Thái Nguyên: Thu nhập của giáo viên thấp hơn cả lương bảo vệ

20/12/2011 14:40
Theo Lao Động

Nhiều năm đứng trên bục dạy học, nhưng thu nhập của giáo viên (GV) thậm chí còn thấp hơn cả vị trí bảo vệ nhà trường.

Đó là thực tế đang diễn ra tại huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên.

12 năm đứng lớp, vẫn phải “sống nhờ” gia đình
Chị Nguyễn Thị Hạnh (SN 1977) tốt nghiệp Trường CĐ Sư phạm Thái Nguyên được điều động về làm GV tiểu học tại Trường TH Kim Phượng từ năm 1997 với mức tiền công 290.000 đồng/tháng. Sau đó, chị Hạnh được Phòng GDĐT điều động đi dạy tại nhiều trường khác nhau. 
Năm học 2009 - 2010 chị được đóng BHXH trong thời gian vẻn vẹn 5 tháng và tiếp tục “trường kỳ” gắn bó với loại hợp đồng ngắn hạn hai tháng ký lại một lần. Sau hơn 12 năm đứng lớp, hiện mức tiền công chị nhận được hằng tháng đã tăng hơn ba lần, đạt mức 1.000.000 đồng/tháng. Chị Hạnh chua xót nói: “Với mức thu nhập bình quân 30.000 đồng/ngày, quả thật tôi vẫn phải sống nhờ vào chồng, vào gia đình”. 
Còn anh Mai Hoàng Hiệp, dân tộc Tày - GV dạy Toán theo dạng hợp đồng được hơn 7 năm nhưng đã 8 lần được thuyên chuyển qua các trường khác nhau. Mức tiền công anh Hiệp nhận từ Phòng GDĐT hiện nay là 1.000.000 đồng/tháng.
Những giáo viên biên chế ở Định Hoá, Thái Nguyên.
Những giáo viên biên chế ở Định Hoá, Thái Nguyên.
Anh Hiệp cho biết: “Sau khi trừ đi các khoản đóng BHXH, BHYT đóng từ tháng 3.2011 mức thực lĩnh của tôi chỉ còn hơn 900.000 đồng/tháng. Nhiều khi ngẫm cũng đau lòng, đứng trên bục giảng chừng đấy năm nhưng hiện mức thu nhập của tôi vẫn thấp hơn bác bảo vệ của trường”.
Còn hơn 30 trường hợp GV dạy các cấp học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở ở Định Hóa cũng rơi vào hoàn cảnh “triền miên” hợp đồng ngắn hạn. Người ít thì 3 - 5 năm, người nhiều đã có đến chục năm gắn bó với giáo dục tại huyện miền núi Định Hóa nhưng thu nhập vẫn vô cùng bấp bênh. Các GV hợp đồng ngắn hạn đã có đơn đề nghị gửi đến các cơ quan chức năng nhằm xem xét lại cơ chế tuyển dụng viên chức, công chức theo QĐ 14/2008/QĐ-UBND.  
Dạy giỏi cũng trượt… biên chế
Theo Quyết định 14/2008/QĐ-UBND tỉnh Thái Nguyên thì cơ chế xét tuyển được thực hiện trên cơ sở: Điểm kết quả học tập trung bình toàn khóa (được quy đổi theo thang điểm 100) nhân hệ số 2. Bên cạnh đó, cơ quan xét tuyển không được tự thêm bất cứ loại điểm nào khác. Tuy nhiên điều bất cập là khi xét tuyển số GV đã hợp đồng lâu năm, trong đó có cả những người đã được đóng BHXH đa số có điểm trung bình toàn khóa thấp hơn số GV ra trường sau này. Do đó, những GV lâu năm này lại không được trúng tuyển. 
Điều chua xót ở đây là những năm trước, trong điều kiện của một huyện miền núi khó khăn, nhiều GV đã không ngại khó, ngại khổ để đứng lớp và gắn bó với cơ sở, địa bàn. Họ vừa đứng lớp, vừa học tập nâng cao trình độ, nhiều thầy cô đã có công mở lớp, nhất là ở cấp học mầm non. Thế nhưng với những quy định cứng nhắc này, họ vô tình bị đẩy ra rìa “cơ chế” và những quy định đã trở thành rào cản bất công đối với những người có năng lực, cống hiến lâu năm cho giáo dục huyện Định Hóa. 
Ông Thái Văn Cương - Trưởng phòng GDĐT huyện Định Hóa cho biết: “Phòng đã nhận được đơn của các GV hợp đồng tại các trường đề nghị có chế độ ưu tiên trong xét tuyển viên chức năm 2011. Phòng cũng đã có công văn gửi UBND huyện xem xét giải quyết thỏa đáng”. 
Trong số này, theo ông Cương, nhiều GV có năng lực, trình độ chuyên môn đáp ứng nhu cầu được giao, phẩm chất đạo đức tốt. Đơn cử trong những lần thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện, nhiều GV liên tục đoạt giải trong khi GV đã vào biên chế không đạt hoặc thậm chí không tham gia thi. Nhưng đến khi xét tuyển biên chế thì GV mới ra trường có bảng điểm đẹp vẫn “ăn đứt” người dạy giỏi, có kinh nghiệm lâu năm. 
Ông Ma Đình Đối - Chủ tịch UBND huyện Định Hóa cho rằng: “Huyện rất muốn tuyển GV là con em của huyện đã gắn bó với giáo dục Định Hóa lâu năm, nhưng cơ chế tuyển dụng bó buộc nên chưa thể thực hiện được”. 
Có thật do cơ chế hay do tư duy bó buộc khiến hàng chục GV hợp đồng ngắn hạn hết năm này qua năm khác chưa tìm được lối mở?
Theo Lao Động