Luật Giáo dục, Điều 32 điểm 1b quy định, mỗi môn học có 1 hoặc 1 số sách giáo khoa.
Theo Quyết định số 404/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, tại điểm đ Điều 1 có nêu rõ: “Thực hiện một chương trình, nhiều sách giáo khoa. Chương trình mới được xây dựng, thẩm định và ban hành trước làm cơ sở cho việc biên soạn sách giáo khoa.
Chương trình mới được thực hiện thống nhất trong toàn quốc, trong đó quy định những yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của học sinh sau mỗi cấp học, nội dung và thời lượng giáo dục bắt buộc đối với tất cả học sinh, đồng thời có một phần thích hợp để các cơ sở giáo dục chủ động vận dụng phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.
Đầu năm 2019, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam lại “âm thầm” tăng giá sách giáo khoa khi chưa được sự đồng ý của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh minh họa: Tùng Dương. |
Ngày 17/4, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành dự thảo Thông tư quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong các cơ sở giáo dục phổ thông.
Nhưng điều khó hiểu là tại mục 2 Điều 2 về nguyên tắc lựa chọn sách giáo khoa thì lại nêu: “Mỗi môn học, hoạt động giáo dục (sau đây gọi chung là môn học) ở một khối lớp lựa chọn 01 (một) đầu sách giáo khoa”.
Nó mập mờ ở việc mỗi môn học trong dự thảo là khối lớp và phê duyệt khung chương trình, thì Chính phủ đã chỉ đạo một chương trình và nhiều tài liệu.
Như vậy có thể hiểu nếu theo dự thảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì lại thành độc quyền về sách giáo khoa.
Ví dụ nếu hội đồng lựa chọn sách giáo khoa địa phương chọn bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, thì rõ ràng là các nhà xuất bản còn lại không thể đưa sách giáo khoa mới vào tỉnh đó được nữa, như vậy là trái với quy định của Luật Giáo dục và của Chính phủ đã chỉ đạo một chương trình và nhiều tài liệu.
Dư luận còn chưa quên đầu năm học 2018 - 2019, Nhà xuất bản Giáo dục đã để xảy ra tình trạng thiếu sách giáo khoa các lớp đầu cấp với lời giải thích rằng do lượng học sinh tăng lên đột biến và chỉ in theo số lượng đăng ký để tránh tồn kho.
Như vậy, chính tình trạng độc quyền sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam khiến đơn vị này thích làm gì thì làm, độc quyền sách giáo khoa dẫn đến việc những đơn vị, cá nhân, tổ chức…bắt tay với nhau để hưởng lợi.
Độc quyền sách giáo khoa khiến nhà xuất bản duy nhất sẽ thao túng thị trường sách, một khi không có cạnh tranh, sách giáo khoa khó phát triển và đương nhiên học sinh chịu thiệt.
Bộ nào có trách nhiệm duyệt và công bố giá sách giáo khoa mới? |
Tại điểm g khoản 2 Điều 2 của Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội có quy định: “ Khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông”.
Nhưng theo thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo thì hiện nay có 03 nhà xuất bản được phép phát hành sách giáo khoa, đó là Nhà xuất bản Giáo dục, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.
Nhưng điều mà xã hội đang quan tâm nhất hiện nay là giá sách giáo khoa mới tăng cao nhưng lại tập trung vào Nhà xuất bản Giáo dục khi có tới 4 bộ sách.
Nhà xuất bản Đại học Sư phạm và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh chỉ có chung 1 bộ sách giáo khoa.
Câu hỏi đặt ra là liệu có việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tạo ra “cơ chế” ở đây hay không, rõ ràng là việc phát hành sách giáo khoa như hiện nay, rồi dự thảo hướng dẫn chọn đầu sách cũng như việc tăng giá là độc quyền của Nhà xuất bản Giáo dục?
Bộ chưa đưa ra những giải pháp khuyến khích xã hội hóa để thu hút thêm các nhà xuất bản, các tổ chức tham gia biên soạn, dẫn đến việc hiện nay có quá ít đơn vị tham gia biên soạn và phát hành sách.