Phó hiệu trưởng ĐH Ngoại thương: Đại học là nơi truyền cảm hứng để khởi nghiệp

08/10/2021 06:40
Thùy Linh (thực hiện)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Với một “tinh thần khởi nghiệp”, Trường Đại học Ngoại thương quyết tâm theo đuổi mục tiêu chiến lược trở thành trường đại học đổi mới sáng tạo thực sự.

LTS: Thời gian qua, hoạt động khởi nghiệp và giáo dục khởi nghiệp trong nhà trường phát triển mạnh, đặc biệt là ở bậc đại học. Và Trường Đại học Ngoại Thương được đánh giá là một trong những đơn vị tiên phong thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp cho giới trẻ Việt Nam.

Hôm nay, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thu Hương- Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại Thương để hiểu rõ hơn về hướng đi mà nhà trường đang triển khai.

Phóng viên: Thưa bà, vai trò của các trường đại học tại Việt Nam trong hệ sinh thái khởi nghiệp và những mối liên hệ của trường đại học với các chủ thể khác trong hệ sinh thái khởi nghiệp hiện nay như thế nào?

Phó giáo sư Phạm Thu Hương: Thực tế đã cho thấy khởi nghiệp có thể bắt đầu ở bất cứ độ tuổi nào và mỗi độ tuổi lại có những lợi thế riêng khi khởi nghiệp nhưng cũng phải khẳng định rằng việc thấm nhuần tinh thần khởi nghiệp trong giới trẻ là tiền đề để hình thành nên những start up thành công trong hiện tại và trong tương lai. Và điều này không ai làm tốt hơn chính là các trường đại học, các cơ sở giáo dục, những tổ chức trực tiếp thường xuyên ảnh hưởng tới nhận thức và tâm thế của giới trẻ.

Chính bởi vậy, chúng ta ngày càng thấy rõ hơn vai trò của các trường đại học trong hệ sinh thái khởi nghiệp không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn cầu. Cụ thể, các trường đại học hiện nay đang từng bước nỗ lực đưa các nội dung liên quan tới đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp vào trong các chương trình đào tạo cũng như hình thành ra hệ thống các hoạt động đào tạo và hoạt động ngoại khoá nhằm thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong sinh viên nói riêng và trong giới trẻ nói chung.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thu Hương- Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại Thương (ảnh: NVCC)

Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thu Hương- Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại Thương (ảnh: NVCC)

Thông qua các hoạt động kết nối của trường đại học, các bạn sinh viên, các bạn trẻ có cơ hội để tiếp cận với các chủ thể trong hệ sinh thái khởi nghiệp như các nhà đầu tư, các quỹ đầu tư, các đối tác tiềm năng, các khách hàng tiềm năng, các chuyên gia, các cố vấn, …

Các trường đại học cũng từng bước hình thành nên môi trường mà ở đó sinh viên hay các bạn trẻ có cơ hội được trải nghiệm quá trình từ hình thành ý tưởng sáng tạo đến hiện thực hoá ý tưởng và thương mại hoá sản phẩm sáng tạo thông qua các chương trình ươm tạo và thúc đẩy kinh doanh.

Có thể nói rằng sự gắn kết giữa trường đại học (cơ sở giáo dục đại học) với trường đại học, giữa trường đại học với các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức ngoại giao, tổ chức quốc tế, các quỹ đầu tư, các nhà đầu tư, các tổ chức doanh nghiệp, các chuyên gia và các chủ thể khác trong nước và quốc tế đang ngày càng được chú trọng và điều này thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp.

Nhiều chuyên gia chỉ ra rằng sự thiếu gắn kết giữa kết quả nghiên cứu khoa học với hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam. Bà đánh giá về vấn đề này như thế nào?

Phó giáo sư Phạm Thu Hương: Như chúng ta cũng đã biết, năm 2016 được xác định là năm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Từ đó đến nay, đặc biệt là với Đề án 844 về hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia và Đề án 1665 về hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp, hoạt động nghiên cứu khoa học kết hợp với hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp cũng đã đạt được những bước tiến mặc dù vẫn còn không ít khó khăn.

Với triết lý giáo dục gắn liền với thực tiễn, Trường Đại học Ngoại Thương trong những năm gần đây đẩy mạnh hoạt động kết nối với doanh nghiệp trong hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ và đồng thời phát triển mô hình F-GET trong đó nhà trường nhận đề bài về giải quyết vấn đề phát triển của doanh nghiệp, sau đó kết hợp hoạt động nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo để mang lại lời giải cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Trung tâm sáng tạo và ươm tạo (FIIS) của Trường Đại học Ngoại Thương cũng đã nỗ lực đi tìm kiếm các dự án phù hợp từ chính các kết quả nghiên cứu khoa học, phối hợp với doanh nghiệp để từng bước thương mại hoá kết quả. Điều này được thể hiện trong những dự án mà chúng tôi đã giới thiệu tại cuộc thi sáng tạo kinh doanh xã hội toàn cầu SBC tại Canada trong thời gian vừa qua.

Để sinh viên có tinh thần khởi nghiệp tốt, các tường đại học phải thay đổi toàn diện về chính sách, hệ thống, đầu tư nguồn lực, trang bị cơ sở hạ tầng mới có đủ điều kiện tốt nhất để hỗ trợ sinh viên từ khởi nguồn cảm hứng khởi nghiệp đến khám phá bản thân và trải nghiệm thực tế với các dự án khởi nghiệp. Vậy thời gian qua Trường Đại học Ngoại Thương đã “cải tổ” những điều kiện đó như thế nào? Có gặp khó khăn gì không, nếu có thì giải pháp là gì?

Phó giáo sư Phạm Thu Hương: Thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong sinh viên và giới trẻ đã được quan tâm rất nhiều từ phía Nhà nước và các bên liên quan nhưng quả thật khởi nghiệp không phải là chặng đường dễ dàng bởi câu chuyện khởi nghiệp gắn liền với nhiều gian nan, đòi hỏi ngoài khơi dậy được tinh thần khởi nghiệp thì rất cần một ý chí bền bỉ theo đuổi mục tiêu đến cùng cũng như có nhiều “sự đồng hành” của các chủ thể trong hệ sinh thái trên chặng đường đi tới thành công.

Chính bởi vậy, năm 2017, ngay khi xác định đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp là một phần không thể thiếu trong chiến lược phát triển, Trường Đại học Ngoại Thương đã thành lập Trung tâm Sáng tạo và Ươm tạo FTU (FIIS) để thực hiện sứ mệnh thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong sinh viên và trong giới trẻ.

Sở dĩ chúng tôi xác định phạm vi hỗ trợ không chỉ là sinh viên Ngoại Thương mà còn mở rộng sang các trường đại học khác cũng như các đối tượng khác trong giới trẻ là bởi chúng tôi có niềm tin rằng mỗi một đối tượng sẽ đóng góp một vai trò nhất định trong các start up, sự kết hợp giữa các đối tượng có lợi thế khác nhau sẽ giúp tạo nên sức mạnh cũng như kỳ tích cho các start up, đặc biệt là các start up có tác động xã hội lớn.

Để tạo đội ngũ chuyên gia tư vấn, cố vấn hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, hàng năm Trường Đại học Ngoại Thương đều tổ chức các khoá đào tạo TOT cho các thầy cô đến từ nhiều trường đại học trên cả nước cũng như các chuyên gia từ các tổ chức, các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, chúng tôi triển khai dự án “Nhà giáo dục truyền cảm hứng đổi mới sáng tạo” với mục tiêu mỗi thầy cô, mỗi cán bộ quản lý đều là hạt nhân truyền cảm hứng đổi mới sáng tạo trong người học…

Ngoài ra, chúng tôi tận dụng từng không gian tại các khuôn viên của nhà trường để hình thành nên không gian đổi mới sáng tạo và kết nối cho người học như F-Hub, FTU JAPI Universal, Digital Hub, Project-based class rooms,…và hiện nay tiếp tục triển khai các dự án, hạng mục cải tạo cơ sở hạ tầng nhằm thực hiện triết lý giáo dục gắn liền với thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo.

Về nguồn lực tài chính hỗ trợ cho các dự án khởi nghiệp, bên cạnh việc duy trì ngân sách từ quỹ hỗ trợ sinh viên dành cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, Nhà trường cũng kêu gọi được hỗ trợ và đồng hành từ nhiều tổ chức, doanh nghiệp cho các dự án khởi nghiệp.

Như đề cập trên đây, sự kết nối các chủ thể trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp được nhà trường đặc biệt quan tâm và có chỉ đạo sát sao từ Ban lãnh đạo nhà trường. Hiện nay, Trường Đại học Ngoại thương đang từng bước đưa các môn học về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp vào chương trình đào tạo cũng như phát triển các chương trình vệ tinh cùng nhiều chương trình hỗ trợ khởi nghiệp từ các chương trình thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp như Entrepreneur Z, Start up Station, Turn on Invovation… đến các chương trình ươm tạo, thúc đẩy kinh doanh như SIP 100, Runway…

Mặc dù đã, đang và sẽ phải trải qua không ít khó khăn nhưng với một “tinh thần khởi nghiệp” chúng tôi quyết tâm theo đuổi mục tiêu chiến lược trở thành trường đại học đổi mới sáng tạo.

Trường Đại học Ngoại Thương đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành trường đại học đổi mới sáng tạo có những đóng góp quan trọng trong phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia. Thưa bà, đâu là cơ sở, lý do để nhà trường đưa ra mục tiêu này và người học sẽ được thụ hưởng những gì khi Ngoại thương trở thành trường đại học đổi mới sáng tạo thực sự?

Phó giáo sư Phạm Thu Hương: Trường đại học không chỉ là nơi sáng tạo và chuyển giao tri thức mà còn là nơi truyền cảm hứng, thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo và hợp tác để biến những tri thức đó thành tài sản trí tuệ cho các tổ chức, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp.

Với mong muốn góp phần hình thành các thế hệ công dân xuất sắc và bản lĩnh cùng với tinh thần đổi mới sáng tạo, luôn có trách nhiệm và dễ dàng thích nghi trong bối cảnh thay đổi liên tục của môi trường, chúng tôi đã không ngừng nỗ lực thực hiện đổi mới trong chiến lược phát triển, hệ thống chính sách, các giải pháp thực thi như đã đề cập trên đây trong những năm qua và đặt cho mình mục tiêu chiến lược trở thành trường đại học đổi mới sáng tạo.

Cơ sở để đưa ra mục tiêu chiến lược như vậy vừa bắt nguồn từ những kết quả mà chúng tôi đã làm được trong quá trình phát triển của nhà trường vừa bắt nguồn từ những giá trị mà chúng tôi mong muốn mang lại cho người học và cho giới trẻ.

Ngay từ khi khởi nghiệp còn khá mới mẻ tại Việt Nam thì Cuộc thi Khởi nghiệp cùng Kawaii do Trường Đại học Ngoại thương tổ chức đã thu hút được sự tham gia đông đảo của nhiều bạn trẻ trên cả nước và đến nay nhiều thế hệ doanh nhân đã trưởng thành từ cuộc thi này.

Hàng năm nhà trường tổ chức nhiều hoạt động và nhiều cuộc thi về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, ở đó các ý tưởng sáng tạo không chỉ được hình thành, mà còn được hiện thực hoá và được hỗ trợ để thương mại hoá các sản phẩm ra thị trường. Những giá trị về đổi mới sáng tạo của người học cũng được người sử dụng lao động đánh giá cao.

Như đề cập trên đây, Trường Đại học Ngoại thương đã từng bước xây dựng cho mình các nền tảng để có thể trở thành trường đại học đổi mới sáng tạo và chúng tôi đã được ghi nhận bởi các tổ chức trong nước và quốc tế về những đóng góp và giá trị mang lại cho hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp như “trường đại học cống hiến tích cực cho hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia bởi VCCI, “Trường đại học xuất sắc tiêu biểu – hạt nhân thay đổi tạo tác động lớn nhất” trong Cuộc thi toàn cầu về sáng tạo kinh doanh xã hội được tổ chức tại Canada trong thời gian vừa qua.

Trên con đường trở thành trường đại học đổi mới sáng tạo, chúng tôi hướng tới khơi dậy sự xuất sắc trong mỗi cá nhân, hình thành hệ tư tưởng về đổi mới sáng tạo, tư duy mở cũng như rèn luyện bản lĩnh và khả năng thích ứng của người học, nuôi dưỡng tinh thần dám hướng tới sự khác biệt để mang lại các ý tưởng và dự án xuất sắc, làm chủ và vận hành hệ sinh thái hoạt động của chính mình. Đây cũng là những giá trị mà chúng tôi tin tưởng người học cần có để có thể có được sự nghiệp thành công cũng như đóng góp được cho sự phát triển của Việt Nam.

Trân trọng cảm ơn Phó giáo sư Phạm Thu Hương.

Vượt qua hơn 250 đội thi đến từ hơn 20 quốc gia, ở vòng chung kết toàn cầu cuộc thi "Sáng tạo kinh doanh xã hội" (Social Business Creation - SBC) năm 2020 và 2021 diễn ra đêm 1/10 ở Canada (rạng sáng 2/10 giờ Hà Nội), Trường Đại học Ngoại thương giành danh hiệu “Trường đại học xuất sắc tiêu biểu - Hạt nhân thay đổi tạo tác động lớn nhất” với giá trị giải thưởng 30.000 CAD (khoảng 540 triệu đồng).

Đặc biệt, 4/10 sinh viên toàn cầu được trao giải thưởng "Tinh thần doanh nhân tiêu biểu" (Most Transformative Entrepreneurial Journey Award) là sinh viên của trường Ngoại thương. Ngoài ra, Việt Nam có thêm một học sinh trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam cũng nhận được danh hiệu này.

Thùy Linh (thực hiện)