học 2023 – 2024, toàn thành phố có 116.296 học sinh lớp 9.
Sở dự kiến sẽ có khoảng 102.349 học sinh đăng ký thi tuyển sinh vào lớp 10 ở các trường trung học phổ thông công lập, còn khoảng 13.947 học sinh sẽ không thi tuyển sinh, mà lựa chọn con đường học tập khác.
Theo ông Lê Hoài Nam, đó có thể là con đường đi du học, học nghề tại các trường trung cấp, cao đẳng hay học ở các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên.
Năm học tới, 113 trường công lập trên địa bàn thành phố sẽ nhận 71.020 chỉ tiêu vào lớp 10, giảm 6.274 chỉ tiêu so với năm học này
Thực hiện công tác phân luồng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, thành phố xác định lấy tỷ lệ 70% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học tại các trường công lập.
Cộng với các điều kiện về dạy học của các trường như đội ngũ, cơ sở vật chất, phòng học, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 cho từng trường trung học phổ thông công lập trên địa bàn, hạn chế tối đa nhất chỉ tiêu ảo.
Ông Lê Hoài Nam lưu ý, phụ huynh nên lựa chọn con đường học tập cho con em mình phù hợp với khả năng, sở thích, chứ không phải chỉ ưu tiên đăng ký thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập.
“Hiện ở Thành phố Hồ Chí Minh, các trường nghề đang phát triển khá mạnh. Các trường đều tu bổ cơ sở vật chất khang trang, hiện đại, cải tiến chương trình giảng dạy theo hướng tăng thời lượng thực hành, giảm học lý thuyết. Học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở đi học nghề còn được miễn học phí 100%” – ông Lê Hoài Nam nhấn mạnh.
Cũng theo ông Lê Hoài Nam, nhiều trường nghề còn tổ chức dạy song song chương trình trung học phổ thông với chương trình đào tạo nghề, nên học sinh sau khi tốt nghiệp sẽ vừa có bằng nghề vừa có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, học sinh có thể đi làm ngay hay học liên thông lên bậc cao hơn.
Song song đó, Thành phố Hồ Chí Minh còn có hơn 30 trung tâm giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên, là cơ sở giáo dục công lập được nhà nước đầu tư.
“Các bằng tốt nghiệp trung học phổ thông của học sinh hệ giáo dục thường xuyên hay trung học phổ thông đều có giá trị như nhau. Học sinh vẫn có thể thi đại học như học sinh hệ trung học phổ thông” – ông Lê Hoài Nam nhấn mạnh.