Rất khó để đại học mới ra đời 15 năm đã đạt đẳng cấp quốc tế

13/09/2021 07:01
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đạt đẳng cấp quốc tế hay không, thể hiện qua xếp hạng đại học, đó là cuộc đua khốc liệt.

Trong bối cảnh giáo dục đại học thế giới đang chuyển biến mạnh mẽ, quốc gia nào chậm trễ trong cải cách hệ thống giáo dục đại học, nhất là chậm đổi mới quan điểm và cơ chế quản lý giáo dục đại học để có nhiều đại học đẳng cấp quốc tế hơn, sẽ đánh mất cơ hội để hội nhập và phát triển kịp với tình hình thế giới; vì sự phát triển của giáo dục đại học thế giới cho đến thời điểm hiện nay ngày càng thể hiện rõ bản chất đại chúng hóa; Tự chủ và tự chịu trách nhiệm; Và đa dạng hóa và hội nhập toàn cầu.

Từ năm 2006, Việt Nam đã có Quyết định 145/2006/QĐ-TTg về chủ trương và những định hướng lớn xây dựng trường đại học đẳng cấp quốc tế của Việt Nam tuy nhiên đến nay đã 15 năm nhưng các trường hoạt động theo Quyết định này vẫn chưa lọt vào top nào.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Hiệp - Giám đốc nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển giáo dục Edlab Asia cho rằng, trước tiên là do cách chúng ta định nghĩa thế nào là đại học đẳng cấp quốc tế mà thôi và đến nay chưa thấy tổng kết về việc thực hiện Quyết định 145/2006/QĐ-TTg này.

Qua quá trình nghiên cứu, tìm hiểu, Tiến sĩ Phạm Hiệp thấy, thông thường đại học đẳng cấp quốc tế sẽ được thể hiện ở 3 khía cạnh.

Thứ nhất là chất lượng đào tạo thể hiện thông qua tỷ lệ giảng viên/ sinh viên, đánh giá của nhà tuyển dụng, mức thu nhập của sinh viên sau tốt nghiệp.

Thứ hai về nghiên cứu thông qua lượng bài báo xuất bản trên tạp chí ISI - Scopus, lượng trích dẫn, tỷ lệ trích dẫn trên mỗi giảng viên. Hoặc một số bảng xếp hạng họ tính các tiêu chí hẹp như bài được đăng trên các tạp chí Natural, Science.

Thứ ba là về quốc tế hóa thể hiện thông qua tỷ lệ sinh viên, giảng viên là người nước ngoài.

“Đó là những yếu tố cơ bản về đại học đẳng cấp quốc tế, trong bối cảnh gần đây nhất là trong vòng 3-4 năm trở lại đây thì người ta cố gắng đưa ra những cái chỉ số mới để đo lường mức độ đẳng cấp quốc tế các trường đại học, ví dụ gần đây THE đưa ra một bảng xếp hạng dành cho các đại học đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững SDG của UNESCO”, chuyên gia Phạm Hiệp phân tích.

Tiến sĩ Phạm Hiệp- Giám đốc nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển giáo dục Edlab Asia (ảnh:NVCC)

Tiến sĩ Phạm Hiệp- Giám đốc nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển giáo dục Edlab Asia (ảnh:NVCC)

Vị này cũng thừa nhận, xếp hạng đại học hay đại học đẳng cấp quốc tế về cơ bản vẫn thuộc về các trường đại học nghiên cứu, đại học top đầu chứ không dành cho đại học giảng dạy, đại học dành cho số đông.

Tuy nhiên, định nghĩa về đại học đẳng cấp quốc tế có thay đổi qua thời gian, câu chuyện của năm 2021 khác câu chuyện của năm 2006 khi chúng ta đưa ra chương trình mục tiêu phát triển đại học đẳng cấp quốc tế.

Theo Tiến sĩ Hiệp, tự chủ đại học sẽ là một trong những thành tố tác động giúp một cơ sở giáo dục đại học có thể đạt tới đẳng cấp quốc tế được hay không. Bởi lẽ, tự chủ sẽ giúp nhà trường có quyền tự quyết, tự chịu trách nhiệm do đó cơ sở đào tạo sẽ năng động hơn, ra quyết định nhanh hơn trong việc thực hiện các hoạt động nội bộ, từ đó giúp họ cạnh tranh tốt hơn.

Nhưng đạt đẳng cấp quốc tế hay không, thể hiện qua xếp hạng đại học, lại là cuộc đua khốc liệt.

“Theo thuật ngữ chuyên môn thì xếp hạng đại học chính là “trò chơi có tổng bằng 0” tức là ta tăng 1 bậc thì ta phải dồn 1 trường khác xuống 1 bậc, hay nói cách khác, ta +1 bậc thì họ sẽ phải -1 bậc. Như vậy 1-1=0.

Điều này có nghĩa là ta và họ đều chạy, ta muốn tăng bậc thì phải chạy nhanh hơn, nếu chạy bằng họ hoặc chạy bằng tốc độ của năm ngoái thì có thể đã tụt hậu rồi”, Tiến sĩ Phạm Hiệp lý giải.

Vì đây là cuộc chơi khốc liệt không chỉ mỗi Việt Nam đặt ra đại học đẳng cấp quốc tế mà tất cả các nước trên thế giới đều quan tâm đến và hầu như chính phủ nào cũng có một vài dự án để dồn nguồn lực cho cạnh tranh xếp hạng đại học đẳng cấp quốc tế.

Câu chuyện xây dựng trường đại học đẳng cấp quốc tế tại Việt Nam được bắt đầu cách đây 15 năm. Theo đó, năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định thành lập Tổ công tác xây dựng Đề án thành lập trường đại học đẳng cấp quốc tế. Giai đoạn đầu triển khai dự án, có 2 trường đại học theo mô hình mới là trường Đại học Việt-Đức ở Bình Dương và trường Đại học Khoa học và Công nghệ (trường Đại học Việt-Pháp) ở Hà Nội.

Đến nay 2 đại học này chưa lọt vào top nào nhưng Tiến sĩ Phạm Hiệp cho rằng, điều đó là đương nhiên, không có nước nào thành lập một đại học mới mà trong vòng 15 năm đã đạt đại học đẳng cấp quốc tế, lọt top 1000 đã khó chứ đừng nói đến top 500 hay 200. So với mặt bằng chung thì nhà nước đầu tư cao hơn cho 2 đại học này nhưng so với quốc tế thì không nhiều. “Cá nhân tôi thấy 2 đại học chưa lọt vào top nhưng hướng đi của họ tương đối vững chắc”, Tiến sĩ Phạm Hiệp nói.

Nhìn nhận về bảng xếp hạng thế giới THE 2022 vừa công bố Việt Nam có 5 đại diện trong đó Trường Đại học Tôn Đức Thắng và Trường Đại học Duy Tân cùng ở thứ hạng 401-500; 3 cơ sở giáo dục đại học còn lại là: Đại học Quốc gia Hà Nội (thứ hạng 1001 – 1200), Đại Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Trường đại học Bách khoa Hà Nội cùng thứ hạng 1201+, phải nói rằng, dù đây là 5 cơ sở giáo dục đại học không thực hiện theo Đề án năm 2006 của Chính phủ và kết quả họ đạt được là hợp lý.

“Chúng ta đầu tư cho hai Đại học Quốc gia nhiều hơn so với các đại học khác trong nước tuy nhiên so với thế giới thì mức đầu tư đó chưa là gì. Hiện nay hai Đại học này nằm trong top trên dưới 1000 ở các bảng xếp hạng khác nhau là hợp lý nhất là các chỉ số đánh giá từ giảng dạy, nghiên cứu, quốc tế hóa, trích dẫn rất đều nhau, chưa kể đây là 2 cơ sở đại học truyền thống nhất, tập hợp những thành phần nhân lực, cơ chế thuộc nhóm tốt nhất ở Việt Nam”, Tiến sĩ Hiệp nói.

Riêng 2 trường lọt top 500, chuyên gia này không quá bất ngờ vì có dịp tiếp xúc, quan sát 2 đại học này thì vị trí xếp hạng này nằm trong chiến lược, mục tiêu của họ cả chục năm nay rồi. Họ rất quyết tâm, “đổ” nhiều nguồn lực, đặc biệt là nghiên cứu nên điểm nổi trội của Trường Đại học Tôn Đức Thắng và Trường Đại học Duy Tân là lượt trích dẫn, trong khi trọng số này chiếm 30% đó là lý do khiến họ lọt vào top 400-500. Chỉ số trích dẫn đánh giá được chất lượng nghiên cứu.

Bởi lẽ bài báo được đăng trên tạp chí ISI, Scopus thì mới chỉ là chuẩn tối thiểu của công trình nghiên cứu. Công trình nghiên cứu được cho là có chất lượng nếu nó được trích dẫn đủ nhiều.

Cuối cùng, với hướng đi của trường Đại học Việt-Đức ở Bình Dương và trường Đại học Khoa học và Công nghệ, Tiến sĩ Phạm Hiệp kỳ vọng các trường đại học theo mô hình mới tiếp tục giữ vững bản sắc của mình trong quá trình thích nghi với điều kiện và môi trường đào tạo trong nước.

Tại Điều 2 của Quyết định 145/2006/QĐ-TTg, ngày 20/6/2006 đã xác định tiêu chí của đại học đẳng cấp quốc tế của Việt Nam gồm:

Là cơ sở giáo dục đại học đào tạo trình độ đại học, cao học và tiến sĩ, nghiên cứu khoa học và công nghệ chất lượng cao hàng đầu của Việt Nam; tiếp cận trình độ tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.

Trường có qui mô vừa phải, tập trung phát triển một số ngành trọng điểm, mũi nhọn; trực tiếp góp phần nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Trường là một thí điểm về mô hình trường đại học mới, áp dụng những ý tưởng, phương pháp luận và phương thức hiện đại trong hoạt động giáo dục và hoạt động nghiên cứu, trong tổ chức, quản lý và nhân sự của trường theo nguyên tắc cạnh tranh để phát triển dựa trên sự đánh giá của xã hội và nguyên tắc không vì mục đích lợi nhuận. Trường được trao quyền tự chủ và trách nhiệm cao về quản lý, đào tạo, nghiên cứu khoa học, tổ chức nhân sự và tài chính.

Trường có mối liên hệ chặt chẽ và khai thác sức mạnh tổng hợp về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý hàng đầu của các cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu, phòng thí nghiệm trọng điểm, doanh nghiệp trong toàn quốc. Trường là nơi thu hút người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài và các giáo sư, các nhà nghiên cứu nước ngoài đến làm việc.

Trường có quan hệ hợp tác đào tạo và nghiên cứu với các cơ sở giáo dục đại học hàng đầu trên thế giới, chương trình giáo dục hệ thống được với các trường đẳng cấp quốc tế; tham gia hệ thống kiểm định và công nhận bằng cấp tương đương với các trường đẳng cấp quốc tế.

Thùy Linh