Thành phố Hồ Chí Minh công bố cấu trúc đề thi tuyển sinh vào lớp 10

15/02/2023 11:39
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Về cơ bản, cấu trúc đề thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2023 tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ không có gì thay đổi.

Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh vừa công bố cấu trúc đề thi tuyển sinh các môn Ngữ văn, Toán và tiếng Anh của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2023.

Theo đó, ở môn Toán sẽ bao gồm yêu cầu 70% là nhận biết, 30% còn lại là vận dụng, vận dụng cao.

Về cơ bản, đề thi sẽ vẫn giữ tính ổn định như kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2022. Đề thi sẽ bao gồm 8 câu, trong đó 7 câu là các kiến thức cơ bản và 1 câu hình học phẳng. Thời gian làm bài là 120 phút.

Câu 1,2 sẽ là vẽ đồ thị, định lý Viet, điều kiện có nghiệm của phương trình. Từ câu số 3 đến 7 sẽ là các yêu cầu vận dụng kiến thức đã học để giải các bài toán trong thực tế. Câu số 8 sẽ là hình học phẳng, bao gồm 3 bài toán trong đó có 1 bài mang tính phân hóa cao.

Thí sinh sau khi hoàn thành kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 ở Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh minh họa: P.L)

Thí sinh sau khi hoàn thành kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 ở Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh minh họa: P.L)

Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh lưu ý, học sinh có thể gặp khó khăn khi giải quyết các bài toán trong thực tế, nên trong quá trình học cần nắm chắc các kiến thức về Toán học và rèn luyện thêm các kiến thức trong thực tế.

Môn tiếng Anh: Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay sẽ chủ yếu vẫn nằm trong kiến thức sách giáo khoa, chủ yếu là của lớp 9.

Đề thi sẽ có tính phân hóa để thực hiện việc phân luồng học sinh. Các kiến thức, chủ đề, chủ điểm trong đề thi sẽ quen thuộc với học sinh vì nằm trong kiến thức đã học.

Đề thi tiếng Anh sẽ bao gồm 40 câu hỏi, mỗi câu được chấm 0,25 điểm. Các câu hỏi nâng cao sẽ chiếm từ 10 đến 15% nội dung đề thi. Các câu hỏi có tính phân hóa sẽ thể hiện ở phần đọc hiểu và viết lại câu.

Phần ngữ pháp của đề thi sẽ nhẹ nhàng, tập trung vào từ vựng, hướng tới kiểm tra kỹ năng làm bài của học sinh.

Môn Ngữ văn: Đề thi sẽ gồm 3 phần gồm Đọc hiểu (3 điểm), Nghị luận xã hội (3 điểm), Nghị luận văn học (4 điểm) và thời gian làm bài là 120 phút.

Phần Đọc hiểu: Văn bản được chọn có thể là Văn bản nghị luận, văn bản thông tin, văn bản khoa học, văn bản văn học. Câu hỏi sẽ được tổ chức từ mức độ tư duy dễ đến khó, mức độ nhận biết, thông hiểu đến phân tích, suy luận, đánh giá và vận dụng.

Phần Nghị luận xã hội: Yêu cầu học sinh viết bài văn khoảng 500 chữ về vấn đề nghị luận. Học sinh cần đảm bảo đúng cấu trúc của một bài nghị luận.

Phần Nghị luận văn học: Học sinh sẽ chọn 1 trong 2 đề thi.

Đề 1 là phân tích tác phẩm thuộc một chủ đề cho trước, còn đề 2 là yêu cầu học sinh sử dụng kiến thức, sự trải nghiệm của mình trong quá trình đọc để giải quyết được một tình huống cho trước.

Việt Dũng