Tập trung giải pháp tăng cường cấp thẻ BHYT cho người cao tuổi, người khuyết tật

21/10/2022 06:20
Mộc Hương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Mới đây, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có giải pháp tăng cường cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người cao tuổi, người khuyết tật.

Cụ thể, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có công văn gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc có giải pháp tăng cường cấp thẻ bảo hiểm y tế đối với người cao tuổi, người khuyết tật.

Theo đó, để đảm bảo 100% người cao tuổi, người khuyết tật có thẻ bảo hiểm y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp về pháp luật, chính sách đối với người cao tuổi, người khuyết tật; vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Các địa phương chỉ đạo cơ quan chức năng của tỉnh, thành phố rà soát số người cao tuổi, người khuyết tật chưa có thẻ bảo hiểm y tế; có giải pháp nguồn kinh phí bảo đảm đóng bảo hiểm y tế cho người cao tuổi, người khuyết tật theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.

Để đảm bảo 100% người cao tuổi, người khuyết tật có thẻ bảo hiểm y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có giải pháp tăng cường cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người cao tuổi, người khuyết tật. (Ảnh minh họa).

Để đảm bảo 100% người cao tuổi, người khuyết tật có thẻ bảo hiểm y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có giải pháp tăng cường cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người cao tuổi, người khuyết tật. (Ảnh minh họa).

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đề nghị các địa phương quan tâm, triển khai thực hiện; báo cáo kết quả thực hiện về Bộ để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Thực hiện Luật Người cao tuổi, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ động hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện chế độ chính sách kịp thời đối với người cao tuổi.

Thực hiện chính sách an sinh xã hội, thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, hiện cả nước có hơn 3,2 triệu người cao tuổi đang hưởng chế độ bảo hiểm xã hội; hơn 800.000 người cao tuổi đang hưởng chế độ người có công; gần 1,9 triệu người cao tuổi hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng, trong đó hơn 10.000 người cao tuổi được chăm sóc ở cơ sở trợ giúp xã hội.

Về công tác chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, đến nay, 95% người cao tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế, 32% người cao tuổi được lập hồ sơ quản lý theo dõi sức khỏe ban đầu. Người cao tuổi từ đủ 75-80 tuổi thuộc diện hộ nghèo... được hưởng trợ cấp hàng tháng, mức trợ cấp từ 2010-2020 tăng 4 lần.

Luật Người cao tuổi quy định, những người từ 80 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp xã hội hàng tháng thì được mua thẻ bảo hiểm y tế từ ngân sách nhà nước.

Theo thống kê, hiện cả nước đã có khoảng 12,1 triệu người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế, chiếm 95% tổng số người cao tuổi.

Cả nước hiện vẫn còn 5% người cao tuổi tương đương với hơn 500.000 người chưa có thẻ bảo hiểm y tế.

Hiện tại số người cao tuổi chưa có thẻ bảo hiểm y tế hầu hết thuộc nhóm từ 60-79 tuổi, không thuộc đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc không thuộc đối tượng chính sách ưu đãi xã hội. Thậm chí, có người cao tuổi dù đã được ngân sách nhà nước hỗ trợ nhưng vẫn không đủ điều kiện, khả năng tài chính để mua thẻ bảo hiểm y tế.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, hiện nay số lượng người cao tuổi của Việt Nam chiếm gần 12% dân số. Xu hướng già hóa dân số của Việt Nam ngày càng tăng, theo đó, cứ sau 3 năm lại tăng thêm 1% dân số là người cao tuổi. Dự kiến đến 2035, Việt Nam có khoảng 25% dân số là người cao tuổi.

Liên quan đến việc vẫn còn 5% người cao tuổi chưa có thẻ bảo hiểm y tế, trong buổi làm việc mới đây với Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng, phải vận dụng nhiều cách khác nhau để đảm bảo 100% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế, trong đó có việc kiến nghị Chính phủ giao Hội đồng nhân dân các tỉnh/thành phố đánh giá đầy đủ và dùng ngân sách địa phương để hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho người cao tuổi.

Theo đó, thời gian tới, để công tác chăm sóc người cao tuổi đạt kết quả tốt, về mặt chính sách, cần tổng kết và sửa đổi, bổ sung pháp luật về người cao tuổi sao cho đồng bộ và chính sách phải đi vào cuộc sống.

Theo đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp với Hội Người cao tuổi Việt Nam tham mưu Chính phủ sửa đổi bổ sung các chính sách pháp luật liên quan đến người cao tuổi.

Bên cạnh đó, để chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi tốt hơn, Bộ trưởng đề xuất cần xây dựng chính sách hỗ trợ người cao tuổi bằng nguồn ngân sách địa phương, để người cao tuổi nào cũng có thẻ bảo hiểm y tế.

Quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh vừa ký ban hành Nghị định số 83/2022/NĐ-CP ngày 18/10/2022 quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.

* Nghị định quy định đối tượng áp dụng gồm:

1. Cán bộ, công chức nữ giữ các chức vụ, chức danh dưới đây:

a) Phó Trưởng ban, cơ quan Đảng ở trung ương; Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Phó Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản.

b) Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

c) Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Phó Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội;

d) Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;

đ) Thứ trưởng, cấp phó của người đứng đầu cơ quan ngang bộ;

e) Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước;

g) Phó trưởng các tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương;

h) Phó Bí thư tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy khối trực thuộc trung ương. Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

i) Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương;

k) Giám đốc Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật;

l) Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội;

m) Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Trưởng ban Ban quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia; Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp;

n) Phó Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

o) Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;

p) Ủy viên Ban Thường vụ kiêm Trưởng các Ban đảng của Thành ủy TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh;

q) Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy là người dân tộc thiểu số.

2. Công chức được bổ nhiệm chức danh Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

* Đối tượng không áp dụng: Nghị định này không áp dụng đối với các đối tượng sau:

a) Cán bộ giữ chức vụ từ bộ trưởng hoặc tương đương trở lên;

b) Cán bộ, công chức quy định tại khoản 1 nêu trên là Ủy viên Trung ương Đảng;

c) Trợ lý, thư ký của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Phó Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội.

Việc nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với các trường hợp này thực hiện theo quy định của cơ quan có thẩm quyền của Đảng.

* Bảo đảm tuổi nghỉ hưu không vượt quá 65 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ: Nghị định quy định rõ nguyên tắc thực hiện nghỉ hưu ở độ tuổi cao hơn là phải bảo đảm khách quan, công bằng, công khai và đúng quy định.

Cơ quan có thẩm quyền quyết định nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với cán bộ, công chức theo quy định tại Nghị định này nhưng phải bảo đảm tuổi nghỉ hưu không vượt quá 65 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ: Cán bộ, công chức quy định tại khoản 1 ở trên khi được cơ quan có thẩm quyền quyết định nghỉ hưu ở tuổi cao hơn vẫn tiếp tục giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.

Trong thời gian thực hiện chính sách nghỉ hưu ở tuổi cao hơn, nếu cán bộ, công chức có nguyện vọng nghỉ làm việc thì được giải quyết chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật.

* Thời gian công tác khi nghỉ hưu ở tuổi cao hơn: Đối với cán bộ, công chức quy định tại khoản 1, thời gian công tác khi nghỉ hưu ở tuổi cao hơn không vượt quá 60 tuổi.

Đối với các trường hợp quy định tại khoản 2, thời gian công tác khi nghỉ hưu ở tuổi cao hơn không quá 65 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 20/10/2022 và thay thế Nghị định số 53/2015/NĐ-CP ngày 29/5/2015 của Chính phủ quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với cán bộ, công chức và Nghị định số 104/2020/NĐ-CP ngày 4/9/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 53/2015/NĐ-CP ngày 29/5/2015 của Chính phủ quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với cán bộ, công chức.

Mộc Hương