Thiếu nhân sự, Thanh tra Sở GD khó bố trí người giám sát các Đoàn thanh tra

02/10/2022 06:40
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- 85% đồi núi, đi bộ qua sông; chưa có căn cứ pháp lý thanh toán chế độ bồi dưỡng cho cộng tác viên thanh tra đang gây cản trở công tác thanh tra giáo dục.

Thông qua hoạt động thanh tra, ngành giáo dục và đào tạo đã phát hiện và kịp thời chấn chỉnh những sai phạm tại các đơn vị. Tuy nhiên, thực tế triển khai công tác thanh, kiểm tra của Sở Giáo dục và Đào tạo còn gặp nhiều vướng mắc, bất cập chưa thể tháo gỡ.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Huy Huynh - Chánh Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La chỉ ra những kết quả, khó khăn trong thực hiện công tác thanh, kiểm tra, đồng thời đưa ra một số đề xuất, kiến nghị nâng cao chất lượng hoạt động công tác thanh tra giáo dục trong thời gian tới.

Đôn đốc tự kiểm tra, kiểm tra nội bộ và thực hiện các kết luận thanh tra

Theo Chánh Thanh tra Nguyễn Huy Huynh, những năm qua, Đảng uỷ Sở và lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La đã chỉ đạo Thanh tra Sở tham mưu xây dựng kế hoạch thanh tra theo từng năm học và tổ chức triển khai thực hiện theo kế hoạch sau khi đã được phê duyệt. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục triển khai công tác tự kiểm tra, kiểm tra nội bộ và thực hiện các kết luận, kiến nghị của các cấp có thẩm quyền.

Tiết học của thầy và trò một trường trung học phổ thông ở tỉnh Sơn La. (Ảnh: website Nhà trường).

Tiết học của thầy và trò một trường trung học phổ thông ở tỉnh Sơn La. (Ảnh: website Nhà trường).

“Việc xây dựng chương trình, kế hoạch thanh tra của Sở đã bám sát các văn bản hướng dẫn của Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ và điều chỉnh bổ sung của Thanh tra tỉnh. Do đặc thù của ngành nên việc xây dựng kế hoạch thanh tra của Sở được thực hiện theo nhiệm vụ năm học”, Chánh Thanh tra Sở cho biết.

Cụ thể, trong năm học 2021-2022, Thanh tra Sở đã xây dựng kế hoạch thanh tra, trình Giám đốc Sở ban hành Quyết định phê duyệt (Quyết định số 864/QĐ-SGDĐT ngày 20/9/2021 và Quyết định số 900/QĐ-SGDĐT ngày 16/9/2022).

Nội dung thanh tra năm học 2021-2022 tập trung vào công tác triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng. Tăng cường thanh tra, kiểm tra các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục, vấn đề dễ gây bức xúc trong dư luận như: học, dạy thêm, thu, chi nguồn kinh phí, thực hiện chế độ chính sách, tuyển sinh đầu cấp... Trong quá trình xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch đảm bảo đúng tiến độ thời gian và chất lượng.

“Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thanh tra, Sở đã chú trọng công tác tổ chức thực hiện các kết luận thanh tra, giao cho Thanh tra Sở thực hiện theo dõi, đôn đốc đơn vị có liên quan thực hiện kết luận, kiến nghị được nêu trong kết luận thanh tra, tham mưu cho Giám đốc Sở ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị thực hiện đúng quy định. Sau các cuộc thanh tra, các cơ sở giáo dục khắc phục hạn chế, khuyết điểm tại kết luận thanh tra, có báo cáo kết quả gửi về Sở”, ông Nguyễn Huy Huynh chia sẻ.

Tổng kết trong năm học 2021-2022, theo kế hoạch ban đầu tổ chức 10 cuộc thanh tra. Song, do thanh tra đột xuất 01 cuộc nên tổng là 11 cuộc. Trong đó, có 04 cuộc thanh tra hành chính và 07 cuộc thành chuyên ngành.

Xử lý vi phạm kinh tế 89,5 triệu đồng và xử lý trách nhiệm người đứng đầu

Tổng hợp kết quả thanh tra đã phát hiện những hạn chế bất cập trong công tác quản lý, thực hiện chuyên môn cũng như thiếu sót trong công tác kiểm tra nội bộ của đơn vị năm học trước.

Trong đó, tiến hành thu hồi trả lại ngân sách nhà nước và học sinh số tiền đã thu và chi sai quy định tổng 89,5 triệu đồng.

“Đến nay, các đơn vị vi phạm đã thực hiện xong việc thu hồi theo kiến nghị tại kết luận thanh tra”, ông Nguyễn Huy Huynh thông tin.

Những năm qua, công tác thanh tra giúp lãnh đạo Sở và thủ trưởng các cơ sở giáo dục trực thuộc chấn chỉnh công tác quản lý, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa sai phạm. Đồng thời, công tác thanh tra còn phát hiện những cán bộ, tập thể là tấm gương tốt, điển hình tiên tiến, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của các cấp học, ngành học.

Cũng theo Chánh Thanh tra, công tác sau thanh tra cũng được chỉ đạo sâu sát nhằm nâng cao hiệu quả thanh tra.

“Các cuộc thanh tra, kiểm tra được tiến hành và ban hành kết luận thanh tra, công khai kết luận thanh tra, thông báo kết quả kiểm tra đảm bảo đúng quy định. Thực tế, sau thanh tra, các đơn vị đã tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc đối với tập thể, cá nhân khi để xảy ra khuyết điểm, sai phạm, xây dựng kế hoạch phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, hạn chế”, Chánh Thanh tra Sở chia sẻ.

Đội ngũ thanh tra là nhân tố quyết định hiệu quả công tác thanh, kiểm tra

Một trong những yếu tố quyết định tính minh bạch của công tác thanh tra đó là đội ngũ thanh tra. Theo chia sẻ của Chánh Thanh tra Sở cho thấy, những năm qua, đội ngũ Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo được kiện toàn, củng cố với số lượng biên chế được giao là 08 người.

Hiện nay, đội ngũ Thanh tra Sở mới chỉ có 06 công chức, trong đó có 04 công chức đã được bồi dưỡng nghiệp vụ và chuyển ngạch thanh tra viên, 01 thanh tra viên chuyển trách về công tác pháp chế.

Bàn về đội ngũ thanh tra, Chánh Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Huy Huynh nhận định: “So với quy định thì tổ chức bộ máy Thanh tra Sở hiện tại đủ về số lượng và đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao. Điểm nổi bật là đội ngũ thanh tra thể hiện thái độ nhiệt tình, chủ động trong công việc, ham học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ”.

Nhấn mạnh vào vai trò của đội ngũ cộng tác viên thanh tra trong việc nâng cao chất lượng công tác thanh, kiểm tra của Sở, Chánh Thanh tra Sở cho hay, trong năm học 2021-2022, Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo chủ trương tiếp tục xây dựng, bổ nhiệm, bổ sung “làm giàu” đội ngũ cộng tác viên thanh tra theo đúng quy định pháp luật.

Nhằm thực hiện hóa chủ trương trên, Sở phối hợp với Học viện Quản lý Giáo dục tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho cộng tác viên thanh tra theo Thông tư 24/2016/TT-BGDĐT ngày 14/11/2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, về Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ cộng tác viên thanh tra giáo dục. Dự kiến, lớp bồi dưỡng cho khoảng 80 người tham gia trong tháng 10/2022.

Từ quy định đến thực tế triển khai còn nhiều bất cập

Bên cạnh những thuận lợi, Chánh Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La cũng chỉ ra tồn đọng, bất cập trong thực tế triển khai công tác thanh, kiểm tra, hoạt động giám sát thanh tra. Đồng thời, kiến nghị, đề xuất các giải pháp nhằm phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của công tác thanh, kiểm tra trong thời gian tới.

Thứ nhất, điều kiện địa lý, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ làm hạn chế hoạt động thanh tra, kiểm tra

Theo chia sẻ của Chánh Thanh tra, địa hình tỉnh Sơn La rộng, chia cắt sâu và mạnh, vùng đồi núi chiếm trên 85% diện tích tự nhiên toàn tỉnh, điều kiện địa lý, cơ sở vật chất hạn chế, dân cư trên địa bàn tỉnh thưa thớt, sống rải rác, cơ sở hạ tầng giao thông chưa được nâng cấp đồng bộ nên việc di chuyển đến các đơn vị rất khó khăn.

Cá biệt, có cuộc thanh tra, kiểm tra, cán bộ thanh tra phải đi bộ hoặc vượt qua sông, lội qua suối mới đến được đơn vị cần thanh tra, kiểm tra nên việc tiến hành thanh, kiểm tra, xác minh trực tiếp tại cơ sở rất hạn chế.

Thứ hai, đội ngũ cộng tác viên thanh tra mỏng nên cần phải bồi dưỡng năng lực chuyên môn

Theo Chánh Thanh tra Sở, đội ngũ cộng tác viên thanh tra hiện còn thiếu và cần tiếp tục được bồi dưỡng để nâng cao năng lực, đáp ứng yêu cầu theo quy định.

Ngoài ra, khó khăn còn đến từ việc chưa có căn cứ pháp lý để thanh toán chế độ bồi dưỡng cho cộng tác viên thanh tra.

Thứ ba, khó thực hiện quy định giám sát Đoàn thanh tra hoặc cử người giám sát

Song song tiến hành công tác thanh, kiểm tra là hoạt động giám sát Đoàn thanh tra. Qua phân tích của ông Nguyễn Huy Huynh đã chỉ ra, trình tự, thủ tục tiến hành các cuộc thanh tra từ khâu chuẩn bị, tiến hành thanh tra đến khâu kết thúc thanh tra được thực hiện theo đúng quy định tại Thông tư số 06/2021/TT-TTCP ngày 01/10/2021 của Thanh tra Chính phủ, Quy định về tổ chức, hoạt động của Đoàn thanh tra và trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra.

Bàn về quy định sau khi thành lập Đoàn thanh tra, người ra quyết định thanh tra phải giám sát Đoàn thanh tra hoặc cử người giám sát tại Thông tư số 06/2021/TT-TTCP, ông Huynh cho biết, thực tế việc áp dụng quy định này của Thanh tra Sở khó triển khai.

Chiếu theo quy định và do tính chất công việc, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo giao bộ phận Thanh tra Sở tham mưu, phân công lãnh đạo Sở hoặc cử 01 công chức thanh tra thực hiện nhiệm vụ giám sát. Tuy nhiên, trong thực tế, việc cử công chức Thanh tra Sở thực hiện nhiệm vụ giám sát gặp nhiều khó khăn do lực lượng Thanh tra Sở trong cùng thời điểm phải tổ chức nhiều Đoàn thanh tra và tham gia các Đoàn thanh tra liên ngành của tỉnh. Điều này dẫn đến tình trạng không có đội ngũ để bố trí người giám sát các Đoàn thanh tra.

Hơn nữa, việc để công chức Thanh tra Sở thực hiện giám sát hoạt động thanh tra của Trưởng Đoàn thanh tra (Chánh Thanh tra hoặc Phó Chánh Thanh tra) cũng phần nào làm hạn chế nguyên tắc thực hiện nhiệm vụ độc lập của đội ngũ giám sát với Đoàn thanh tra.

Trước những vướng mắc chưa thể tháo gỡ, Chánh Thanh tra Sở nêu kiến nghị, đề xuất nhằm mục đích củng cố, phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của công tác thanh, kiểm tra trong thời gian tới.

Một là, sớm ban hành quy định chính sách, chế độ hỗ trợ cho đội ngũ cộng tác viên thanh tra.

Cộng tác viên thanh tra là lực lượng quan trọng, góp phần bổ sung vào đội ngũ Thanh tra Sở, nhất là những cộng tác viên ở ngay tại cơ sở, đơn vị trường học. Do vậy, cần có chế độ bồi dưỡng cho đội ngũ cộng tác viên thanh tra để khuyến khích, động viên họ tham gia làm tốt trách nhiệm, vai trò của thanh tra viên.

Hai là, đổi mới hình thức tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra.

Hoạt động thanh tra, kiểm tra của Sở Giáo dục và Đào tạo cần có cách làm đổi mới, hình thức sáng tạo, linh hoạt và phù hợp với thực tiễn của từng ngành, địa phương. Song, đổi mới hình thức tổ chức không có nghĩa là thay đổi quy tắc, quy định hoạt động công tác thanh, kiểm tra. Mà điều kiện tiên quyết là đổi mới cách làm, hình thức thể hiện trên tinh thần đảm bảo nguồn lực để thực thi các yêu cầu của kế hoạch, chương trình thanh tra, kiểm tra được phê duyệt hàng năm.

Ba là, tăng cường và thường xuyên kiểm tra đội ngũ công chức thanh tra

Đội ngũ công chức thanh tra có vai trò trực tiếp từ việc tham mưu, tổ chức và tổng hợp báo cáo thanh, kiểm tra. Do vậy, chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra liên quan mật thiết đến vai trò, trách nhiệm của đội ngũ thanh tra.

Để đảm bảo nguyên tắc trung thực, khách quan trong công tác thanh, kiểm tra, Đảng ủy, tập thể lãnh đạo Sở cần thường xuyên và tăng cường kiểm tra công chức được cử thực hiện nhiệm vụ giám sát hoạt động thanh tra. Làm tốt nhiệm vụ này cũng chính là góp phần đảm bảo tính độc lập của công chức thực hiện nhiệm vụ giám sát đối với Đoàn thanh tra.

Có thể thấy, qua những chia sẻ của Chánh Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La, thiết nghĩ, để tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra giáo dục, từ đó đổi mới quản lý giáo dục nói riêng và đổi mới căn bản, toàn diện ngành giáo dục và đào tạo nói chung cần có sự chỉ đạo vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là ngành giáo dục.

Về phía Thanh tra Sở, có thể tập trung vào các nhiệm vụ tuyên truyền vị trí, vai trò, hiệu quả công tác thanh tra. Chú trọng kiện toàn cơ cấu tổ chức, nhân sự đảm bảo số lượng, chất lượng đội ngũ thanh tra. Trong đó, phân chia nhiệm vụ gắn với quyền hạn rõ ràng cho cán bộ thanh tra như có Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra, cán bộ thanh tra phụ trách các lĩnh vực cụ thể (giáo dục phổ thông, mầm non, đại học; tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng), cán bộ phụ trách theo dõi xử lý sau thanh tra.

Hàng năm, việc xây dựng kế hoạch thanh tra phải có trọng tâm, trọng điểm, thanh tra đột xuất nếu cần thiết. Kết luận thanh tra rõ ràng, công khai và xử lý nghiêm vi phạm nhằm tạo tính lan truyền, tác động mạnh mẽ trong và ngoài đơn vị giáo dục.

Thực tế hiện nay, tham gia vào đội ngũ thanh tra là những giáo viên, cán bộ làm việc tại các đơn vị, cơ sở giáo dục thì là sẽ nắm bắt tình hình triển khai nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng hơn. Đặc biệt, những cơ sở giáo dục ở địa bàn vùng cao, giao thông đi lại hạn chế thì lực lượng cộng tác viên thanh tra tại chỗ (tại đơn vị trường học) lại càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng hỗ trợ Thanh tra Sở tiến hành thanh, kiểm tra.

Tuy nhiên, bản chất những cộng tác viên này chưa được đào tạo, bồi dưỡng đúng quy định nên tính chuyên nghiệp, năng lực chưa thực sự đáp ứng yêu cầu. Chưa kể, là người trực tiếp công tác tại đơn vị, nên nếu bản thân cộng tác viên thanh tra không trung thực, liêm chính và khách quan thì sẽ tạo cơ hội tiếp tay cho những vi phạm trong giáo dục từ vừa phải đến phức tạp xảy ra. Khi đó, việc lựa chọn, bồi dưỡng nâng cao tay nghề hoạt động thanh tra, kiểm tra cho đội ngũ cộng tác viên cần được quan tâm tổ chức chặt chẽ, nghiêm túc và kịp thời.

Và muốn làm được như vậy thì Đoàn thanh tra, hoạt động giám sát thanh tra phải phát huy vai trò, trách nhiệm cao nhất để thanh tra, kiểm tra đạt hiệu quả, phát hiện sớm, kịp thời xử lý vi phạm, tạo tính trong sạch, nhân văn ngành giáo dục và đào tạo.

Tổng hợp báo cáo công tác thanh tra năm học 2021-2022 Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La như sau:

- Về xử lý kinh tế:

+ Bồi hoàn số tiền 9,6 triệu đồng do chi vượt định mức tại Nghị quyết 60/2017/NQ-HĐND.

+ Thu hồi và trả lại cho 934 học sinh tổng học phí đã thu thừa 01 tháng là 28,4 triệu đồng.

+ Thu hồi, trả lại Quỹ Ban đại diện cha mẹ học sinh không đúng quy định số tiền 33,3 triệu đồng.

+ Nộp trả vào tài khoản tiền dạy thêm, học thêm không đúng quy định 18,2 triệu đồng.

- Về xử lý trách nhiệm:

Thanh tra Sở yêu cầu Hiệu trưởng 02 đơn vị vi phạm xem xét, kiểm điểm trách nhiệm cá nhân thực hiện nhiệm vụ và các cá nhân có liên quan trước Hội đồng trường.

Ngọc Mai