Sách VNEN không có bán, thư viện không có cho mượn, mất sách là thảm họa

28/11/2015 07:30
Lê Văn Vỵ
(GDVN) - Nói thật là, không có sách giáo khoa thì về nhà học hành kiểu gì. Lo lắng quá nên tôi nhờ thầy, cô mua hộ sách đó nhưng thầy cô bảo không có để mua.

LTS: Viết tiếp câu chuyện VNEN là vay nợ, tác giả Lê Văn Vỵ đã đi khảo sát thị trường sách giáo khoa cho cách học này ở Hà Tĩnh. Kết quả là, việc mua được sách VNEN khó khăn như tìm mua hàng ...quốc cấm. 

Tìm đâu cho thấy sách VNEN? 

Một phụ huynh ở Hương Sơn, Hà Tĩnh có con học chương trình VNEN lớp 6 phàn nàn: “Đứa con trai duy nhất của tôi vào học lớp 6. Khi cháu đến trường, tôi đến cửa hàng sách ở Thị trấn Phố Châu mua đủ bộ sách giáo khoa lớp 6 và những đồ dùng học tập cần thiết hết gần 200.000 đồng. 

Mua sách được hơn 1 tháng, cháu về bảo rằng từ nay không học sách mẹ mua nữa mà học theo sách khác (sách viết theo chương trình VNEN). 

Nhưng do trường không đủ sách nên 2 học sinh học chung 1 bộ sách, học xong thì phải để ở lớp chứ không được mang về nhà. 

Nói thật là, không có sách giáo khoa thì về nhà học hành kiểu gì. Lo lắng quá nên tôi nhờ thầy, cô mua hộ sách đó nhưng thầy cô bảo không có để mua. 

Tôi ra cửa hàng thiết bị sách giáo dục hỏi không có, ra đại lý hỏi cũng không có, hỏi khắp nơi mà vẫn không có nơi nào bày bán sách VNEN
”. 

Không có sách thì phải dùng sách photo. Ảnh: Lê Văn Vỵ
Không có sách thì phải dùng sách photo. Ảnh: Lê Văn Vỵ

Nghe xong câu chuyện, ông bạn hàng xóm của tôi nửa đùa, nửa thật: “Tìm mua sách VNEN khó hơn hàng cấm”. 

Thầy  Nguyễn Ngọc Lạc- Trưởng phòng Sở GD&ĐT Hà Tĩnh cho biết: “Sách VNEN là chương trình thí điểm, Bộ GD&ĐT giao cho Công ty phát triển giáo dục Hà Nội là đơn vị duy nhất  được xuất bản. 

Vì vậy, đầu năm phải có kế hoạch đăng ký mới có sách. Vì là sách thí điểm nên không có bán ở thị trường, ở các đại lý
”.

Rõ ràng đang thời kỳ thí điểm mà không hiểu tại sao Hương Sơn - huyện miền núi của tỉnh Hà Tĩnh mà có đến 16/17 trường THCS triển khai mô hình trường học mới (VNEN)!

Sách VNEN không có bán, thư viện không có cho mượn, mất sách là thảm họa ảnh 2

"VNEN là vay nợ"

Theo tìm hiểu của nhóm phóng viên, trong 16 trường thực hiện chương trình mới năm học 2015-2016 thì có 6 trường thực hiện sau khai giảng năm học mới vào ngày 15/9/2015 và 9 trường mãi đến đầu tháng 11 mới thực hiện. 

“Nóng tay bắt lỗ tai”, các trường bị động, học sinh thiếu sách giáo khoa dẫn tới tình trạng học chay là tất yếu!

Được biết trường THCS Hải Thượng Lãn Ông, huyện Hương Sơn có năm lớp 6 gồm 100 học sinh học chương trình VNEN. 

Tại thời điểm nhóm phóng viên đến (22/11/2015), sách giáo khoa chỉ đủ cho 2 em/bộ. 

Em Nguyễn Hữu Thống – Trưởng ban thư viện lớp 6E cho biết: “Sách giáo khoa lớp em dùng chung. Hai bạn được một bộ sách, khi học xong tất cả để ở tủ sách trong lớp”.

EmTrần Minh Tú (lớp 3A, trường tiểu học Trung Lễ, Đức Thọ) đến thư viện tìm mượn sách nhưng không có, may mà còn có quyển sách photo. Ảnh: Lê Văn Vỵ
EmTrần Minh Tú (lớp 3A, trường tiểu học Trung Lễ, Đức Thọ) đến thư viện tìm mượn sách nhưng không có, may mà còn có quyển sách photo. Ảnh: Lê Văn Vỵ

Không đủ sách thì photo, tại một số trường trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh không chỉ photo cho giáo viên mà phải photo cho cả học sinh. 

Không photo thì không có sách, mà không có sách thì BÓTAY.COM. Mặc dù, biết photo khó sử dụng bởi sách mới các modem được in bằng mực màu, còn photo chỉ 2 màu đen trắng”, thầy Nguyễn Song Hào (Đức Thọ) cho biết.

Cũng đừng nghĩ đến ra thư viện mà mượn 

Sách không có bán, thư viện không có cho mượn, nên mất sách là hiểm họa. Đến trường tiểu học Trung Lễ, huyện Đức Thọ, tôi chứng kiến khuôn mặt thiểu não của em Trần Minh Tú (học sinh lớp 3A) làm mất cuốn: “Hướng dẫn học tiếng Việt lớp 3 (tập 1B)” đang theo cô thư viện lên phòng mượn sách. Thư viện chẳng có cuốn sách giáo khoa nào, chỉ có mấy cuốn photo mà thôi.

Hiện đã qua 2/3 thời gian học kỳ I mà các nhà trường vẫn lo sách cho học sinh. Theo thầy Nguyễn Văn Hào - Hiệu trưởng trường Tiểu học Trường Sơn, huyện Đức Thọ cho biết: Gần đây, trường tiểu học Đức Thanh thiếu 12 bộ sách giáo khoa lớp 4 (1B), Hiệu trưởng phải chạy đôn, chạy đáo đi khắp nơi tìm sách nhưng nỗ lực cố gắng cũng chỉ tìm được 8 bộ. 

Thầy Nguyễn Trọng Phượng- Hiệu trưởng trường tiểu học Thạch Châu cho biết: “Trường tôi hồi đầu tháng 6 đã đặt sách nhưng mãi đến cuối tháng 8 mới nhận được. Sách về không cùng một lúc mà thành nhiều đợt thậm chí cô phụ trách thiết bị thư viện phải đến tận trường bạn để nhận sách về. 

Nếu như mọi năm học sinh, phụ huynh có thể đến các cơ sở sách giáo khoa và thiết bị trường học, các đại lý để mua sách cho con thì nay học theo chương trình mới nên Nhà trường phải đăng ký mua sách qua Phòng GD&ĐT để đăng ký lên Sở GD&ĐT. 

Khi nhận được sách thì phải phân phát cho học sinh rồi thu tiền. Không làm thì học sinh không có sách học, nhưng làm thì nhiều khâu quá
”. 

32 học sinh lớp 5A1 trường tiểu học Thạch Châu đã nộp đủ số tiền 822.000 đồng để mua sách và vở. Ảnh: Lê Văn Vỵ
32 học sinh lớp 5A1 trường tiểu học Thạch Châu đã nộp đủ số tiền 822.000 đồng để mua sách và vở. Ảnh: Lê Văn Vỵ

Còn theo cô Nguyễn Thị Cầm - Hiệu trưởng trường Tiểu học Thạch Châu hiện có 14 lớp với 426 học sinh , trừ ba lớp 1 học theo chương trình Công nghệ, còn 11 lớp học theo chương trình VNEN. 

Học sinh ở đây chủ yếu là con em nông dân nghèo, đặc biệt có 10% học sinh là con em sống bằng nghề làm muối, đời sống lại càng khó khăn. 

Trong khi đó, sách giáo khoa của chương trình VNEN lại đắt gấp 2 lần sách giáo khoa bình thường. 

Cầm trên tay bảng thông báo giá sách cho học sinh và phụ huynh khối lớp 5, cụ thể: Sách Hướng dẫn học tiếng Việt lớp 5/1A giá 31.000 đồng; lớp 5/2A có giá 30.000 đồng; Hướng dẫn học Lịch sử, Địa lý lớp 5/1A  giá 29.000 đồng. 
Trước giá cả này, thầy Nguyễn Trần Bằng (Thạch Hà) phàn nàn: “Trước đây, sách thí điểm trường được cho không hoặc được trợ giá nhưng không hiểu sao bây giờ thí điểm mà sách phải mua với giá trên trời như vậy”. 

Trong khi, giá muối liên tục hạ với giá trung bình 150.000 đồng/tạ, người dân diêm điền khi cầm trên tay bảng báo giá sách của Nhà trường gửi về cho học sinh lớp 5 với 42 khoản thu (bao gồm đầu sách và vở) với tổng số tiền lên tới 821.800 đồng. 

Nhưng học cái chương trình thí điểm này, không biết mượn ở đâu, sách cũ không có bán nên đành vay mượn mà mua sách cho con chứ biết làm sao”, bác Lê Văn Huyên (Thạch Châu) phàn nàn. 

Theo báo cáo ngày 07/10/2015 của Sở GD&ĐT Hà Tĩnh, tính đến thời điểm báo cáo Hà Tĩnh có 129/267 trường thực hiện VNEN (đạt tỷ lệ 48,3%) và những năm học 2016-2017 sẽ “triển khai mô hình trường học mới Việt Nam tại tất cả các trường tiểu học, THCS và một số phòng học theo mô hình trường học mới tại các trường THPT…” .

Để mô hình trường học mới khả thi, phát huy tác dụng đáp ứng được công cuộc đổi mới toàn diện nền giáo dục nước nhà đề nghị các cấp lãnh đạo từ Bộ, Sở đến Phòng GD&ĐT lưu ý đúc rút các mô hình thí điểm để nhân rộng.
 
Mặt khác cần có sự chuẩn bị đấy đủ cơ sở vật chất từ phòng học, trang thiết bị, sách giáo khoa để tránh bất cập như hiện nay. Đặc biệt cần tuyên truyền sâu rộng để tạo được sự đồng thuận trong nhân dân. 

Lê Văn Vỵ