Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất có cơ chế chính sách cho giáo viên dạy 2 buổi/ngày

27/03/2023 09:26
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN - Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì làm việc với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Sáng ngày 27/3, Đoàn giám sát của Quốc hội khóa XV đã có buổi làm việc với lãnh đạo của Thành ủy, Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Đến tham dự và chủ trì buổi làm việc có ông Trần Thanh Mẫn – Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội. Cùng dự còn có ông Đỗ Văn Chiến – Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; ông Nguyễn Đắc Vinh – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội và lãnh đạo các Bộ, ban ngành ở trung ương.

Về phía lãnh đạo Thành ủy, Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có ông Nguyễn Văn Nên – Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Thị Lệ - Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều lãnh đạo các Sở, ban ngành của Thành phố Hồ Chí Minh.

Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trí buổi làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: P.L)

Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trí buổi làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: P.L)

Báo cáo do ông Dương Anh Đức – Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, chương trình giáo dục phổ thông 2018 phù hợp với điều kiện cụ thể của nhà trường, tính phù hợp với khả năng tiếp thu của các đối tượng học sinh tại Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ quy định chuẩn đầu ra, yêu cầu cần đạt, sách giáo khoa không biên soạn theo tiết như trước đây, mà chỉ biên soạn theo chủ đề, mạch kiến thức, giáo viên và nhà trường nghiên cứu chương trình, sách giáo khoa, đặc điểm của học sinh tại trường của mình để xây dựng kế hoạch dạy học cụ thể, phù hợp với đối tượng.

Các cơ sở giáo dục đã tổ chức dạy học linh hoạt theo Khung kế hoạch thời gian năm học hàng năm theo Quyết định mà Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ủy ban nhân dân thành phố ban hành.

Từ chỉ đạo của thành phố, các cơ sở giáo dục được chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể, phù hợp với tình hình thực tiễn của đơn vị, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường.

Thành phố cũng được Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm tra, đánh giá đã thực hiện đảm bảo các yêu cầu, nhiệm vụ năm học thích ứng an toàn với công tác phòng chống dịch.

Ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu (ảnh: P.L)

Ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu (ảnh: P.L)

Về sách giáo khoa của chương trình mới, lãnh đạo thành phố đánh giá nội dung phù hợp với mục tiêu, yêu cầu của chương trình mới, phù hợp với đối tượng học sinh trong nhà trường, được viết theo hướng mở, tạo điều kiện cho giáo viên sử dụng và tổ chức dạy học linh hoạt, đặc biệt là hệ thống bài tập.

Sách giáo khoa bảo đảm các yêu cầu về tính mỹ thuật, kỹ thuật trình bày, kênh hình, kênh chữ tạo được lôi cuốn học sinh, nội dung từ cuộc sống thực tế, nên gần gũi, dễ hiểu, dễ tiếp thu.

Giá sách giáo khoa mới, về cơ bản là phù hợp với điều kiện của kinh tế, xã hội của địa phương, mức sống của người dân.

Đối với học sinh có hoàn cảnh khó khăn, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục huy động nhiều nguồn lực, nhất là các nguồn xã hội hóa để mua sách giáo khoa trang bị cho thư viện để học sinh mượn sử dụng, tặng sách cho học sinh.

Về tài liệu giáo dục địa phương: Nội dung giáo dục địa phương là thành phần của chương trình mới, tuân thủ các quy định nêu trong chương trình tổng thể, đồng thời chú ý đến đặc điểm tự nhiên, kinh tế - xã hội, văn hóa, dân cư của thành phố. Nội dung được thiết kế theo hướng mở, linh hoạt để có thể điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện của các đơn vị khác nhau, phù hợp với khả năng của giáo viên, các nhóm đối tượng khác nhau, thực tiễn dạy học ở nhà trường, song vẫn bảo đảm trình độ chung của giáo dục phổ thông trên cả nước.

Từ đó, Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất với Quốc hội, Chính phủ: Sớm xây dựng cơ chế, chính sách cho giáo viên dạy 2 buổi/ngày, cho phép nhà trường được hợp đồng với các vị trí việc làm không tuyển dụng được (còn trong chỉ tiêu định biên), ngân sách cấp bù để chi trả lương cho đối tượng này khi thực hiện quy định không thu tiền học phí buổi thứ 2 đối với học sinh học chương trình giáo dục phổ thông mới.

Với Chính phủ: Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất là chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Bộ có liên quan có văn bản – hướng dẫn liên Bộ về việc ngân sách Nhà nước đảm bảo kinh phí, bổ sung kinh phí cho công tác tập huấn, bồi dưỡng chương trình mới, để Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố có căn cứ đề xuất thành phố Thủ Đức, các quận huyện cấp bổ sung kinh phí, dự toán kinh phí cho các cơ sở giáo dục thực hiện.

Cần có cơ chế tài chính riêng cho công tác đào tạo bồi dưỡng đội ngũ viên chức ngành giáo dục và đào tạo thành phố.

Chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ điều chỉnh vị trí việc làm trong trường phổ thông, cụ thể là bổ sung vị trí việc làm đối với giáo viên hai môn tiếng Anh, Tin học, đồng thời có văn bản hướng dẫn về tuyển dụng, xây dựng cơ chế, chế độ riêng cho giáo viên hai môn này để thu hút, giữ chân đội ngũ này gắn bó với giáo dục tiểu học.

Có thêm các chính sách ưu đãi, cụ thể là đất đai và thủ tục hành chính để huy động thêm nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách nhà nước, phát triển mạng lưới trường học được trang bị cơ sở vật chất để đảm bảo điều kiện chương trình mới.

Việt Dũng