Đề xuất bỏ quy định “trong độ tuổi lao động” đối với GV cơ hữu ở Chuẩn CSGDĐH

29/06/2023 06:36
Doãn Nhàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Với mục đích thực hiện quy hoạch, sắp xếp mạng lưới CSGDĐH mà bộ chuẩn đặt ra, nên bổ sung thêm tiêu chí ưu tiên sắp xếp phát triển những trường ĐH đã tự chủ.

Dự thảo Thông tư quy định chuẩn cơ sở giáo dục đại học đưa ra 6 tiêu chuẩn, 26 tiêu chí và cả cách xác định các chỉ số chuẩn.

Xem xét bổ sung thêm tiêu chí các trường tự chủ với những trọng số cụ thể

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về dự thảo, lãnh đạo nhiều cơ sở giáo dục đại học nhận định, việc ban hành quy định về chuẩn cơ sở giáo dục là điều cần thiết, giúp từng bước nâng cao chất lượng giáo dục đại học Việt Nam. Đặc biệt, quy định là nỗ lực từng bước minh bạch hóa thông tin. Tuy nhiên, dự thảo mới cũng còn nhiều vấn đề cần phải xem xét, điều chỉnh trên cơ sở đối chiếu với thực tiễn hiện nay.

Tiến sĩ Hoàng Xuân Hiệp, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp dệt may Hà Nội. Ảnh: Website nhà trường

Tiến sĩ Hoàng Xuân Hiệp, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp dệt may Hà Nội. Ảnh: Website nhà trường

Nhìn từ mục đích sử dụng của bộ chuẩn (Điều 3 dự thảo), Tiến sĩ Hoàng Xuân Hiệp, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp dệt may Hà Nội chia sẻ, dự thảo đưa ra 5 mục đích sử dụng của bộ chuẩn, trong đó, mục đích “quy hoạch, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục đại học” được đưa lên đầu tiên. Trong bối cảnh hiện nay, khi chưa có một bộ chuẩn nào để sắp xếp mạng lưới các cơ sở giáo dục, thì đây cũng có thể là một phương án.

Tuy nhiên, thầy Hiệp cũng cho rằng, nếu sử dụng bộ chuẩn với mục đích này, thì dự thảo cần có sự kết nối, hệ thống đối chiếu với các bộ tiêu chuẩn liên quan đã có (ví dụ như bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng).

Chia sẻ thêm, Tiến sĩ Hoàng Xuân Hiệp nhận định, những cơ sở giáo dục đại học đã tự chủ là những trường có mô hình phát triển tốt. Thế nhưng, trong dự thảo mới lại không có tiêu chí nào đề cập tới những trường này. Trong khi đó, dự thảo lại hướng đến mục đích thực hiện quy hoạch, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và đầu tư phát triển hệ thống giáo dục đại học theo quy định của pháp luật. Vậy nên, thầy Hiệp đề xuất nên bổ sung thêm tiêu chí ưu tiên sắp xếp phát triển những trường đại học đã tự chủ.

Góp ý cụ thể với từng tiêu chuẩn, tiêu chí được đưa ra tại dự thảo, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp dệt may Hà Nội quan tâm tới 3 vấn đề chính liên quan tới đội ngũ, điều kiện dạy học và đất đai.

Cụ thể, tại Tiêu chuẩn 2 về Giảng viên, yêu cầu “Tỉ lệ giảng viên cơ hữu trong độ tuổi lao động, tính trên số giảng viên toàn thời gian, không thấp hơn 80%” ( tiêu chí 2.1).

Nhìn từ thực tế các trường đại học tư thục, việc kí kết hợp đồng giảng viên toàn thời gian không tính đến yếu tố “trong độ tuổi lao động”. Theo đó, các đơn vị hiện đang tính giảng viên cơ hữu là những thầy cô giáo có hợp đồng từ 3 năm trở lên, không kí hợp đồng với trường khác, và không giới hạn độ tuổi. Với yêu cầu mở như vậy, các cơ sở có cơ hội huy động tối đa đội ngũ trí thức tham gia vào công tác đào tạo.

Thầy Hiệp cho rằng, cách làm này rất mở và hiệu quả, cần được nhân rộng và áp dụng rộng rãi. Vậy nên, thầy Hiệp đề xuất nên xem xét bỏ quy định “trong độ tuổi lao động” đối với giảng viên cơ hữu.

Tại tiêu chí 2.3, dự thảo yêu cầu tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ, tính trên số giảng viên toàn thời gian đạt trên 20% và từ năm 2025 đạt trên 25% đối với cơ sở đào tạo không đào tạo tiến sĩ.

Theo thầy Hiệp, tại thời điểm dự thảo ban hành đã là giữa năm 2023, như vậy chỉ còn cách năm 2025 là 1 năm rưỡi để các trường phấn đấu đạt chỉ tiêu. Điều này có phần khó khăn đối với các cơ sở, nhất là việc đào tạo tiến sĩ yêu cầu phải có lộ trình và thời gian từ 3-4 năm. Do vậy, vị lãnh đạo kiến nghị, cần điều chỉnh lộ trình thực hiện đạt chuẩn dài hơn so với mốc 2025 đặt ra tại dự thảo.

Bên cạnh đó, thầy Hiệp cũng cho rằng, không nên phân chia các tiêu chí dựa trên các cơ sở giáo dục đại học có đào tạo trình độ tiến sĩ và cơ sở không đào tạo tiến sĩ. Thay vào đó, các tiêu chí nên được sắp xếp, phân chia theo nhóm trường đào tạo theo định hướng nghiên cứu và trường đào tạo theo định hướng ứng dụng, như Luật giáo dục 2018 đã quy định để tạo sự thống nhất giữa các bộ luật với nhau.

Cần có sự thống nhất giữa mục tiêu và các tiêu chuẩn, tiêu chí

Các quy định về diện tích đất, chuẩn chương trình đào tạo, số lượng giáo trình, máy tính,... tại tiêu chuẩn 3 về điều kiện dạy và học cũng cần phải xem xét thêm.

Sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội thực tập nghiệp vụ tại Trung tâm Sản xuất dịch vụ trực thuộc trường. Ảnh minh họa: Doãn Nhàn

Sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội thực tập nghiệp vụ tại Trung tâm Sản xuất dịch vụ trực thuộc trường. Ảnh minh họa: Doãn Nhàn

Cụ thể, tiêu chí tiêu chí 3.1: Diện tích đất trên một sinh viên chính quy, quy chuẩn theo trình độ, lĩnh vực đào tạo và vị trí khuôn viên, không nhỏ hơn 25 mét vuông đối với cơ sở đào tạo và phân hiệu (nếu có).

Hướng dẫn cách tính chỉ số đạt chuẩn dự thảo nêu rõ, các trường nội đô thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu đạt 1/3 so với tiêu chuẩn (25m2/sinh viên), các trường nội đô thành phố yêu cầu đạt 2/3 và các trường ngoại thành là từ 25m2.

Như vậy, cùng số sinh viên như nhau, tuy nhiên yêu cầu các trường ngoại thành phải có diện tích đất gấp 3 lần các trường thuộc khu vực nội đô thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh. Vị lãnh đạo bày tỏ băn khoăn về cơ sở khoa học của việc chia tỷ lệ này. Và chia sẻ lo ngại rằng điều này liệu có nguy cơ dẫn tới làn sóng đua nhau vào nội đô xây trường. Như vậy sẽ không đảm bảo được định hướng của nhà nước là di chuyển các trường đại học ra ngoài nội đô.

Tại tiêu chí 3.3, yêu cầu tất cả chương trình đào tạo, trừ các chương trình đào tạo do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp bằng, được rà soát, cập nhật và đánh giá đạt chuẩn chương trình đào tạo.

Thực tế, hàng năm đều có trường mở thêm ngành đào tạo mới, như vậy rất khó để các trường đều đạt yêu cầu tất cả các chương trình đều đạt chuẩn. Do vậy, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội đề xuất nên xem xét mở rộng thêm thời gian yêu cầu đạt chuẩn với các ngành đào tạo mới mở.

Tiêu chí 3.4, quy định số bản sách giáo trình, tài liệu học tập bắt buộc tính bình quân trên một sinh viên, quy chuẩn theo trình độ đào tạo, không nhỏ hơn 5.

Thầy Hiệp kiến nghị, cần làm rõ quy định “5” là đối với giáo trình điện tử hay sách in, vì hai loại sách này có một số điểm khác nhau. Ví dụ, với sách điện tử thì số lượng không cần nhiều như khi sử dụng sách in.

Tương tự với quy định về máy tính: Số máy tính cá nhân phục vụ học tập tính trên một ngàn sinh viên không nhỏ hơn 50, tốc độ đường truyền Internet trên một ngàn sinh viên đạt tối thiểu 100Mbps (tiêu chí 3.5). Thầy Hiệp đề xuất không nên quy định cứng về số lượng, vì mỗi cơ sở giáo dục đều có mục tiêu đào tạo khác nhau.

Nhấn mạnh thêm, vị lãnh đạo chia sẻ, các tiêu chuẩn, tiêu chí được đưa ra tại dự thảo cần có sự thống nhất và hệ thống với mục đích ưu tiên được đặt ra là quy hoạch, sắp xếp mạng lưới và đầu tư phát triển hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. Bên cạnh đó, các tiêu chí tại dự thảo cũng cần có thêm sự kết nối với các bộ chuẩn liên quan để tạo ra sự thống nhất trong quá trình thực hiện.

Doãn Nhàn