Ngày 14/12/2020, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị ra văn bản 2478/SGDDT-TCCB-CTTT về việc hỗ trợ và tham gia bình chọn dự án vào Vòng Chung kết Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” năm 2020.
Trên văn bản có đóng dấu “KHẨN”, gửi Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị trực thược Sở, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên huyện, thị xã, thành phố, các trường phổ thông liên cấp CĐSP Quảng Trị.
Văn bản 2478/SGDDT-TCCB-CTTT của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị thông báo thành tích dự án “Sản xuất thảo dược tắm dạng túi lọc sử dụng phòng và điều trị bệnh rôm, sảy ở trẻ em” của nhóm tác giả Lê Thị Thảo Ly - Hà Thị Khánh Huyền học sinh Trường Trung học phổ thông Chế Lan Viên, huyện Cam Lộ đã xuất sắc vượt qua vòng Bán kết để tiếp tục lọt vào vòng Đào tạo, Bình chọn.
Để tạo điều kiện cho dự án đại diện cho Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị được đi tiếp vào Vòng thi chung kết cuộc thi, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị yêu cầu Trường Trung học phổ thông Chế Lan Viên, Phòng Giáo dục và Đào tạo, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên các huyện, thị xã, thành phố, các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông triển khai thông báo, tuyên truyền, khuyến khích cán bộ, giáo viên và học sinh bình chọn cho dự án “Sản xuất thảo dược tắm dạng túi lọc sử dụng phòng và điều trị bệnh rôm, sảy ở trẻ em” đại diện cho Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị để đi tiếp vào Vòng chung kết cuộc thi.
Văn bản Số 2478/SGDDT-TCCB-CTTT của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị. (Ảnh do bạn đọc cung cấp) |
Có nên ra văn bản yêu cầu bình chọn cho dự án đại diện của địa phương mình không?
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị ra văn bản Số 2478/SGDDT-TCCB-CTTT về việc hỗ trợ và tham gia bình chọn dự án vào Vòng Chung kết Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” năm 2020 có một mặt tích cực, đó là đã giới thiệu cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” đến với ngành giáo dục địa phương rộng rãi hơn.
Nhờ văn bản Số 2478/SGDDT-TCCB-CTTT mà nhiều học sinh, sinh viên ở Quảng Trị tiệm cận với cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp”.
Tuy nhiên, có một điều mà dư luận thấy, đó là người bình chọn sẽ thiếu khách quan, chỉ cần dự án địa phương mình là bình chọn, không cần đọc, không cần hiểu các tiêu chí bình chọn mà điều lệ cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” đề ra: Tính ứng dụng thực tế của sản phẩm/dịch vụ; Tính độc đáo, sáng tạo, giá trị khác khác biệt của sản phẩm dự án; Tính khả thi của dự án.
Việc này vô hình trung đã giáo dục cho học sinh, sinh viên, cán bộ tính cục bộ, “địa phương chủ nghĩa”, làm mất đi hoàn toàn mục tiêu của cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp”.
“Các dự án khởi nghiệp tham dự Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” năm 2020 (SV.STARTUP-2020) hướng đến mục tiêu giải quyết các vấn đề của cộng đồng, xã hội góp phần tạo sự đột phá đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội”.[1]
Với mỗi dự án được vào Vòng bình chọn, mỗi địa phương có một công văn “KHẨN” yêu cầu triển khai thông báo, tuyên truyền, khuyến khích cán bộ, giáo viên và học sinh bình chọn cho dự án đại diện cho Sở Giáo dục và Đào tạo ... để đi tiếp vào Vòng chung kết cuộc thi, các dự án vào Vòng chung kết có xứng đáng với mục tiêu của cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề ra?
Nếu chỉ bình chọn cho dự án địa phương mình để dự án địa phương mình vào Vòng chung kết có làm hỏng mục đích Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp”?
Bình chọn cho dự án đại diện địa phương mình để dự án đại diện địa phương mình vào Vòng chung kết, bất chấp các tiêu chí bình chọn, phải chăng do bệnh ngụy thành tích mà ra?
Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” là sân chơi mới, sáng tạo, giúp học sinh, sinh viên khởi nghiệp từ khi trên ghế nhà trường, mong muốn sau này đất nước chúng ta sẽ có những nhà quản trị, nhà kinh doanh lớn.
Muốn trở thành những nhà quản trị, nhà kinh doanh cần phải đi trên đôi chân của mình, hãy để cho các em được hưởng sự công bằng, trung thực trong đánh giá của xã hội ngay từ khi là học sinh, sinh viên.
Sự công bằng, trung thực sẽ giúp học trò mình biết mình đang ở đâu để cố gắng học tập, rèn luyện phấn đấu nhiều hơn nữa.
Đưa chiến thắng cho học trò khi nó không xứng đáng, làm như vậy chính người lớn đang vô tình làm hại học trò mình; hãy để học trò làm quen với thất bại, có thất bại mới có chiến thắng.
Nên chăng Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” cần có thêm điều khoản “Nghiêm cấm các địa phương có dự án vào vòng bình chọn ra văn bản khuyến khích cán bộ, giáo viên và học sinh bình chọn cho dự án địa phương mình để đi tiếp vào Vòng chung kết cuộc thi” để đảm bảo tính khách quan cho kết quả bình chọn.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://dean1665.vn/news/hoat-dong-noi-bat/quyet-dinh-ve-viec-ban-hanh-the-le-cuoc-thi-hoc-sinh-sinh-vien-voi-y-tuong-khoi-nghiep-nam-2020-sv-startup-2020-141.html