Lâu nay việc tập huấn giáo viên vẫn thực hiện theo cách: giáo viên đi tập huấn ở cấp trung ương về tiếp tục bồi dưỡng cho giáo viên ở cấp tỉnh; giáo viên được tập huấn ở cấp tỉnh lại bồi dưỡng cho giáo viên ở huyện, tương tự cho đến cấp trường. Việc tập huấn giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục lần này được Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện theo phương thức hoàn toàn khác.
Tại Tọa đàm “Thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội với việc đổi mới giáo dục phổ thông” diễn ra ngày 29/10 do Báo Đại biểu nhân dân tổ chức, ông Nguyễn Xuân Thành – Vụ trưởng Vụ giáo dục trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) thông tin: “Câu hỏi lớn toàn xã hội đặt ra cho chúng ta là dạy học phát triển phẩm chất, năng lực học sinh hiện nay khác gì so với trước đây?”.
Ông Thành giải thích, chúng ta có nhiều phương pháp dạy học hoặc áp dụng vào dạy học tích cực, có thể chúng ta học trong nước và quốc tế. Chung quy lại là dạy học, phát triển phẩm chất, năng lực, muốn phát triển học sinh những năng lực nào thì chúng ta sẽ tổ chức cho học sinh những hoạt động tương ứng. Thay vì việc là cô giảng cho học sinh nghe thì tổ chức cho học sinh làm.
Cũng quy cách ấy để người giáo viên sau này vận dụng đúng phương pháp để học sinh thực hiện được. Nếu như trước đây cô dạy thì học sinh chỉ nắm được kiến thức thì bây giờ cô tổ chức cho học sinh làm.
Vì vậy mà cách chúng ta bồi dưỡng giáo viên làm theo cách trước đây là Trung ương bồi dưỡng cốt cán (F1), sau đó tổ chức bồi dưỡng ở địa phương (F2), rồi tiếp tục về đến nhà trường (F3) thì thời gian không đảm bảo.
Với phương pháp trên, giáo viên được bồi dưỡng theo kiểu tập huấn mấy ngày để tiếp nhận kiến thức mới. Còn bây giờ, với phương thức bồi dưỡng thường xuyên, liên tục ngay tại trường với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin.
Đặc biệt, việc bồi dưỡng gắn với quá trình sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn của nhà trường để vận dụng ngay vào trong việc thiết kế các bài học, tổ chức thực hiện những bài học, tiết dự giờ để rút kinh nghiệm lẫn nhau.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Xuân Thành chia sẻ tại tọa đàm (ảnh: Báo Đại biểu nhân dân) |
“Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức phương thức bồi dưỡng với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin cho đội ngũ giáo viên cốt cán, phải đạt chuẩn của Bộ trên tinh thần mỗi trường có một giáo viên cốt cán ở mỗi bộ môn.
Những giáo viên này khi trở về địa phương sẽ hỗ trợ cho đồng nghiệp trong việc cấp tài khoản để tự nghiên cứu, tự bồi dưỡng qua mạng internet chứ không phải là ngồi nghe giáo viên ấy giảng.
Tuy vậy, quá trình tự học cần phải có sự hỗ trợ của một đội ngũ cốt cán đã được tập huấn từ Trung ương để giúp tổ chức thảo luận, tháo gỡ những khó khăn. Và khi sinh hoạt chuyên môn phải nghiên cứu bài học, phải xây dựng ngay vào các bài học cụ thể để tổ chức thực hiện ngay ở trong trường. Các giáo viên cùng dự giờ, phân tích, rút kinh nghiệm đúng với tinh thần là hành động nào thì năng lực ấy”, ông Thành nói.
Còn về việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới cho lớp 2 và lớp 6 ở năm học 2021-2022 thì Vụ trưởng Vụ giáo dục trung học cho biết:
“Hiện nay, công tác thẩm định sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 đã được thực hiện xong vòng 1. Các tác giả cũng đã chỉnh sửa và chúng tôi đã bắt đầu thu sách để chuẩn bị triển khai thẩm định vòng 2.
Lần này, chúng tôi yêu cầu các thành viên Hội đồng thẩm định tập trung vào việc trao đổi và tăng cường thảo luận, thậm chí có thể tranh luận giữa các tác giả với Hội đồng thẩm định.
Trong thời gian sắp tới, sẽ tăng cường khâu thẩm định trong Hội đồng cũng như tương tác với các nhóm tác giả để đáp ứng yêu cầu của quy định.
Đồng thời, sẽ tăng cường thêm các kênh để có thể lấy ý kiến rộng rãi hơn từ các thầy cô trực tiếp giảng dạy tại các cơ sở cũng qua các kênh khác nhau. Chúng tôi sẽ triển khai thực hiện chỉ đạo này để đảm bảo cho sách giáo khoa trong lần này sẽ tránh được những điều đáng tiếc xảy ra”.
Ngoài ra, ông Thành cũng tiết lộ, hiện nay, 8 trường sư phạm trong chương trình đang cùng 63 Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai bồi dưỡng giáo viên cốt cán trong mô-đun 2 và sau giai đoạn này một thời gian ngắn sẽ bắt đầu mô-đun 3. Đây là 2 mô-đun hết sức quan trọng về phương pháp giảng dạy và kiểm tra, đánh giá.
Bên cạnh đó, triển khai ngay việc bồi dưỡng đại trà để đáp ứng được yêu cầu trong năm tới, bắt đầu triển khai đến lớp 2 và lớp 6.
Về cơ sở vật chất, đặc biệt là thiết bị dạy học, hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa lên internet và xin ý kiến rộng rãi, thời gian tới sẽ ban hành để cho các địa phương có cơ sở xây dựng, mua sắm trang thiết bị chuẩn bị sẵn sàng cho năm tới.
Đặc biệt là sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 tới đây sẽ ban hành sớm hơn so với năm trước. Như vậy, chúng ta có 5 tháng để các nhà xuất bản in ấn rồi phát hành, đặc biệt trong giai đoạn đó trong khoảng thời gian đó thì sẽ tập trung bồi dưỡng giáo viên về việc sử dụng sách này.
Song hành cùng với việc bồi dưỡng mô-đun, phương pháp dạy học cũng như kiểm tra, đánh giá để đảm bảo chuẩn bị sẵn sàng năng lực đội ngũ nhà giáo khi bắt đầu triển khai cho năm học mới vào tháng 9.