SGK chương trình mới đảm bảo yếu tố tích hợp và cá nhân hóa học tập

22/10/2024 06:42
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống và Bộ sách Chân trời sáng tạo đảm bảo tích hợp liên môn, linh hoạt trong giảng dạy và cá nhân hóa học tập.

Theo chia sẻ của một số lãnh đạo trường phổ thông, sau một thời gian sử dụng sách giáo khoa của Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống và Bộ sách Chân trời sáng tạo, học sinh có thể tăng khả năng tự học, tư duy và áp dụng kiến thức vào thực tế.

Thiết kế hiện đại, hấp dẫn

Được biết, tại Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú – Đống Đa (Hà Nội), đối với lớp 12, nhà trường lựa chọn sách giáo khoa của nhiều bộ sách khác nhau. Trong đó, nhà trường lựa chọn sách giáo khoa môn Sinh học, Vật lí, Hóa học của Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Dương Thị Thu Hà – Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú – Đống Đa cho biết, sách giáo khoa của Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống có nhiều ưu điểm.

Theo đó, để đưa ra quyết định lựa chọn sách giáo khoa của Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống, nhà trường căn cứ vào nội dung kiến thức phải Đạt theo yêu cầu cần đạt của môn học trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018; hình thức trình bày khoa học, đẹp, hấp dẫn với học sinh; cách thức tiếp cận nội dung đơn giản, dễ hiểu, có ứng dụng thực tiễn để khơi gợi hứng thú của học sinh. Bên cạnh đó, các câu hỏi định hướng cũng giúp giáo viên, học sinh dễ dàng khai thác thông tin trong sách giáo khoa để phục vụ cho việc học tập và giảng dạy.

GDVN-Cô hà.jpg
Thạc sĩ Dương Thị Thu Hà – Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú – Đống Đa. (Ảnh: Ngọc Mai)

“Điểm nổi bật của sách giáo khoa Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống là tập trung vào việc phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh thay vì chỉ truyền đạt kiến thức như sách giáo khoa Chương trình giáo dục phổ thông 2006. Học sinh được khuyến khích phát triển các năng lực cốt lõi như tư duy phản biện, sáng tạo, tự học, giải quyết vấn đề, làm việc nhóm và giao tiếp”, cô Hà chia sẻ.

Bên cạnh đó, theo cô Hà, Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống chú trọng đến tích hợp giảng dạy, đặc biệt là giữa các môn học liên quan đến Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội. Điều này khác với sách giáo khoa của Chương trình giáo dục phổ thông 2006, khi các môn học thường được phân tách riêng lẻ. Ngoài ra, Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống còn hướng đến sự phân hóa, đáp ứng nhu cầu và khả năng của từng đối tượng học sinh.

“Nội dung sách giáo khoa theo chương trình mới được xây dựng gần gũi với thực tế đời sống và các vấn đề xã hội hiện đại, cập nhật, giúp học sinh dễ dàng liên hệ kiến thức học được với cuộc sống hàng ngày.

Sách giáo khoa theo chương trình mới được thiết kế màu sắc, hình ảnh phong phú, hấp dẫn, giúp tạo nên sự ngẫu hứng thú vị cho học sinh khi học. Hình thức trình bày của sách giáo khoa hiện đại, nhiều sơ đồ, hình ảnh minh họa và các bài tập thực hành sinh động, mang tính trải nghiệm.

Ví dụ, cuối mỗi chương, mỗi phần, sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thường có một sơ đồ tư duy để hệ thống hóa kiến thức trọng tâm trong chương”, Phó Hiệu trưởng nhận xét.

Sách giáo khoa Ngữ văn 12 Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống. (Nguồn ảnh: giaoduc.net)
Sách giáo khoa Ngữ văn 12 Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống. (Nguồn ảnh: giaoduc.net)

Cụ thể, theo chia sẻ của cô Hà, sau thời gian thầy và trò nhà trường được tiếp cận với sách giáo khoa một số môn học của Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống có thể thấy rõ nhiều ưu điểm.

Thứ nhất, về cách thức trình bày, nội dung: Sách được thiết kế hiện đại, hấp dẫn vì có màu sắc tươi mới, hình ảnh minh họa phong phú, khoa học và dễ hiểu. Các sơ đồ, biểu đồ, và hình ảnh thực tế giúp nội dung trở nên trực quan và gần gũi hơn với học sinh; nội dung gắn sát thực tiễn giúp học sinh dễ dàng ứng dụng kiến ​​thức vào đời sống hàng ngày. Điều này tạo ra sự thú vị và động lực học tập cao hơn cho học sinh so với sách giáo khoa Chương trình giáo dục phổ thông 2006.

Ngoài ra, sách giáo khoa của Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống không chỉ cung cấp kiến ​​thức chuyên môn mà còn hướng dẫn việc phát triển các kỹ năng sống như giao tiếp, hợp tác, tư duy phản biện, sáng tạo, giúp học sinh năng động và chủ động hơn trong bài học.

Thứ hai, đối với giáo viên, Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống viết đầy đủ các thông tin với hệ thống câu hỏi định hướng cho mỗi bài học nên giáo viên có thể tham khảo để xây dựng hệ thống câu hỏi tổ chức các hoạt động khai thác kiến thức cho học sinh.

“Hệ thống kênh hình đa dạng và phong phú là nguồn tài liệu chính thống, khoa học để giáo viên tổ chức cho học sinh khai thác kiến thức cũng như phát triển tư duy”, cô Hà bày tỏ.

Thứ ba, đối với học sinh, một số môn học mà nhà trường sử dụng Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống tạo ra một nguồn thông tin đầy đủ chi tiết giúp học sinh có thể tự học, tự nghiên cứu kiến thức để hình thành và phát triển năng lực tự học suốt đời.

“Với Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống, bước đầu có thể khẳng định rằng, sách được thiết kế nhằm đảm bảo phát triển sản phẩm chất và năng lực của học sinh theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, lâu dài và mang tính cá nhân hóa thì giáo viên môn học cần có sự thấu hiểu về nội dung, chương trình, ý đồ tác giả của sách, đặc điểm của từng đối tượng học sinh để tổ chức phương pháp dạy học phù hợp, sáng tạo, phát huy hết năng lực cũng như phẩm chất của người học”, cô Hà nhận xét.

Hai bộ sách đảm bảo tích hợp liên môn, cá nhân hóa học tập

Cùng chỉ ra ưu điểm, Phó Hiệu trưởng một trường trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đánh giá, sách giáo khoa của Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống tập trung vào việc gắn kết tri thức lý thuyết với các tình huống thực tiễn vào đời sống hàng ngày. Hay nói cách khác, các môn học được thiết kế sao cho học sinh có thể áp dụng kiến thức vào các vấn đề thực tiễn.

Ví dụ như, môn Ngữ Văn lớp 10 của Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống, sách giới thiệu nhiều tác phẩm văn học Việt Nam và thế giới, giúp học sinh phát triển kỹ năng cảm thụ văn học và liên hệ với thực tế cuộc sống. Hay môn Toán lớp 12 của Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống, sách tập trung vào các kiến thức Toán học cơ bản và nâng cao, kết hợp với việc giải quyết các bài toán ứng dụng trong kỹ thuật và kinh tế.

Còn với Bộ sách Chân trời sáng tạo, theo vị này, các sách giáo khoa chú trọng đến việc phát triển tư duy sáng tạo và năng lực tự học của học sinh. Nội dung sách khuyến khích học sinh tìm tòi, khám phá và phát triển những ý tưởng mới.

Đơn cử như, với môn Hóa học lớp 11 Bộ sách Chân trời sáng tạo, học sinh sẽ được khuyến khích thực hiện các thí nghiệm tại nhà với các nguyên liệu dễ tìm để hiểu rõ hơn về các phản ứng hóa học. Hay với môn Lịch sử lớp 10 Bộ sách Chân trời sáng tạo, sách đưa ra những vấn đề lịch sử đa chiều, khuyến khích học sinh suy nghĩ và phân tích các sự kiện từ nhiều góc độ khác nhau.

“Cả hai Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống và Bộ sách Chân trời sáng tạo đều có những ưu điểm, làm căn cứ để trường phổ thông có thể đưa ra quyết định lựa chọn sách giáo khoa. Trong đó, sách giáo khoa của Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống tập trung vào việc áp dụng kiến thức vào thực tiễn, phù hợp với những trường có định hướng dạy học theo hướng thực hành và chuẩn bị cho học sinh các kỹ năng sống cần thiết; sách giáo khoa của Bộ sách Chân trời sáng tạo chú trọng vào phát triển khả năng sáng tạo và tư duy độc lập, phù hợp với những trường hoặc lớp học có mục tiêu đào tạo học sinh theo hướng khám phá và khuyến khích học sinh tự học, tự phát triển ý tưởng mới”, Phó Hiệu trưởng chia sẻ.

Bên cạnh đó, theo vị này, sách giáo khoa Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống và Bộ sách Chân trời sáng tạo đều có cách tiếp cận theo hướng phát triển năng lực và phẩm chất; tăng cường tính thực hành và trải nghiệm; tích hợp liên môn và tăng cường tính kết nối tri thức; đa dạng hóa hình thức học tập và đánh giá; chú trọng đến sự linh hoạt trong giảng dạy và cá nhân hóa học tập; đổi mới hình thức và nội dung sách.

Ví dụ, môn Lịch sử và Địa lý của Bộ sách Chân trời sáng tạo, học sinh sẽ học cách liên kết các sự kiện lịch sử với điều kiện địa lý, kinh tế, chính trị của từng khu vực, qua đó giúp học sinh hiểu rõ hơn về sự phát triển của xã hội.

Còn môn Toán của Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống, giáo viên có thể thêm vào các ví dụ thực tế phù hợp với địa phương hoặc học sinh có thể tự chọn các bài tập ứng dụng mà mình quan tâm để phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề.

Sách giáo khoa điện tử kích thích tò mò, sáng tạo cho học sinh

Tại Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú – Đống Đa, để đáp ứng được mục tiêu mà Chương trình giáo dục phổ thông 2018 hướng đến, giáo viên khuyến khích học sinh tự khám phá kiến ​​thức thông qua các bài tập vấn đề, câu hỏi mở và dự án thực tiễn.

Theo cô Hà, sách giáo khoa của Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống cung cấp nội dung phong phú và trải nghiệm hoạt động đa dạng, giúp học sinh rèn luyện tư duy độc lập và sáng tạo. Do đó, học sinh được yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ học tập mang tính cá nhân và nhóm. Các dự án yêu cầu học sinh làm việc nhóm để thảo luận, nghiên cứu và trình bày qua đó nâng cao kỹ năng hợp lý và giao tiếp.

Bên cạnh đó, các giáo viên tận dụng tài liệu điện tử và ứng dụng bổ sung hỗ trợ cho sách giáo khoa, có giới hạn như bài giải số, video minh họa và bài tập trực tuyến. Điều này không chỉ giúp quá trình học tập trở nên hấp dẫn hơn mà còn giúp học sinh phát triển kỹ năng sử dụng công nghệ và khả năng tự học thông qua các phương tiện kết nối tiện ích.

“Sách giáo khoa điện tử có thể truy cập mọi lúc, mọi nơi chỉ cần có thiết bị điện tử như máy tính, máy tính bảng hoặc điện thoại thông minh. Học sinh không cần mang theo sách vở nặng nề, giảm nhẹ gánh nặng về mặt vật lý trong quá trình học. Sách điện tử có khả năng tích hợp nhiều định dạng đa phương tiện như video, âm thanh, hình ảnh động và các bài tập tương tác. Điều này giúp nội dung trở nên sinh động, hấp dẫn hơn và kích thích tò mò, sáng tạo của học sinh", cô Hà bày tỏ.

Còn theo vị Phó Hiệu trưởng một trường tại Bắc Giang, sách giáo khoa điện tử có nhiều ưu điểm nổi bật, giúp học sinh và giáo viên tiếp cận kiến thức một cách linh hoạt và tiện lợi.

Điểm mạnh của sách điện tử là tính di động, học sinh có thể truy cập mọi lúc mọi nơi qua các thiết bị thông minh, giúp tiết kiệm không gian và dễ dàng tìm kiếm thông tin. Sách điện tử còn tích hợp nội dung đa phương tiện như video, âm thanh, hình ảnh động, giúp tăng cường sự hấp dẫn và trực quan trong học tập.

Với sách giáo khoa điện tử, việc cập nhật thông tin cũng dễ dàng, đảm bảo học sinh luôn tiếp cận kiến thức mới nhất.

Trong thực tế, việc sử dụng sách giáo khoa điện tử giúp tăng tính tương tác, học sinh chủ động khám phá kiến thức và dễ dàng tham gia vào các hoạt động học tập trực tuyến, góp phần nâng cao hiệu quả học tập và rèn luyện kỹ năng công nghệ.

Ngọc Mai