Dự thảo chương trình các môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông mới có nhiều điểm thay đổi so với chương trình hiện hành.
Cụ thể, ở cấp tiểu học, các môn học bắt buộc gồm: Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ 1, Đạo đức, Giáo dục lối sống, Tự nhiên và xã hội, Lịch sử và Địa lý, Khoa học, Tin học và Công nghệ, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật.
Đối với cấp trung học cơ sở, các môn học bắt buộc gồm: Ngữ Văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục công dân, Khoa học tự nhiên, Tin học, Công nghệ, Giáo dục thể chất, Lịch sử và Địa lý, Nghệ thuật. Môn tự chọn bao gồm Tiếng dân tộc thiểu số và ngoại ngữ 2.
Còn đối với cấp trung học phổ thông, các môn bắt buộc giảm xuống còn 5 môn, gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh.
Tại cuộc họp báo ngày 19/1, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới cho biết:
So với hiện hành chương trình các môn học có nhiều điểm mới, chú trọng việc hình thành và phát triển năng lực cho người học, đặc biệt là năng lực áp dụng kiến thức, kỹ năng đã học được vào giải quyết vấn đề của thực tiễn. Từ các năng lực đó, mỗi môn xác định nội dung và yêu cầu cần đạt riêng.
Môn Toán trong chương trình mới, nội dung về Số phức, kỹ thuật phân tích đa thức thành nhân tử… chưa có nhiều giá trị thiết thực với cuộc sống sẽ không còn. (Ảnh minh họa: Nguồn Hocmai.vn) |
Chương trình các môn về cơ bản đã giảm tải so với hiện hành. Kiến thức hàn lâm, lắt léo, chỉ phục vụ việc thi cử được giảm bớt.
Ví dụ ở chương trình môn Toán mới, nội dung về Số phức, kỹ thuật phân tích đa thức thành nhân tử… chưa có nhiều giá trị thiết thực với cuộc sống sẽ không còn.
Việc tổ chức lại nội dung các môn theo cấu trúc đồng tâm (các lớp/cấp học trên sẽ học lại và nâng cao kiến thức lớp dưới); tích hợp một số môn thành một môn học; thay đổi phương pháp giảng dạy để học sinh được hoạt động nhiều hơn… cũng là cách giảm tải cho chương trình.
Khẳng định đội ngũ giáo viên là một trong những nhân tố quan trọng quyết định sự thành công của chương trình mới, ông Thuyết cho biết, Bộ đã có sự chuẩn bị chu đáo.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: Soạn thảo chương trình có quyền viết sách giáo khoa! |
“Bộ đã có kế hoạch và chuẩn bị chu đáo để đào tạo mới nguồn nhân lực và tập huấn, bồi dưỡng giáo viên hiện nay. Thời gian 3-4 năm để chính thức triển khai chương trình đủ cho chúng ta tạo được ra đội ngũ người thầy dạy cho những môn học tích hợp mới”, ông Thuyết nói.
Nhiều chủ biên các môn học cũng thể hiện sự tin tưởng đội ngũ giáo viên hiện nay sau khi tham gia lớp tập huấn có thể đáp ứng tốt chương trình mới.
Nhiều năm qua, các thầy cô cũng quen với những phương pháp giảng dạy mới, dạy học tích cực, qua mô hình dạy học VNEN, STEM…
Ngoài ra, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến quá tải của chương trình hiện hành: do cả chương trình, do cả sách giáo khoa và do cả cách dạy.
“Sắp tới sẽ có nhiều bộ sách giáo khoa nên việc quá tải hay không cũng sẽ là yếu tố cạnh tranh giữa các bộ sách. Các tác giả sẽ phải cân nhắc điều này.
Nếu chương trình chỉ yêu cầu thế thôi, mà anh làm quá lên, làm cho học sinh khổ, ra nhiều bài toán lắt léo thì các em sẽ không chọn bộ sách đó nữa. Đó là yếu tố cạnh tranh".
Do đó, việc tổ chức học 2 buổi/ ngày, ít nhất đảm bảo học 6 buổi/ tuần cũng là một cách thức để giảm tải chương trình. Bởi vì cùng một khối lượng nội dung, khi tăng thời gian thực hiện, thì khối lượng chia ra sẽ nhẹ bớt.