Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga đã có cuộc đối thoại trực tuyến về vấn đề tự chủ đại học tại Cổng thông tin điện tử Chính phủ. Cuộc đối thoại diễn ra trong bối cảnh ngành giáo dục vừa đưa ra dự thảo đổi mới thi và tuyển sinh năm 2014 cũng như sắp diễn ra hội nghị tổng kết năm học giáo dục đại học.
Thi riêng: Cơ hội cho thí sinh?
Nhận định về đổi mới kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2014, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho hay, kỳ thi ba chung đã kéo dài hơn 10 năm, nhưng do nhu cầu đổi mới phù hợp với Luật giáo dục đại học nên phải tiến hành đổi mới. Thay đổi cách tuyển sinh để chuyển sang hướng dẫn học sinh đánh giá đúng năng lực, do đó cách thi cũng phải thay đổi để định hướng cho cách dạy và học cho phổ thông và đại học, cao đẳng.
“Xu thế trao quyền tự chủ cho nhà trường, nên tuyển sinh là công việc chuyên môn của nhà trường nên Bộ giao quyền tự chủ cho nhà trường, giao tự chủ là phù hợp với xu thế chung” Thứ trưởng Ga cho biết.
Nhấn mạnh về trọng tâm đổi mới công tác thi, Thứ trưởng Ga nói, cách tuyển sinh năm nay sẽ khác thời trước ba chung, đó là khác về cách ra đề thi, phương thức thi, cách đánh giá, xét tuyển, không còn là cách kiểm tra kiến thức như trước đây, các trường phải kiểm tra được năng lực của học sinh cho phù hợp với năng lực đào tạo của các trường. Bộ đã giao cho các trường tự xây dựng phương án của mình chứ không phải lặp lại cách thi riêng của các trường trong quá khứ.
|
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga trong buổi đối thoại. Ảnh Xuân Trung |
Trước băn khoăn của nhiều thí sinh cho rằng, khi các trường thi riêng tức là được tự chủ ra đề, nếu thí sinh chỉ giỏi một môn, vậy trường có đánh giá đúng năng lực của thí sinh không, như vậy cánh cửa vào đại học chỉ đối với thí sinh giỏi một môn?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cắt nghĩa, khi giao tự chủ tuyển sinh cho trường, khi đó các thí sinh sẽ có nhiều cơ hội hơn. Vì tuyển sinh riêng không bắt buộc thi theo khối, một số trường có thể tuyển sinh theo các môn như Toán sau đó phỏng vấn, năng lực. Tạo cho học sinh thể hiện sở trường của mình bằng những phương thức thi do các trường đề ra, sẽ không bỏ sót cho những thí sinh có năng lực, đó là ưu điểm.
Trước những băn khoăn của học sinh lớp 12 liệu trường mình thích có tuyển sinh riêng không, nếu có thì thời gian không nhiều sẽ phải chuyển bị ra sao, ôn thi thế nào? Ông Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) thông cảm, chia sẻ băn khoăn, lo lắng của học sinh khi có sự thay đổi về cách làm tuyển sinh trong năm nay. Tuy nhiên các thí sinh yên tâm, nội dung, hình thức thi vẫn dựa vào chương trình lớp 12 là chủ yếu, phụ thuộc vào các ngành nghề đào tạo của nhà trường.
Trước ngày 10/3 sẽ biết trường nào thi riêng
Ông Bùi Anh Tuấn cũng cho biết, trong 3 năm tới để giúp cho các trường trong việc chuyển đổi hình thức thi thì Bộ vẫn tổ chức thi “ba chung” (đối với các trường chưa có phương án thi riêng). Theo kế hoạch tuyển sinh năm nay, đến ngày 10/2 là hạn cuối các trường nộp đề án. Đến 10/3 bộ sẽ công bố danh sách các trường có phương án thi riêng trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Cũng có nhiều ý kiến hiện nay cho rằng, nếu Bộ GD&ĐT để cho các trường thi riêng thì tất cả cùng riêng, nếu đã chung thì tất cả cùng chung. Ý kiến này Thứ trưởng Ga giải thích, chưa thể làm như vậy vì cần phải có lộ trình để cho thí sinh làm quen với những điểm mới trong cách học và hơn nữa các trường có thời gian chuẩn bị. Do hệ thống giáo dục đại học rất đa dạng, nhiều ngành nghề, nếu chuyển ngay lập tức sang thi riêng thì xã hội sẽ xáo trộn, gây sốc cho thí sinh và phụ huynh.
“Tôi xin chia sẻ với các em học sinh và bậc phụ huynh, năm nay tôi cũng có con thi đại học. Nhưng đây là năm đầu tiên thực hiện NQ TW8, năm đầu tiên thực hiện giao quyền tự chủ. Việc đổi mới này là phục vụ lớn nhất cho thí sinh và toàn xã hội. Đổi mới tuyển sinh năm nay không buông lỏng mà có lộ trình. Bộ vẫn thi ba chung cho các trường chưa đủ điều kiện, chưa sẵn sàng thi riêng. Đổi mới kỳ thi luôn bảo vệ quyền lợi cho thí sinh”.
Ông Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT).
“Trong dự thảo Bộ đề ra là 3 năm tới các trường sẽ phải tự chủ thi riêng của mình. Sau 2017 các trường sẽ đồng loạt tổ chức thi riêng, nhiều người nói rằng thi riêng sẽ xảy ra tình trạng học sinh chỉ học một môn mà mình thi, lấy đó là môn chính. Thực ra không thể xảy ra như thế, bởi vì cách thi riêng yêu cầu học sinh có kiến thức tổng hợp. Do đó, học sinh phải có kiến thức chung mới làm được. Học sinh không thể học lệch được vì các trường kiểm tra toàn diện” Thứ trưởng Ga thông tin.
Vì sao không lấy kết quả thi riêng xét tuyển cho thi chung?
Vừa qua, Bộ GD&ĐT công bố bản dự thảo về kế hoạch tuyển sinh năm 2014. Theo đó, một quy định nếu các trường tổ chức thi riêng thì sẽ không được lấy nguồn tuyển thông xét tuyển chung với hình thức thi “ba chung”. Đặc trong vấn đề tự chủ đại học theo Luật giáo dục đại học thì điều này là vô lý vì đã gọi là “tự chủ” thì các trường có quyền lựa chọn?
Hơn nữa thí sinh thi riêng cũng lo lắng khi kết quả của các em sẽ không được công nhận vào trường thi chung, như vậy phải chăng là đã đánh mất cơ hội học tập của các em?
Giải thích về quy định dự thảo này, ông Trần Văn Nghĩa, Cục phó Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết, vì là hai dạng khác nhau, hai cách đánh giá khác nhau, nếu dùng cả hai dạng này để đánh giá kết quả thì không công bằng cho thí sinh.
“Năm nay cơ hội vào trường đại học, cao đẳng của em lớn hơn 2013. Tại sao? Vì vẫn duy trì kỳ thi ba chung, ngoài ra còn có kỳ thi riêng, mỗi trường tối đa trong một năm có thể tổ chức thi riêng 2 lần. Vì vậy, cơ hội thi nhiều hơn.
“Thí sinh phải nắm vững thông tin tuyển sinh của từng trường, nắm vững kiến thức đê có kết quả cao nhất. Giao quyền tự chủ cho các trường không có nghĩa là để cho các trường có thể tuyển đủ thí sinh” ông Nghĩ khẳng định.
Bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước cũng tỏ ra khó hiểu khi dự thảo của Bộ GD&ĐT không công nhận kết quả thì riêng để xét cho thi chung: “Trường tự chủ tuyển sinh phải có quyền được sử dụng kết quả thi “ba chung”, điểm thi tốt nghiệp, điểm thi các môn học trong quá trình học tập ở cấp THPT và họ có thể đề ra nhiều biện pháp khác nữa để làm sao tuyển được học sinh đảm bảo chất lượng nằm trong chỉ tiêu Bộ giao. Đó là quyền tự chủ của các trường”, bà Bình đề nghị.
Thực tế, theo Luật Giáo dục đại học, các trường có quyền vừa thi vừa xét tuyển, khi xét tuyển các trường có thể xét bất kỳ đối tượng nào miễn là đáp ứng quy định của bộ. Dự thảo của bộ liệu có mâu thuẫn với Luật?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, mục đích thi riêng để thí sinh có thể khẳng định được năng lực của mình và các trường tuyển được thí sinh theo yêu cầu, thi ba chung không làm được như thế vì ngành nghề quá đa dạng.
“Do đó không dùng kết quả của ba chung để lấp vào thi riêng. Nếu dùng kết quả ba chung để xét tuyển thì 3 năm nữa bộ không tổ chức thi ba chung các trường lấy kể quả đâu để xét? Chúng ta phải tính tới lâu dài” Thứ trưởng Ga cho biết.
Năm 2014 cơ hội vảo đại học sẽ lớn hơn năm 2013
Căn dặn với các học sinh lớp 12 năm nay dự thi đại học, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, các em hoàn toàn yên tâm, cứ học tập bình thường và không phải lo lắng, băn khoăn. Dù thi chung hay riêng thì kiến thức vẫn nằm trong phạm vi được học. Việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh cũng không thuộc vào việc thi chung hay riêng mà dựa vào năng lực của nhà trường.Trong tương lai, các em phải thích nghi với cách học, cách thi mới.
“Năm nay, cơ hội vào đại học, cao đẳng lớn hơn 2013 vì vừa có kỳ thi chung vừa có kỳ thi riêng. Với 2 đợt thi riêng trong năm, cộng với thi chung, thí sinh hoàn toàn có nhiều hơn 3 cơ hội vào các trường đại học, cao đẳng. Điều quan trọng là các em phải nắm vững kiến thức và thông tin tuyển sinh của từng trường” Thứ trưởng Ga căn dặn.
Đối với khu vực ưu tiên năm nay sẽ có đôi chút thay đổi, Thứ trưởng Ga cũng cho hay, Bộ đang cùng các cơ quan liên quan rà soát tình hình cụ thể. Sau Hội nghị giáo dục đại học, Bộ sẽ chính thức điều chỉnh ưu tiên cho thí sinh các vùng miền; tuy nhiên đối tượng, mức điểm không thay đổi nhiều.
Xuân Trung