Tân Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng chia sẻ gì trong lễ bổ nhiệm?

03/01/2023 15:13
AN NGUYÊN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tân Hiệu trưởng Trường Bách khoa khẳng định sẽ thực hiện bản kế hoạch hành động với trọng tâm chính là nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường.

Ngày 3/1, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng đã tổ chức lễ công bố và trao quyết định công nhận Hiệu trưởng nhà trường nhiệm kỳ 2020-2025.

Phó Giáo sư Nguyễn Hữu Hiếu (thứ hai từ trái sang) nhận quyết định công nhận Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh: AN

Phó Giáo sư Nguyễn Hữu Hiếu (thứ hai từ trái sang) nhận quyết định công nhận Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh: AN

Theo đó, Phó Giáo sư Nguyễn Hữu Hiếu, Phó Hiệu trưởng nhà trường nhiệm kỳ 2017-2022 sẽ đảm nhiệm vị trí Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng, thay Phó Giáo sư Đoàn Quang Vinh nghỉ hưu theo chế độ.

Tại lễ nhận quyết định bổ nhiệm, tân Hiệu trưởng trường Bách khoa tái khẳng định sẽ thực hiện bản kế hoạch hành động, trong đó trọng tâm là nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường.

“Qui luật cạnh tranh nghiệt ngã của thời kỳ hội nhập không cho phép chúng ta lơ là về chất lượng. Chất lượng là yếu tố sống còn của trường Đại học, là yếu tố căn bản tạo nên uy tín và nâng cao sức cạnh tranh của sinh viên chúng ta trên thị trường lao động.

Thế nhưng, chất lượng đào tạo không thể tự nó hình thành. Nó là kết quả của quá trình đổi mới liên tục để nâng cao hiệu quả tất cả các mặt hoạt động của nhà trường”.

Phó Giáo sư Hiếu cũng đặt ra bốn vấn đề chính, đó là hệ thống quản trị của trường phải đổi mới để các bộ phận phối hợp hoạt động nhịp nhàng, hiệu quả, phát huy hết tiềm năng và công suất.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất phải được bố trí tối ưu để đáp ứng được các yêu cầu tối thiểu về giảng dạy, nghiên cứu và học tập của giảng viên, sinh viên;

Vấn đề thứ ba là chất lượng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý của nhà trường ngày càng được nâng cao về chuyên môn (giảng dạy và nghiên cứu khoa học) và nghiệp vụ để đáp ứng các đòi hỏi của nhiệm vụ đổi mới;

Thứ tư, cuộc sống và môi trường sư phạm phải được cải thiện để giảng viên yên tâm công tác, cống hiến hết sức mình vì sự phát triển của nhà trường.

“Trên bước đường đưa nhà trường tiến lên phía trước, chúng ta cũng cần nhận diện những khó khăn, thách thức sẽ phải đối mặt.

Thế giới vừa trải qua cơn đại dịch khủng khiếp mà không một ai trong chúng ta đã từng chứng kiến trong quá khứ. Hiện nay các hoạt động kinh tế - xã hội đang từng bước phục hồi nhưng những hậu quả của đại dịch chưa dễ dàng kết thúc trong một sớm, một chiều.

Trong bối cảnh đó nhà trường cũng phải chia sẻ khó khăn chung với nhân dân cả nước. Vì thế, chúng ta phải chắt chiu nguồn lực vốn đã ít ỏi của mình trong điều kiện giữ ổn định mức thu học phí để cân đối tài chính, đảm bảo duy trì tốt nhất các mặt hoạt động của nhà trường.

Bên cạnh đó, sự cạnh tranh trong tuyển sinh giữa các trường ngày càng quyết liệt trong điều kiện nguồn tuyển ngày càng hạn hẹp. Sự cạnh tranh đó không phải chỉ diễn ra đối với hệ thống đại học trong nước mà còn liên thông đối với hệ thống đại học khu vực và thế giới.

Do đó, để tuyển sinh tốt, chúng ta cần tuyên truyền mạnh mẽ chất lượng đào tạo của nhà trường để thu hút sinh viên giỏi đến học", Phó Giáo sư Hiếu nói.

Cũng theo Tân Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng thì thành tích trong hoạt động nghề nghiệp sau này của mỗi sinh viên sẽ là phương thức quảng bá nhà trường hiệu quả nhất.

Sự thành công của công tác tuyển sinh hàng năm, kể cả tuyển sinh đại học và sau đại học, sẽ quyết định đến tầm vóc của nhà trường trong điều kiện thực hiện tự chủ.

Những khó khăn thách thức đó không thể được xử lý bằng những biện pháp ngắn hạn mà phải có chiến lược dài hạn, trong đó củng cố chất lượng đào tạo mang yếu tố sống còn.

"Với nhiệm vụ mới được giao, tôi sẽ cùng với Đảng ủy, Hội đồng trường và tập thể lãnh đạo nhà trường nhận diện những khó khăn thách thức chính trong từng giai đoạn để tập trung nguồn lực nhằm hiện thực hóa khát vọng được nêu trong tầm nhìn của nhà trường.

Đến năm 2035, trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng là trường đại học nghiên cứu được cộng đồng quốc tế ghi nhận, chủ động hợp tác toàn cầu trong giải quyết các thách thức kinh tế-xã hội trong nước và thế giới.

Tôi sẽ luôn luôn lắng nghe sáng kiến, góp ý của tập thể để ngày càng nâng cao hiệu quả điều hành các mặt hoạt động của nhà trường, vì sự phát triển của nhà trường, đặt lợi ích của nhà trường lên trên hết", thầy Hiếu chia sẻ thêm.

Phó Giáo sư Nguyễn Hữu Hiếu là cựu sinh viên Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng, tốt nghiệp kỹ sư (2004), thạc sĩ (2005) và tiến sĩ (2008) chuyên ngành kỹ thuật điện tại Cộng hoà Pháp Cộng hòa Pháp. Ông được bổ nhiệm Phó Giáo sư (2018). Trước khi được công nhận Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng, ông từng kinh qua các nhiệm vụ: giảng viên khoa Điện; Phó Trưởng Khoa; Trưởng Khoa Điện; Phó Hiệu trưởng nhiệm kỳ 2017-2022.

AN NGUYÊN