LTS: Là một người nghiên cứu về giáo dục, tác giả Đất Việt đã gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam một quy trình khảo cứu công phu về giáo dục phổ thông ở những nước có nền giáo dục phát triển và học sinh đạt được thành tựu cao.
Theo đó, tác giả cũng cho rằng giáo dục không thể thành công khi chỉ dựa vào chỉ đạo, dựa vào thành tích “ảo”, hay những dự án cải cách mà không có nền tảng nghiên cứu khoa học.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Trong tháng 6 vừa rồi, NCEE (National Centre of Economics and Education – Trung Tâm Nghiên cứu Quốc gia về Kinh tế và Giáo dục), nơi nhà nghiên cứu nổi tiếng của Mỹ trong nhiều thập kỷ về giáo dục và ảnh hưởng liên kết với kinh tế, tổ chức ra mắt cuốn sách đã gây tiếng vang mang tên “Empowered Educators” được hoàn tất bởi Giáo sư Linda Darling – Hammond (Stanford) [1].
Đây là một khảo cứu công phu về giáo dục phổ thông ở những nước có nền giáo dục phát triển và học sinh đạt được thành tựu cao.
Một trong những nội dung được các nhà nghiên cứu do Linda lãnh đạo thực hiện đã tìm thấy và khẳng định rõ là “ở hầu hết các nền giáo dục phát triển, vai trò của giáo viên và tính chuyên nghiệp, chuyên môn của họ là yếu tố cơ bản quyết định tiến bộ của học sinh” [1].
Những điểm ghi nhận trong cuốn sách này không có gì quá mới so với thế giới. Điều duy nhất khác biệt mà Linda và các nhà nghiên cứu đã khẳng định: mặc dù những yếu tố tạo nên thành tựu cao ở các nước có kết quả dạy và học là khá tương đồng, nhưng việc triển khai, ứng dụng, tư duy chiến lược dài hạn trong quá trình xây dựng và phát triển nền giáo dục của mỗi nước thành công lại hoàn toàn khác nhau.
Điểm này rất lý thú, vì nó buộc những nước mong muốn học hỏi mô hình thành công của ai đó, phải có nghiên cứu, có tư tưởng, có bản sắc riêng để tạo dựng thành công, thay vì chỉ tư duy đơn giản như áp dụng mô hình thức ăn nhanh hay nhượng quyền thương hiệu của chương trình từ đâu đó về và tin là nó sẽ thành công.
Không có bài toán dễ cho những ai thực sự muốn thành công dựa trên câu chuyện của bản thân, dù đó là cá nhân hay giáo dục quốc gia!
Trong toàn bộ cuốn sách, NCEE và Mark Tucker có giới thiệu đến mô hình tuyển dụng và đào tạo giáo viên chất lượng của các nước có nền giáo dục thành công.
Theo NCEE, đây là điều mấu chốt nhất trong toàn bộ quá trình phát triển giáo dục, dù ở Singapore, Phần Lan, Thượng Hải hay Đài loan.
Các nước này, chỉ có 10% - 30% học sinh xuất sắc nhất được tuyển chọn vào làm giáo viên.
Sau khi trải qua quá trình lựa chọn nhằm tìm kiếm những cá nhân không chỉ xuất sắc về năng lực mà còn thể hiện được những cam kết sâu sắc với những hoạt động giáo dục.
Những phẩm chất cá nhân bao gồm những đặc tính như: kiên nhẫn, sáng tạo, cảm thông, chia sẻ, hợp tác… hay trong chương trình đánh giá cá nhân, năng lực nghiên cứu, ứng dụng những thông tin nghiên cứu và làm nghiên cứu vào chương trình giảng dạy…tất cả đều được đánh giá và đo lường, trước khi đưa họ vào chương trình đào tạo giáo viên.
Những con người xuất sắc học làm giáo viên xuất sắc và sau đó, họ tiếp tục cống hiến để tạo ra những cá nhân xuất sắc, những thế hệ học sinh xuất sắc.
Hình ảnh mô hình Quy trình Tuyển dụng Giáo viên ở Singapore (Ảnh: Đất Việt) |
Theo mô hình Quy trình Tuyển dụng Giáo viên ở Singapore trên đây, mỗi cá nhân sẽ trải qua 4 bước:
Bước 1: Sơ tuyển qua thông tin hồ sơ ứng tuyển và thời gian làm việc.
Kiểm tra các phẩm chất và bằng cấp với yêu cầu ở mức tối thiểu.
• Về chuyên môn, người ứng tuyển phải là sinh viên trong Top 30% của khóa học.
• Đã tốt nghiệp các trường hay chương trình về giáo dục.
• Có những ghi nhận về mối quan tâm đến trẻ em và giáo dục.
Bước 2: Các bài kiểm tra đánh giá
Về mặt ngôn ngữ
• Người ứng tuyển phải có năng lực rất tốt về khả năng ngôn ngữ.
• Có những cơ sở chứng minh về khả năng ngôn ngữ truyền tải đạt được hiệu quả, ảnh hưởng tốt hơn tất cả các khả năng khác.
Bước 3: Phỏng vấn
Đánh giá về thái độ, hành xử và phẩm chất cá nhân
• Được đánh giá thông qua hội đồng gồm 3 hiệu trưởng có kinh nghiệm.
• Các bài kiểm tra và đánh giá thực tiễn thông qua những hoạt động trên lớp cụ thể.
Bước 4: Kiểm soát chất lượng tại NIE (National Institute of Education - Viện Quốc gia về Giáo dục)
Tiếp tục đánh giá về thái độ, hành xử và phẩm chất cá nhân tại NIE
• Người học tiếp tục được giám sát thái độ, hành xử và phẩm chất cá nhân trong quá trình đào tạo ban đầu tổ chức tại NIE.
• Những ứng viên không đáp ứng tiêu chuẩn và chuẩn mực của ngành trong quá trình đào tạo tại NIE sẽ được loại bỏ.
Với quy trình lựa chọn và đào tạo như trên, giáo viên và học sinh Singapore khá nổi tiếng trên các bảng đánh giá quốc tế như PISA. Họ cũng khá thành công trong việc cung ứng nguồn học sinh xuất sắc dựa trên hệ thống dạy và học một cách chăm chỉ và có tính cạnh tranh cao.
Hãy lên tiếng góp ý, nhưng đừng quên giải pháp |
Chỉ có điều, với mô hình này yếu tố phi giáo dục nhất, có lẽ là tính nhân văn không nhiều trong suốt quá trình đào tạo và phát triển giáo viên, kéo theo sau đó là học sinh.
Singapore cũng nổi tiếng không kém về hệ thống chạy đua học thêm, chạy đua vào các trường điểm hay trường nổi tiếng, nhằm đảm bảo học sinh sẽ có chỗ đứng tương ứng trong xã hội, dù là từ cấp 1 hay lên đại học.
Rất nhiều cá nhân Singapore đã cảm thấy mệt mỏi với cuộc sống cạnh tranh, chỉ tập trung cao độ vào “thương mại” trong từng hoạt động.
Điều này, đã dẫn đến một hệ lụy giống như các nước châu Á khác, là những thành phần tinh hoa của Singapore đã rời bỏ quê hương (mặc dù là số 1 châu Á) để chuyển sang các nước như Úc, Mỹ, Canada.
Và đây là điều mà nước Mỹ, mặc dù nghiên cứu hơn 20 năm thành công của Singapore, Thượng Hải hay Phần Lan, vẫn chưa áp dụng được nhiều những yếu tố tích cực của các hệ thống giáo dục đó vào Mỹ.
Con người, môi trường xã hội, phương thức truyền tải giáo dục, văn hóa và giá trị của mỗi xã hội quá khác nhau, để có thể học hỏi thành công của người khác.
Việt Nam là nước đang phát triển và luôn đi sau thế giới về nhiều mặt, nên có nhiều cơ hội để nghiên cứu và học hỏi.
Chỉ mong, Việt Nam có học, hãy học cho đầy đủ, để hiểu rõ những mặt được và mặt chưa được, giá phải trả cho từng mô hình thành công của nước khác và từ thực trạng của mình có thể tìm ra được con đường phát triển giáo dục cho bản thân.
Giáo dục không thể thành công chỉ dựa vào chỉ đạo, dựa vào thành tích “ảo”, hay những dự án cải cách mà không có nền tảng nghiên cứu khoa học.
Tài liệu tham khảo:
[1] http://ncee.org/empowered-educators/