Quỹ Hy Vọng: chặng đường 5 năm với hành trình nhân ái, trao yêu thương

18/12/2022 06:24
Linh Trang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Năm năm qua, Quỹ Hy Vọng tài trợ 157 tỷ đồng cho các chương trình dự án cải thiện hạ tầng, hỗ trợ hoàn cảnh khó khăn.

Ngày 16/12/2022, Quỹ Hy Vọng (Hope Foundation) kỷ niệm 5 năm thành lập tại FPT Tower, Hà Nội và đón nhận Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo “vì đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo".

Buổi lễ có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cùng đại diện các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước, các cá nhân đã và đang đồng hành cùng Quỹ.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trao tặng Bằng khen cho Quỹ Hy Vọng.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trao tặng Bằng khen cho Quỹ Hy Vọng.

Trong 5 năm hoạt động, Quỹ Hy Vọng đã triển khai các chương trình dài hạn, nhằm trang bị hạ tầng phục vụ cho phát triển tại các vùng khó khăn như thay thế hơn 250 cây cầu ván gỗ, cầu xuống cấp bằng cầu bê-tông kiên cố ở Đồng bằng sông Cửu Long; xây mới, sửa chữa hơn 100 điểm trường hư hỏng tại vùng sâu, miền núi, bị ảnh hưởng bởi thiên tai, lũ lụt.

Song song, Quỹ Hy Vọng thực hiện các chương trình hỗ trợ nhân ái dành cho người dân bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, lực lượng tuyến đầu chống dịch, trẻ em yếu thế gồm bệnh nhi ung thư, trẻ em mồ côi, khuyết tật, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, người nghèo, người già neo đơn… ở 40 tỉnh, thành trên cả nước. Đặc biệt, giữa tâm dịch 2021, trường Hy Vọng – nơi nuôi dưỡng trẻ mồ côi vì Covid-19 (tại Đà Nẵng) đã ra đời mà Quỹ Hy Vọng là một trong những thành viên sáng lập.

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn tặng quà cho học sinh trường Hy Vọng - nơi nuôi dưỡng trẻ mồ côi vì Covid-19.

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn tặng quà cho học sinh trường Hy Vọng - nơi nuôi dưỡng trẻ mồ côi vì Covid-19.

Câu chuyện của những mảnh đời, số phận, vùng đất khó khăn mà Quỹ Hy Vọng có duyên ghé thăm, gặp gỡ và giúp đỡ sẽ được tái hiện và chia sẻ trong talkshow “Nhìn lại những chặng đường". Đó là cô giáo vùng cao Sông Mã, Sơn La trăn trở với ngôi trường ván gỗ không đủ ấm áp cho học trò khi đông về; là người dân miền sông nước canh cánh mối lo cây cầu gỗ tạm không đủ an toàn cho con em đến trường, bà con chở nông sản; là cô bé luôn lạc quan để vượt lên nghịch cảnh khi đối diện với căn bệnh ung thư quái ác với sự động viên của mẹ.

Talkshow "Nhìn lại những chặng đường" chia sẻ những câu chuyện của những mảnh đời, số phận, vùng đất khó khăn mà Quỹ Hy Vọng đã giúp đỡ.

Talkshow "Nhìn lại những chặng đường" chia sẻ những câu chuyện của những mảnh đời, số phận, vùng đất khó khăn mà Quỹ Hy Vọng đã giúp đỡ.

Talkshow “Lắng nghe để hành động" lại là câu chuyện truyền cảm hứng của những người bạn đồng hành cùng Quỹ trên hành trình lan tỏa yêu thương, thắp sáng hy vọng. Ở đó, người nghe có thể hiểu thêm về sứ mệnh phụng sự cộng đồng mà Quỹ đang thực hiện.

Nhân dịp này, Quỹ Hy Vọng phối hợp cùng các đơn vị tổ chức triển lãm tranh gây quỹ bên lề sự kiện. Toàn bộ lợi nhuận từ việc bán tranh sẽ được sử dụng để hỗ trợ bệnh nhi ung thư và trẻ em yếu thế.

Tại không gian Lễ kỷ niệm, hai bộ sưu tập tranh được trưng bày gồm 11 tranh nghệ thuật của các họa sĩ nổi tiếng và 51 bức tranh vẽ bằng màu acrylic của các em nhỏ. Trong đó, tranh nghệ thuật của các hoạ sĩ Lê Bá Đảng, Thanh Hải, Thiền sư Pháp Hạnh, Bùi Tiến Tuấn, Đoàn Quốc, Huy Phan, Dzũng Boxit, Đào S, Lê Tường.

Học sinh trường Hy Vọng nhận quà trong dịp kỷ niệm 5 năm thành lập Quỹ Hy Vọng.

Học sinh trường Hy Vọng nhận quà trong dịp kỷ niệm 5 năm thành lập Quỹ Hy Vọng.

Với tranh của các em nhỏ, 43 tác phẩm trong số này do các em là bệnh nhi, trẻ mồ côi, tự kỷ sáng tác. Không chỉ thể hiện năng khiếu và đam mê hội họa, các em còn kể ước mơ và hy vọng về một tương lai tương sáng thông qua những nét vẽ của mình. Bên cạnh đó, một số ít tác phẩm còn lại do các em thiếu nhi của Câu lạc bộ mỹ thuật phát triển trí tuệ Kim Thùy ở Thái Bình dành tặng để gây quỹ. Đặc biệt, triển lãm nhận được sự ủng hộ của “hoạ sĩ nhí" Trần Nam Long - cậu bé mắc chứng tự kỷ và câm điếc bẩm sinh. Em mang đến hoạt động gây quỹ bức tranh vẽ Hà Giang mùa xuân với hoa đào khoe sắc và tường rào đá đặc trưng.

Hoạt động bán tranh gây quỹ cũng được tổ chức online tại trang Vlight trước và sau triển lãm.

MỘT SỐ KẾT QUẢ QUỸ HY VỌNG TRONG 5 NĂM HOẠT ĐỘNG

1. Chương trình “Ánh sáng học đường: Cải thiện cơ sở vật chất giáo dục thông qua xây mới trường học, nhà bán trú, nhà vệ sinh, sân chơi; trang bị thiết bị dạy và học cho học sinh vùng sâu, vùng xa, những vùng khó khăn bị ảnh hưởng bởi thiên tai bão lũ.

Kết quả: 107 điểm trường được xây mới, sửa chữa; mang đến 195 phòng học, phòng công vụ, bán trú, nhà vệ sinh mới và 375 phòng học được sửa sang. Ước tính, gần 20.000 thầy cô giáo, các em học sinh được tiếp cận và thụ hưởng.

2. Chương trình “Nâng bước em đến trường”: Cải thiện hạ tầng giao thông thông qua xây mới cầu bê-tông, thay thế cầu tạm, hư hỏng, xuống cấp tại đồng bằng sông Cửu Long.

Kết quả: 252 cầu bê-tông thay thế cầu tạm, xuống cấp.

3. Chương trình “Mặt trời Hy Vọng”: Tài trợ chi phí điều trị cho các bệnh nhi ung thư có hoàn cảnh khó khăn và tạo sân chơi tinh thần cho trẻ em yếu thế trên cả nước; Thu hút sự quan tâm của các cấp, các ngành trong và ngoài nước trong công tác chăm sóc trẻ yếu thế.

Kết quả: 1.200 bệnh nhi ung thư được hỗ trợ chi phí điều trị và dinh dưỡng. 2.000 trẻ em yếu thế (mồ côi, bệnh nhi, khuyết tật, tự kỷ, chất độc da cam…) được tạo sân chơi tinh thần và diễn đàn chia sẻ suy nghĩ, ước mơ (hoạt động kết hợp với chương trình Ông Mặt trời).

4. Chương trình “Tết Hy Vọng”: Tặng quà Tết cho trẻ em mồ côi, khuyết tật, người già neo đơn, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, người nghèo… ở nhiều tỉnh, thành mỗi dịp Tết đến xuân về.

Kết quả: Hơn 6.000 phần quà Tết đã trao cho trẻ yếu thế, người neo đơn, khó khăn…

5. Hoạt động hỗ trợ khẩn cấp: Cứu trợ người dân bị ảnh hưởng bởi lũ lụt; hỗ trợ lực lượng tuyến đầu là các chiến sĩ biên giới canh giữ ở các đường mòn lối mở, các bác sĩ ở các bệnh viện dã chiến chống dịch Covid-19 và bệnh nhân F0, các hoàn cảnh khó khăn trong tâm dịch, ủng hộ quỹ Vaccine…

Kết quả: Hơn 5.000 hộ gia đình tại vùng thiên tai miền Trung được hỗ trợ. Hơn 66.000 người (y bác sĩ, chiến sĩ, bệnh nhân, người nghèo) được hỗ trợ trong dịch Covid-19. Hơn 3.500 học sinh khó khăn được tặng máy tính bảng và máy tính bàn để tiếp cận học trực tuyến.

6. Trường Hy Vọng: Quỹ Hy Vọng đồng sáng lập và hỗ trợ trẻ mồ côi vì Covid-19 tại trường Tiểu học - Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Hy Vọng (Đà Nẵng).

Hiện 200 học sinh mồ côi vì Covid-19 được đón về, sinh sống và học tập tại trường Hy Vọng (Đà Nẵng) trong năm học 2022-2023. Ngoài trang bị kiến thức văn hoá, tăng cường học tiếng Anh, các em được theo dõi sức khoẻ cả về thể chất và tâm lý, rèn luyện thể thao và phát triển năng khiếu như võ thuật, mỹ thuật, âm nhạc… Đặc biệt vào 26/8/2022, nhân Ngày hội tới trường, các em đã vinh dự được đón Chủ tịch nước đến dự, động viên.

7. Hoạt động khác: Trao học bổng cho trẻ nhiễm chất độc dioxin và học sinh giỏi vượt khó, tài trợ chi phí mổ và điều trị gần một trăm trẻ em bị tim bẩm sinh …

Kết quả: 1.200 học sinh khuyết tật, nhiễm chất độc dioxin được trao học bổng. 86 trẻ em bị tim bẩm sinh được hỗ trợ mổ và điều trị.

Tổng giá trị tài trợ cho các công trình, hoạt động trên là 157 tỷ đồng.

Linh Trang