Sửa chùm thông tư xếp hạng giáo viên, xin đừng để lương thầy thấp hơn lương trò

16/11/2021 06:33
BÙI NAM
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Người viết xin kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét việc chuyển xếp lương từ hạng cũ sang hạng mới sẽ không có tình trạng học trò lương cao hơn thầy của mình.

Sau phát biểu của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn ngày 11/11, xung quanh chất vấn của các đại biểu liên quan đến vấn đề biên chế giáo viên, các loại chứng chỉ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã có một số giải trình được hàng triệu giáo viên và nhân dân đặc biệt quan tâm đồng tình, chia sẻ rầm rộ trên các diễn đàn mạng xã hội, diễn đàn giáo dục,…

Trong đó, theo nhiều giáo viên nếu những điều trên được thực hiện tốt thì sẽ thắp lại ngọn lửa nhiệt huyết đang leo lét trong họ, hy vọng được mở ra khi nghe được phát biểu tâm huyết đầy trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo hết sức khẩn trương sửa Thông tư 01, 02, 03, 04.

Việc này là hết sức cần thiết trong khi chùm Thông tư ban hành có quá nhiều bất công, bất cập, việc hướng dẫn thì không được cụ thể, rõ ràng, các địa phương thì mỗi nơi một kiểu, trăm hoa đua nở, không thống nhất, thiếu đồng bộ, khoa học.

Do đó, đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc cần thiết sửa đổi chùm Thông tư mới là vô cùng đúng đắn, sự điều chỉnh này tuy có chậm nhưng việc xếp lương ảnh hưởng đến giáo viên cả nước, đã ban hành thì phải khoa học, công bằng, tránh bất công gây bức xúc cho giáo viên.

Trong bài viết này, người viết rất mong lần sửa đổi này Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu điều chỉnh những điều chưa hợp lý như ý kiến của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, trình độ giáo viên,…

Bên cạnh đó, người viết xin kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét việc chuyển xếp lương từ hạng cũ sang hạng mới cho đội ngũ nhà giáo sẽ không có tình trạng học trò lương cao hơn thầy, cô của mình, có cả trường hợp lương của con gần bằng lương của cha, mẹ trong khi đó công việc giảng dạy như nhau.

(Ảnh minh họa: Sggp.org.vn)

(Ảnh minh họa: Sggp.org.vn)

Các trường hợp xếp lương có thể lương học trò cao hơn thầy, cô của mình

Nếu đúng theo hướng dẫn của công văn 1077, 1099 của Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục gửi Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc về hướng dẫn chuyển xếp lương theo chùm Thông tư 01, 02, 03, 04 thì chỉ căn cứ vào các tiêu chuẩn, còn phần nhiệm vụ thì không căn cứ vào nhiệm vụ đang đảm nhận (tức là không yêu cầu đang giữ nhiệm vụ gì) chỉ cần đạt các tiêu chuẩn khác thì có thể chuyển xếp lên hạng II, I tức là có hệ số lương rất cao.

Do đó, nếu thực hiện theo hướng dẫn trên thì sẽ có nhiều trường hợp giáo viên đang ở hạng II cũ (hệ số lương 2,34 - 4,98) sẽ được chuyển sang hạng II mới (hệ số lương 4,0 - 6,38).

Mà theo quy định, giáo viên được xếp lương ở hạng nào thì được hưởng lương ở hạng đó, do đó sẽ có nhiều giáo viên có hệ số lương ở hạng II cũ có hệ số lương từ 2,67 - 3,99 sẽ được chuyển sang hệ số lương bậc 1 của hạng II mới là 4,0.

Tức là sẽ có nhiều giáo viên sẽ chuyển xếp hệ số lương cao hơn những giáo viên từng là thầy của mình, cao hơn tổ trưởng, tổ phó thậm chí hiệu trưởng của mình vì hướng dẫn 1077, 1099 không cần căn cứ nhiệm vụ đang đảm nhận (sẽ được phân công sau khi bổ nhiệm).

Có thể trình bày các trường hợp giáo viên sau khi chuyển xếp hệ số lương có thể cao hơn cả thầy của mình, hiệu trưởng, tổ trưởng như sau:

Giáo viên A công tác ở tiểu học, trung học cơ sở có hệ số lương 2,67; 3,00; 3,33 công tác 4 – 10 năm nếu đạt các tiêu chuẩn về trình độ đào tạo bồi dưỡng, chuyên môn, nghiệp vụ,… thì sẽ được chuyển xếp lương hạng II với hệ số lương mới có hệ số lương 4,0.

Trong đó giáo viên trung học cơ sở B công tác gần 20 năm ở hạng III cũ (đã có bằng đại học) có hệ số lương 3,96 thì chỉ được chuyển hạng III mới có hệ số lương 3,99 trong khi đó giáo viên này đang làm tổ trưởng, hiệu trưởng hoặc từng là thầy cũ của giáo viên A trên. Điều này quá bất hợp lý, vô lý nhất trong việc chuyển xếp lương theo chùm Thông tư mới.

Trường hợp khác giáo viên C công tác ở trung học cơ sở đang ở hạng III cũ (đạt chuẩn trước đây) có trình độ cao đẳng sư phạm có hệ số lương 3,96 thì lại không được chuyển xếp lương theo hạng mới mà vẫn giữ lương hiện hành là 3,96 cũng thấp hơn so với những giáo viên trên.

Một trường hợp khác là giáo viên D công tác ở tiểu học có trình độ trung cấp (đạt chuẩn trước đây), công tác hơn 20 năm thì lương cũng có hệ số lương 4,06 (hệ số lương tối đa giáo viên hạng IV cũ), giả sử giáo viên A là con của giáo viên D thì giáo viên A là con nhưng có thể bằng hệ số lương của cha, mẹ mình.

Điều này gây nhiều bức xúc, bất công rất lớn cho lực lượng giáo viên trên.

Thực tế người viết cũng có khá nhiều bài viết về việc nên có chính sách hỗ trợ, khuyến khích cho giáo viên trẻ, để các em cố gắng phấn đấu, cống hiến vì lương giáo viên trẻ hiện nay khá thấp.

Tuy nhiên, cách hướng dẫn và phương án chuyển vô cùng bất hợp lý, nếu giáo viên trẻ giỏi, tâm huyết có nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng và dạy học hiệu quả thì việc tăng cũng hợp lý nhưng có nhiều giáo viên trẻ chưa có cống hiến gì, chưa giữ nhiệm vụ gì, thậm chí chưa thực hiện tốt nhiệm vụ của mình mà vẫn được đề xuất lên hạng II mới có lương 4,0 cao hơn cả thầy, cô từng dạy mình, cao hơn cả tổ trưởng, thậm chí có thể bằng cha, mẹ của mình thì quá vô lý.

Điều này phải được sửa đổi, đây cũng là bất cập rất lớn của việc chia hạng giáo viên, khi mà chưa có công cụ đánh giá hiệu quả công việc, nhiệm vụ đảm nhận thì việc chia giáo viên hạng I, II, III sẽ còn bất cập, bất công, nhiều người xếp lương hạng III, IV thậm chí chưa đạt chuẩn theo Luật Giáo dục mới vẫn đang công tác rất tốt, hiệu quả hơn nhiều so với giáo viên hạng II thậm chí hạng I.

Chính việc chưa có quy định cụ thể, chưa định lượng được hiệu quả công việc,… nên việc phân chia hạng giáo viên đã gây nên những bức xúc, bất mãn trong giáo viên.

Đồng quan điểm với rất nhiều tác giả trong các bài viết phản ánh về những bất cập, bất công của việc chia hạng giáo viên trong thời gian qua nên trước mắt xin được kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo dừng việc chia hạng hiện nay, để giải quyết phần nào bất cập trên.

Đồng quan điểm tác giả Lê Mai trong bài viết “Cần xem lại trách nhiệm của Cục Nhà giáo về các thông tư xếp hạng giáo viên” trong đó có việc đề xuất Bộ trưởng nên chỉ đạo dừng thực hiện các Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT đã ban hành, chờ sửa đổi chùm thông tư 01, 02, 03, 04 theo Nghị định số 89/2021/NĐ-CP mới thực hiện.

Khi sửa đổi chùm thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT, Bộ nên lắng nghe ý kiến của dư luận, ý kiến của giáo viên từ thực tế và ý kiến của Bộ trưởng Bộ Nội vụ “chúng ta phải tính toán làm sao trong quá trình chuyển hạng, trong quá trình xếp lương giáo viên làm sao đảm bảo giáo viên không thiệt thòi, tạo điều kiện cho giáo viên một cách tốt nhất.

Bên cạnh đó, trong tuyển dụng giáo viên mới, chúng ta cần phải giải quyết tiếp những tồn đọng liên quan đến số lượng giáo viên đã hợp đồng từ năm 2015 trở về trước”.

Giai đoạn này nếu Bộ tiếp tục thực hiện việc chia hạng giáo viên thì nên ban hành dự thảo sửa đổi chùm Thông tư 01, 02, 03, 04 trên theo tinh thần của Nghị định 89/2021/NĐ-CP và sửa đổi những bất cập của việc chia hạng để trả lương.

Bên cạnh đó cần làm rõ cụ thể giáo viên ở các hạng phải đạt các tiêu chí gì, giữ nhiệm vụ gì, khi không còn giữ nhiệm vụ có “tụt hạng”, “xuống hạng” không? Quy định cụ thể việc chuyển xếp hạng.

Kiến nghị chỉ chia giáo viên thành 2 hạng, có lên có xuống

Người viết cũng như giáo viên cả nước cũng thấu hiểu những vất vả, những khó khăn, áp lực của ngành, có những việc do lịch sử để lại nên khó có thể giải quyết được ngay trong thời gian ngắn, nhưng rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo trên tinh thần cầu thị, trách nhiệm với việc ban hành quy định về chuyển xếp lương để khi vào thực hiện đảm bảo công bằng, khách quan, ghi nhận sự nỗ lực cố gắng của giáo viên cả nước tránh tiếp tục đi vào những bất cập, bất công, “vết xe đổ” của việc xếp hạng trong thời gian qua.

Tránh việc một giáo viên làm việc kém hiệu quả mà hưởng lương hạng I, II còn giáo viên thực hiện tốt nhiệm vụ lại ở hạng III, IV.

Nên khi ban hành lần dự thảo lần này phải hết sức chặt chẽ, hợp lý nhất có thể, sửa đổi những bất cập như chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, chính thức bỏ yêu cầu chứng chỉ Tin học, Ngoại ngữ; việc chia hạng, chia lương; chuyển xếp hệ số lương; lên hạng, xuống hạng;… làm sao gắn được với trách nhiệm, nếu làm việc tốt, hiệu quả thì lương cao hơn tránh việc xếp lương cào bằng, cảm tính như hiện nay.

Với quan điểm cá nhân người viết nếu vẫn còn chia hạng thì xin được đề xuất phương án xếp hạng cả cấp mầm non đến trung học phổ thông gồm 2 hạng như sau:

Hạng I: Những giáo viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; không có vi phạm; giữ nhiệm vụ hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, tổ trưởng chuyên môn; có thành tích như chiến sĩ thi đua, giáo viên dạy giỏi; có năng lực chuyên môn được tập thể công nhận; bồi dưỡng đạt học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh,… chiếm khoảng 30-40% giáo viên trường và hệ số lương được xếp từ 2,98 đến 6,38.

Hạng II: Những giáo viên còn lại, kể cả những giáo viên chưa đạt chuẩn (còn trong lộ trình nâng chuẩn hoặc không phải nâng chuẩn) được xếp hạng II có hệ số lương từ 2,34 - 4,98 (kể cả giáo viên mầm non). Bên cạnh đó cần có chính sách thưởng nếu giáo viên thực hiện tốt nhiệm vụ mỗi tháng, quý.

Bên cạnh đó, việc chuyển xếp lương phải thực hiện theo chu kỳ có thể mỗi năm hoặc 2 năm thực hiện chuyển xếp 1 lần, thành tích dùng để chuyển xếp lương cũng chỉ có giá trị trong vòng 3 năm để giáo viên nếu thực hiện tốt nhiệm vụ thì ở hạng II chuyển lên hạng I, nếu không thực hiện tốt nhiệm vụ ở hạng I thì phải chuyển xuống hạng II mà không phải hạng I suốt đời.

Quan sát những việc làm, phát biểu của Bộ trưởng, Bộ Giáo dục và Đào tạo trong thời gian qua, người viết và cộng đồng giáo viên thấy rằng Bộ trưởng đã có những chỉ đạo hết sức tâm huyết, đầy trách nhiệm, hợp lý nên hy vọng lần sửa đổi chùm Thông tư xếp lương mới này sẽ giải tỏa được bức xúc, bất công và giúp giáo viên lấy lại niềm tin, nhiệt huyết của bản thân để tiếp tục công tác tốt, cống hiến hết mình.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn của tác giả.

BÙI NAM