Quấy rầy cá nhân một nghị sĩ phải bị trừng trị ở mức độ cao nhất

10/11/2014 06:53
THANH XUÂN
(GDVN) - Tự do ngôn luận trực tiếp hay gián tiếp quấy rầy cá nhân một nghị sĩ phải bị trừng trị ở mức độ cao nhất của luật pháp.

Các cụ ngày xưa rất kỹ tính trong vấn đề ăn uống, nhưng điều ngạc nhiên là khi ăn tôm bao giờ các cụ cũng ăn đầu tôm trước. Ăn tôm mà bẻ cái đầu dúi xuống góc mâm chỉ ăn phần mình thì bị cho là “phàm phu tục tử”. 

Theo các cụ, con tôm có cặp mắt nhô cao giúp nó nhìn bao quát được xung quanh, có thể bơi tiến hay giật lùi mà không phải quay đầu. Chính vì thế khi ăn tôm, ăn cái đầu trước là để hiểu cái đạo lý ẩn sâu bên trong, con người cần biết nhìn trước, nhìn sau, biết tiến biết thoái, biết điều hay lẽ phải. Không biết có đúng là loài tôm  “... lộn lên đầu” hay không nhưng khi chế biến ai cũng bóc cái phần nâu nâu xam xám trên đầu tôm bỏ đi, ý nghĩa sâu xa của việc ăn cái đầu tôm là để mà cảnh tỉnh bản thân, đừng bao giờ để “... lộn lên đầu”.

Theo thông lệ quốc tế, các tước vị khoa học như học hàm, học vị được đặt phía trước, họ hoặc tên viết sau, chẳng hạn GS. A; TS. B… nếu viết đồng thời cả học hàm, học vị thì học hàm viết trước, học vị viết sau rồi mới đến họ tên.

Thực tế cũng có những người chọn cách viết họ tên trước, học hàm, học vị viết sau như cách mà dân biểu Hoàng Hữu Phước lựa chọn “Hoàng Hữu Phước, MIB”. Không ai có quyền phê phán về cách đặt học vị sau họ tên theo phương pháp “phỏng sinh học loài tôm”, chỉ có điều người ta thấy nó hơi khác người một chút.

Như ông Phước viết trên blog của mình, đó là blog giao lưu của đại biểu quốc hội khóa XIII với cử tri toàn quốc. Để tránh lặp lại dài dòng, dưới đây xin dùng cụm từ viết tắt “MIB HHP” thay cho “Thạc sĩ kinh doanh quốc tế Hoàng Hữu Phước”.

Khá nhiều người quan tâm vị dân biểu này, thật sự ông ta là người như thế nào?

Lập lờ đen trắng

Có ý kiến cho rằng: “những quan điểm mà ông Phước đưa ra trên blog cá nhân của mình là đúng, không hề sai. Có sai thì cũng dừng lại ở việc sử dụng sai ngôn từ diễn đạt…”.

Có thật là ông ta chỉ sai “ở việc sử dụng ngôn từ diễn đạt”?

Có một cách mà giới chính trị thường áp dụng là muốn hạ bệ ai thì tìm cách tung hô họ lên thật cao, sau đó chỉ cần nêu lên một vài khuyết điểm là tự khắc dư luận sẽ hè nhau “ném đá”, người dùng ngón đòn này vừa giấu được mặt, lại vừa đạt được mục đích.

MIB HHP viết: “Mấy tháng nay mỗi khi thấy Ông Trương Trọng Nghĩa có ý kiến phát biểu miệng hoặc qua bài viết trên các báo mà tôi cho rằng không có lợi cho dư luận trong hoàn cảnh khá tế nhị của nước nhà là tôi lại viết một bài blog để nêu các điểm tranh luận; chẳng hạn khi các nguồn chống phá trên mạng đang dè bỉu lãnh đạo Đảng, lãnh đạo Nhà Nước, lãnh đạo Quốc Hội Việt Nam không dám nói gì làm mếch lòng Trung Quốc…”.

Quấy rầy cá nhân một nghị sĩ phải bị trừng trị ở mức độ cao nhất ảnh 2Trò nói thầy “ngu muội”, cử tri thành phố Hồ Chí Minh có giật mình?

(GDVN) - Những cử tri đã bỏ phiếu cho ông Phước ở thành phố Hồ Chí Minh không biết có giật mình khi biết mình đã lựa chọn người đại diện cho mình như vậy?

Ý kiến của người dân trên các phương tiện  truyền thông về các vị lãnh đạo cụ thể X, Y, Z… nào đó, hay về cơ quan, địa phương nào đó là chuyện bình thường, nhưng lại không bình thường khi đọc những dòng viết của MIB HHP, ông ta đang thực sự ủng hộ hay chính là ông ta đang “dè bỉu lãnh đạo Đảng, lãnh đạo Nhà Nước, lãnh đạo Quốc Hội Việt Nam” không trừ một người nào?

Tiền hậu bất nhất

MIB HHP cao giọng quảng bá cho bản thân: “tôi là người yêu ngôn ngữ formal tức trang trọng hàn lâm, luôn thể hiện phong cách trang trọng hàn lâm…”.

Vậy mà ông ta viết trong blog (để giao lưu với cử tri cả nước): “Mà ngay cả khi thế giới đảo điên này có công nhận “nghề” mại dâm, cũng không phải là lý do để đặt đĩ nằm chình ình trên bàn nghị sự của quốc hội Việt Nam… đặc biệt khi cơ quan dùng vé “chơi đĩ cái” tặng nam nhân viên và vé “chơi đĩ đực” cho nữ nhân viên nào ưu tú trong năm tài chính vừa qua… ".

Ngôn ngữ hàn lâm của MIB HHP khi viết về chuyện Quốc hội thảo luận vấn đề quản lý tệ mại dâm là như vậy, nếu không dùng ngôn ngữ hàn lâm thì ngài dân biểu này đặt cái gì lên bàn nghị sự của quốc hội? Đọc “ngôn ngữ hàn lâm” của MIB HHP, bạn đọc sẽ tự đánh giá MIB HHP thuộc vào loại người nào: có học, vô học hay tâm thần?

Đưa hai dẫn chứng về “văn” của MIB HHP, theo cách dân gian nói là “rỗi hơi”, lẽ ra không nên chấp nếu đó chỉ là một người đứng đầu một công ty tư nhân nào đó, tuy nhiên vì đây là thành viên đoàn ĐB QH thành phố Hồ Chí Minh nên dù sao cũng cần “rỗi hơi” thêm một chút nữa để đưa nốt dẫn chứng thứ ba.

MIB HHP viết (trong bài: Bọn xin đểu cổ cồn trắng): “Các động thái, hành vi, hành động ngụy tạo thông tin, tự tung tự tác sử dụng thông tin rác, qua các phương tiện chính quy chính thức của các cơ quan nhà nước hay tư nhân của giới báo chí – truyền thông để trực tiếp hay gián tiếp chống lại hoặc trực tiếp hay gián tiếp quấy rầy cá nhân một nghị sĩ phải bị trừng trị ở mức độ cao nhất của luật pháp”.

Bị người khác “quấy rầy”, MIB HHP đề nghị người quấy rầy ông ta “phải bị trừng trị ở mức độ cao nhất của luật pháp”, còn việc làm của MIB HHP như báo Người đưa tin ngày 5/11/2014 đánh giá là hành động “Bôi nhọ ĐBQH Trương Trọng Nghĩa” thì phải bị trừng trị ở mức độ nào? Trên “mức cao nhất của luật pháp” thì chỉ còn cách lãng quên, xem như con người này chưa từng tồn tại trên cõi đời này.

Đấy là còn chưa nói đến những từ ngữ mà người này lợi dụng để nhằm vào các cơ quan nhà nước (như nêu trên) và nước ngoài như tác giả Xuân Dương đã viết trong bài “Trò nói thầy “ngu muội”, cử tri thành phố Hồ Chí Minh có giật mình?

Dị ứng với trí thức

MIB HHP hoàn toàn không “có vấn đề” về tâm thần như một số phản hồi của độc giả trên báo Giaoduc.net.vn. 

Các dòng chữ của ông ta mới đọc thì có vẻ vì đất nước, dân tộc nhưng ẩn ý đằng sau lại hoàn toàn ngược lại. Không thể tự nhiên một con người như MIB HHP lại vô tình công kích, bôi nhọ các trí thức được xã hội nể trọng như ông Dương Trung Quốc, bà Phạm Chi Lan, ông Trương Trọng Nghĩa… 

Vì sao những “nghị gật”, những người phát biểu bằng “bài của người khác”, những người nhờ người khác “bấm nút” không thấy MIB HHP chỉ mặt vạch tên. Phải chăng ông ta muốn Quốc hội sẽ loại hết trí thức, loại hết những người dám nói thẳng, nói thật, đường đường, chính chính trên nghị trường, để chỉ còn lại đại loại như ông ta và các nghị gật? Để Quốc hội khóa tới thay vì có nhà sử học Dương Trung Quốc sẽ có “Nhà Sử Học Nghị Viện Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế” (ngôn từ MIB HHP viết trong bài Sử Liệu Nghị Viện Việt Nam)

Liệu có “cái dây” nào “vướng” vào các ngón tay ông ta trên bàn phím hay không? Vì sao một con người này lại dị ứng với người “có học” đến thế?

Ăn cháo đá bát 

Jimbo Wales, đồng sáng lập Wikipedia đã viết: “bôi nhọ người khác trên các trang thành viên là một ý tưởng tồi, và thực tế, sử dụng các trang thành viên để công kích người khác hay thực hiện chiến dịch chống lại hay ủng hộ ai đó hay cái gì đó cũng là một ý tưởng tồi”.

Quấy rầy cá nhân một nghị sĩ phải bị trừng trị ở mức độ cao nhất ảnh 4Nước ngập tận nóc, thảm họa hết đường cứu chữa

(GDVN) - Giáo dục bằng cách “cấm” là giáo dục từ ngọn, phải giáo dục cho học sinh nhận thức được cách tôn trọng người khác thông qua sự tôn trọng chính bản thân mình.

Một người luôn khoe mình là thầy giáo, luôn dẫn chứng về sự tôn trọng của sinh viên dành cho mình (như trường hợp MIB HHP nói về cô sinh viên Đ được cấp học bổng sang Mỹ du học), nhưng lại nói thầy dạy mình là “ngu muội” liệu có xứng đáng để các sinh viên đã học ông ta kính trọng? Và thêm nữa, những giáo viên mà ông ta tỏ ra tôn kính như các thầy cô Nguyễn Quang Tô, Trương Tuyết Anh, Lê Văn Diệm liệu có tự hào khi đã đào tạo nên một “trí thức” mà người đời liệt vào họ hàng “nhà tôm” hay không?

Bằng hành động của mình MIB HHP có còn xứng đáng với truyền thống “tôn sư trọng đạo” của người Việt không? Ông ta đang góp phần vào chủ trương đổi mới toàn diện giáo dục của Đảng và Nhà nước hay đang tạo một tấm gương xấu cho thế hệ trẻ nhìn vào?

Nếu một ĐBQH có truyền thống xúc phạm đồng nghiệp (cùng là ĐBQH), hỗn láo với chính thầy dạy mình, sử dụng ngôn từ thô lỗ một cách có chủ ý mà vẫn ung dung xuất hiện tại trụ sở Quốc hội, tại phòng họp Diên Hồng thì đó không phải là một hình ảnh đẹp. Điều này không chỉ làm mất vẻ tôn nghiêm của cơ quan quyền lực cao nhất quốc gia mà còn cho thấy việc đưa ông Phước ra ứng cử và việc thẩm tra tư cách đại biểu có vấn đề.

Mặt khác nó cũng cho thấy một điều gì đó không bình thường khi Quốc hội chưa có những biện pháp kịp thời để ngăn chặn các hành vi không được phép của một ĐBQH đương nhiệm.

Lấy gì đảm bảo rằng lợi dụng chức danh ĐBQH, MIB HHP sẽ không tiếp tục phát ngôn như một công cụ được lợi dụng? Liệu sau khi chĩa mũi dùi vào các nhà khoa học ông ta sẽ chĩa tiếp mũi dùi vào ai?

Về mặt pháp lý, khi đoàn ĐB QH thành phố Hồ Chí Minh đã có kết luận MIB HHP  tái phạm hành vi xúc phạm ĐBQH và ông này đã bị buộc phải xin lỗi (lần thứ hai) thì có cần chờ kiến nghị của cử tri quận 1,3,4 thành phố Hồ Chí Minh nữa không?

Nếu đã như thế thì theo đúng “đề xuất” của MIB HHP (bằng chữ nghĩa hẳn hoi trên blog của ông này), Ủy ban thẩm tra tư cách đại biểu của Quốc hội, các cơ quan bảo vệ pháp luật còn chần chừ gì nữa khi không “trừng trị ở mức độ cao nhất của luật pháp” đối với vị dân biểu không chỉ bôi nhọ người khác mà còn không đủ phẩm hạnh cần thiết của một CON NGƯỜI khi lăng mạ chính thầy dạy của mình?

THANH XUÂN