Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi) với 09 Chương, 50 Điều, thay thế Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014.
Thời gian lấy ý kiến góp ý kéo dài đến hết ngày 16/7/2025.
Đề xuất cho phép trường đại học đào tạo cao đẳng, trung cấp một số ngành đặc thù
Theo nội dung dự thảo Luật, nhiều nội dung được đề xuất sửa đổi, hoàn thiện như: Chương trình, trình độ và tổ chức hoạt động giáo dục nghề nghiệp; cơ cấu tổ chức của cơ sở giáo dục nghề nghiệp; quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục nghề nghiệp; giảng viên, giáo viên, người dạy nghề; chính sách tài chính của nhà nước cho giáo dục nghề nghiệp; tài chính, tài sản của cơ sở giáo dục nghề nghiệp; kiểm định giáo dục nghề nghiệp.
Đơn cử, so với quy định hiện hành tại Điều 5 của Luật Giáo dục nghề nghiệp, dự thảo sửa đổi đã đổi tên và mở rộng khái niệm về các đơn vị tham gia vào hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Theo đó, bên cạnh các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp, trường cao đẳng như trước đây, dự thảo còn đề cập đến các trường trung học nghề - tổ chức đào tạo chương trình trung học nghề, chương trình trung cấp.
Ngoài ra, khái niệm “cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp” được đưa vào để bao gồm không chỉ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chính quy, mà còn mở rộng đến: Cơ sở giáo dục đại học có thể đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp trong nhóm ngành an ninh - quốc phòng, nghệ thuật, đào tạo giáo viên. Doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở giáo dục thường xuyên,… khi đủ điều kiện cũng được tổ chức đào tạo chương trình nghề theo quy định.
LUẬT GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP HIỆN HÀNH | DỰ THẢO LUẬT GDNN (SỬA ĐỔI) |
Điều 5. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp 1. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp bao gồm: a) Trung tâm giáo dục nghề nghiệp; b) Trường trung cấp; c) Trường cao đẳng. 2. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp được tổ chức theo các loại hình sau đây: a) Cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập là cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc sở hữu Nhà nước, do Nhà nước đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất; b) Cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục là cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc sở hữu của các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế tư nhân hoặc cá nhân, do các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế tư nhân hoặc cá nhân đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất; c) Cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài gồm cơ sở giáo dục nghề nghiệp 100% vốn của nhà đầu tư nước ngoài; cơ sở giáo dục nghề nghiệp liên doanh giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. | Được sửa đổi, bổ sung như sau: “Điều 5. Cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp 1. Cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp gồm cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp. 2. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp bao gồm: a) Trường cao đẳng tổ chức đào tạo chương trình cao đẳng, chương trình trung học nghề và các chương trình đào tạo nghề khác. b) Trường trung học nghề tổ chức đào tạo chương trình trung học nghề, chương trình trung cấp; c) Trường trung cấp tổ chức đào tạo các chương trình đào tạo nghề khác. d) Trung tâm giáo dục nghề nghiệp tổ chức đào tạo chương trình sơ cấp, chương trình dạy nghề. 3. Cơ sở tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp, bao gồm: a) Cơ sở giáo dục đại học được đào tạo nhóm ngành, nghề an ninh, quốc phòng, nghệ thuật, đào tạo giáo viên ở trình độ đại học thì được đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp cùng nhóm ngành, nghề. b) Cơ sở giáo dục thường xuyên theo quy định tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều 44 Luật Giáo dục và trung tâm khác thực hiện nhiệm vụ giáo dục nghề nghiệp tổ chức đào tạo các chương trình quy định tại điểm b, điểm c khoản 3 Điều 3. c) Doanh nghiệp tổ chức đào tạo các chương trình quy định tại điểm b, điểm c khoản 3 Điều 3. d) Hợp tác xã tổ chức đào tạo các chương trình quy định tại điểm b, điểm c khoản 3 Điều 3. 4. Loại hình cơ sở giáo dục nghề nghiệp, việc chuyển đổi loại hình cơ sở giáo dục nghề nghiệp, thẩm quyền thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục. 5. Chính phủ quy định tên cơ sở giáo dục nghề nghiệp, điều kiện, trình tự, thủ tục thành lập, chia, tách, sáp nhập, giải thể, đổi tên, thay đổi trụ sở chính cơ sở giáo dục nghề nghiệp.” |

Đề xuất bổ sung chuẩn cơ sở giáo dục nghề nghiệp
Dự thảo cũng bổ sung nhiều nội dung quan trọng như: chương trình trung học nghề tích hợp giữa kiến thức cốt lõi của chương trình trung học phổ thông và chuyên môn nghề cho đối tượng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở; trường trung học nghề; cơ sở giáo dục đại học thuộc lực lượng vũ trang, cơ sở giáo dục đại học đào tạo các ngành, nghề chuyên môn đặc thù thuộc lĩnh vực nghệ thuật được tham gia đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp;
Bên cạnh đó, công nhận kết quả học tập, năng lực nghề nghiệp đã tích lũy; vai trò của doanh nghiệp trong giáo dục nghề nghiệp; giảng viên, giáo viên đồng cơ hữu;
Bổ sung chuẩn cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chuẩn chương trình đào tạo, hệ thống bảo đảm chất lượng; hoạt động hợp tác đầu tư của cơ sở giáo dục nghề nghiệp Việt Nam ở nước ngoài.
LUẬT GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP HIỆN HÀNH | DỰ THẢO LUẬT GDNN (SỬA ĐỔI) |
Không có | Điều 11. Chuẩn cơ sở giáo dục nghề nghiệp 1. Chuẩn cơ sở giáo dục nghề nghiệp bao gồm những yêu cầu chung về điều kiện bảo đảm chất lượng và chỉ số hoạt động chính đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp. 2. Chuẩn cơ sở giáo dục nghề nghiệp là căn cứ đánh giá, giám sát, cấp phép, đình chỉ và chấm dứt hoạt động của cơ sở giáo dục nghề nghiệp, thực hiện quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp. 3. Chính phủ ban hành chuẩn cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn việc áp dụng, đánh giá và giám sát mức độ đáp ứng chuẩn cơ sở giáo dục nghề nghiệp. |
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc bổ sung các quy định trên nhằm thể chế hóa các chủ trương, chính sách của nhà nước về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, cung cấp nguồn nhân lực cho các ngành kinh tế mũi nhọn, công nghệ kỹ thuật then chốt; thúc đẩy xã hội học tập, học tập suốt đời; thu hút, sử dụng chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài về giảng dạy, nghiên cứu khoa học tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp;
Đồng thời, xây dựng hệ thống quy chuẩn về cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chương trình đào tạo nhằm thống nhất phương thức tổ chức, hoạt động đào tạo và hỗ trợ việc đánh giá, phân loại, đầu tư phát triển cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Giảm mạnh thủ tục hành chính
Ngoài ra, dự thảo cũng lược bỏ một số nội dung so với Luật hiện hành như: Mục tiêu của giáo dục nghề nghiệp, phân loại cơ sở giáo dục nghề nghiệp; điều kiện thành lập, chia, tách, sáp nhập, giải thể cơ sở giáo dục nghề nghiệp, quy định thành lập hội đồng trường trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc lực lượng vũ trang; thủ tục hành chính về thành lập phân hiệu, đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp; điều kiện liên kết đào tạo với nước ngoài, điều kiện thành lập văn phòng đại diện, điều kiện thành lập tổ chức kiểm định; những quy định đã được quy định trong Luật Giáo dục, Luật Nhà giáo, Luật Viên chức (thẩm quyền thành lập, chia, tách, sáp nhập, giải thể cơ sở giáo dục nghề nghiệp; điều lệ cơ sở giáo dục nghề nghiệp; quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp; chính sách đối với nhà giáo, học sinh, sinh viên; mục tiêu hợp tác quốc tế trong giáo dục nghề nghiệp).
Dự kiến sẽ cắt giảm 32/74 thủ tục hành chính, chiếm 43,24% (cắt giảm điều kiện thành lập tổ chức kiểm định; cắt giảm thủ tục hành chính liên quan đến thành lập phân hiệu, công nhận hội đồng quản trị, đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp; tích hợp các thủ tục hành chính liên quan đến việc cho phép thành lập, chia, tách, sáp nhập, giải thể, đổi tên cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài).
Đơn giản hóa giấy tờ, hồ sơ trong tổ chức và hoạt động giáo dục nghề nghiệp đối với 42/74 thủ tục hành chính về thành lập, chia, tách, sáp nhập, giải thể cơ sở giáo dục nghề nghiệp; đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp; thành lập văn phòng đại diện; liên kết đào tạo với nước ngoài.
Chi tiết Dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi) xem TẠI ĐÂY.