Quy hoạch mạng lưới giáo dục chưa rõ ràng
Như Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã phản ánh, việc quy hoạch mạng lưới giáo dục tại Hà Tĩnh đã có nhiều bất cập.
Trong kết luận số 169/KL-BGDĐT, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ ra hàng loạt các vấn đề của ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh.
Cụ thể, kết luận đã chỉ ra việc Hà Tĩnh chưa có quy hoạch mạng lưới các trung tâm tin học, ngoại ngữ, trung tâm học tập cộng đồng và cơ sở giáo dục trẻ khuyết tật của tỉnh theo Luật người khuyết tật, Quyết định số 2286/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh.
Trung tâm giáo dục thường xuyên-hướng nghiệp dạy nghề huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) được đầu tư cơ sở vật chất với gần 40 tỷ đồng nhưng gần như bỏ hoang nhiều năm vì mỗi năm chỉ tuyển được khoảng 10 học sinh. (Ảnh: Hoàng Ngà/TTXVN) |
Việc Quy hoạch mạng lưới giáo dục cũng chưa tách riêng trường phổ thông với trường phổ thông chuyên biệt; chưa thể hiện được tính liên thông giáo dục phổ thông với quy hoạch mạng lưới giáo dục nghề nghiệp để thực hiện phân luồng học sinh trung học.
Cũng trong kết luận của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong việc sắp xếp mạng lưới trường học đến năm 2025 và những năm tiếp theo, Hà Tĩnh chưa đề cấp đến mạng lưới giáo dục chuyên biên, giáo dục thường xuyên, hướng nghiệp.
Quy hoạch của Hà Tĩnh chưa thể hiện được tính liên thông với quy hoạch mạng lưới giáo dục nghề nghiệp của tỉnh để thực hiện mục tiêu phân luồng học sinh trung học; chưa có chỉ tiêu phát triển giáo dục:
Tỷ lệ thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ giáo dục trung học phổ thông hoặc tương đương theo Nghị quyết 29; chỉ tiêu về phân luồng học sinh phổ thông; chỉ tiêu về huy động học sinh khuyết tật, giáo dục hòa nhập; chỉ tiêu về xã hội hóa giáo dục…
Bên cạnh đó, hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất tại Hà Tĩnh còn có nhiều bất cập.
Bộ Giáo dục đã chỉ ra việc mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông còn bất cập, khó cho tập trung đầu tư, nâng cao hiệu quả sử dụng.
Cả trăm giáo viên hợp đồng tại Hà Tĩnh bị cắt bảo hiểm trái luật |
Cụ thể, Kết luận cho thấy thực trạng: Trung học phổ thông: bình quân 3,4 trường/huyện, thị xã, thành phố, không phù hợp với quy mô học sinh và chỉ tiêu huy động vào Trung học phổ thông công lập; trường Mầm non, phổ thông sau khi sáp nhập vẫn còn tình trạng tồn tại 2-3 điểm trường; sau sáp nhập trường Mầm nom, Tiểu học có quy mô quá lớn, khoảng cách đến trường của học sinh xa; Cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục sau sáp nhập còn nhiều khó khăn; một số trường trung học cơ sở liên xã chưa được sự đồng thuận của người dân.
Trong khi đó, việc sáp nhập, tổ chức lại các trung tâm giáo dục thường xuyên theo Thông tư số 39/TTLT/BLĐTBXH-BGD-BNV còn mang tính cơ học, cơ sở vật chất không được nâng cấp.
Tại Hà Tĩnh, mỗi trung tâm chịu sự quản lý, chỉ đạo của 3 đơn vị (Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân huyện); cơ chế, chính sách còn bất cập sau khi sáp nhập.
Bất cập về cơ sở vật chất cũng được Kết luận của Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ ra.
Theo đó, nghịch lý giữa thành thị và nông thôn thể hiện qua việc một số trường ở địa bàn thành phố không có quỹ đất để mở rộng khuôn viên, một số trường ở khu vực nông thôn không có kinh phí để di chuyển sang địa điểm mới cũng gây khó khăn cho việc sáp nhập, mở rộng quy mô, xây dựng theo hướng đạt chuẩn và thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục.
Không chỉ nghịch lý trong xây dựng, việc vẫn còn đến 25% phòng học bộ môn chưa đáp ứng theo quy định; thiết bị dạy học của các cơ sở giáo dục đáp ứng nhu cầu giảng dạy còn thấp, thấp hơn bình quân chung cả nước, cụ thể: Mầm non 47,3%; Tiểu học 47,5%; Trung học cơ sở 48%; Trung học phổ thông 43,5%; còn nhiều nhà vệ sinh tạm, mượn (còn 106 nhà vệ sinh tạm, mượn)… cho thấy ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh còn rất nhiều việc phải làm.
Kinh phí đầu tư giai đoạn 2012-2016 (bao gồm ngân sách Trung ương, tỉnh, huyện, huy động khác) chỉ đạt tỷ lệ 35,53% Đề án.
Sinh viên chưa ra trường đã biết thất nghiệp?
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã chỉ ra công tác thống kê số liệu, dự báo, phục vụ lập quy hoạch còn hạn chế nên hiện nay thiếu trường, lớp, giáo viên cho trẻ dưới 5 tuổi ra lớp, thiếu phòng học, giáo viên cho học sinh Tiểu học tại một số huyện, thành phố; công tác lập Đề án sáp nhập có nơi chưa sát thực tế, nhất là đối với các trường Trung học cơ sở liên xã.
Theo kết luận số 169/KL-BGDĐT cho thấy, quy hoạch đào tạo sư phạm tại Hà Tĩnh đang có nhiều bất cập về quy mô.
Chỉ tính riêng năm học 2017-2018 vẫn còn 1.900 sinh viên sư phạm chính quy trong khi đó tỷ lệ giáo viên/lớp năm học 2017-2018 đã đạt hoặc vượt quy định.
Như vậy, cơ hội tìm kiếm việc làm của các sinh viên này đang gặp rất nhiều kho khăn.
Cơ hội việc làm nào cho sinh viên sư phạm đào tạo tại trường Đại học Hà Tĩnh khi tỷ lệ giáo viên/lớp tại Hà Tĩnh đã đã đạt hoặc vượt quy định? (Ảnh: Đại học Hà Tĩnh) |
Kết luận của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã chỉ ra nhiều chỉ tiêu chủ yêu về phát triển giáo dục Hà Tĩnh vẫn chưa đạt được.
Cụ thể, chỉ tiêu huy động trẻ dưới 5 tuổi ra lớp; chỉ tiêu học sinh Tiểu học học 2 buổi/ngày; chỉ tiêu phân luồng học sinh Trung học cơ sở đi học nghề và Trung học chuyên nghiệp; chỉ tiêu về thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ học vấn Trung học phổ thông hoặc tương đương theo Nghị quyết 29; chỉ tiêu trường chuẩn quốc gia; chỉ tiêu về thành lập trường ngoài công lập; chỉ tiêu về huy động học sinh khuyết tật ra lớp chuyên biệt, học hòa nhập.
Giám đốc Sở Giáo dục Hà Tĩnh tự giải thích các khoản tiền tỷ chi sai |
Công tác chỉ đạo thanh tra tại Hà Tĩnh cho thấy công tác chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch chủ yếu là giao cho Sở Giáo dục và Đào tạo ban hành văn bản triển khai, lập báo cáo đánh giá, tổng kết.
Ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh chưa có các cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên đề, xác định trách nhiệm tổ chức, cá nhân không hoàn thành việc thực hiện công tác quy hoạch được phê duyệt.
(Còn nữa)