Số giảng viên thỉnh giảng của ĐH Việt-Pháp cao gấp gần 2 lần tổng GV cơ hữu

02/10/2023 06:32
Hồng Giang
GDVN-Tỉ lệ sinh viên trúng tuyển nhập học tại Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội năm 2023 đạt 83,7%.

Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH, Trường Đại học Việt - Pháp) là cơ sở giáo dục đại học công lập được thành lập năm 2009 trong khuôn khổ của Hiệp định liên Chính phủ giữa hai nước Việt Nam và Pháp với định hướng trở thành trường đại học xuất sắc mang đẳng cấp quốc tế đào tạo về khoa học và công nghệ.

Với lợi thế là cơ sở trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam - cơ quan nghiên cứu hàng đầu quốc gia, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ liên minh hơn 30 trường đại học, tổ chức nghiên cứu uy tín của Pháp trong đào tạo và nghiên cứu. Vậy nên, Trường luôn là biểu tượng tự hào về việc hợp tác giáo dục đại học và nghiên cứu giữa Việt Nam và Pháp.

Hiện nay, nhà trường có 2 Hiệu trưởng phụ trách, trong đó, Giáo sư Jean-Marc Lavest là Hiệu trưởng chính và Phó Giáo sư Đinh Thị Mai Thanh là Hiệu trưởng của trường, cùng với 2 Phó hiệu trưởng nhà trường là Phó Giáo sư Nguyễn Hải Đăng và Phó Giáo sư Trần Đình Phong.

Theo tìm hiểu của phóng viên qua đề án tuyển sinh 2 năm học liên tiếp (2022-2023 và 2023-2024) cho thấy, số giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ luôn chiếm tỉ lệ cao nhất trong tổng số giảng viên cơ hữu của trường với 81,2% (năm học 2022 - 2023) và 80,9% (năm học 2023-2024 ).

So sánh đề án tuyển sinh 2 năm học này, đội ngũ giảng viên cơ hữu của trường không có sự thay đổi lớn, cụ thể:

Tuy nhiên, qua thống kê đề án tuyển sinh 2 năm học này cũng cho thấy, nhà trường có số lượng giảng viên thỉnh giảng cao hơn gấp khoảng 2 lần so với số giảng viên cơ hữu.

Cụ thể, tại đề án tuyển sinh năm học 2023 - 2024, nhà trường có 174 giảng viên thỉnh giảng, nhiều hơn 85 người so với giảng viên cơ hữu; còn tại đề án tuyển sinh 2022 - 2023, số lượng giảng viên thỉnh giảng là 197 người, nhiều hơn giảng viên cơ hữu 112 người.

Bên cạnh đó, nhìn vào bảng thống kê cũng cho thấy, số lượng giảng viên thỉnh giảng đang có xu hướng giảm qua 2 năm học.

So sánh với đề án tuyển sinh năm học 2022 - 2023, số lượng giảng viên thỉnh giảng được thống kê tại đề án tuyển sinh năm học 2023 - 2024 giảm 13,2%. Trong đó, tỉ lệ giảng viên thỉnh giảng có chức danh phó giáo sư giảm 15%, giảng viên trình độ tiến sĩ giảm 15,8% và giảng viên trình độ thạc sĩ giảm 14,9%.

Tỉ lệ sinh viên trúng tuyển nhập học tại nhiều ngành còn thấp so với chỉ tiêu tuyển sinh

Đề án tuyển sinh năm học 2023 - 2024 của Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội đã chỉ rõ mô hình và chương trình đào tạo được chia thành 2 chương trình chính, gồm: các chương trình đào tạo đơn bằng, ngôn ngữ giảng dạy bằng tiếng Anh, đơn vị cấp bằng là Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội và học tại Việt Nam; các chương trình đào tạo song bằng, ngôn ngữ giảng dạy là tiếng Anh và tiếng Pháp, được cấp bằng bởi trường cùng các đơn vị đối tác với địa điểm học tập là tại cả Việt Nam và Pháp.

Năm học 2023 - 2024, nhà trường không tuyển sinh đào tạo đại học, cao đẳng chính quy với đối tượng tốt nghiệp từ trung cấp trở lên.

Về học phí, năm nay, mức học phí dự kiến đối với sinh viên chính quy sẽ có lộ trình tăng không quá 6% so với năm học trước.

Theo đó, mức học phí dự kiến cho năm học 2023-2024 ở các chương trình đào tạo đơn bằng đối với sinh viên Việt Nam là 50 triệu đồng/năm, đối với sinh viên quốc tế là 70 triệu đồng/năm; học phí chương trình đào tạo song bằng đối với sinh viên Việt Nam là 75 triệu đồng/năm, đối với sinh viên quốc tế là 95 triệu đồng/năm. Riêng với ngành Kỹ thuật Hàng không, học phí cho sinh viên Việt Nam là 100 triệu đồng/năm và 140,5 triệu đồng/năm đối với sinh viên quốc tế.

Trong khi tại đề án tuyển sinh năm học 2022 - 2023, mức học phí với các chương trình đào tạo đơn bằng là 46,6 triệu đồng/năm với sinh viên Việt Nam và 69,9 triệu đồng/năm với sinh viên quốc tế; học phí chương trình đào tạo song bằng đối với sinh viên Việt Nam là 70 triệu đồng/năm và với sinh viên quốc tế là 93,2 triệu đồng/năm; học phí ngành Kỹ thuật Hàng không đối với sinh viên Việt Nam là 97,86 triệu đồng/năm và 140,5 triệu đồng/năm với sinh viên quốc tế.

Ngoài ra, đề án tuyển sinh năm học 2023 - 2024 cũng cho thấy, tổng nguồn thu hợp pháp/năm của trường là 128,7 tỷ đồng, tăng 20,76 tỷ đồng so với tổng nguồn thu hợp pháp/năm được công bố trong đề án tuyển sinh năm học 2022 - 2023.

Đề án tuyển sinh năm học 2023-2024 cũng chỉ ra tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm khá cao.

Trong đó, nhiều ngành có tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm đạt 100% như: Khoa học vật liệu tiên tiến và Công nghệ Nano, Khoa học Môi trường ứng dụng, Toán ứng dụng, Khoa học Vũ trụ và Công nghệ Vệ tinh, Kỹ thuật điện và Năng lượng tái tạo, Vật lý kỹ thuật - Điện tử, Khoa học và Công nghệ y khoa. Ngành Công nghệ Sinh học - Phát triển thuốc có tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm thấp nhất với 68%.

Bảng dữ liệu thống kê tỉ lệ sinh viên có việc làm

Bảng dữ liệu thống kê tỉ lệ sinh viên có việc làm

Từ bảng dữ liệu trên còn cho thấy, số sinh viên trúng tuyển nhập học tại nhiều ngành của trường không đạt chỉ tiêu tuyển sinh được phê duyệt.

Nổi bật là ngành Hóa học với số sinh viên trúng tuyển nhập học đạt 60% chỉ tiêu tuyển sinh được phê duyệt; ngành Khoa học Môi trường Ứng dụng cũng chỉ có số người nhập học đạt 50% chỉ tiêu tuyển sinh; ngành Kỹ thuật điện và Năng lượng tái tạo đạt 66,6%, ngành Khoa học và Công nghệ y khoa đạt 62.5%...

Tuy nhiên, ngành Công nghệ thông tin truyền thông lại có số sinh viên trúng tuyển nhập học vượt hơn 7,3% so với chỉ tiêu tuyển sinh được phê duyệt.

Cũng theo số liệu tại đề án tuyển sinh năm học 2022 - 2023, số sinh viên trúng tuyển nhập học ở năm 2021 cũng đạt tỷ lệ rất thấp so với chỉ tiêu tuyển sinh được phê duyệt.

Năm tuyển sinh 2021, số sinh viên trúng tuyển nhập học ở khối ngành IV đạt 88,9% so với số chỉ tiêu được phê duyệt; Khối ngành V có tỉ lệ sinh viên trúng tuyển nhập học đạt 91,4%; Khối ngành VI có lượng sinh viên trúng tuyển nhập học đạt 70,5%.

Đáng nói, ở năm tuyển sinh 2020, khối ngành VI lại có số sinh viên trúng tuyển nhập học vượt 32,1% chỉ tiêu tuyển sinh.

Khối ngành IV của Trường Đại học Khoa học - Công nghệ Hà Nội gồm những ngành: Khoa học vật liệu tiến tiến và Công nghệ Nano, Hóa học, Khoa học Môi trường Ứng dụng, Công nghệ sinh học - Phát triển thuốc, Toán ứng dụng, Công nghệ thông tin - Truyền thông, An toàn thông tin, Khoa học dữ liệu

Khối ngành V gồm: Kỹ thuật điện và Năng lượng tái tạo, Khoa học Vũ trụ và Công nghệ Vệ tinh, Kỹ thuật ô tô, Vật lý kỹ thuật - Điện tử, Khoa học và Công nghệ thực phẩm, Kỹ thuật Hàng không, Công nghệ Kỹ thuật Cơ điện tử

Khối ngành VI gồm: Khoa học và Công nghệ y khoa

Hồng Giang