So sánh điểm chuẩn ngành Luật của một số trường “hot” trong 5 năm qua

10/02/2023 06:34
Bắc Sơn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Luật là một trong những nhóm ngành có điểm chuẩn khá cao trong những năm gần đây. Năm 2022, có trường lấy điểm chuẩn lên tới 29,5/30 điểm.

Những năm gần đây, điểm chuẩn nhóm ngành Luật luôn giữ ở mức khá cao. Đặc biệt tại một số cơ sở giáo dục đại học, điểm chuẩn xét tuyển nhóm ngành này năm 2022 ở mức trên 28 điểm, nghĩa là thí sinh phải đạt trung bình trên 9 điểm/môn mới có khả năng trúng tuyển.

Cụ thể, thống kê năm 2022 của một số trường lớn đào tạo ngành Luật cho thấy, điểm trúng tuyển các chuyên ngành Luật dao động từ 26,7 - 29,5 điểm (trên thang điểm 30), riêng Trường Đại học Luật - Đại học Huế là 19 điểm.

Một số chuyên ngành Luật luôn có mức điểm chuẩn cao ở các cơ sở đào tạo bao gồm: Luật kinh tế, Luật thương mại quốc tế...

Trường Đại học Luật Hà Nội - cơ sở đào tạo ngành Luật uy tín trên cả nước, nhiều năm nay luôn là địa chỉ thu hút rất đông hồ sơ xét tuyển.

Năm 2022, ngành Kinh tế luật của trường giữ mức điểm trúng tuyển cao nhất trên cả nước - 29,5 điểm (khối C00 - Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý). Đây cũng là ngành luôn có mức điểm trúng tuyển cao nhất so với các ngành khác của trường.

Hai ngành Luật và Luật thương mại quốc tế cũng có điểm chuẩn cao, dao động từ 24,35-28,75 điểm.

Từ năm 2019, phân hiệu tại Đắk Lắk của Trường Đại học Luật Hà Nội chính thức tuyển sinh. Điểm chuẩn thấp nhất tại đây khi đó là 15,25 điểm. Qua 4 năm, điểm chuẩn tại phân hiệu này đã ngày càng được nâng cao. Năm 2022, điểm chuẩn nhóm ngành Luật tại phân hiệu Đắk Lắk thấp nhất là 19 điểm tăng 3,5 điểm so với năm 2019, và điểm chuẩn cao nhất tại đây đã lên tới 24,5 điểm.

Chi tiết chênh lệch giữa điểm trúng tuyển thấp nhất - cao nhất các chuyên ngành Luật của trường qua các năm:

Trường Đại học Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội) - trước đây là Khoa Luật thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, cũng là một trong những cơ sở đào tạo ngành Luật có điểm chuẩn ở mức rất cao.

Năm 2022, ngành Luật của trường lấy điểm chuẩn lên tới 28,25 điểm (khối C00). Các ngành còn lại như Luật chất lượng cao, Luật kinh doanh, Luật thương mại quốc tế có mức điểm chuẩn cũng khá cao, dao động từ 24,7 - 25,7 điểm.

Trong 5 năm qua, điểm chuẩn trúng tuyển các nhóm ngành Luật của trường luôn ở mức trên 24 điểm, nghĩa là thí sinh trung bình phải đạt trên 8 điểm/môn mới có khả năng đỗ.

Chi tiết chênh lệch giữa điểm trúng tuyển thấp nhất - cao nhất các chuyên ngành Luật của trường qua các năm:

Ở phía Nam, Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh nhiều năm gần đây cũng có mức điểm chuẩn luôn ở mức cao.

Năm 2022, điểm chuẩn nhóm ngành Luật của trường cao nhất là 27,5 điểm (thấp hơn 1 điểm so với năm 2021, tuy nhiên so với mặt bằng chung cả nước, đây vẫn là mức điểm trúng tuyển rất cao).

Năm vừa qua, trường tuyển sinh khoảng 2.100 chỉ tiêu với hai phương thức: tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển thẳng; xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Dự kiến năm nay, nhà trường vẫn giữ ổn định theo 2 phương thức xét tuyển trên.

Chi tiết chênh lệch giữa điểm trúng tuyển thấp nhất - cao nhất các chuyên ngành Luật của trường qua các năm:

Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh có điểm chuẩn “hạ nhiệt” hơn so với Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh.

Năm 2022, điểm chuẩn các nhóm ngành Luật của trường dao động từ 23,4 đến 26,7 điểm, tức mỗi môn phải từ gần 8 điểm trở lên mới có thể trúng tuyển.

Trường đào tạo khá đa dạng các nhóm chuyên ngành Luật (12 ngành). Trong vòng 3 năm qua - từ năm 2020, điểm trúng tuyển nhóm ngành Luật của trường luôn ở mức trên 26 điểm.

Chi tiết chênh lệch giữa điểm trúng tuyển thấp nhất - cao nhất các chuyên ngành Luật của trường qua các năm:

Trường Đại học Luật - Đại học Huế là cơ sở đào tạo ngành Luật ở khu vực miền Trung. Điểm chuẩn ngành này của trường những năm qua cũng có xu hướng tăng đều. Năm 2022, điểm chuẩn ở cả 2 ngành Luật và Luật kinh tế là 19 điểm.

Chi tiết chênh lệch giữa điểm trúng tuyển thấp nhất - cao nhất các chuyên ngành Luật của trường qua các năm:

Năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến không ban hành quy chế tuyển sinh mới. Theo đó, về cơ bản, công tác tuyển sinh năm 2023 sẽ được giữ ổn định như năm 2022, tuy nhiên vẫn sẽ có một số thay đổi thí sinh cần chú ý.

Cụ thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có một số điều chỉnh về mặt kỹ thuật, giao diện… trên phần mềm của Hệ thống tuyển sinh chung để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho việc đăng ký xét tuyển và hạn chế tối đa nhầm lẫn của thí sinh.

Bên cạnh đó, năm nay, các quy định mới về chính sách ưu tiên sẽ chính thức được áp dụng trong tuyển sinh đại học:

Thứ nhất, từ năm 2023, thí sinh được hưởng chính sách ưu tiên khu vực theo quy định trong năm tốt nghiệp trung học phổ thông (hoặc trung cấp) và một năm kế tiếp;

Thứ hai, từ năm 2023, thí sinh đạt tổng điểm 3 môn xét tuyển từ 22,5 điểm trở lên sẽ có điểm cộng ưu tiên giảm dần.

Bắc Sơn