Kể từ năm 2015 cho đến nay, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (trước đây là kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia) vừa để các địa phương xét tốt nghiệp, vừa làm căn cứ để các trường đại học, cao đẳng xét tuyển. Một kỳ thi với hai mục đích nhằm giảm bớt áp lực thi cử và cũng là cách giảm bớt chi phí cho phụ huynh học sinh.
Chính vì kỳ thi hướng tới 2 mục đích khác nhau và thí sinh cũng có em chỉ thi để xét tốt nghiệp nhưng cũng có nhiều em thi để vừa xét tốt nghiệp, vừa xét tuyển đại học nên việc ra đề thi cho các thí sinh phải cân đối, tính toán cho phù hợp nhằm phân hóa điểm thi. Vì thế, đề thi môn Ngữ văn phải hài hòa cho các đối tượng dự thi để không quá dễ và cũng không quá khó cho các thí sinh.
Tuy nhiên, sau mỗi kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông những năm gần đây, chúng ta đều thấy đề môn Ngữ văn luôn nhận được quan tâm và góp ý nhiều nhất từ phía dư luận xã hội.
Đề thi Ngữ văn trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 |
Nhìn lại đề thi môn Ngữ văn trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023
Ngay sau khi kỳ thi kết thúc, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức buổi họp báo kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023. Tại đây, ông Nguyễn Ngọc Hà- Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Trưởng ban đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2023 cho biết, đề năm nay giữ ổn định như 2022 và trong chương trình lớp 12 là chủ yếu, không ra đề vào phần giảm tải.
Đề thi có tính phân hóa tốt để đảm bảo vừa phục vụ xét tốt nghiệp vừa để xét tuyển đại học. Năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo bổ sung thêm nhiều công cụ để kiểm soát những nội dung trùng lặp đã công bố trên mạng xã hội, website... của các địa phương.
Nhờ đó, đề thi chính thức của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hạn chế tối đa các nội dung, câu hỏi trùng lặp. Tuy nhiên, hiệu quả của công cụ lọc này phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Ví dụ như nội dung đoạn trích phần Làm văn của đề tốt nghiệp trung học phổ thông trùng với đề thi thử tại một địa phương nhưng thực tế khi đối sánh cho thấy hai đề này chỉ trùng lặp ngữ liệu, còn lệnh hỏi hoàn toàn khác nhau.
Toàn chương trình Ngữ văn lớp 12 có 15 tác phẩm văn học được đưa vào sách giáo khoa giảng dạy. Trong khi đó, mỗi năm, các tỉnh tổ chức thi thử tốt nghiệp trung học phổ thông từ 2 đến 3 lần. Do vậy sẽ khó tránh khỏi trùng ngữ liệu.
Những chia sẻ của Trưởng ban đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2023 cho thấy những khó khăn nhất định khi ra đề thi môn Ngữ văn hiện nay vì người ra đề vừa phải đảm bảo cho mục đích xét tốt nghiệp vừa để xét tuyển đại học.
Việc xét tốt nghiệp thì chỉ cần đạt mức 5,0 điểm là dư dả vì còn cộng thêm cả điểm học bạ nhưng việc xét tuyển đại học thì thí sinh mong điểm càng cao, càng tốt. Sự cân đối, hài hòa cho 2 đối tượng thi rõ ràng cần một sự tính toán kĩ lưỡng của những thành viên ra đề thi.
Từ năm 2025, đề thi Ngữ văn sẽ mới và sẽ khác
Chương trình 2006 chỉ còn 1 năm học nữa là kết thúc để thay thế bằng toàn bộ chương trình giáo dục phổ thông 2018. Gần hai chục năm qua với gần hai mươi kỳ thi của Bộ được tổ chức và những tác phẩm văn học để lấy làm ngữ liệu ra đề thi phần nghị luận văn học cũng chừng ấy tác phẩm đó, thậm chí hiện nay đã được giảm tải một số tác phẩm so với những năm đầu tiên.
Vì thế, Trưởng Ban ra đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 cho biết rằng, đề thi phần Ngữ văn chỉ được lựa chọn trong 15 tác phẩm trong sách giáo khoa của chương trình 2006 nên việc trùng ngữ liệu là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Và, điều này có thể còn xảy ra trong kỳ thi tốt nghiệp năm 2024 tới đây- kỳ thi cuối cùng của chương trình 2006.
Thế nhưng, bắt đầu từ năm 2025, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo sẽ theo hướng khác để phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông 2018 mà Bộ đã và đang triển khai cuốn chiếu.
Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo phương án tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 để lấy ý kiến. Theo dự thảo, từ năm 2025 sẽ tổ chức thi theo môn, trong đó các môn học bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử (đối với giáo dục phổ thông); Ngữ văn, Toán, Lịch sử (đối với giáo dục thường xuyên) và các môn học lựa chọn ở bậc trung học phổ thông gồm: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.
Thí sinh học chương trình trung học phổ thông dự thi 04 môn học bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử và 02 môn học lựa chọn trong số 04 môn học đã chọn học; thí sinh học chương trình chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông dự thi 03 môn học bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Lịch sử và 02 môn học lựa chọn trong số 04 môn học đã chọn lọc.
Môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các môn còn lại thì theo hình thức trắc nghiệm. Ngân hàng đề thi cho tất cả các môn được xây dựng theo định hướng chú trọng đánh giá năng lực.
Đặc biệt, ngày 21/7/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn 3175/BGDĐT-GDTrH 2022 hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn. Theo hướng dẫn, việc kiểm tra đánh giá môn Ngữ văn sẽ theo hướng: “Trong đánh giá kết quả học tập cuối học kì, cuối năm học, cuối cấp học, tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết để đánh giá chính xác năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn”.
Điều này cũng đồng nghĩa đề thi Ngữ văn khi học sinh học chương trình giáo dục phổ thông 2018 cũng như đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 sẽ "tránh dùng" những tác phẩm văn học đã được học trong sách giáo khoa để ra đề Ngữ văn khi kiểm tra định kỳ và thi cuối cấp.
Hơn nữa, chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang có tới 3 bộ sách giáo khoa khác nhau, đó là: Cánh Diều; Chân trời sáng tạo; Kết nối tri thức với cuộc sống nên lấy tác phẩm nào trong 3 bộ sách giáo khoa cũng đều ảnh hưởng đến những thí sinh không học sách đó.
Tài liệu tham khảo:
https://giaoduc.net.vn/thu-truong-bo-gddt-neu-ly-do-chua-giao-ky-thi-tot-nghiep-cho-dia-phuong-to-chuc-post236343.gd