Sửa đổi Nghị định 99 cần quy định nhiệm kỳ của phó hiệu trưởng

25/04/2023 06:47
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Để thực sự giúp cho quá trình tự chủ đại học được nhanh và bền vững thì hội đồng trường cần được trao quyền từ cơ quan chủ quản.

Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 99/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học.

Thời gian qua, tự chủ đại học đã tạo được nhiều đột phá trong hoạt động đào tạo, sự phát triển của các cơ sở giáo dục đại học, tuy nhiên, tiến trình thực hiện tự chủ vẫn còn rất chậm, còn nhiều vướng mắc cần phải tháo gỡ.

Ảnh minh họa: Phạm Minh
Ảnh minh họa: Phạm Minh

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, lãnh đạo một trường đại học cho rằng, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 99/2019/NĐ-CP cần có quy định cụ thể hơn về quyền hạn, trách nhiệm giải trình của hội đồng trường, vị trí của hội đồng trong mối quan hệ giữa nhà trường với cơ quan chủ quản và các cơ quan khác.

Để hội đồng trường thực sự giúp cho quá trình tự chủ đại học được nhanh và bền vững thì hội đồng trường cần được trao quyền từ cơ quan chủ quản. Khi được trao quyền, tất nhiên hội đồng trường phải có trách nhiệm giải trình trước cơ quan chủ quản và xã hội. Hiệu trưởng giải trình trước hội đồng trường và trước cơ quan chủ quản, xã hội khi được ủy quyền của hội đồng trường.

Muốn vậy, hội đồng trường phải là tập hợp của những người tinh túy trong trường và những người có vị trí, vai trò, trách nhiệm ở cơ quan chủ quản và cộng đồng xã hội.

Để làm được điều đó, cơ quan chủ quản cần cử người có trách nhiệm tham gia vào hội đồng trường. Ngoài ra, thành viên hội đồng trường còn phải có một số thủ trưởng thuộc cơ quan chủ quản có vai trò, quyền hạn nhất định trong trong công tác tham mưu cho cơ quan chủ quản. Có như vậy thì tiếng nói của hội đồng trường sẽ mang tính chỉ đạo của cơ quan chủ quản.

Tuy nhiên số lượng thành viên thuộc cơ quan chủ quản tham gia vào hội đồng trường cũng cần được hạn chế để có chỗ cho những thành viên đại diện cho cộng đồng xã hội bởi đó là những "đối tác", là "khách hàng" của nhà trường.

Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định số 99/2019/NĐ-CP đã có quy định số lượng các thành viên thuộc cơ quan chủ quản tham gia vào hội đồng trường không quá 50% số thành viên ngoài trường như vậy là hợp lý.

Thực tế có một số trường đại học trực thuộc địa phương quản lý thì đại diện cơ quan quản lý được quy định là Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh phụ trách văn xã và một số thành viên của ủy ban nhân dân như giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Khoa học công nghệ, Sở Nội vụ,...

Hội đồng trường này có đủ khả năng để được Ủy ban nhân dân tỉnh trao quyền. Và nếu được trao quyền, hội đồng trường sẽ có thể quyết định nhiều vấn đề của nhà trường một cách nhanh chóng, thích ứng với sự thay đổi rất nhanh của xã hội, thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo.

“Sự chưa rõ ràng về vị trí, vai trò của hội đồng trường trong mối quan hệ làm việc với cơ quan chủ quản nên đôi khi cơ quan chủ quản vẫn chỉ làm việc với hiệu trưởng chứ không phải là hội đồng trường. Tôi cho rằng đây cũng là một trong những nguyên nhân chưa khẳng định vai trò của hội đồng trường.

Nghị định 99/2019/NĐ-CP chỉ quy định nhiệm kỳ của hiệu trưởng theo nhiệm kỳ của hội đồng trường. Chưa quy định nhiệm kỳ của phó hiệu trưởng.

Điều lệ trường đại học trước đây quy định nhiệm kỳ của phó hiệu trưởng theo nhiệm kỳ của hiệu trưởng. Tuy nhiên, Điều lệ trường đại học đã bị bãi bỏ. Chiếu theo Quy định số 80-QĐ/TW, ngày 18/8/2022 của Bộ Chính trị thì "Thời hạn giữ chức vụ bầu cử theo nhiệm kỳ của tổ chức đó" (Khoản 3, Điều 19). Mặc dù vậy, điều này vẫn chưa thực sự rõ ràng.

Chính vì vậy các trường đang có những cách hiểu khác nhau. Có trường thì thực hiện theo nhiệm kỳ hội đồng trường, có trường thì thực hiện theo Nghị định số 115/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức với thời hạn là 5 năm (60 tháng)”, vị này cho biết.

Ngoài ra, theo Luật Giáo dục Đại học, hội đồng trường là tổ chức quản trị, thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu và các bên có lợi ích liên quan; Chủ tịch Hội đồng trường ký các văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của hội đồng trường và sử dụng bộ máy tổ chức và con dấu của trường đại học để hoạt động trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của hội đồng trường….

Tuy nhiên, lại chưa có hướng dẫn cụ thể về nội dung này, để làm rõ Chủ tịch Hội đồng trường ngoài thẩm quyền ký các văn bản thay mặt hội đồng trường, có thẩm quyền ký các văn bản khác của nhà trường không (chẳng hạn văn bản giải trình)? Việc sử dụng tổ chức bộ máy và con dấu để hoạt động cụ thể như thế nào?

Lãnh đạo trường đại học này cho biết thêm, Điều 8 – Nghị định 99, chỉ quy định thủ tục công nhận Hội đồng trường và chức danh Chủ tịch Hội đồng trường, Hiệu trưởng mà chưa quy định về thủ tục giao quyền Hiệu trưởng và giao phụ trách trường đại học/học viện, điều này có thể gây ra một số khó khăn cho các trường trong quá trình thực hiện các quy trình đó. Chính vì vậy, bản dự thảo cũng cần bổ sung quy định vấn đề này.

Bên cạnh đó, Luật Giáo dục đại học và Nghị định số 99/2019/NĐ-CP hướng dẫn các cơ sở giáo dục đại học thành lập hội đồng trường và quy định hội đồng trường là cơ quan quản trị cao nhất trong khi đó Đảng lãnh đạo tuyệt đối mọi hoạt động trong nhà trường. Vậy nên cần rất cần cụ thể hóa về mối quan hệ Đảng ủy - Hội đồng trường - Ban Giám hiệu. Do đó, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 99 cần phải làm rõ nội dung này.

Cần có cơ chế riêng cho các trường đào tạo lĩnh vực đặc thù

Góp ý cho Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 99/2019/NĐ-CP, Tiến sĩ Phạm Trí Thành – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội cho biết, Nghị định 99 cần phải làm nổi bật được vai trò của Hội đồng trường; trao quyền tự chủ cho một tập thể lãnh đạo và tập thể đó phải thực sự là tổ chức quyền lực cao nhất trong trường, như Nghị quyết 19-NQ/TW đã khẳng định, chính là Hội đồng trường.

Tiến sĩ Phạm Trí Thành – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Ảnh: Nguyên Phương

Tiến sĩ Phạm Trí Thành – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Ảnh: Nguyên Phương

Theo Tiến sĩ Phạm Trí Thành, khái niệm và thành phần của tập thể lãnh đạo trong Nghị định 99/2019/NĐ-CP cũng như dự thảo sửa đổi chưa thống nhất với các văn bản luật và văn bản dưới luật, điều này gây khó khăn trong quá trình hoạt động cũng như làm mờ nhạt vai trò của Hội đồng trường.

Cụ thể, như Điều 46 Nghị định 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 quy định về thành phần tập thể lãnh đạo khi thực hiện quy trình bổ nhiệm viên chức bao gồm: Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập và người đứng đầu bộ phận tham mưu về tổ chức cán bộ.

Theo Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 99/2019/NĐ-CP, thành phần tập thể lãnh đạo bao gồm: Ban thường vụ Đảng ủy hoặc cấp ủy (nơi không có ban thường vụ Đảng ủy), chủ tịch hội đồng trường hoặc quyền chủ tịch hội đồng trường, phó chủ tịch hội đồng trường (nếu có), hiệu trưởng hoặc quyền hiệu trưởng (nếu chưa có hiệu trưởng), các phó hiệu trưởng và người đứng đầu bộ phận tham mưu về tổ chức cán bộ. Tập thể lãnh đạo do chủ tịch hội đồng trường hoặc hiệu trưởng (trong thời gian chưa có chủ tịch hội đồng trường) chủ trì; làm việc theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số, trường hợp tập thể lãnh đạo là số chẵn, có kết quả biểu quyết hoặc bỏ phiếu 50/50 thì quyết định theo ý kiến của bên có người chủ trì”.

“Các văn bản luật, dưới luật cần có hướng dẫn thống nhất về khái niệm “tập thể lãnh đạo” khi triển khai các nội dung về công tác tổ chức, cán bộ, để không gây khó khăn trong quá trình triển khai ở các cơ sở giáo dục đại học”, thầy Thành nêu quan điểm.

Cùng với đó, Tiến sĩ Phạm Trí Thành đề xuất, Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 99/2019/NĐ-CP cần quy định rõ vai trò quản trị của Hội đồng trường ở những lĩnh vực nào.

Đối với các trường tự chủ một phần, cần quy định cụ thể trường được tự chủ ở những phương diện nào. Chúng ta đã thống nhất, khẳng định tự chủ không đồng nghĩa với tự túc tài chính, vậy nhà nước vẫn cần phải đầu tư cho các trường đại học.

Để thực hiện “Bí thư Đảng uỷ kiêm Chủ tịch Hội đồng trường” theo tinh thần của Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương, Tiến sĩ Phạm Trí Thành đề xuất dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 99 cần có cơ chế riêng đối với các trường có lĩnh vực đặc thù riêng.

Với các trường thuộc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, như các trường đào tạo nghệ thuật, thể thao, sân khấu điện ảnh, là những trường mang tính chuyên môn đặc thù cao, khi chọn lãnh đạo trường, trong đó có Chủ tịch Hội đồng trường, phải ưu tiên người có chuyên môn. Bên cạnh đó còn là yêu cầu về tuổi tác của cán bộ.

Để đáp ứng yêu cầu đó, khi bầu, ở một số trường, Chủ tịch Hội đồng trường lại không nằm trong Ban Chấp hành Đảng uỷ. Muốn Chủ tịch Hội đồng trường tham gia Ban Chấp hành Đảng uỷ lại cần đảm bảo các yêu cầu về quy hoạch nên rất khó khăn.

“Vì vậy, đối với Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, dù được Đảng uỷ khối quan tâm, chỉ đạo nhưng đến nay, vẫn chưa thực hiện được “Bí thư Đảng uỷ kiêm Chủ tịch Hội đồng trường” theo tinh thần của Nghị quyết số 19-NQ/TW.

Tôi cho rằng, cần có những cơ chế riêng để tạo thuận lợi, hướng mở cho các trường đặc thù có thể thực hiện yêu cầu mà Nghị quyết đề ra”, thầy Thành chia sẻ.

Phạm Minh