Tài liệu Giáo dục địa phương bị cho 'phản giáo dục', Sở GD Hải Phòng nói gì?

12/03/2022 06:40
LÃ TIẾN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo viên phản ánh về Tài liệu Giáo dục địa phương thành phố Hải Phòng có câu chuyện cổ Đồng tiền Vạn Lịch với nhiều chi tiết chưa phù hợp với lứa tuổi học sinh.

Năm học 2020-2021, theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018, có thêm 1 số môn học mới, trong đó có môn Giáo dục địa phương.

Tại Hải Phòng, học sinh lớp 6 được học môn này thông qua cuốn Tài liệu Giáo dục địa phương thành phố Hải Phòng.

Tuy nhiên, trong quá trình giảng dạy, một số giáo viên trên địa bàn thành phố có ý kiến góp ý về cuốn tài liệu này.

Đồng tiền Vạn Lịch có phải truyện cổ Hải Phòng?

Theo phản ánh của giáo viên tới Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, khi biết có môn này, giáo viên vừa mừng vừa lo. Mừng vì có cơ hội dạy cho học sinh những điều thiết thực gần gũi, bồi đắp tình yêu quê hương.

Lo vì, không biết môn này dạy như thế nào, kiểm tra đánh giá ra sao. Mà nỗi lo càng ngày càng lớn.

Vì khác với sách giáo khoa các môn khác được giới thiệu từ sớm thì sách của môn này mãi không thấy đâu.

Sách tài liệu Giáo dục địa phương thành phố Hải Phòng dùng cho học sinh lớp 6 (Ảnh: Lã Tiến)

Sách tài liệu Giáo dục địa phương thành phố Hải Phòng dùng cho học sinh lớp 6 (Ảnh: Lã Tiến)

Sau đó, đến khi có sách thì giáo viên thấy tên sách ghi là Tài liệu giáo dục địa phương. Vậy phải chăng đây chỉ là một tài liệu tham khảo, không phải sách chính thống như sách giáo khoa các môn khác?

Gác băn khoăn đó sang 1 bên, giáo viên phải vội vàng soạn bài để lên lớp. Nhưng nghiên cứu cuốn tài liệu này thì nỗi băn khoăn lại càng lớn hơn.

Tên chủ đề là Truyện cổ Hải Phòng. Với tên chủ đề như vậy thì chắc chắn nội dung phải là giới thiệu và hướng dẫn học sinh đọc hiểu truyện cổ Hải Phòng.

Phần giới thiệu đầu chủ đề thì liệt kê một số truyện cổ Hải Phòng tiêu biểu. Nhưng đến văn bản đọc hiểu thì chọn Đồng tiền Vạn Lịch.

Đọc cả truyện không thấy có căn cứ nào bảo rằng đây là truyện cổ Hải Phòng.

"Tôi có nhớ trước đây học ở trường đại học, phân môn văn học dân gian, giảng viên có đề cập đến truyện này và cho rằng đây là truyện phát tích ở miền Trung.

Có thể khó có căn cứ xác định chính xác nguồn gốc của văn học dân gian bởi ai cũng biết đây là loại hình văn học truyền miệng từ xa xưa.

Vậy tại sao người soạn Tài liệu Giáo dục địa phương Hải Phòng lại giới thiệu truyện này như một truyện cổ tiêu biểu của Hải Phòng?

Dù vậy, chúng tôi vẫn đọc kĩ truyện cổ này để cố gắng truyền thụ những điều tốt đẹp đến học sinh nhằm phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh, đúng như tinh thần của chương trình 2018.

Song, sau khi tìm hiểu, chúng tôi đành bất lực. Bởi lẽ trong truyện có quá nhiều chi tiết, yếu tố phản giáo dục", giáo viên phản ánh.

Theo đó, giáo viên nêu minh chứng, thứ nhất, câu chuyện mở đầu chuỗi sự kiện bằng chi tiết ghen tuông rồi đuổi vợ đi của Vạn Lịch. Với học sinh lớp 6 còn ngây thơ, chi tiết này có vẻ chưa đúng với độ tiếp nhận của các em.

Thứ hai, là việc Mai Thị tìm thấy vàng của Vạn Lịch. Cho dù biết rõ đây là vàng của Vạn Lịch, hai vợ chồng Mai Thị vẫn điềm nhiên sử dụng và trở nên giàu có.

Thậm chí, sau này, gặp lại Vạn Lịch, Mai Thị lại mỉa mai Vạn Lịch, khoe khoang về mình chứ không hề nhắc đến số vàng mình đã nhặt được của Vạn Lịch.

"Chúng tôi thực sự không hiểu tại sao cả một hội đồng viết cuốn tài liệu cho hàng chục nghìn học sinh lại có thể chấp nhận một nội dung phản giáo dục như vậy?

Chẳng phải tất cả chúng ta đều nằm lòng bài học về lòng trung thực và tự trọng? Chẳng phải chúng ta đều thuộc câu “nhặt được của rơi trả người đánh mất”?

Hay là giờ đây, với học sinh Hải Phòng, giáo viên chúng tôi phải ngậm ngùi dạy học sinh những điều ngược lại?", giáo viên nhấn mạnh.

Cũng theo vị này, học sinh lớp 6 làm sao có đủ tư duy phản biện để hiểu đúng và sai một cách rạch ròi. Nhất là, khi trong sách lại có câu hỏi: “Theo em, qua truyện Đồng tiền Vạn Lịch nhân dân ta gửi gắm ước mơ về một cuộc sống như thế nào?”.

Sách giáo viên gợi ý là “ước mơ về một cuộc sống sung túc, no đủ”. Như thế có nghĩa là sách địa phương Hải Phòng muốn hướng học sinh đến việc mơ ước về cuộc sống no đủ bằng cách chiếm dụng của cải của người khác. Thật nguy hại biết bao!

Thứ ba, sự đổi đời của vợ chồng Mai Thị là do chữa được bệnh cho vua. Nhưng cái việc vua chữa bệnh cũng cần xem xét.

Truyện cổ này lí giải việc bị bệnh hay khỏi bệnh là liên quan đến tượng rồi đền. Tượng đổ thì bị ốm, tượng dựng lên thì hết ốm.

"Chúng tôi thấy thật nhảm nhí và thực sự không biết nên dạy học sinh thế nào.

Tóm lại, chúng tôi hoàn toàn không hiểu nổi vì sao Truyện Đồng tiền Vạn Lịch lại trở thành một bài học của học sinh lớp 6 phải học trong 2 tiết chính khóa. Vừa phản giáo dục vừa mê tín, phản khoa học vừa không chắc chắn là truyện cổ của Hải Phòng.

Đây là năm đầu tiên, nên có thể vẫn còn cơ hội sửa chữa, đính chính. Vì thế, chúng tôi phải lên tiếng để các thế hệ học sinh sau không phải học những bài học kì lạ như thế này nữa", giáo viên phản ánh.

Sở Giáo dục Hải Phòng lên tiếng

Theo ông Đỗ Văn Lợi – Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng, năm học 2021-2022, lớp 6 thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong đó có nội dung giáo dục địa phương được xác định là một môn học.

Bộ Giáo dục và Đào tạo giao cho các địa phương viết nội dung, nội dung đó được viết dưới dạng các chủ đề theo nhiều lĩnh vực như: Các vấn đề về văn hóa, lịch sử truyền thống của địa phương; các vấn đề về địa lý, kinh tế, hướng nghiệp của địa phương; các vấn đề về chính trị - xã hội, môi trường của địa phương.

Giáo viên góp ý về câu truyện cổ Đồng tiền Vạn Lịch (Ảnh: Lã Tiến)

Giáo viên góp ý về câu truyện cổ Đồng tiền Vạn Lịch (Ảnh: Lã Tiến)

Tài liệu giáo dục địa phương được thẩm định qua 2 vòng do Hội đồng địa phương thẩm định, sau đó Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp nhận hồ sơ của Ủy ban nhân dân thành phố và thành lập hội đồng tư vấn phê duyệt tài liệu.

Trong quá trình thực hiện, ban biên soạn tổ chức kiểm tra, đánh giá rút kinh nghiệm việc triển khai thực hiện nội dung giáo dục địa phương làm căn cứ để tổ chức điều chỉnh, cập nhật tài liệu nếu thấy cần thiết và khi kết thúc năm học báo cáo về tình hình thực hiện nội dung giáo dục địa phương với Bộ Giáo dục và Đào tạo để theo dõi, chỉ đạo.

Phó giám đốc Đỗ Văn Lợi cho biết, Tài liệu Giáo dục địa phương khối 6 là tài liệu đầu tiên của cấp Trung học cơ sở ở nội dung này, ban biên soạn tài liệu đã tích cực để hoàn thiện, được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.

Hải Phòng là đơn vị hoàn thiện thứ 2 của cả nước được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt tính đến thời điểm phê duyệt.

Tại buổi tập huấn về việc giảng dạy nội dung giáo dục địa phương, tuy chưa có bản sách in song Sở Giáo dục và Đào tạo đã gửi bản tài liệu điện tử để các nhà trường và giáo viên có tài liệu để tập huấn.

Theo ông Lợi, việc lựa chọn câu chuyện Đồng tiền Vạn Lịch để đưa vào chủ đề Truyện cổ Hải Phòng được dựa trên tiêu chí: truyện được lưu truyền và được người Hải Phòng kể từ bao đời với đặc thù địa phương là một vùng sông nước biển cả, có nhiều thương thuyền qua lại buôn bán từ rất lâu đời.

Đối với phản ánh của giáo viên về tính giáo dục của truyện: Khi đánh giá một tác phẩm văn học, cần có cái nhìn đồng đại (nghiên cứu vấn đề ở một thời điểm nhất định trong quá khứ hoặc hiện tại, đặt điểm nhìn vào cùng thời đại đó).

Tiếp nhận văn bản theo đặc trưng của văn học nói chung và đặc trưng của thể loại nói riêng (Văn học phản ánh hiện thực cuộc sống và thực hiện chức năng giáo dục không chỉ thông qua những hình tượng nghệ thuật cao cả, lí tưởng mà ngay cả những hình tượng, chi tiết nghệ thuật phản ánh cái xấu, cái phản diện vẫn có ý nghĩa giáo dục.

Ví dụ: Chuyện người con gái Nam Xương: sự ghen tuông mù quáng của người chồng dẫn tới nỗi đau khổ, bất hạnh của người vợ; nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao,...);

Trong những truyện cổ tích tiêu biểu của Việt Nam là truyện Tấm Cám vẫn lưu truyền rộng rãi (dù có ý kiến cho rằng cô Tấm là người vô cùng dã man, tàn bạo). Nhân vật Tấm có ý nghĩa tượng trưng cho cái Thiện còn dì ghẻ, Cám tượng trưng cho cái Ác.

Quan điểm về thiện- ác, tốt-xấu,... có sự thay đổi theo thời gian, không gian, vùng miền, quốc gia, dân tộc...

Bởi vậy, khi hướng dẫn học sinh tiếp nhận văn bản, nhiệm vụ của giáo viên là khơi gợi, hướng dẫn để học sinh tìm hiểu, khám phá được giá trị của tác phẩm và vận dụng vào thực tiễn cuộc sống sao cho phù hợp với quan điểm chuẩn mực của thời đại.

LÃ TIẾN