“Quyền gào, quyền khóc, quyền hôn ghế,…” và quyền đại ngôn của Hoa hậu

11/08/2023 06:41
Xuân Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- “Sống đúng với cảm xúc của mình” không phải lúc nào cũng đúng, đặc biệt khi cảm xúc đó vừa thiếu văn hóa, vừa đi ngược lại lợi ích của số đông.

Báo Tienphong.vn trong bài “Trào lưu 'flex' là gì mà hoa hậu, người nổi tiếng đua nhau khoe khoang?” đăng ngày 21/07/2023 có đoạn:

"Flex" có nghĩa gốc trong tiếng Anh là mượt mà, nhưng hiện tại, "flex" đang là trào lưu, được hiểu với nghĩa "khoe như không khoe…”. [1]

Một bài báo viết bằng tiếng Anh cho rằng: “In Vietnam, ‘flexers’ tout US degrees, status, wealth as the economy soars…” (Ở Việt Nam, những ‘flexer’ khoe bằng cấp, địa vị, sự giàu có khi nền kinh tế tăng trưởng nhanh).

Trang Ngoisao.vn đăng tin một cô gái trẻ xin tiền mua vé xem biểu diễn của nhóm nhạc Hàn Quốc BlackPink tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình:

“Xin 8 triệu đi xem concert của BlackPink, cô gái bị người yêu chia tay và dạy dỗ: Bố mẹ còng lưng đi làm mà đòi bỏ gần chục triệu ra để gặp mấy idol”. [2]

Các thông tin nêu trên cho thấy sự khoe khoang, hợm hĩnh, tự đề cao bản thân một cách lố lăng không còn là cá biệt và điều đó không chỉ đúng với người nổi tiếng.

Biện minh cho lối sống của một bộ phận người trẻ giống cô gái trong bài báo [2], một người có tên tiếng Việt là Đ.B.C. thản nhiên viết:

“Mỗi người có quyền sống đúng với cảm xúc của mình. Các cháu thấy cần khóc thì khóc, cần gào thì gào, cần thấy nhu cầu phải hôn chỗ ngồi của thần tượng thì hôn”.

“Sống đúng với cảm xúc của mình” không phải lúc nào cũng đúng, đặc biệt khi cảm xúc đó vừa thiếu văn hóa, vừa đi ngược lại lợi ích của số đông.

Phải chăng vì được cổ xúy bởi cách nhìn cực đoan với “quyền khóc, quyền gào, quyền hôn chỗ ngồi” người ta đã phát triển thành “quyền vứt rác bừa bãi ở nơi công cộng” đến mức “tôi làm công nhân môi trường được 20 năm, nhưng chưa thấy lượng rác của chương trình nào nhiều như 2 đêm nhạc này, thậm chí còn nhiều hơn cả khi sân Mỹ Đình có bóng đá". [3]

Nếu những người xem đêm diễn của BlackPink được giáo dục cẩn thận về nếp sống văn minh, liệu sau hai đêm diễn, rác thải có tràn ngập cả trong và ngoài sân vận động quốc gia Mỹ Đình?

Có người cho rằng “mặt bằng văn hóa của giới trẻ Việt Nam ngày nay là kết quả (hay hậu quả? - NV) của hoạt động giáo dục và của nền kinh tế thị trường”.

“Hoa hậu thế giới Việt Nam năm 2023 Huỳnh Trần Ý Nhi khi được phỏng vấn đề nghị nêu tên 3 người nổi tiếng quê ở Bình Định đã trả lời:

“Ở Bình Định có 3 người nổi tiếng: em, nhà thơ Hàn Mặc Tử và Vua Quang Trung”.

Được biết tân Hoa hậu Ý Nhi đang là sinh viên ngành Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Chuyên trang “Gia đình và Xã hội”, báo Sức khỏe và Đời sống – Cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế, trong bài đăng ngày 04/08/2023 có đoạn:

“Sau Ý Nhi, cũng trong buổi phỏng vấn với truyền thông, Á hậu 1 Miss World Vietnam 2023 - Đào Thị Hiền khi được hỏi kể tên 5 người nổi tiếng ở Nghệ An - quê hương của cô, người đẹp đã lập tức liệt kê: "Hương Tràm, em, Đào Thị Hà,… à Bác Hồ, Phan Bội Châu". [4]

Bài báo này giới thiệu “Đào Thị Hiền là sinh viên năm cuối khoa Tiếng Anh, Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội”.[4]

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều đánh giá Hoa hậu Ý Nhi như sau:

“Cô chỉ là người chưa được dạy dỗ kỹ lưỡng mà thôi. Rất nhiều người ở tuổi cô đã có những ứng xử rất văn hóa và hiểu biết. Sự thiếu hụt văn hóa làm cô trở nên kệch cỡm trước xã hội và vô lễ với tiền nhân”. [5]

Ý kiến của nhà văn Nguyễn Quang Thiều được khá nhiều tờ báo đăng tải và có thể nhận thấy xu hướng chung - trong đó có người viết - là ủng hộ phát biểu này.

Một khi ý kiến của ông Thiều đúng cho Ý Nhi thì cũng đúng cho Đào Thị Hiền, nghĩa là Hoa hậu Ý Nhi và Á hậu 1 Đào Thị Hiền đều “chưa được dạy dỗ kỹ lưỡng và thiếu hụt văn hóa” do đó dẫn tới kết quả là “kệch cỡm trước xã hội và vô lễ với tiền nhân”.

Vì sao một Hoa hậu học đại học ở Thành phố Hồ Chí Minh, một Á hậu học đại học ở Thủ đô nhưng nói ra những lời bị dư luận đánh giá là “ngô nghê”, “vô lễ”, còn “phông” văn hóa lại thuộc diện “chưa được dạy dỗ kỹ lưỡng, thiếu hụt văn hóa”?

Ảnh chụp màn hình chuyên trang Giadinh.suckhoedoisong.vn

Ảnh chụp màn hình chuyên trang Giadinh.suckhoedoisong.vn

Báo Laodong.vn trong bài “Xử lý các cuộc thi hoa hậu kém chất lượng là điều cần thiết” cho biết năm 2022, Việt Nam có 60 cuộc thi hoa hậu.

Nếu đã có cuộc thi hoa hậu “kém chất lượng” thì đương nhiên chất lượng “hoa hậu” của cuộc thi đó không thể có chất lượng cao nếu không nói là cũng “kém chất lượng”.

Vậy cuộc thi Hoa hậu thế giới Việt Nam 2023 (tổ chức tại MerryLand Quy Nhơn, Bình Định) có phải là cuộc thi “kém chất lượng” khi hai danh hiệu cao nhất mà cuộc thi này công nhận lại bị dư luận gán cho 4 đặc trưng: “chưa được dạy dỗ kỹ lưỡng, thiếu hụt văn hóa, ngô nghê, vô lễ”?

Vấn đề Hoa hậu “chưa được dạy dỗ kỹ lưỡng” có lẽ nên được bàn luận thấu đáo.

Người viết thấy chạnh lòng trước ý kiến của người đứng đầu Hội Nhà văn Việt Nam bởi lẽ đích đến của ý kiến này không phải là người được dạy dỗ mà là gia đình, nhà trường, đoàn thể,…

Chưa được “dạy dỗ kỹ lưỡng” cho thấy hai điều: Người dạy chưa đến nơi đến chốn và người học - trong chừng mực nào đó - không có khả năng tiếp thu kiến thức.

Các công trình nghiên cứu di truyền học cho thấy có một nhóm nhỏ trẻ em thuộc diện “những người không thể giáo dục”, đó là trẻ em bị thiểu năng trí tuệ, bị dị tật não bẩm sinh, mắc chứng hoang tưởng cấp độ cao hoặc mang gen MAOA và CDH13 (còn gọi là gen bạo lực - gen Chiến binh). Những người mang gen Chiến binh có khả năng phạm tội cao gấp 13 lần so với người khác. [6]

Với những người thuộc diện “không thể giáo dục” nếu họ “chưa được dạy dỗ kỹ lưỡng” thì lỗi không thuộc về giáo dục, tuy nhiên với số còn lại thì giáo dục không thể thoái thác trách nhiệm.

Thế nhưng khi hai thành phần tham dự vào hoạt động giáo dục trong nhiều năm bị xã hội gắn cho biệt danh “chuột chạy cùng sào” và “chuột bạch” thì liệu có xuất hiện tình trạng cả hai đối tượng này đều “chưa được dạy dỗ kỹ lưỡng”?

Đặt câu hỏi này là một sự day dứt bởi khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới (2018), thầy cô giáo phải được bồi dưỡng các kiến thức mới song “Việc bồi dưỡng giáo viên chậm chạp với thời gian ngắn hạn, chưa đáp ứng yêu cầu là vấn đề được giáo viên than phiền trong suốt năm học trước và tiếp tục tái diễn trong năm học 2022-2023 này”. [7]

Ngoài việc bồi dưỡng giáo viên chậm chạp, thời gian ngắn thì “Theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Nhà xuất bản phải hoàn thành công tác bồi dưỡng, tập huấn giáo viên sử dụng sách giáo khoa (SGK) mới lớp 4,8,11 trước ngày 31/7”. [8]

Nhà xuất bản là đơn vị kinh doanh, không phải là đơn vị khảo thí, càng không có chức năng như Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, vì sao cho họ quyền bồi dưỡng, tập huấn giáo viên?

Những dẫn chứng nêu trên liệu đã đủ để kết luận các thầy cô cũng chưa được “dạy dỗ kỹ lưỡng”?

Không ít người có thói quen không mấy văn minh, hễ con hư thì trước tiên tìm lỗi ở nhà trường, nhà giáo, sau đó mới tìm lỗi của gia đình, xã hội, cuối cùng mới đến bản thân đứa trẻ.

Sau mười hai năm học phổ thông, mấy năm học đại học, sau nhiều cuộc thi người đẹp, sau nhiều vòng tuyển chọn mà hai cô sinh viên trẻ vẫn “chưa được dạy dỗ kỹ lưỡng và thiếu hụt văn hóa” thì không thể chỉ tìm lỗi ở nhà trường hoặc gia đình.

Vậy phải tìm lỗi ở đâu?

Để trả lời câu hỏi này, xin nêu hai sự kiện.

Năm 2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố Dự thảo “Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể” trong đó đề cập đến việc tích hợp môn Lịch sử với các môn Đạo đức – Công dân, An ninh - Quốc phòng thành môn học mới có tên “Công dân với Tổ quốc”.

Dự thảo này có nhiều ý kiến trái chiều, kết quả là tại phiên bế mạc kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII vào chiều 27/11/2015, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết yêu cầu “tiếp tục giữ môn học Lịch sử trong chương trình sách giáo khoa mới”. Như vậy, môn Lịch sử tiếp tục là môn học độc lập, không bị tích hợp vào các môn học khác.

Chương trình giáo dục phổ thông mới công bố vào năm 2018 là “môn lựa chọn” ở bậc trung học phổ thông. Ngay sau đó, tiếp tục nảy sinh tranh cãi xung quanh việc môn Lịch sử là môn "lựa chọn". Quốc hội lại một lần nữa phải vào cuộc. Nghị quyết số 63/2022/QH15 kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV (27/06/2022) yêu cầu “Thiết kế môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục cấp THPT, bao gồm cả phần bắt buộc và phần lựa chọn một cách hợp lý, khoa học, đảm bảo hiệu quả cao nhất trong việc giáo dục truyền thống và phát triển nhân cách cho học sinh”.

Sự “còi cọc” của môn Lịch sử phải chăng không chỉ do học sinh chán môn này mà theo người viết còn do chính những nhà giáo xây dựng khung chương trình và những người phê duyệt đã xem nhẹ môn học này?.

Từ vụ Hoa hậu thế giới Việt Nam 2023, vụ chuyến bay giải cứu, vụ 05 tướng cảnh sát biển tham ô 50 tỷ đồng, vụ kit test Việt Á,… cho thấy sự “thiếu văn hóa” không phải chỉ tìm thấy ở hai cô Hoa hậu, Á hậu thế giới Việt Nam 2023 mà còn ở không ít cán bộ, quan chức trong bộ máy.

Một phần do họ “chưa được dạy dỗ kỹ lưỡng” phần còn lại là do “định hướng dạy dỗ, môi trường dạy dỗ và lực lượng dạy dỗ”.

Câu “được mùa rớt giá” không chỉ đúng với nông sản mà cũng đúng với các cuộc thi hoa hậu.

Tương tự như vậy, chừng nào tình trạng “Việt Nam đông công chức, viên chức nhất Đông Nam Á” [9] còn tồn tại thì chuyện “được mùa công chức, viên chức ” nên “mất giá” là không tránh khỏi và do đó trước khi chúng ta trách các cô “hậu”, có nên trách chính mình?

Tài liệu tham khảo:

[1] https://tienphong.vn/trao-luu-flex-la-gi-ma-hoa-hau-nguoi-noi-tieng-dua-nhau-khoe-khoang-post1553208.tpo

[2]https://ngoisao.vn/gioi-tre/doi-song-tre/xin-8-trieu-de-mua-ve-xem-concert-cua-blackpink-co-gai-bi-nguoi-yeu-chia-tay-402522.htm

[3]https://thanhnien.vn/san-my-dinh-ngap-rac-cong-nhan-gong-minh-don-dep-sau-2-dem-dien-cua-blackpink-185230731075338004.htm#img-lightbox-2

[4]https://giadinh.suckhoedoisong.vn/sau-y-nhi-a-hau-dao-thi-hien-khien-fan-sac-dep-phan-no-ve-thai-do-khi-xin-loi-172230804112146726.htm

[5] https://www.congluan.vn/chu-tich-hoi-nha-van-viet-nam-noi-gi-ve-nhung-phat-ngon-cua-hoa-hau-huynh-tran-y-nhi-post259002.html

[6]https://cand.com.vn/Ho-so-interpol-cstc/Nhung-ket-qua-nghien-cuu-gay-bat-ngo-ve-toi-pham-i336780/

[7] https://www.vietnamplus.vn/boi-duong-cham-va-voi-giao-vien-kho-khan-khi-day-hoc-tich-hop/837474.vnp

[8] https://tienphong.vn/tap-huan-boi-duong-giao-vien-su-dung-sach-giao-khoa-lop-4-8-11-moi-post1550667.tpo

[9] https://vnexpress.net/viet-nam-dong-cong-chuc-vien-chuc-nhat-dong-nam-a-3669338.html

Xuân Dương