LTS: Nhìn lại một năm của ngành giáo dục vừa qua, thầy giáo Nguyễn Cao cho rằng sự lãng phí sách giáo khoa chính là sự kiện ảnh hưởng đến phụ huynh học sinh nhất.
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Năm 2018 kết thúc, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã liệt kê ra rất nhiều sự kiện, những phát ngôn nổi bật về ngành giáo dục có tác động nhiều nhất đến xã hội.
Những sự kiện được khái quát lại đều rất đáng suy ngẫm, trăn trở. Nhưng, nếu được chọn 1 sự kiện tiêu biểu nhất, chúng tôi sẽ lựa chọn sự kiện lãng phí của sách giáo khoa hàng năm ở ngành giáo dục.
Đặc biệt, chúng tôi rất ấn tượng với câu nói: “Mỗi năm phụ huynh bỏ 1.000 tỉ đồng mua sách giáo khoa rồi bán giấy vụn” của bà Nguyễn Thanh Hải - Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội tại phiên họp thứ 27 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Và, chúng tôi thấy rằng đây là sự kiện có tác động, ảnh hưởng nhiều nhất đến xã hội trong năm qua.
Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải. Ảnh: Thanhtra.com.vn |
Những sự kiện khác, chúng tôi thấy rằng dù nó có ảnh hưởng (cả tích cực và tiêu cực) đến ngành giáo dục nhưng nó chỉ chiếm một bộ phận hay một vài trường hợp cá biệt.
Nhưng, sự kiện sách giáo khoa nó ảnh hưởng trực tiếp đến toàn bộ học sinh, sinh viên trong cả nước.
Hiện nay, cả nước có hơn 20 triệu học sinh, sinh viên, hơn 1 triệu giáo viên nên cũng đồng nghĩa là từng ấy gia đình phải đầu tư cho công việc học tập của bản thân và con em mình.
Con số 1.000 tỉ đồng nếu đem so sánh với một số vụ án tham nhũng khác, những đại án mà các cơ quan chức năng đã phát hiện, đã đem ra xét xử trong năm 2018 có lẽ nó chưa nhiều.
Nhưng, đặt trong bối cảnh còn nhiều khó khăn của ngành giáo dục nó đã là con số quá nhiều.
Ý kiến của giáo viên và phụ huynh về một chương trình, nhiều sách giáo khoa |
Chúng tôi nhấn mạnh cụm từ “quá nhiều” bởi trong số hàng triệu học sinh, sinh viên đang theo học ở các trường phổ thông, các trường chuyên nghiệp thì bên cạnh những em có điều kiện cũng song hành có rất nhiều em có hoàn cảnh vô cùng khó khăn.
Cái nghèo, sự khó khăn đeo bám hàng ngày nhưng cha mẹ các em vẫn chắt chiu, đầu tư mỗi năm cho con em họ hàng mấy trăm nghìn đồng để mua những bộ sách giáo khoa.
Nhất là những gia đình đông con mà địa phương lại dạy theo mô hình VNEN thì sự đầu tư càng lớn.
Những bộ sách giáo khoa, sách bài tập được thiết kế viết trực tiếp lên sách chỉ có thời gian sử dụng trong phạm vi một năm học.
Hết năm học đó, đương nhiên những bộ sách đó trở thành những vật vô giá trị được đem đi cân giấy vụn với giá vài nghìn đồng/1kg.
Cả bộ sách mua mấy trăm ngàn đồng, đến khi bán may ra được khoảng 5.000 đồng bạc lẻ.
Đó là sự lãng phí khủng khiếp trong bối cảnh kinh tế đất nước, kinh tế của nhiều hộ gia đình của nước ta còn gặp nhiều khó khăn.
Việc sản xuất, phát hành sách giáo khoa ở Nhà xuất bản giáo dục như thế nào? |
Ai cũng biết, học sinh đi học thì yêu cầu đầu tiên phải mua sách giáo khoa, sinh viên đi học thì phải mua tài liệu học tập, tham khảo.
Vì vậy, việc độc quyền sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam nên chỉ có một lựa chọn cho phụ huynh. Mua hoặc không mua mà thôi?
Rõ ràng, phụ huynh đứng vào thế kẹt không có nhiều sự lựa chọn cho con em mình.
Dân đã nghèo lại càng nghèo, càng khó khăn hơn khi sách của anh chị học năm trước, năm sau đến lượt em học lại phải đi mua mới.
Điều tréo ngoe nhất là sách giáo khoa đang là mặt hàng độc quyền của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam nhưng lãnh đạo nhà xuất bản lại kêu lỗ sau sự kiện phát ngôn của bà Nguyễn Thanh Hải và sự vào cuộc của báo chí.
Trong khi suốt mấy chục năm nay, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đang “một mình một chợ” nhưng kêu lỗ, ai tin đây?
Bởi, thực tế thì thị trường tiêu thụ sách giáo khoa hàng năm cũng khá ổn định và thường là Nhà xuất bản có số liệu trước khi in ấn nên cũng chẳng bao giờ lo in xong không tiêu thụ được.
Ngay như đầu năm học này, phụ huynh nhiều nơi phải chạy đôn đáo để mua sách giáo khoa cho con em mình cho thấy Nhà xuất bản đã rất “cẩn thận” tính toán số lượng học sinh để in sách.
Vì thế, in ra bao nhiêu, tiêu thụ bấy nhiêu thì làm sao có thể lỗ được đây?
Nhìn vào số lượng xuất bản hàng năm, không có sách giáo khoa phổ thông nào lại không có sách bài tập đi kèm và sách bài tập thì phần nhiều cũng do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đang trực tiếp in ấn, phát hành.
Chẳng hạn như sách bài tập ở cấp Tiểu học không chỉ là môn Toán, Tiếng Việt mà ngay cả môn Đạo đức cũng có sách bài tập.
Thậm chí, sách giáo khoa môn Lịch sử và Địa lý được “tích hợp” chung vào một cuốn/ 1 học kỳ nhưng sách bài tập lại chẻ đôi ra thành 2 cuốn/ 1 học kỳ riêng biệt.
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam mới nói được việc “lỗ” của sách giáo khoa nhưng lại không công bố “lãi” của sách bài tập càng khiến cho dư luận hoài nghi.
Câu chuyện sách giáo khoa, sách bài tập có lẽ vẫn là câu chuyện dài ít nhất là sẽ thêm vài năm nữa mới có thể thay đổi được.
Bởi, thực tế những bộ sách này đã mang tính “cố định”, “bền vững” hàng chục năm qua.
Những bộ sách bây giờ chỉ có thể “tái bản” chứ khả năng để viết lại là không thể, nhất là những bộ sách bài tập ở cấp Tiểu học.
Vì vậy, chúng ta chỉ mong muốn chương trình, sách giáo khoa mới tới đây không còn tình trạng sách dùng một lần, không còn phải thốt lên những lời xót xa “Mỗi năm phụ huynh bỏ 1.000 tỉ đồng mua sách giáo khoa rồi bán giấy vụn” nữa.
Bây giờ, những buồn vui của năm 2018 đã khép lại phía sau, chúng ta đã bước vào những ngày đầu tiên của năm 2019 - một năm để lại hy vọng có thêm nhiều niềm vui cho toàn ngành giáo dục.
Và, chúng ta chỉ mong, rất mong cho năm mới này không còn xảy ra “những sự cố lớn” như năm 2018 để cuối năm trên các mặt báo đều thống kê những thành quả tiêu biểu, nổi bật của ngành giáo dục nước nhà.