Sau 4 năm, Trường Đại học Thủy lợi tại Khu đại học phố Hiến hoạt động ra sao?

07/01/2023 06:59
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- "Ban đầu, hoạt động của cơ sở Trường Đại học Thủy lợi tại phố Hiến có một số khó khăn, nhưng đến nay nơi đây hoạt động tương đối ổn định".

Nhiều ý kiến cho rằng, Khu đại học phố Hiến (Hưng Yên) cách xa trung tâm Thành phố Hà Nội, cộng với phương tiện giao thông công cộng chưa thuận, các dịch vụ tại đây cũng chưa phát triển... khiến nhiều trường đại học ngại di dời. Bên cạnh đó, việc tuyển sinh, đào tạo của các trường đại học tại Khu đại học phố Hiến cũng sẽ không thuận lợi bởi các yếu tố trên.

Đến nay, sau hàng chục năm triển khai dự án Khu đại học phố Hiến mới có hai trường đại học hoạt động tại đây. Trong đó, cơ sở Trường Đại học Thủy lợi được đầu tư 1.421,5 tỷ đồng để xây dựng cơ sở đào tạo, ký túc xá. Đây cũng là đơn vị đầu tiên hoạt động tại Khu đại học phố Hiến.

Hoạt động của cơ sở Trường Đại học Thủy lợi tại Khu đại học phố Hiến ra sao, có hiệu quả hay không là thắc mắc của nhiều người.

Giải đáp câu hỏi trên, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có buổi trao đổi với Phó Giáo sư, Tiến sĩ, giảng viên Nguyễn Lương Bằng - Trưởng phòng Hành chính - Tổng hợp. Phó Giáo sư Bằng đã có những chia sẻ về hoạt động đào tạo, tuyển sinh của đơn vị tại Khu đô thị phố Hiến.

Theo Phó Giáo sư Bằng, trước thành công trong việc xây dựng chiến lược về nhân sự và con người, đơn vị đã tiếp tục thực hiện chiến lược về phát triển cơ sở vật chất để phục vụ hoạt động giảng dạy, học tập. Từ đó, đơn vị đã lập dự án và nộp bản chiến lược cho Bộ Giáo dục.

Trường Đại học Thủy lợi tại Hà Nội. (Ảnh: MĐ)

Trường Đại học Thủy lợi tại Hà Nội. (Ảnh: MĐ)

"Ban đầu, đơn vị dự định xin mở rộng cơ sở tại Chúc Sơn (Chương Mỹ, Hà Nội) nhưng vướng quy hoạch của tỉnh Hà Tây (sáp nhập vào Hà Nội). Lúc này, nhà trường xin chủ trương chung trong thời kỳ đó, và được nhà nước đầu tư cơ sở vật chất tại Khu đại học phố Hiến", thầy Bằng chia sẻ.

Trưởng phòng Hành chính - Tổng hợp cũng cho biết, cơ sở của Trường Đại học Thủy lợi tại Khu đại học phố Hiến có diện tích 57 hecta và được đi vào hoạt động vào năm 2018.

Đơn vị là trường đại học đầu tiên hoạt động ở nơi đây nên ban đầu cũng có một số khó khăn, ví như quy mô tuyển sinh khi đó chưa nhiều... Sau đó, nhà trường đã có những chiến lược phát triển rất rõ ràng.

"Đối với cơ sở tại phố Hiến, nhà trường đã được Bộ Giáo dục và Bộ Quốc phòng phê duyệt cho đơn vị thành lập Trung tâm giáo dục Quốc phòng và An ninh quốc gia (Trường Đại học Thủy lợi là 1 trong 36 đơn vị đào tạo về giáo dục quốc phòng và an ninh).

Kí túc xá Trường đại học Thủy lợi cơ sở khu đại học Phố Hiến (Ảnh: Nguyên Bảo)

Kí túc xá Trường đại học Thủy lợi cơ sở khu đại học Phố Hiến (Ảnh: Nguyên Bảo)

Hàng năm có hơn 20.000 sinh viên của hơn 10 trường đại học được phân luồng đào tạo giáo dục quốc phòng và an ninh tại nhà trường. Ngoài ra, đơn vị cũng đào tạo, hướng nghiệp cho học sinh tại các trường trung học phổ thông", thầy Nguyễn Lương Bằng chia sẻ.

Tại cơ sở phố Hiến, nhà trường đã đầu tư đầy đủ cơ sở vật chất như phòng thí nghiệm, kí túc xá, nhà ăn, căng tin... nên mọi hoạt động sinh hoạt của sinh viên, giảng viên được khép kín trong trường.

Đối với sinh viên của nhà trường, khi đến kỳ thực tập sẽ được về cơ sở tại phố Hiến để thực tập với đầy đủ các phòng thí nghiệm, thực hành. Bên cạnh đó, đơn vị cũng đào tạo một số lớp thạc sỹ, cử nhân tại nơi đây.

"Hiện nay, đối với cơ sở tại Khu đại học phố Hiến của chúng tôi hoạt động tương đối ổn định, phù hợp với chiến lược phát triển của nhà trường.

Nhà trường đã xây dựng chiến lược, trong đó có chiến lược về nhân sự và con người rất thành công. Hiện nay, nhà trường đào tạo 40 ngành học, với 60% giảng viên là tiến sĩ. Về chiến lược đào tạo, tuyển sinh, đơn vị có chiến lược mở rộng quy mô và đang thực hiện rất tốt", Phó Giáo sư Bằng nói.

Về phương tiện công cộng kết nối với khu đại học phố Hiến, thầy Bằng cho hay, hiện chỉ có xe buýt là phương tiện giao thông công cộng, đây cũng là sự bất tiện.

Lấy ví dụ về khu đại học tại Trung Quốc, nơi thầy Bằng từng học tập, khu đại học ở Trung Quốc được quy hoạch rất đồng bộ, và có tuyến đường sắt cao tốc nối liền trung tâm thành phố với nơi đây. Nếu đi khoảng 40 cây số chỉ mất khoảng 15 phút.

"Việc quy hoạch của chúng ta chưa có sự đồng bộ, nếu có trục đường sắt cao tốc nối liền từ trung tâm Thành phố Hà Nội xuống Khu đại học phố Hiến, không chỉ giúp nơi đây phát triển mà còn cả Khu đại học Nam Cao (Hà Nam). Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề này phải phụ thuộc rất nhiều vào ngân sách nhà nước", Trưởng phòng Hành chính - Tổng hợp Trường Đại học Thủy lợi chia sẻ.

Trước việc khu đại học phố Hiến hoạt động không hiệu quả, tỉnh Hưng Yên quyết định điều chỉnh diện tích đất xây dựng các trường đại học thành cụm, khu công nghiệp, thầy Bằng nhận định, các doanh nghiệp về nơi đây hoạt động sản xuất, sẽ tạo ra sự phát triển về kinh tế, kéo theo các hoạt động dịch vụ, thương mại, cũng như hoạt động của cơ sở đi lên.

Trong Đề án xây dựng Khu đại học phố Hiến, có Trường Đại học Giao thông vận tải nhưng đến nay đơn vị này vẫn chưa di dời về nơi đây. Chia sẻ về nguyên nhân, một lãnh đạo nhà trường cho biết, do đơn vị không được nhà nước hỗ trợ ngân sách trong việc xây dựng nên không thể di dời được.

Mạnh Đoàn