Đăng ký cho con học tiếng Anh liên kết vì sợ con phải "lang thang"?
Trong văn bản thỏa thuận về các khoản thu chi trong trường Tiểu học Tân Định năm học 2023-2024 có mục nêu về 3 chương trình tiếng Anh liên kết để phụ huynh đăng ký. (Ảnh: PHCC) |
Có con năm nay vào lớp 1 tại trường Tiểu học Tân Định (Hoàng Mai), anh Nguyễn Văn Nam chia sẻ, trong năm học này, cô giáo cho phụ huynh đăng ký 3 loại tiếng Anh câu lạc bộ cho bé gồm tiếng Anh BME Kids; Tiếng Anh Toán và tiếng Anh khoa học STEAM (của Công ty cổ phần giáo dục GMaths).
“Khi họp phụ huynh, cô giáo nói rằng nếu con nào không đăng ký học tiếng Anh của trung tâm, giờ đó các con sẽ xuống thư viện ngồi đọc sách. Vì vậy, tôi cho rằng tâm lý của bố mẹ là sẽ đăng ký hết cho các con”, vị phụ huynh cho hay.
Một vị phụ huynh khác có con học lớp 1 tại trường Tiểu học Tân Định chia sẻ với phóng viên rằng, bản thân vị phụ huynh này cũng đang là giáo viên trong ngành giáo dục. Vị phụ huynh thật thà cho biết, nhiều người thực sự không muốn cho con học thêm chương trình tiếng Anh của trung tâm, nhưng nếu như vậy thì con sẽ phải “lang thang”.
Trường Tiểu học Tân Định. (Ảnh: NP) |
“Con nhà tôi đã học tiếng Anh từ khi mầm non và cũng đã có nền tảng. Học ở trung tâm bên ngoài, phụ huynh có quyền lựa chọn trung tâm tốt, chất lượng để học. Còn trong nhà trường, không có sự lựa chọn nào hết. Quan trọng, học xong hiệu quả đến đâu, đánh giá thế nào đều mù mờ. Chưa kể, nhiều cháu vào lớp 1 chưa biết hết chữ cái. Học tiếng Việt lớp 1 cũng đã rất nặng rồi. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh cũng không còn cách nào khác để tránh cho con khỏi lang thang”, vị phụ huynh chia sẻ.
Biết vị phụ huynh trên làm trong ngành giáo dục, phóng viên cũng đặt câu hỏi tại sao các trường "nhiệt tình" liên kết với các công ty tổ chức các chương trình tiếng Anh đến vậy dù năm nào cũng đầy ì xèo.
“Nhà trường chắc chắn phải có lợi ích gì đó, họ mới tổ chức học chương trình tiếng Anh liên kết chứ”, phụ huynh nói.
Có con đang học lớp 4 tại trường Tiểu học Tân Định, anh T.V.S cho biết, việc học tiếng Anh cũng như các ngoại ngữ khác đòi hỏi sự đam mê của người học. Với những gia đình có điều kiện về kinh tế sẽ cho các con đi học tiếng Anh từ lứa tuổi mầm non và khi sang cấp tiểu học, con sẽ bắt nhịp tốt với tiếng Anh.
Tuy nhiên, vào tiểu học, các con đã học chương trình tiếng Anh của Bộ Giáo dục và Đào tạo. "Đẻ thêm" các chương trình tiếng Anh liên kết là chồng chéo.
"Các chương trình liên kết là thỏa thuận và tự nguyện. Mức thu của các trường căn cứ vào đâu, không ai rõ? Là phụ huynh, tôi mong rằng các trường học đừng biến con em chúng tôi thành "tệp khách hàng" cho đủ loại dịch vụ thu tiền. Bởi chuyện tự nguyện ở trường công như thế nào cũng không ai lạ gì nữa cả", anh S. bức xúc nói.
Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân quận Hoàng Mai chỉ đạo, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo vẫn "im lặng"
Để làm rõ các cơ sở pháp lý của việc triển khai liên kết với các công ty giảng dạy tiếng Anh BME Kids; Tiếng Anh Toán và tiếng Anh khoa học STEAM (của Công ty cổ phần giáo dục GMaths), phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã đến trường Tiểu học Tân Định gửi Giấy giới thiệu kèm nội dung câu hỏi. Theo đề nghị của nhân viên trong trường, phóng viên đã gặp trực tiếp Hiệu trưởng Trần Thị Bích Liên và gửi nội dung làm việc vào ngày 12/9 nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi.
Về nội dung trên, ngày 12/9, phóng viên cũng đã gửi Giấy giới thiệu kèm câu hỏi lên Ủy ban Nhân dân quận Hoàng Mai theo đề nghị từ phía văn phòng của Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàng Mai.
Ngày 20/9, cán bộ văn phòng Ủy ban Nhân dân quận Hoàng Mai gọi điện cho phóng viên thông báo, lãnh đạo quận đã có chỉ đạo Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo là bà Phạm Đàm Thục Hạnh liên hệ trả lời báo.
Tuy nhiên, khi phóng viên phản hồi rằng, bản thân chưa nhận được cuộc gọi nào từ phía bà Hạnh, vị cán bộ đã đọc số điện thoại của bà Hạnh để phóng viên liên hệ.
Phóng viên đã gọi và nhắn tin tới Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Phạm Đàm Thục Hạnh nhưng cũng không nhận được phản hồi.
Trong bài phỏng vấn đăng tải và ngày 28/9 trên Báo Giáo dục và Thời đại, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học cho biết: "Để quản lý hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa, tăng cường theo nhu cầu người học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành các văn bản để địa phương tổ chức thực hiện theo thẩm quyền quy định. Trong đó có Thông tư 04/2014/TT-BGDĐT ngày 28/2/2014 về ban hành Quy định quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa; Thông tư 21/2018/TT-BGDĐT ngày 24/8/2018 về ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm ngoại ngữ tin học...
Chính phủ cũng ban hành Nghị định số 24/2021/NĐ-CP ngày 23/3/2021 về quản lý trường mầm non và trường phổ thông công lập. Tại Khoản 2, Điều 6 của Nghị định này nêu rõ: “Cơ sở giáo dục được chủ động liên kết với các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở nghiên cứu, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, tổ chức, cá nhân và gia đình học sinh để tổ chức hoạt động giáo dục phù hợp với điều kiện của địa phương theo quy định của pháp luật”.
Khoản 3 Điều 7 Nghị định số 24 cũng quy định: Mức thu các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí đáp ứng nhu cầu người học của cơ sở giáo dục được thực hiện theo nghị quyết của HĐND cấp tỉnh trên cơ sở đề nghị của UBND phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương...". [1]
Tài liệu tham khảo:
1/ https://giaoducthoidai.vn/chan-chinh-day-lien-ket-trong-truong-hoc-post655687.html