Quy định minh chứng thăng hạng chức danh giữa các Thông tư thiếu thống nhất?

23/08/2023 06:45
Cao Nguyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Quy định minh chứng giữa văn bản hợp nhất các Thông tư thăng hạng chức danh giáo viên mầm non, phổ thông và Thông tư 34 còn thiếu thống nhất.

Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận của Phó thủ tướng Trần Lưu Quang liên quan đến việc rà soát các văn bản, đề án do Bộ Nội vụ chủ trì xây dựng năm 2023.

Liên quan đến dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 115/2020/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, Phó Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc việc bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.

Thông tin này khiến các giáo viên phấn khởi, bởi nếu được quy định như vậy, viên chức sẽ không còn phải thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

Hiện nay, đối với viên chức giáo viên, khi xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp sẽ căn cứ vào các văn bản sau:

Văn bản hợp nhất Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường mầm non, phổ thông công lập (sau đây gọi tắt là văn bản hợp nhất các Thông tư).

Thông tư 34/2021/TT-BGDĐT quy định tiêu chuẩn, điều kiện thi hoặc xét thăng hạng; nội dung, hình thức và việc xác định người trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập.

Tuy nhiên, người viết (là giáo viên bậc trung học phổ thông) nhận thấy, quy định minh chứng giữa văn bản hợp nhất các Thông tư và Thông tư 34/2021/TT-BGDĐT còn thiếu thống nhất. Điều này sẽ gây khó khăn khi xét hồ sơ thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

Ảnh minh họa: Lã Tiến/giaoduc.net.vnẢnh minh họa: Lã Tiến/giaoduc.net.vn

Thứ nhất, theo văn bản hợp nhất các Thông tư, đối với giáo viên mầm non và phổ thông phải thỏa mãn một trong các điều kiện sau thì mới có thể dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng III lên hạng II.

Tại điểm đ khoản 4 Điều 4 văn bản hợp nhất Thông tư quy định tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên mầm non hạng II (Mã số V.07.02.25) như sau:

Được công nhận là chiến sĩ thi đua cơ sở hoặc giáo viên dạy giỏi cấp trường trở lên hoặc được nhận bằng khen hoặc giấy khen từ cấp huyện trở lên.

Tại điểm h khoản 4 Điều 4 quy định tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên tiểu học hạng II (Mã số: V.07.03.28) như sau:

Được công nhận là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; hoặc được nhận bằng khen, giấy khen từ cấp huyện trở lên; hoặc được công nhận đạt một trong các danh hiệu: giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi từ cấp trường trở lên, giáo viên làm Tổng phụ trách Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh giỏi từ cấp huyện trở lên.

Tại điểm h khoản 4 Điều 4 văn bản hợp nhất Thông tư quy định tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên trung học cơ sở hạng II (Mã số V.07.04.31) và giáo viên trung học phổ thông hạng II (Mã số V.07.05.14) như sau:

Được công nhận là chiến sĩ thi đua cơ sở hoặc giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp trường trở lên.

Hay nói cách khác, theo các quy định này thì giáo viên mầm non và phổ thông phải có một trong các minh chứng sau thì mới đủ điều kiện dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng III lên hạng II:

Được công nhận là chiến sĩ thi đua cơ sở hoặc giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp trường trở lên.

Riêng giáo viên mầm non hạng II có thể được thay thế bằng: bằng khen hoặc giấy khen từ cấp huyện trở lên.

Giáo viên tiểu học hạng II có thể được thay thế bằng: bằng khen, giấy khen từ cấp huyện trở lên, giáo viên làm Tổng phụ trách Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh giỏi từ cấp huyện trở lên.

Thứ hai, theo Phụ lục Thông tư 34/2021/TT-BGDĐT, hướng dẫn minh chứng và chấm điểm về thực hiện nhiệm vụ của hạng II đối với giáo viên đăng ký dự xét thăng hạng từ hạng III lên hạng II như sau:

* Đối với giáo viên mầm non:

a) Làm báo cáo viên hoặc dạy minh họa tại các lớp bồi dưỡng giáo viên mầm non cấp trường trở lên; hướng dẫn đồng nghiệp thực hiện chương trình và các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em: 1,0 điểm;

b) Đề xuất các nội dung bồi dưỡng và sinh hoạt chuyên đề ở tổ (khối) chuyên môn: 1,0 điểm;

c) Tham gia ban giám khảo các hội thi cấp học mầm non từ cấp trường trở lên: 1,0 điểm;

d) Tham gia các hoạt động chuyên môn khác như hội đồng tự đánh giá hoặc đoàn đánh giá ngoài; kiểm tra chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm cấp trường trở lên; tham gia hướng dẫn, đánh giá thực tập sư phạm của sinh viên (nếu có): 1,0 điểm.

* Đối với giáo viên tiểu học:

a) Là báo cáo viên hoặc dạy minh họa ở các lớp bồi dưỡng giáo viên tiểu học hoặc dạy thử nghiệm các mô hình, phương pháp mới từ cấp trường trở lên: 1,0 điểm;

b) Chủ trì các nội dung bồi dưỡng và sinh hoạt chuyên môn/chuyên đề ở tổ, khối chuyên môn; tham gia đánh giá, xét duyệt đề tài nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng của đồng nghiệp từ cấp trường trở lên: 1,0 điểm;

c) Tham gia ban giám khảo hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi, giáo viên làm Tổng phụ trách Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh giỏi từ cấp trường trở lên; thực hiện các nhiệm vụ của giáo viên cốt cán trường tiểu học: 1,0 điểm;

d) Tham gia các hoạt động chuyên môn khác như kiểm định chất lượng giáo dục, thanh tra, kiểm tra chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm từ cấp trường trở lên; tham gia hướng dẫn, đánh giá thực tập sư phạm của sinh viên (nếu có): 1,0 điểm.

* Đối với giáo viên trung học cơ sở:

a) Làm báo cáo viên hoặc dạy minh họa ở các lớp bồi dưỡng giáo viên hoặc dạy thử nghiệm các mô hình, phương pháp, công nghệ mới từ cấp trường trở lên; chủ trì các nội dung bồi dưỡng và sinh hoạt chuyên đề ở tổ chuyên môn hoặc tham gia xây dựng học liệu điện tử: 1,0 điểm;

b) Tham gia hướng dẫn hoặc đánh giá các sản phẩm nghiên cứu khoa học và công nghệ từ cấp trường trở lên: 1,0 điểm;

c) Tham gia các hoạt động xã hội, phục vụ cộng đồng; thu hút sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong việc tổ chức các hoạt động dạy học, giáo dục học sinh: 1,0 điểm:

d) Tham gia đoàn đánh giá ngoài; hoặc công tác kiểm tra chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên từ cấp trường trở lên: 1,0 điểm;

đ) Tham gia ban giám khảo hoặc ban ra đề hoặc người hướng dẫn trong các hội thi (của giáo viên hoặc học sinh) từ cấp trường trở lên (nếu có): 1,0 điểm.

* Đối với giáo viên trung học phổ thông:

a) Làm báo cáo viên hoặc dạy minh họa ở các lớp bồi dưỡng giáo viên từ cấp trường trở lên hoặc dạy thử nghiệm các mô hình, phương pháp, công nghệ mới; chủ trì các nội dung bồi dưỡng và sinh hoạt chuyên đề ở tổ chuyên môn hoặc tham gia xây dựng học liệu điện tử: 1,0 điểm;

b) Tham gia hướng dẫn hoặc đánh giá các sản phẩm nghiên cứu khoa học và công nghệ từ cấp trường trở lên: 1,0 điểm; c) Tham gia đánh giá ngoài hoặc công tác kiểm tra chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên từ cấp trường trở lên: 1,0 điểm;

d) Tham gia ban giám khảo hội thi giáo viên dạy giỏi hoặc giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp trường trở lên: 1,0 điểm; đ) Tham gia ra đề hoặc chấm thi học sinh giỏi trung học phổ thông từ cấp trường trở lên: 1,0 điểm;

e) Tham gia hướng dẫn hoặc đánh giá các hội thi hoặc các sản phẩm nghiên cứu khoa học kỹ thuật của học sinh trung học phổ thông từ cấp trường trở lên: 1,0 điểm;

g) Tham gia các hoạt động xã hội, phục vụ cộng đồng; thu hút sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong việc tổ chức các hoạt động dạy học, giáo dục học sinh: 1,0 điểm.

Người viết nhận thấy, quy định minh chứng giữa văn bản hợp nhất các Thông tư và Thông tư 34/2021/TT-BGDĐT còn thiếu thống nhất.

Cụ thể, văn bản hợp nhất các Thông tư yêu cầu minh chứng là các minh chứng giáo viên đã có. Ví dụ: Chiến sĩ thi đua cơ sở; giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp trường trở lên.

Còn theo Thông tư 34/2021/TT-BGDĐT, giáo viên không giữ chức vụ khó tìm ra minh chứng.

Bởi vì, sau khi được thăng hạng chức danh nghề nghiệp thì hiệu trưởng sẽ ra quyết định phân công nhiệm vụ mới cho giáo viên hạng II. Lúc này giáo viên sẽ làm thêm một số nhiệm vụ thì mới có minh chứng.

Cho nên, theo tôi, quy định minh chứng theo Thông tư 34/2021/TT-BGDĐT sẽ có lợi thế cho tổ trưởng/tổ phó chuyên môn, giáo viên mạng lưới, hiệu trưởng/hiệu phó vì họ đã thực hiện một trong các nhóm nhiệm vụ theo quy định.

Ví dụ, tổ trưởng, hiệu phó bậc trung học phổ thông đa số đã chủ trì các nội dung bồi dưỡng và sinh hoạt chuyên môn/chuyên đề ở tổ, khối chuyên môn; tham gia đánh giá, xét duyệt đề tài nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng của đồng nghiệp từ cấp trường trở lên.

Qua những nội dung đã phân tích như trên, người viết thấy rằng, khi xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp, nếu các minh chứng không được quy định tường minh thì có thể nảy sinh nhiều bất cập, giáo viên sẽ bị thiệt thòi về quyền lợi.

Vì thế, người viết đề xuất các minh chứng đối với giáo viên như sau:

Bằng khen Thủ tướng Chính phủ; bằng khen giáo viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cấp huyện, cấp tỉnh 2 năm liên tiếp; bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo; chiến sĩ thi đua cơ sở; chiến sĩ thi đua cấp tỉnh; giáo viên dạy giỏi/chủ nhiệm giỏi; giáo viên dạy học sinh giỏi văn hóa, thể thao đoạt giải; giáo viên hướng dẫn học sinh thi khoa học kĩ thuật đoạt giải.

Ngoài ra, giáo viên có thể cung cấp các minh chứng phù hợp khác thể hiện việc thầy cô đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và được lãnh đạo đơn vị, cơ quan có thẩm quyền khen thưởng. Thành tích được lấy từ cao xuống thấp, ưu tiên giáo viên có nhiều thành tích.

Tài liệu tham khảo:

https://giaoduc.net.vn/dat-danh-hieu-chien-si-thi-dua-co-so-giao-vien-moi-duoc-thang-hang-ii-post236991.gd

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-34-2021-TT-BGDDT-tieu-chuan-xet-thang-hang-chuc-danh-giao-vien-mam-non-496392.aspx

https://photo-cms-giaoduc.epicdn.me/Uploaded/2023/bpcgtqvp/2023_07_27/vbhn-042021-082023-tt-bgddt-8558.pdf

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên