Đến hẹn lại lên, hàng năm các tỉnh thành trên cả nước đều có các kì thi chọn học sinh giỏi. Cùng với đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng tổ chức kì thi chọn học sinh giỏi quốc gia.
Ngoài ra, những học sinh đạt thứ hạng cao ở giải này còn tham gia cuộc thi Olympic khu vực, quốc tế.
Từ quan điểm chỉ trích lối học để thi
Học để thi, học vì điểm số...thường xuyên bị phê phán trên các phương tiện truyền thông cũng như mạng xã hội. Không khó để tìm đọc những bài viết như vậy khi gõ từ khóa "học để thi" lên công cụ Google. Có thể điểm ra đây một vài thí dụ:
"Học để thi hay thi để học?" đăng trên Tuổi Trẻ Online ngày 06/03/2015;
“Học để thi, bắt học sinh phải giỏi toàn diện là những quan niệm giáo dục sai lầm” đăng trên Lao Động Online ngày 12/11/2018;
"GS Đỗ Đức Thái: 'Chúng ta học không phải để đi thi'", đăng trên PLO ngày 24/11/2019;
"Nỗi ám ảnh thi cử của những cỗ máy học và học" đăng trên Tuổi Trẻ Online ngày 15/05/2020.
...
Ở phương diện ngược lại là hiện tượng nhà nhà khoe học sinh giỏi, nơi nơi tôn vinh học sinh giỏi. Nhưng đằng sau ánh hào quang "học sinh giỏi" là gì?
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: VOV. |
Góc khuất đằng sau sự tôn vinh
Có thể khẳng định, hầu hết giáo viên tham gia luyện học sinh giỏi các kì thi liên quan là những thầy cô dạy giỏi, vững vàng chuyên môn, tâm huyết với nghề và luôn có ý thức cầu tiến – nghĩa là giáo viên dạy vì đam mê, dạy để khẳng định mình với đồng nghiệp, với đơn vị.
Chưa kể, mỗi khi luyện cho học sinh đạt giải thì giáo viên sẽ được thêm một khoản tiền thưởng (tùy thuộc vào việc học sinh đạt giải ở cấp nào) và thành tích này là điều kiện để thầy cô được xét nâng lương trước thời hạn (thường là một năm).
Cùng với đó, giáo viên dạy học sinh giỏi cũng được thêm một khoản thù lao – thường được tính tiền bằng gấp rưỡi tiết dạy bình thường, hoặc được giảm trừ tiết dạy. Hơn nữa, dạy học sinh giỏi, thông thường nhàn hơn rất nhiều so với việc dạy học sinh đại trà – tuy trách nhiệm có nặng nề hơn bởi áp lực đạt giải.
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có nhiều giáo viên dạy học sinh giỏi những mong có giải để tạo uy tín với phụ huynh, học sinh, rồi dễ bề lôi kéo các em học thêm, kể cả lấy học phí giá cao ngất sao cho đáng “đồng tiền bát gạo”.
Dễ nhận thấy, mỗi khi học sinh đoạt giải, giáo viên thường đua nhau chụp hình giải thưởng, giấy khen khoe đầy trang cá nhân Facebook – mục đích chính là gì nếu không phải tạo sự chú ý cho học sinh, phụ huynh?
Điều lạ đời là, những trung tâm có học sinh học thêm cũng ra sức tranh thủ kể công, bằng cách in tờ rơi tiếp thị cho phụ huynh hoặc quảng cáo trên mạng xã hội.
Ngoài ra, trường nào có nhiều học sinh giỏi thì hiệu trưởng cũng nở mặt nở mày với lãnh đạo Phòng, Sở. Rồi cấp độ trường cũng được nâng lên cấp 2, 3 hoặc đạt chuẩn quốc gia. Kéo theo đó sự tín nhiệm cho hiệu trưởng cũng cao hơn, để rồi dễ bề thăng quan tiến chức.
Về phía phụ huynh, đa phần ai cũng muốn khoe khoang thành tích khi con em đạt giải. Giấy khen của các em được ép plastic cẩn thận, đóng khung rồi treo ở vị trí trang trọng nhất, dễ nhìn thấy nhất trong ngôi nhà.
Tiếp đến, họ khoe thành tích của con với khách đến chơi, khoe với bà con họ hàng trong những dịp hội hè gặp mặt hay lễ tết… Phụ huynh không cần quan tâm đến cảm xúc của con trẻ thế nào, cốt sao bày tỏ được niềm tự hào là họ viên mãn.
Nhà nhà có “học sinh giỏi” khoe thành tích, giấy khen, bảng điểm, nơi nơi tổ chức tôn vinh. Dòng họ nào, địa phương nào càng có nhiều học sinh giỏi hoặc đoạt giải cao thì niềm tự hào càng nhân lên gấp bội.
Cứ như thế, việc khen và tôn vinh “học sinh giỏi” là niềm vui bất tận của nhiều người, nhiều đơn vị, hễ có dịp là dâng trào!
Tương lai "học sinh giỏi" đi đâu về đâu?
Thứ nhất, nếu đua nhau tôn vinh học sinh giỏi như hiện nay, các em phải lớn lên như thế nào nếu chẳng may gặp một thất bại nào đó trong cuộc sống?
Thứ hai, ngành giáo dục đang ra sức đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh. Vậy thì, học sinh giỏi do luyện thi, luyện khả năng ghi nhớ kiến thức và các "mẹo giải đề" như hiện nay liệu có đi ngược lại với tinh thần đó hay không?
Thứ ba, đã có nghiên cứu nào về đóng góp của đội ngũ “học sinh giỏi” này cho đất nước, cho ngành giáo dục?
Thứ tư, vì sao học sinh đoạt nhiều huy chương vàng Olympic quốc tế nhưng không có sáng chế hay phát minh nào mang tầm khu vực/thế giới?
Đó là những câu hỏi còn bỏ ngỏ? Hay “Những câu hỏi lớn không lời đáp”? Thật đáng trăn trở!
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.