Hiện nay, tại nhiều cơ sở giáo dục đại học, việc đưa tiếng Anh vào giảng dạy chủ yếu mới chỉ tập trung ở các chương trình tiên tiến hoặc chương trình đào tạo tài năng. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và yêu cầu nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, tiếng Anh được xem là yếu tố then chốt, đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển toàn diện cho sinh viên, không chỉ về mặt học thuật mà còn về kỹ năng nghề nghiệp và khả năng tiếp cận tri thức toàn cầu.
Cần thiết đưa tiếng Anh vào giảng dạy trong chương trình đào tạo đại trà
Trước thực tế trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Ngọc Thành – Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược (Đại học Quốc gia Hà Nội) bày tỏ, trong bối cảnh hội nhập khu vực và quốc tế ngày càng sâu rộng, việc nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh trong các cơ sở đào tạo, đặc biệt là trong lĩnh vực y dược, là một yêu cầu cấp thiết.
Theo thầy Thành, hiện nay tiếng Anh được xem như ngôn ngữ phổ biến toàn cầu. Tuy nhiên, thực tế ở nước ta, đặc biệt là trong nhiều trường đại học, năng lực tiếng Anh của nhiều người học chỉ dừng lại ở mức độ "biết" chứ chưa thực sự sử dụng được trong môi trường học thuật hay công việc thực tế.
Xuất phát từ thực tiễn đó, Trường Đại học Y Dược (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã và đang tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng lực tiếng Anh cho cả giảng viên lẫn sinh viên.

Cụ thể, Nhà trường luôn khuyến khích, yêu cầu giảng viên sử dụng tiếng Anh trong quá trình giảng dạy, tối thiểu là ở phần trình chiếu (slide), hoặc các nội dung bài giảng được thể hiện bằng tiếng Anh; còn phần thuyết giảng có thể giảng song song bằng cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh.
Không chỉ dừng lại ở hoạt động giảng dạy, trong các buổi hội nghị khoa học, hội thảo chuyên môn hay các bài tập thuyết trình, sinh viên cũng được yêu cầu trình bày bằng tiếng Anh. Đây là cách để tiếng Anh không bị lãng quên và đồng thời buộc sinh viên phải sử dụng ngôn ngữ này một cách thường xuyên, nghiêm túc.
Đặc biệt, tất cả các ngành đào tạo của Trường Đại học Y Dược đều tích hợp nội dung bài giảng bằng tiếng Anh vào chương trình học. Theo Giáo sư Thành, hội nhập quốc tế không còn là khái niệm xa vời, mà đã và đang hiện diện trong từng hoạt động đào tạo, nghiên cứu của nhà trường. Chính vì thế, việc biết tiếng Anh không chỉ là để biết, mà cần sử dụng thành thạo cả bốn kỹ năng nghe – nói – đọc – viết. Đây là điều chúng ta cần phổ cập, vì nếu không trang bị được khả năng tiếng Anh cho sinh viên, thì việc hội nhập quốc tế sẽ chỉ là lý thuyết suông.
Cũng theo Hiệu trưởng Đại học Y Dược, một điểm đáng chú ý nữa là cần phải duy trì việc học tiếng Anh để tránh tình trạng học xong rồi bỏ quên. Do đó, ngoài giờ học chính khóa, nhà trường đã thành lập các câu lạc bộ tiếng Anh, tạo sân chơi, môi trường rèn luyện cho sinh viên. Các hoạt động giao lưu với đoàn quốc tế, giao lưu với các trường đại học lân cận có năng lực cao về tiếng Anh như Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) hay các đối tác nước ngoài cũng góp phần tăng cường khả năng thực hành tiếng Anh cho sinh viên ngay trong khuôn viên nhà trường.
“Thực ra sinh viên rất hào hứng và chủ động tham gia các hoạt động học trên lớp bằng tiếng Anh và giao lưu bằng tiếng Anh. Nhưng tôi cho rằng, chúng ta không nên dừng lại ở việc khuyến khích nữa, mà cần trở thành yêu cầu bắt buộc, có như vậy mới tạo được sự chuyển biến thật sự,” thầy Thành nhấn mạnh.
Đồng thời, thầy Thành cũng chỉ ra một sai lầm phổ biến hiện nay tại một số cơ sở giáo dục là chỉ tích hợp tiếng Anh vào những chương trình tiên tiến, chất lượng cao. Điều này không nên tiếp tục, vì vô tình giới hạn cơ hội tiếp cận tri thức quốc tế của đại đa số sinh viên.
Thầy Thành thông tin, Trường Đại học Y Dược đã triển khai chủ trương đưa tiếng Anh vào giảng dạy đại trà suốt 3 năm qua. Đây là định hướng rõ ràng của Đảng ủy và Ban Giám hiệu Nhà trường, vừa để duy trì năng lực ngoại ngữ cho giảng viên, vừa tạo điều kiện cho sinh viên nâng cao trình độ tiếng Anh chuyên ngành.
Không chỉ phục vụ cho hội nhập, năng lực tiếng Anh còn đóng vai trò thiết yếu trong hoạt động nghiên cứu khoa học. Không có khả năng đọc hiểu tài liệu quốc tế thì không thể xây dựng cơ sở lý thuyết vững chắc cho các công trình nghiên cứu.
Theo Giáo sư Thành, chủ trương đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong các trường học là xu hướng đúng đắn và cần thiết.
“Trong bối cảnh hiện nay, nếu không có tiếng Anh thì chuyện chuyển đổi số, công nghệ cao, quản trị thông minh sẽ không thể triển khai hiệu quả. Một sinh viên đại học mà không thể nghe, nói, đọc, viết được tiếng Anh thì rõ ràng là không ổn,” thầy Thành khẳng định.
Để đạt mục tiêu đó, hàng năm, Trường Đại học Y Dược vẫn duy trì các hoạt động giao lưu, hợp tác với các trường bạn và đối tác quốc tế, tạo điều kiện tối đa để giảng viên, sinh viên rèn luyện, trau dồi kỹ năng tiếng Anh một cách bài bản và liên tục. Tất cả giảng viên của nhà trường hiện nay đều được yêu cầu phải có khả năng sử dụng tiếng Anh; nếu không thành thạo sẽ rất khó để đáp ứng yêu cầu giảng dạy và đào tạo trong giai đoạn mới.
Giáo sư Lê Ngọc Thành cũng dẫn chứng thêm từ kinh nghiệm của một số quốc gia phát triển về giáo dục như Singapore - nơi mà tiếng Anh đã trở thành ngôn ngữ phổ biến trong giáo dục đại học. Theo đó, hầu hết tài liệu về lĩnh vực y dược được sử dụng tại các trường đại học ở Singapore đều được mua bản quyền từ Anh hoặc Mỹ. Điều này giúp sinh viên có khả năng tiếp cận trực tiếp với tri thức quốc tế, đồng thời tăng khả năng cạnh tranh của nguồn nhân lực.
Trong điều kiện của nước ta hiện tại, việc mua trọn bộ chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh cho tất cả các ngành học có thể chưa khả thi. Tuy nhiên, bước đầu tiên quan trọng là từng bước đưa tiếng Anh vào slide bài giảng, giáo trình, tài liệu tham khảo và các hoạt động học tập để tạo nền móng. Thái Lan cũng là quốc gia trong khu vực có các trường y mua chương trình đào tạo bác sĩ từ Anh hoặc Mỹ và giảng dạy song ngữ: slide tiếng Anh, giảng bằng tiếng Thái. Đây là một cách làm mà Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi để tiến gần hơn tới tiêu chuẩn quốc tế.
Thực tế hiện nay, ở bậc sau đại học, yêu cầu về trình độ ngoại ngữ đã được đưa vào tiêu chí bắt buộc tốt nghiệp. Vì thế, nếu sinh viên đại học đã có nền tảng tiếng Anh tốt từ sớm thì quá trình học tập nâng cao trình độ sau này tất yếu cũng sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Hơn nữa, nếu muốn công bố nghiên cứu trên các tạp chí quốc tế, rõ ràng, tiếng Anh là điều kiện tiên quyết.
Vì lẽ đó, Giáo sư Lê Ngọc Thành cho rằng, cần thiết phải lan tỏa mạnh mẽ tinh thần sử dụng tiếng Anh trong toàn bộ môi trường đại học. Nếu các trường vẫn dừng lại ở ngôn ngữ tiếng Việt trong giảng dạy, mà không thực sự đưa tiếng Anh vào như một công cụ học thuật và giao tiếp, thì nguy cơ “học tiếng Anh để rồi bỏ quên” là rất cao. Và điều đó về lâu dài sẽ là rào cản cho cả sinh viên lẫn nền giáo dục đại học Việt Nam trong tiến trình hội nhập sâu rộng với thế giới.
Đào tạo bằng tiếng Anh góp phần thúc đẩy năng lực nghiên cứu khoa học cho sinh viên
Trường Quốc tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng là một trong những đơn vị luôn chú trọng vào công tác đưa tiếng Anh vào giảng dạy trong trường đại học, kể cả trong chương trình đào tạo đại trà.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Định – Phó Hiệu trưởng Trường Quốc tế, điểm đặc trưng nổi bật của Nhà trường là toàn bộ các chương trình đào tạo, kể cả chương trình đại trà, đều được giảng dạy bằng tiếng Anh. Điều này được xác định ngay từ đầu như một định hướng chiến lược xuyên suốt của Trường kể từ khi thành lập, hướng tới xây dựng môi trường đào tạo theo chuẩn mực quốc tế, tạo điều kiện cho sinh viên có cơ hội tiếp cận và lĩnh hội tri thức toàn cầu một cách bài bản, thực chất.
Ngay khi thông báo tuyển sinh, Nhà trường đã thông báo rõ ràng ngay từ đầu rằng chương trình học sẽ được giảng dạy và học bằng tiếng Anh. Vì vậy, với những sinh viên chưa đủ năng lực ngoại ngữ đầu vào, Nhà trường sẽ bố trí một năm học dự bị tiếng Anh để củng cố kỹ năng ngôn ngữ, giúp sinh viên có thể theo kịp chương trình đào tạo chính thức sau đó. Đây là bước đệm cần thiết nhằm bảo đảm chất lượng đầu ra cũng như tạo môi trường học thuật thống nhất trong toàn trường.
Không chỉ sinh viên, toàn bộ đội ngũ giảng viên của Trường Quốc tế cũng đều phải đáp ứng yêu cầu có thể giảng dạy bằng tiếng Anh. Tại các hội thảo chuyên môn, sự kiện học thuật, chương trình giao lưu quốc tế... của nhà trường phần lớn cũng sử dụng hoàn toàn tiếng Anh, tạo nên một không gian học thuật quốc tế hóa. Trung bình mỗi chương trình đào tạo của trường đều có khoảng 20% sự tham gia giảng dạy của giảng viên nước ngoài, giúp sinh viên có cơ hội tiếp cận với phương pháp giảng dạy hiện đại và nội dung cập nhật từ các nền giáo dục tiên tiến.

Phó Hiệu trưởng Nguyễn Văn Định khẳng định, việc sử dụng tiếng Anh trong toàn bộ chương trình giảng dạy không chỉ là một yêu cầu tất yếu để nâng cao chất lượng học tập, mà còn đóng vai trò nền tảng để phát triển năng lực nghiên cứu khoa học của sinh viên. Đây cũng là lý do vì sao tất cả các chương trình đào tạo tại Trường Quốc tế đều tích hợp học phần về nghiên cứu khoa học, giúp sinh viên tiếp cận sớm với tư duy học thuật và kỹ năng nghiên cứu bài bản.
Hàng năm, Nhà trường cũng đầu tư rất tâm huyết đối với vấn đề nghiên cứu khoa học cho sinh viên. Với quy mô khoảng 7.000 sinh viên mỗi năm, trung bình có gần 10% sinh viên tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học. Chỉ tính riêng trong năm học vừa qua, sinh viên Trường Quốc tế đã đăng ký hơn 100 đề tài nghiên cứu, trong đó nhiều đề tài tiêu biểu được lựa chọn để dự thi các cuộc thi cấp Đại học Quốc gia Hà Nội và cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo, mang về những giải thưởng có giá trị.
Có thể thấy, phong trào nghiên cứu khoa học tại Trường Quốc tế không chỉ sôi nổi ở đội ngũ giảng viên mà còn lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng sinh viên. Môi trường học tập bằng tiếng Anh đã trở thành chất xúc tác quan trọng giúp sinh viên dễ dàng tiếp cận các tài liệu chuyên ngành quốc tế, tham gia hội thảo học thuật và tự tin trình bày kết quả nghiên cứu bằng ngôn ngữ quốc tế.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Định, việc triển khai giảng dạy bằng tiếng Anh trong tất cả chương trình đào tạo, bao gồm cả hệ đại trà, là định hướng hoàn toàn phù hợp với mục tiêu giáo dục mà Việt Nam đang hướng tới: từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong các trường học, nhất là tại bậc đại học. Việc triển khai này không chỉ tạo điều kiện để hội nhập quốc tế sâu rộng, mà còn giúp sinh viên mở rộng cơ hội học tập, nghiên cứu và việc làm trong tương lai.
Từ khi thành lập, Trường Quốc tế đã đặt ra định hướng về việc đào tạo các chương trình theo hướng quốc tế. Và thực tế đã cho thấy rằng, định hướng đào tạo quốc tế của Trường Quốc tế đã phát huy hiệu quả rõ rệt.
Theo đó, giảng viên nước ngoài đến nhà trường giảng dạy không cần phiên dịch, giúp tiết kiệm thời gian và đảm bảo chất lượng truyền đạt. Sinh viên khi được nhà trường cử đi trao đổi học tập ở nước ngoài cũng không gặp trở ngại về rào cản ngôn ngữ, dễ dàng hòa nhập môi trường học tập quốc tế và phát triển năng lực cá nhân.