Văn hóa nhà trường và những cung đường hươu chạy (Phần 1)
Ủng hộ việc tổ chức các hoạt động mang tầm quốc gia liên quan đến giáo dục và đào tạo giữa cơ quan lập pháp (Quốc hội) và các cơ quan hành pháp (các Bộ thuộc Chính phủ) song tin tưởng tuyệt đối vào hiệu quả của những cuộc hội thảo này thì thật khó nói.
Người viết trong nhiều bài đã đăng từng khẳng định đổi mới giáo dục và đào tạo phải bắt đầu từ người thày. Thày cô mới là người quyết định chất lượng giáo dục.
Chương trình, sách giáo khoa, cơ sở vật chất,… tốt đến mấy mà trình độ và đạo đức nhà giáo chỉ trung bình thì chất lượng giáo dục cùng lắm cũng chỉ đạt mức trung bình.
“Văn hóa học đường” là một bộ phận của văn hóa quốc gia, tách riêng văn hóa học đường khỏi văn hóa quốc gia với hy vọng có thể làm cho văn hóa học đường trở nên hoàn thiện hơn, khoa học hơn, nhân văn hơn phải chăng là việc làm phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam?
Nữ giáo viên ngồi trên nền đất kêu cứu trước nguy cơ mất việc (Ảnh: Vietnamnet.vn) |
Tạp chí Tổ chức Nhà nước trong bài “Thử đi tìm nguyên nhân của sự xuống cấp về đạo đức” viết:
“Riêng đối với dân tộc ta, một dân tộc vốn có hàng ngàn năm văn hiến, một dân tộc biết lấy chữ nhân làm đầu, trọng lối sống tình nghĩa, biết khoan dung và giàu lòng tương thân tương ái, thì sự xuống cấp về đạo đức xã hội quả là một nhức nhối lớn đối với lương tri dân tộc”. [3]
Văn hóa quốc gia được hình thành bởi sự hòa quyện của truyền thống lịch sử, văn hóa làng xã, văn hóa công sở, văn hóa học đường, văn hóa kinh doanh,…
Những năm gần đây, không ít ý kiến cho rằng sự xuống cấp văn hóa nói chung và đạo đức xã hội nói riêng bắt nguồn từ kinh tế, họ vận dụng nguyên lý “vật chất quyết định ý thức xã hội” để đi tới khẳng định sự xuống cấp của văn hóa học đường cũng bắt nguồn từ kinh tế?
Học sinh giỏi không mặn mà với ngành Sư phạm là do kinh tế; thày cô dạy thêm bằng cách ép học sinh là do kinh tế, chuyện mua điểm, chạy điểm, chạy chức (trong các cơ quan quản lý giáo dục) là do kinh tế, chuyện học trò hư hỗn, nhà giáo và nhà trường bị không ít phụ huynh và dư luận xã hội coi thường cũng bị quy về kinh tế,…
Cách lập luận này không hoàn toàn sai song cho thấy tâm lý không dám nhìn thẳng vào vấn đề cốt lõi của giáo dục.
Giáo dục cũng như các ngành khác không bao giờ có thể là ốc đảo trong một chỉnh thể kinh tế - chính trị - văn hóa - xã hội... và học đường (nhà trường) cũng không thể là ốc đảo trong ngành giáo dục bởi còn liên quan đến cơ quan quản lý và vô số cơ quan quyền lực khác.
Văn hóa học đường chỉ có thể hình thành cùng lúc với việc xây dựng một nền giáo dục hội đủ ba yếu tố “Trường ra trường, thày ra thày, trò ra trò”.
Xây dựng văn hóa học đường trước rồi mới nghĩ đến “Trường ra trường, thày ra thày, trò ra trò” chẳng khác gì cho rằng ý thức (văn hóa) quyết định vật chất, ngược với điều mà từ hàng thế kỷ trước các triết gia theo chủ nghĩa duy vật biện chứng đã khẳng định: “Vật chất có trước, ý thức có sau, vật chất là nguồn gốc của ý thức, quyết định ý thức”.
Làm thế nào để “trường ra trường” khi ngân sách dành cho giáo dục liên tục nhiều năm không đảm bảo theo quy định của Luật Giáo dục và Nghị quyết 29-NQ/TW của Đảng, theo đó tỷ lệ chi ngân sách cho giáo dục tối thiểu phải là 20%. Thực chi ngân sách cho giáo dục năm 2018 và 2019 chỉ khoảng 14%, năm 2021 này là khoảng 17,3%. [5]
Ngay tại Thủ đô, bộ mặt của cả nước nhưng vẫn có trường tiểu học công lập có tới 70 học sinh lớp 1 phải chen chúc học trong một phòng học [6] thì chuyện “trường ra trường” ở các nơi khác liệu có khá hơn?
Nghị quyết của Đảng và quy định trong luật về chi ngân sách cho giáo dục không được thực thi nhưng lại mà cứ nói đến những điều cao xa phải chăng là hợp lý?
Làm thế nào để “thày ra thày” nếu ngay tại Thủ đô Hà Nội, hàng trăm nữ giáo viên phải ngồi trên nền đất kêu cứu vì nguy cơ bị chấm dứt hợp đồng lao động sau nhiều năm giảng dạy?
Làm thế nào để có đội ngũ nhà giáo tận tâm, giỏi nghề khi ngay sau ngày Nhà giáo Việt Nam một tờ báo báo điện tử đăng dòng tâm sự của một nhà giáo:
“Đã từng yêu nghề giáo cho đến khi... cải cách giáo dục”. [7]
Làm thế nào để “trò ra trò” khi bạo lực học đường có chiều hướng lan rộng khó kiểm soát, khi có vị giáo sư lên tiếng phê phán triết lý “Tiên học lễ, hậu học văn” với lý do nó kìm hãm sự sáng tạo của người Việt?
Liệu có phải sự hiểu biết một cách thô sơ khái niệm “lễ” trong triết lý của tổ tiên khiến người ta cho rằng “lễ” ở đây là “lễ phép”, “lễ giáo”, là sự gò bó con trẻ vào khuôn phép gia đình, dòng tộc làng xã với những lề thói phong kiến không còn phù hợp với thời đại kỹ thuật số?
Nếu những người phản đối “Tiên học lễ, hậu học văn” với mục đích tránh cho giáo dục biến trẻ em thành cỗ máy vâng lời, chỉ biết đến “văn mẫu”, chỉ biết đọc lại những câu từ mà thày cô đọc trước hoặc nền giáo dục với mục đích biến thanh niên thành lực lượng bảo gì làm nấy thì sự phê phán của họ không phải là vô lý.
Song bác bỏ hoàn toàn việc giáo dục trẻ em theo phương châm “Tiên học lễ, hậu học văn” là một phát biểu vội vã nếu không nói là tùy tiện.
Người viết tin rằng rất ít người chê bai nền giáo dục của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Singapore,…, vậy người Nhật dạy trẻ em thế nào?
Bài báo “Giáo dục đạo đức là cốt lõi của xã hội Nhật Bản: Học làm người mọi lúc, mọi nơi” cho thấy: “Ở Nhật Bản, đạo đức không chỉ là một môn học mà còn đóng vai trò quan trọng trong toàn bộ các khía cạnh trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Chương trình giáo dục đạo đức tại Nhật được xây dựng trên nền tảng pháp luật quốc gia với bộ tiêu chuẩn mà tất cả các trường học từ công lập đến tư thục đều phải thực hiện”. [8]
Cuộc vận động bãi bỏ khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” đã âm ỉ qua thời gian dài và hoạt động này được không ít người Việt cổ xúy.
Điều đáng thất vọng là chính một số người làm giáo dục lại ủng hộ quan điểm này như phát biểu của vị giáo sư đã nêu.
Trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021, đợt 1 có 534.123 thí sinh làm bài thi Giáo dục công dân, điểm trung bình các bài thi là 8,37 và chỉ có 1% dưới trung bình.
Thế có phải là việc “Giáo dục công dân” đã được thực hiện rất tốt và không cần phải cải tiến gì nữa?
Thế có phải là những công dân tương lai đã được giáo dục cẩn thận và chuyện bạo lực học đường, chuyện gian lận thi cử, chuyện thuê người học hộ, thi hộ, chuyện sử dụng bằng cấp bất minh của Đại học Đông Đô để thi đầu vào tiến sĩ chỉ là chuyện vặt không đáng để ý?
Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2018, bà Lesley Miller, Quyền Trưởng Đại diện UNICEF Việt Nam viết:
“Giáo viên là những người cầm chìa khóa mở cửa tương lai cho học sinh. Thầy cô giáo truyền cảm hứng, đưa ra thử thách, chuẩn bị hành trang và truyền sức mạnh cho những công dân toàn cầu đầy tinh thần đổi mới và trách nhiệm…”. [9]
Giáo dục là con đường duy nhất đưa dân tộc tiến tới tương lai, người Anh cũng có câu tương tự: “Education is the Key to a Better Future” (Giáo dục là chìa khoa cho một tương lai tốt đẹp hơn).
Thế nhưng nếu nhiều người hùa nhau vẽ đường cho… giáo dục chạy thì giáo dục sẽ chạy theo đường nào?
Phải chăng điều cấp thiết hiện nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nên tổ chức chuyên đề giám sát việc chi ngân sách cho giáo dục và đào tạo và một chuyên đề về đời sống nhà giáo?
Tài liệu tham khảo:
[1] https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/chuyen-gia-nha-giao-duc-ban-giai-phap-tao-dot-pha-ve-van-hoa-hoc-duong-2tlMxzpnR.html
[2] https://daibieunhandan.vn/tao-chuyen-dong-manh-me-ehycsh3xzb-66522
[3] https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/gs-tran-ngoc-them-gia-doi-da-tham-nhap-sau-vao-van-hoa-hoc-duong-795148.html
[4] https://tcnn.vn/news/detail/41843/Thu-di-tim-nguyen-nhan-cua-su-xuong-cap-ve-dao-duc.html
[5]https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/ngan-sach-toan-nganh-giao-duc-nam-2021-chi-dat-khoang-173-20210827182426884.htm
[6]https://laodong.vn/giao-duc/si-so-hoc-sinh-lop-1-len-toi-70-emlop-so-gd-dt-ha-noi-noi-do-bat-kha-khang-627918.ldo
[7] https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/ap-luc-tu-be-hinh-anh-nguoi-thay-dan-mo-nhat-795337.html
[8]https://tamnhin.trithuccuocsong.vn/giao-duc-dao-duc-la-cot-loi-cua-xa-hoi-nhat-ban-hoc-lam-nguoi-moi-luc-moi-noi-108744.html
[9]https://www.unicef.org/vietnam/vi/thông-cáo-báo-chí/khuyến-khích-kỷ-luật-tích-cực-trong-trường-học