Thông tin đến Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, một phụ huynh Trường Mầm non Quỳnh Bảng (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) băn khoăn về khoản tiền ủng hộ cơ sở vật chất 200.000 đồng.
Trao đổi với phóng viên, một phụ huynh có con lớp 5 tuổi Trường Mầm non Quỳnh Bảng cho biết: “Buổi họp phụ huynh vào đầu tháng 10, giáo viên kêu gọi phụ huynh ủng hộ khoản tiền cơ sở vật chất theo chủ trương của nhà trường không theo tinh thần tự nguyện.
Nghịch lý trường công lập: Tiền học chính 1 đồng, tiền học thêm 10 đồng |
Tổng số tiền nhà trường kêu gọi dự kiến ủng hộ trên 185 triệu đồng để làm một số các công việc.
Kết thúc buổi họp phụ huynh lớp, giáo viên đưa ra mức thu khoản tiền ủng hộ cơ sở vật chất tối thiểu mỗi phụ huynh 200.000 đồng. Có lớp phụ huynh không đồng ý mới được nộp 100.000 đồng”.
Phụ huynh này cũng chỉ ra: “Trên văn bản do hiệu trưởng nhà trường ký được dán ở bảng tin không có khoản thu ủng hộ cơ sở vật chất, nhưng khi triển khai tại các lớp giáo viên lại tiến hành thu khoản cơ sở vật chất 200.000 đồng.
Như gia đình nhà tôi có cháu học lớp 5 tuổi và nhiều gia đình khác đã nộp khoản ủng hộ này và có phiếu thu do giáo viên chủ nhiệm ký đã nộp 200.000 đồng, có biên lai. Rõ ràng việc kêu gọi ủng hộ tiền cơ sở vật chất như vậy đâu còn là tự nguyện”.
Ngoài ra, cũng theo phụ huynh Trường Mầm non Quỳnh Bảng, năm học 2019-2020 không phải năm đầu tiên nhà trường kêu gọi phụ huynh tài trợ, mà nhiều năm học trước (trừ năm học 2018-2019) nhà trường đã kêu gọi phụ huynh ủng hộ khoản tiền này.
“Nếu nhà trường kêu gọi phụ huynh ủng hộ trên tinh thần tự nguyện có bao nhiêu ủng hộ bấy nhiêu thì không nói, nhưng việc giáo viên nhà trường nói với phụ huynh trong buổi họp là tối thiểu 200.000 đồng sẽ rất phản cảm và gây bức xúc cho phụ huynh”, một phụ huynh nói.
Phụ huynh Trường Mầm non Quỳnh Bảng bức xúc về khoản thu ủng hộ cơ sở vật chất tự nguyện nhưng lại đưa ra mức tối thiểu 200.000 đồng. Ảnh: NVCC. |
Thông tin với phóng viên, phụ huynh Trường Mầm non Quỳnh Bảng cũng cho hay, vào tháng 4/2018, có đoàn thanh tra về làm việc với Trường Mầm non Quỳnh Bảng phát hiện trường còn tồn số tiền trên 600 triệu đồng từ tiền chi thường xuyên do ngân sách cấp.
Một phụ huynh đặt vấn đề: “Số tiền chi thường xuyên mỗi năm trên một trăm triệu đồng sao trường không chi ra để mua sắm mà lại kêu gọi phụ huynh ủng hộ.
Khi thanh tra chỉ ra số tiền đó, nhà trường mới tiến hành thanh lý đồ dùng cũ vẫn còn dùng được để mua bàn ghế, trang thiết bị mới nhằm hợp thức hóa khoản tiền đó. Như thế rất lãng phí”.
Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Phan Thị Thủy, Hiệu trưởng Trường mầm non Quỳnh Bảng cho biết: “Nhà trường triển khai việc ủng hộ cơ sở vật chất tổng số tiền 185.460.000 đồng đã được Ủy ban nhân dân xã và Phòng Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.
Nhà trường triển khai hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện. Tính đến ngày 6/11, tổng số tiền mới kêu gọi được hơn 86 triệu đồng trên tổng số hơn 106 triệu đồng được phụ huynh đăng ký ủng hộ.
Toàn trường có 749 học sinh, trong đó có 726 phụ huynh đăng ký ủng hộ, còn lại 23 học sinh có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo hoặc không ủng hộ.
Như vậy để nói, nhà trường kêu gọi phụ huynh ủng hộ trên tinh thần tự nguyện, không có chuyện chia đều mỗi cháu phải đóng bao nhiêu. Phụ huynh ủng hộ được bao nhiêu nhà trường sẽ triển khai ưu tiên những việc cần làm trước”.
Cũng theo cô Phan Thị Thủy, thực trạng trường nằm trên địa bàn xã còn nhiều khó khăn. Mầm non Quỳnh Bảng có 4 điểm trường nên cơ sở vật chất còn rất khó khăn. Nhiều năm qua cơ sở vật chất của trường vẫn dừng ở mức trung bình.
“Dự kiến số tiền trường kêu gọi ủng hộ trên 185 triệu đồng để thực hiện một số công việc chính cần làm để phục vụ các con gồm: vẽ tranh tường; mở rộng và lát sân trường; làm mái tôn che tại cụm 2 của trường; mua nồi nấu cháo.
Toàn trường hiện có 21 lớp học, nhưng phòng học thực tế trường đáp ứng được chỉ có 9 phòng học còn lại mượn các lớp của trung tâm cộng đồng… để các cháu học tập”, cô Thủy nói.
Về khoản tiền hơn 600 triệu đồng từ tiền ngân sách rót từ các năm còn thừa, nhưng nhà trường không chi mà lại kêu gọi phụ huynh tài trợ, ủng hộ, cô Phan Thị Thủy cho biết: “Tôi về làm hiệu trưởng đến nay đã bước sang năm thứ 8.
Khi về trường thấy địa phương có rất nhiều khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn nên tôi cùng với ban giám hiệu, kế toán, thủ quỹ kêu gọi tiết kiệm hết mức có thể.
Khoản tiền ngân sách rót hàng năm, trường đều tiết kiệm được khoản nào hay khoản đó để có một khoản tích lũy khi có các phòng học mới sẽ mua sắm.
Năm trước Ủy ban nhân dân xã đã đầu tư và khởi công xây dựng cho trường thêm 12 phòng học mới. Dự kiến năm học này sẽ hoàn thiện và khoản tiền này nhà trường dự kiến sẽ dùng để mua sắm thêm trang thiết bị, bàn ghế cho học sinh”.
Quá nhiều khoản tiền trường, tiền lớp bủa vây học sinh và phụ huynh! |
Cô Phan Thị Thủy nhấn mạnh: “Tất cả vì học sinh nếu không nhà trường đã quyết toán hàng năm và sẽ không còn một đồng ngân sách nào được tiết kiệm.
Tuy nhiên, bản thân tôi và ban giám hiệu ý thức được rằng tiền ngân sách cũng là tiền của người dân đóng góp nên khoản nào cần tiêu mới tiêu, còn không sẽ để dành, tiết kiệm.
Năm nay để thay đổi môi trường học tập cho các con, thay đổi diện mạo ngôi trường, ban giám hiệu quyết định tiến hành sửa chữa, thay thế những chiếc bàn, chiếc ghế đã hỏng.
Việc thay thế mua sắm bàn ghế, trang thiết bị mới đều có sự giám sát của các ban ngành. Cái nào thật sự cần thay mới thay, còn cái nào dùng được chỉ phải sửa chữa sẽ sửa chữa để dùng”.
“Nhiều năm nay nhà trường không dám mua sắm ghế phòng họp mà tận dụng phòng họp chuyên môn, họp hội đồng tại các lớp học. Năm nay trường mới tiến hành mua ghế phòng họp dành cho cán bộ, giáo viên có nơi họp, hội nghị”, cô Thủy nói.