Theo đó, những nhà giáo nghỉ hưu từ tháng 01/1994 đến tháng 5/2011 chưa được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên trong lương hưu sẽ được xem xét hưởng phụ cấp thâm niên.
Cụ thể, đối với những nhà giáo bắt đầu giảng dạy ở các nhà trường từ những năm 1960 đến những năm đầu 1980; đã được hưởng PCTN từ tháng 9/1988 đến tháng 3/1993, theo Quyết định số 309 - CT ngày 09/12/1988 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) và có thời gian tiếp tục giảng dạy cho đến khi nghỉ hưu mà không được hưởng PCTN từ 08 tháng (là những nhà giáo nghỉ hưu vào tháng 1/1994, có thời gian vẫn dạy nhưng không được hưởng PCTN từ tháng 4/1993 đến tháng 12/1993) đến 18 năm (là những nhà giáo nghỉ hưu vào tháng 5/2011, có thời gian vẫn dạy nhưng không được hưởng PCTN từ tháng 4/1993 đến tháng 4/2011) do chế độ PCTN đối với nhà giáo và một số nghề khác đã bãi bỏ theo Nghị định số 25/CP ngày 23/5/1993 của Chính phủ quy định tạm thời chế độ tiền lương mới của công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
Ảnh minh họa Internet |
Để triển khai nội dung trợ cấp đối với giáo viên đã nghỉ hưu không được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên trong năm 2012, Bộ GD&ĐT đã chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan đã tiến hành soạn thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định chế độ trợ cấp đối với nhà giáo đã nghỉ hưu chưa được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên trong lương hưu.
Theo đó, số lượng giáo viên nằm trong diện được hưởng chế độ phụ cấp khoảng 190.000 nhà giáo nghỉ hưu từ tháng 01/1994 đến tháng 5/2011 chưa được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên trong lương hưu nhưng đã được hưởng PCTN từ tháng 9/1988 đến tháng 3/1993, trong đó có 184.640 nhà giáo đang tham gia Hội Cựu giáo chức ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trên 5.380 nhà giáo đang tham gia Hội Cựu giáo chức cơ sở giáo dục đại học và các cơ sở khác; bình quân mức lương hưu hiện hưởng của nhà giáo là 3,150 triệu đồng/người/tháng (bình quân mức lương hưu hiện hưởng của viên chức là 2,350 triệu đồng/người/tháng).
Theo Bộ GD&ĐT, khi xem xét mối tương quan giữa các nhà giáo đã được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên trong lương hưu ở giai đoạn trước và nhà giáo được hưởng phụ cấp thâm niên theo Nghị định 54/2011/NĐ-CP, nếu thực hiện "hồi tố" chế độ phụ cấp thâm niên cho các nhà giáo này theo mức tương ứng như quy định (sau 5 năm được hưởng 5% và mỗi năm sau đó được hưởng thêm 1%) thì kinh phí phải đảm bảo chi trả sẽ rất lớn, khả năng Ngân sách nhà nước không đáp ứng được.
Trên cơ sở đó, Ban soạn thảo đã xây dựng phương án trợ cấp một lần, bằng tiền đối với việc xác định mức trợ cấp dựa trên thời gian giảng dạy cho đến khi nghỉ hưu, không có phụ cấp thâm niên và nhà giáo có thời gian dạy không hưởng phụ cấp thâm niên ít có mức trợ cấp thấp hơn. Đối với phương án này, có một hạn chế là mức trợ cấp đồng đều chưa ghi nhận quá trình công tác, trình độ đào tạo, phấn đấu của mỗi nhà giáo nhưng có sự xem xét đối với các nhà giáo đã nghỉ hưu đang hưởng mức lương hưu thấp (là những giáo viên mầm non, tiểu học).
Nếu được chấp thuận theo phương án này, mức trợ cấp cụ thể sẽ là: Các nhà giáo đã nghỉ hưu từ 01/1994 đến 12/1998, số tiền trợ cấp là 2.000.000đ/người. Các nhà giáo đã nghỉ hưu từ 01/1999 đến 12/2003, số tiền trợ cấp là 3.000.000đ/người. Các nhà giáo đã nghỉ hưu từ 01/2004 đến 5/2011, số tiền trợ cấp là 3.500.000đ/người. Dự toán ngân sách chi cho chế độ này theo các mức trên, khoảng 565 tỷ đồng.
Dự thảo về việc phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo được trình Chính phủ trong cuối năm nay.
ĐIỂM NÓNG |
|
Xuân Trung