LTS: Sau khi chương trình môn học mới được công bố, cô giáo Phan Tuyết - một nhà giáo tâm huyết với nhiều năm kinh nghiệm - đưa ra kiến nghị về việc cần có một diễn đàn góp ý công khai về việc tích hợp các môn.
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Dự thảo các chương trình môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông mới vừa được công bố rộng rãi hôm 19/1 để lấy ý kiến đóng góp của những người quan tâm đến nền giáo dục nước nhà.
Ngay sau khi dự thảo được đăng tải, khá nhiều ý kiến thắc mắc, băn khoăn xung quanh những đổi mới của chương trình đã được chia sẻ trên nhiều phương tiện truyền thông.
Là một giáo viên nên bản thân tôi cũng luôn theo dõi sát những bài viết, những bình luận của độc giả xung quanh vấn đề chương trình mới.
Tôi nhận thấy rằng, bên cạnh những ý kiến đồng tình trước những đổi mới của chương trình vẫn còn khá nhiều những hoài nghi, những băn khoăn và nỗi trăn trở của nhiều giáo viên, nhiều chuyên gia giáo dục về chuyện tích hợp “một sách ba môn, một môn ba thày”.
Dạy học tích hợp với hình thức "một sách ba thầy" gây ra nhiều ý kiến trái chiều (Ảnh minh họa: Vtv.vn) |
Cũng đã có nhiều góp ý, nhiều phản đối về kiểu tích hợp "cơ học" này nhưng dường như các nhà làm chương trình vẫn cứ tảng lờ như không nghe thấy.
Nay Ban soạn thảo chương trình cho công chúng thời gian góp ý là 60 ngày với 20 môn học / hoạt động giáo dục, thời gian đúng vào tháng Tết Nguyên đán, và sau đó là "tháng ăn chơi", để góp ý thấu đáo chẳng phải chuyện dễ dàng.
Nhưng với những tiếng nói tâm huyết và trách nhiệm cũng chưa biết có được Bộ Giáo dục và Đào tạo, ban phát triển chương trình có tiếp thu hay không, và tiếp thu đến đâu?
Hay các thày chỉ lấy ý kiến cho có, cho mang tính dân chủ, còn sau đó vẫn “việc mình thì mình làm thôi”?
Bởi lẽ riêng chủ đề 2 môn "tích hợp" mới này, trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có khá nhiều bài viết phân tích, mổ xẻ từ thực tiễn dạy và học của các thày cô trên khắp cả nước.
Và đã có những cuộc trao đổi chân thành, thiện chí từ phía các thầy Tổng chủ biên, chủ biên các môn học.
Tuy nhiên thành thật mà nói, câu trả lời của quý thầy nhiều khi chưa đúng trọng tâm câu hỏi, chưa giải đáp được thắc mắc của anh chị em giáo viên chúng tôi.
Để tránh tình trạng góp ý cũng như không, chúng tôi - những nhà giáo tâm huyết với nghề - xin được kiến nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo cho mở một kênh thông tin để dư luận góp ý công khai, để được trực tiếp tương tác và tranh luận, được bày tỏ việc đồng ý hay không đồng ý kiểu tích hợp các môn học kiểu này.
Chương trình tích hợp Lý - Hóa - Sinh, Sử - Địa có thành lẩu thập cẩm? |
Chính các bạn đọc cũng là những người trực tiếp được theo dõi kết quả thăm dò của công luận một cách tường minh.
Sau 2 tháng lấy ý kiến, nếu phần đông độc giả phản đối kiểu tích hợp “gộp môn” như này thì buộc ban soạn thảo chương trình phải xem xét có nên tích hợp kiểu này hay không để có sự điều chỉnh cho phù hợp.
Nếu như đa số đều ủng hộ kiểu tích hợp “một sách 3 thày, một thày 3 môn” như chương trình vừa công bố thì Bộ Giáo dục sẽ cho phép tiến hành bình thường.
Phần nữa, nếu các nhà biên soạn chương trình luôn tự tin chuyện mình gộp môn như thế là đúng, là khoa học, là sẽ giúp học sinh phát triển thêm kiến thức, đạt được những kĩ năng yêu cầu hơn hẳn để riêng các môn độc lập như hiện nay thì cũng chẳng nên sợ gì mà không tạo điều kiện cho độc giả tương tác.
Chẳng phải khi có sự ủng hộ nhiệt tình từ công chúng thì người làm chương trình sẽ có thêm sức mạnh hay sao?
Mỗi lần biên soạn chương trình, mỗi lần thay sách giáo khoa đã ngốn hàng ngàn tỷ đồng của ngân sách nhà nước.
Bởi thế, mọi chuyện cần được tính toán thật kĩ càng để không có chỗ cho sai lầm ẩn náu.
Đây là nội dung và môn học mà con em chúng ta sẽ học ở bậc phổ thông từ năm 2019 |
Đừng nên để xảy ra tình trạng như lần thay sách năm 2000, sách mới thay chưa ráo mực đã bị chê tơi tả, bị lôi ra không ít sai sót không đáng có.
Nhưng dù biết sai sót cũng chẳng dễ gì phá bỏ đi ngay vì kinh phí không cho phép.
Thế nên thiệt thòi lớn nhất vẫn là những em học sinh phải học những chương trình bị lỗi như vậy.
Đành rằng trong cuộc sống không phải lúc nào số đông cũng đúng.
Nhưng trong giáo dục lại khác, những ý kiến từ người trực tiếp giảng dạy hằng ngày, từ những chuyên gia giáo dục tâm huyết, từ những kinh nghiệm học tập của nhiều độc giả trong và ngoài nước chắc chắn sẽ là những ý kiến đóng góp vô cùng quý giá mà không thể bỏ qua.
Hãy vì tương lai con em chúng ta, các nhà biên soạn chương trình cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo hãy lắng nghe những đóng góp chân thành từ công chúng để công cuộc chấn hưng giáo dục được thành công như mong muốn.