Sáng kiến kinh nghiệm là trên hết, các phong trào khác đâu có nhiều ý nghĩa

19/09/2019 06:08
NHẬT DUY
(GDVN) - Sáng kiến kinh nghiệm khi đạt giải trở thành phong trào quan trọng nhất, được tôn vinh cao nhất và đương nhiên quyền lợi cũng được cao nhất.

Nói gì thì nói, dù có lãng mạn, viển vông, lý thuyết như thế nào đi chăng nữa thì mục đích chính khi giáo viên tham gia các phong trào của ngành giáo dục đều hướng tới thành tích thi đua cuối năm cho mình.

Có thành tích thi đua mới có quyền lợi đi kèm bởi quyền lợi mới tạo được động lực cho giáo viên phấn đấu. Tuy nhiên, các hướng dẫn và thực hiện xét thi đua hiện nay đối với giáo viên phổ thông chỉ độc tôn sáng kiến kinh nghiệm.

Những phong trào khác chẳng được quy đổi, chẳng được chú trọng khi xét thi đua, thậm chí khi đạt giải rồi thì nhà trường cũng xem như đó là nghĩa vụ của giáo viên nên chẳng mấy ai còn thiết tha với phong trào thi đua của ngành.

Sáng kiến kinh nghiệm đang rất được xem trọng trong xét thi đua của giáo viên. (Ảnh minh họa: laodong.com.vn)

Sáng kiến kinh nghiệm đang rất được xem trọng trong xét thi đua của giáo viên. (Ảnh minh họa: laodong.com.vn)

Đầu năm học, các trường tiến hành hội nghị cán bộ, viên chức trong nhà trường. Trong hội nghị này, ngoài việc bàn chỉ tiêu về chất lượng giảng dạy thì các tổ chuyên môn, các giáo viên cũng phải đăng ký tham gia các phong trào thi đua của ngành.

Đó là các hội thi giáo viên giỏi các cấp, thi giáo viên chủ nhiệm giỏi, thi viết sáng kiến kinh nghiệm, thi làm đồ dùng dạy học...

Ngoài ra, giáo viên còn một nhiệm vụ quan trọng nữa là bồi dưỡng học sinh giỏi các cấp, bồi dưỡng, hướng dẫn học sinh trong các cuộc thi do ngành giáo dục phát động và tổ chức.

Trong khi, định mức giờ dạy của giáo viên đã được quy định cụ thể nên việc tham gia các hội thi hay bồi dưỡng cho học sinh hiện nay thường không được tính vào định mức giờ dạy.

Những giáo viên nhiệt tình tham gia các phong trào trong ngành giáo dục hiện nay không hiếm nhưng đa phần là những giáo viên mới vào nghề. Họ đang muốn khẳng định tay nghề và vị thế của mình.

Giáo viên lớn tuổi đã từng tham gia nhiều lần, nhiều phong trào nên họ ngán ngẩm dần và tự rút lui trong các phong trào phát động thi đua, họ chỉ chú tâm làm tròn nhiệm vụ của mình.

Bởi một lẽ đương nhiên là người làm nhiều, tham gia nhiều phong trào nhưng không đạt giải sáng kiến kinh nghiệm cũng được xét danh hiệu lao động tiên tiến, người không làm gì cũng đạt danh hiệu lao động tiên tiến.

Sáng kiến kinh nghiệm là trên hết, các phong trào khác đâu có nhiều ý nghĩa ảnh 2Tại sao có giáo viên sợ thi đua?

Chính vì một khi tham gia mà quyền lợi không có hoặc có rất ít thì đương nhiên không phải ai cũng nhiệt tình, miệt mài tham gia các phong trào một cách tích cực từ năm này qua năm khác.

Theo hướng dẫn việc xét thi đua cuối năm của một số địa phương hiện nay thì chỉ có những giáo viên đạt giải sáng kiến kinh nghiệm cấp cơ sở trở lên mới đủ điều kiện xét danh hiệu thi đua từ “chiến sĩ thi đua cơ sở” trở lên.

Các phong trào như giáo viên giỏi các cấp, giáo viên chủ nhiệm giỏi các cấp, đồ dùng dạy học và giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi từ giải 3 cấp tỉnh trở lên không còn được quy đổi thành sáng kiến kinh nghiệm như trước đây.

Chính vì thế, nhiều giáo viên muốn được xét danh hiệu từ "chiến sĩ thi đua cơ sở" trở lên họ chỉ cần tập trung viết sáng kiến kinh nghiệm là đủ chuẩn. Trong khi việc viết một sáng kiến kinh nghiệm bây giờ có phần đơn giản hơn nhiều so với các phong trào thi đua khác.

Những phong trào khác mất thời gian và công sức hơn rất nhiều. Chẳng hạn như phong trào thi giáo viên giỏi các cấp phải thi sáng kiến kinh nghiệm, thi lý thuyết và thi dạy 2 tiết trên lớp ở một đơn vị khác.

Bồi dưỡng học sinh giỏi thì phải ít nhất cũng mất một học kỳ học sinh mới dự thi. Thời gian dài đằng đẵng thầy trò ôn luyện mà học sinh rớt thì thầy cũng thành…công cốc.

Chính vì sự bất cập như vậy nên việc các Ban giám hiệu các trường hiện nay phải ép, phải giao ấn chỉ tiêu cho các tổ chuyên môn thì giáo viên mới thực hiện, mới tham gia phong trào của ngành.

Không ép, chẳng có giáo viên nào tự nguyện đi thi giáo viên giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi hay làm đồ dùng dạy học.

Sáng kiến kinh nghiệm là trên hết, các phong trào khác đâu có nhiều ý nghĩa ảnh 3
Xét duyệt thi đua thầy cô, những sự thật cay đắng

Thực tế, nếu đạt giải sáng kiến kinh nghiệm là gần như sẽ được xét chiến sĩ thi đua cơ sở và có cơ sở để xét các danh hiệu thi đua khác. Đặc biệt được xét tăng lương trước thời hạn quy định.

Hiện nay, Bộ Giáo dục đã đang có những động thái để thay đổi hình thức thi giáo viên giỏi các cấp. Tuy nhiên, với hướng dẫn xét thi đua hiện nay thì có lẽ cũng chẳng mấy giáo viên tích cực hưởng ứng tham gia hội thi này.

Đối với việc thực hiện sáng kiến kinh nghiệm thì mấy năm nay thay đổi liên tục nhưng rốt cuộc cũng chẳng đến đâu.

Trước đây thì thực hiện theo Nghị định 56, sau thêm Nghị định 88 sửa đổi cũng chưa hết bất cập. Dưới Nghị định Chính phủ là các Thông tư của Bộ là hướng dẫn của Sở, của Phòng và các Uỷ ban nhân dân dẫn đến một chính sách mà mỗi nơi thực hiện mỗi kiểu.

Sáng kiến kinh nghiệm vì thế mà trở thành phong trào quan trọng nhất, được tôn vinh cao nhất và đương nhiên quyền lợi cũng được cao nhất.

Những phong trào thi đua khác của ngành giáo dục bây giờ cũng chẳng còn nhiều ý nghĩa với giáo viên nên cũng không khuyến khích được giáo viên tích cực tham gia.

Nếu các cơ quan chức năng không có những thay đổi trong việc hướng dẫn xét thi đua, khen thưởng, vẫn xem trọng sáng kiến kinh nghiệm, vẫn lấy kinh nghiệm làm thước đo cho các các tiêu chí thi đua thì các phong trào khác sẽ không còn nhiều ý nghĩa.

Tất nhiên, giáo viên cũng không mặn mà với các phong trào thi đua khác- đó là một sự thật không thể phủ nhận được.

NHẬT DUY