Quảng Ninh là một trong những tỉnh có kho di sản văn hóa lớn, phong phú, đa dạng, đặc sắc với hơn 600 di sản văn hóa vật thể là những đình, chùa, đền, miếu, danh lam thắng cảnh, di sản, kỳ quan thiên nhiên thế giới; gần 3.000 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể.
Với những lợi thế trên, du lịch tâm linh luôn là một trong những thế mạnh góp phần thu hút đông du khách đến với Quảng Ninh.
Riêng trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, toàn tỉnh đón gần 700.000 lượt khách, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022. Thị trường khách quốc tế cũng khôi phục trở lại với trên 17.000 lượt khách.
Đặc biệt, lượng khách đến các điểm du lịch tâm linh tăng từ 6-8 lần so với ngày thường như khu di tích danh thắng Yên Tử, chùa Ba Vàng (thành phố Uông Bí) đón khoảng 200.000 lượt khách; đền Cửa Ông (thành phố Cẩm Phả) đón trên 62.000 lượt khách; chùa Lôi Âm, Đức Ông, Long Tiên (thành phố Hạ Long) đón gần 10.000 lượt khách;…
Du khách hành hương lên chùa Đồng, Yên Tử trong ngày khai hội. (Ảnh: Phạm Linh) |
Ghi nhận tại khu di tích danh thắng Yên Tử (thành phố Uông Bí), năm 2023, sau ba năm bị gián đoạn, hạn chế do đại dịch Covid-19, Yên Tử đã đón số lượng khách du xuân, lễ Phật với gần 80.000 lượt khách, tăng 49% so với cùng kỳ năm 2022 (số liệu trong 6 ngày nghỉ Tết nguyên đán Quý Mão).
Đây là tín hiệu tích cực báo hiệu sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch và kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19.
Trong Lễ khai hội xuân Yên tử được tổ chức vào ngày mùng 10 tháng Giêng (31/1/2023), có rất đông tăng ni, phật tử, nhân dân và khách du lịch hành hương về Yên Tử.
Từ 5 giờ sáng, nhiều du khách đã hành hương lên chùa Đồng sau đó quay lại tham gia lễ khai hội được tổ chức tại Cung Trúc Lâm.
. Du khách đổ về tham dự ngày khai hội Yên Tử. (Ảnh: Phạm Linh) |
Học sinh Trường Cao đẳng Công nghiệp và Xây dựng tham gia hỗ trợ đón du khách tới tham dự ngày khai hội. (Ảnh: Phạm Linh) |
Sau khi tham gia phần lễ khai hội, du khách còn được trải nghiệm nhiều hoạt động văn hóa lễ hội đặc sắc mang không khí xuân mới như: Đêm hội hoa đăng cầu nguyện quốc thái dân an; biểu diễn nghệ thuật, múa rồng, lân, múa võ thuật cổ truyền; các trò chơi dân gian; biểu diễn văn nghệ truyền thống tại khu vực Làng Nương, Yên Tử; trưng bày tranh, ảnh về vẻ đẹp hùng vĩ, linh thiêng của Yên Tử; văn hoá ẩm thực dân tộc Dao Thanh Y dưới chân núi Yên Tử;…
Bên cạnh đó còn có các hoạt động tâm linh được tổ chức vào ban đêm như: lễ cầu an, lễ chúc phúc… kết hợp với một số tổ chức hình thành các chương trình về nguồn mang nhiều ý nghĩa.
Du khách chụp ảnh kỷ niệm tại Làng Nương - Yên Tử. (Ảnh: Phạm Linh) |
Danh sơn Yên Tử là địa linh, là phúc địa của quốc gia, nơi gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp vĩ đại của đức vua Trần Nhân Tông.
Trải qua biết bao thăng trầm lịch sử, Yên Tử luôn ấp ủ trong mình hồn thiêng văn hóa Việt, bởi nơi đây ông cha ta đã để lại di sản là hàng chục ngôi chùa, hàng trăm am tháp, hàng ngàn di vật cổ chứa đựng những giá trị tinh thần, tư tưởng của thiền phái Trúc Lâm và nền văn hóa huy hoàng, rực rỡ thời Đại Việt.
Tại chùa Ngoạ Vân (thị xã Đông Triều, Quảng Ninh), từ đầu năm Quý Mão đến nay đã đón gần 17.000 lượt du khách hành hương.
Du khách hành hương đến Ngoạ Vân. (Ảnh: Phạm Linh) |
Trong ngày khai hội xuân Ngọa Vân khai mạc vào ngày mùng 9 tháng Giêng (30/1/2023), mặc dù thời tiết buổi sáng có gió mạnh, rét đậm nhưng vẫn thu hút đông đảo du khách hành hương. Ước tính, ngày khai hội xuân Ngoạ Vân đã thu hút khoảng 2.000 lượt du khách.
Ngày khai hội xuân Ngoạ Vân thu hút khoảng 2.000 du khách. (Ảnh: CTV) |
Lễ hội xuân Ngoạ Vân được tổ chức kéo dài trong 3 tháng với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao phong phú: đạp xe diễu hành quảng bá du lịch Đông Triều "Hành trình về miền di sản - Thánh địa Phật giáo Trúc Lâm"; giao lưu các Câu lạc bộ chèo thị xã Đông Triều năm 2023; các trò chơi dân gian: đập niêu, tung còn, đi cầu kiều, kéo co,…